nhan-qua-va-sam-hoi

CẨM NANG TU ĐẠO CỦA HÒA THƯỢNG QUẢNG KHÂM

NHÂN QUẢ VÀ SÁM HỐI

 1. NHÂN QUẢ

– Chỉ biết ăn uống mà không biết tu hành thì ăn nhiều vào, khó mà tiêu (nghiệp) đặng.

– Vì sao con người luân hồi? Bởi vì Thất tình (bảy thứ tình cảm hay trạng thái tâm lý), Ngũ dục quá nặng nề.

Khi bị Thất tình và Ngũ dục làm mê hoặc, thì cả ngày người ta chỉ biết truy đuổi tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, quyền vị, ăn uống, hưởng thụ và ngủ nghỉ. Phiền não cũng theo đây mà sinh, rồi từ đó tạo đủ thứ nghiệp.

– Ðừng cho rằng không có luân hồi. Có! Rất khổ!

– Khi xưa, hai ngài Hàn Sơn và Thập Ðắc (hóa thân của Bồ-tát Văn Thù và Phổ Hiền) thấy người ta đang làm lễ cưới thì vỗ tay cười lớn, nói rằng: “Bạn thấy chàng rể cưới bà ngoại của anh ta không? Xem kìa, tụi nó ăn thịt cô, dì của chúng đấy!”. Mấy người kia nghe vậy liền mắng hai Ngài rằng: “Hòa Thượng điên cuồng! Nói bậy!”, nhưng khi Ngài Hàn Sơn kêu tên một con heo thì con heo ấy chạy tới phía Ngài, liền xác nhận là có luân hồi rồi.

– Một người cứ ăn cho thật no thì đầu óc hôn trầm, cứ muốn ngủ. Hễ ngủ nhiều quá ắt sinh nhiều hệ lụy.

– Con trâu tuy làm việc cực nhọc mà nó lại không biết làm sao để thoát khổ. Làm thân trâu là nghiệp báo do kiếp trước làm quan (công chức, nhân viên nhà nước) không thanh bạch, không liêm khiết (ăn hối lộ) nên kiếp này phải trả nợ. Có một người làm quan rồi đem tiền của (kiếm được do làm việc bất chánh) trốn ra ngoại quốc. Cuối cùng y phải trả quả báo, đầu thai làm trâu ở Ðài Loan này.

“Một đời làm quan xấu,
Chín kiếp làm trâu đền nợ”

– Khi ai làm điều gì tốt, thì bạn đồng ý, tán thành với y. Song, khi làm không tốt mà bạn cũng tán thành thì tội bạn sẽ tăng lên gấp bội.

– Phải biết trân quý giấy trắng (có thể viết chữ). Hễ tờ giấy nào có viết chữ Kinh điển thì đừng vất trong thùng rác; nên đốt nó đi. Ðây cũng là một thứ đức hạnh.

– Hãy giữ gìn những chữ viết trên giấy hay trên áo; dù là một chữ nhỏ cũng phải quí giữ nó. Chữ thêu trên áo thì nên cắt ra rồi đốt đi, đừng vất vào thùng rác. Biết quý trọng chữ như vậy thì (quả báo) mới biết đọc chữ. Ðó cũng là một đức hạnh vậy!

Xưa kia, cổ nhân dạy trung, hiếu, lễ, nghĩa, liêm, sỉ; do đó sản sinh ra rất nhiều bậc Thánh. Ngày nay, không ai dạy về những đạo đức nhân nghĩa ấy nữa nên thời đại trở nên hỗn loạn. Do đó, đối với các sách Kinh, Luận dạy về đạo đức cổ xưa ấy, mình phải biết quý trọng.

– Ðồ vật tốt mà bạn không biết sử dụng cho đúng đắn, đàng hoàng (không biết giữ gìn, bảo trì), rồi làm nó hư đi thì đó là lỗi bạn. Bạn phải gánh chịu hậu quả hoặc quả báo.

– Khi xử lý, quyết định thi hành hoặc tiến hành bất kỳ công việc gì, bạn phải hết sức cẩn thận bởi vì cái gì cũng có nhân quả. Ví như những thức ăn còn ăn được mà bạn lại vất đi hoặc để cho thiu thối thì bạn phải chịu quả báo của việc làm ấy. Nhân quả thì không sai chạy mảy may, và không ai có thể chịu dùm quả báo của bạn.

Việc sanh tử của người nào thì người nấy lo. Cơm, ai ăn thì người đó no!

– Có đồ vật tốt thì chớ làm cho nó hư hỏng. (đừng cố ý làm hư, đừng lơ là, thiếu cẩn thận, thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc không chịu học hỏi phương cách đúng đắn để sử dụng hay bảo trì; cũng đừng chểnh mảng, bê bối, coi rẻ, chẳng quý trọng tài vật)

– Phật, Bồ Tát, La Hán, Trời, Người, A-Tu-La, Ðịa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, đều là do người mà ra. Hễ ai tu hành đàng hoàng thì sanh vào đường tốt; tu bê bối, phạm Ngũ Giới thì đọa lạc đường ác.

2. SÁM HỐI

– Khó được thân Người; khó được nghe Phật Pháp. Nay được thân Người, phải gắng tu hành cho đàng hoàng.

Những vị ở Trời tuy hưởng phước đức, song hễ họ khởi một ý niệm xấu thì sẽ bị đọa lạc. Ðối với chúng ta, nếu mình có phạm tội lỗi, chỉ cần thành tâm sám hối thì cũng sẽ được trong sạch như người vô tội vậy. Cõi Người là cõi tu hành tốt nhất: được nghe Phật Pháp, được biết cách làm sao để tu.

– Khi ý niệm xấu khởi lên, nếu bạn chưa nói ra và chưa làm theo nó, thì bạn có thể sám hối trong lòng, quyết không tái phạm.

– Hỏi: Khó mà giữ ý nghiệp cho thanh tịnh vì thói hư tật xấu tiêm nhiễm, tích tập từ kiếp vô thủy, nay gặp duyên xấu nên tự nhiên hiện khởi. Lúc ý niệm xấu ấy khởi lên, mình tức khắc sám hối thì có phải chịu quả báo xấu không?

Ðáp: Ý niệm ác chỉ mới nghĩ trong tâm, nếu sám hối liền thì không có quả báo xấu lại. Nếu ý niệm xấu đã thể hiện ra nơi miệng (khẩu nghiệp), hoặc mình đã thực hành nó rồi (thân nghiệp), thì sẽ phải chịu quả báo. Mỗi giây mỗi phút mình phải có tâm sám hối. Có tâm sám hối thì ý niệm lành mới khởi lên đặng.

– Nói với người tu thì phải xem căn cơ của họ ra sao rồi mới nói.

Ví như đối với kẻ có căn cơ thì mình nói: “Phạm tội lỗi rồi, bạn có thể sám hối. Tội do tâm tạo ra, vì vậy hãy thành tâm mà sám hối”. Như thế thì người kia tuy có tội lỗi, song y có thể sám hối rồi trở lại thanh tịnh, không còn tái phạm, dụng tâm tu Chánh Ðạo. Còn đối với những kẻ không có căn cơ, mình nói thế không ổn, bởi vì dạy họ như vậy, họ cho rằng cứ việc mặc tình tạo tội lỗi, rồi tâm sám hối là xong ngay! Vì thế họ vĩnh viễn không cách gì thành tâm sửa đổi lỗi lầm được, dù cho họ có sám hối mãi hoài!

– Giới luật có đặt ra trường hợp ngoại lệ, không phải phạm nguyên tắc. Bạn phải học cho kỹ để tránh hiểu lầm.

Nếu bạn vô ý phạm lỗi thì có thể sám hối. Cố ý phạm lỗi thì không thể sám hối (vô ý phạm lỗi là chỉ lúc chưa xuất gia, chưa biết Giới Luật. Cố ý phạm lỗi là chỉ sau khi đã xuất gia rồi). Sám hối một thứ tội gì đó không được vượt quá ba lần (nghĩa là không được tái phạm quá ba lần).

– Ðối với ý-nghiệp thì mình không sợ niệm ác khởi lên; chỉ sợ là mình thức tỉnh, nhận biết nó chậm mà thôi. Do đó, hễ vừa khởi ác niệm thì phải lập tức sám hối ngay.

– Một khi đã phạm lỗi, mình phải luôn nhận rằng: “Tôi làm lỗi”; rằng “Tôi xin sám hối”; rằng “Xin bạn hãy dạy tôi”. Ðừng sanh phiền não thì mới hết ngã tướng, và không có ý niệm xấu ác dấy khởi.

– Một kẻ càng tu hành bao nhiêu, càng luôn có cảm giác là y cần phải sám hối bấy nhiêu.

– Cá lớn ăn cá nhỏ. Con người cũng như cá lớn: cái gì cũng ăn, dù là thịt cọp cũng ăn luôn; vì thế nên nghiệp chướng sâu dày. Nếu không khéo thành tâm sám hối, lạy Phật cho nhiều, thì đến lúc Ðức Di Lặc hạ sinh ở cõi này (ý nói là trải qua một thời gian lâu lắm), mình cũng không có chút căn lành gì đâu.

Nếu biết tu hành, lạy Phật nhiều nhiều, cầu nguyện sám hối, rộng trồng căn lành, thì biết đâu tới lúc Ðức Di Lặc hạ sinh, mình có thể được làm đệ tử của Ngài!

(trích Cẩm Nang Tu Đạo
Hòa Thượng Quảng Khâm)

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

Diệu Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

—————————————–

Tham khảo:

Nhân quả 3 đời
– 
Hương Pháp Thân và Vô Tướng Sám Hối