* CÂU HỎI
Kính bạch Thầy_()_
Có điều con không hiểu, xin Thầy khai thị: thời đại này theo Kinh Phật thì gọi là Mạt Pháp, không biết tại sao Thầy lại không nói thẳng là mạt Pháp mà nói là Mạt tâm? Mạt là gì? Tâm tức Phật, vậy Phật cũng có mạt sao? Như vậy thì trong con người chúng ta có những 2 tâm? Như vậy thì chia năng, chia sở?
Con nhớ trong Kinh (con quên tôn Kinh) có nói: Chánh Pháp Giới luật thành tựu, Tượng Pháp Thiền định thành tựu, Mạt Pháp Tịnh độ thành tựu, nói như Thầy thì phủ nhận Kinh Phật sao?
Nam mô A Di Đà Phật _()_
* PHÚC ĐÁP
Theo con, “mạt” là gì khi chính con nói Mạt Pháp?
Diệu Pháp Phật chuyển mê khai ngộ, độ vô minh chúng sanh giác ngộ – giải thoát thì có lý chăng khi dùng 2 từ Mạt Pháp?
Chưa thời nào mà Tà Pháp nhiễu nhương, ký sinh tràn lan biến tướng cửa Tịnh dưới danh nghĩa Phật Pháp như hiện nay. Chưa thời nào Tăng lữ phạm Giới, hám danh lợi dưỡng, mượn Đạo tạo Đời… như hiện nay. Hỏi không Mạt Tâm thì là gì?
Tâm Phật không biết trân quý khéo hộ trì, để tâm mê tích tập chất chồng sâu nặng nên Mạt Tâm sinh tà kiến – tà tín – tà hạnh, bài xích Tông môn, khinh chê Cổ Đức…, thậm chí quay lưng đạp đổ Diệu Pháp Phật truyền, hủy báng 10 phương Chư Phật. Thế nên, thời nay Mạt Tâm chứ chẳng phải Mạt Pháp.
Chơn Tâm tức Phật thì Tâm Phật há để con suy lường trong đối đãi ư? Chướng!
Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
* CÂU HỎI
Kính bạch Thầy_()_
Con cũng có tự tra cứu, vào tự điển xem chữ MẠT. Khi con gõ chữ MẠT thì phần mềm cho ra nhiều chữ MẠT, con tra từng chữ thì thấy hợp với chữ NGỌN (mạt là ngọn), con cho rằng hợp với MẠT PHÁP, có nghĩa là xa gốc!
Pháp của Phật có 3 thời kỳ: CHÁNH PHÁP, TƯỢNG PHÁP và MẠT PHÁP, đó là con nương theo LỜI KINH, như vậy có đảm bảo chân chánh không bạch Thầy?
Nam mô A Di Đà Phật _()_
* PHÚC ĐÁP
Đó là dựa vào mức độ tín nguyện thọ trì Diệu Pháp Phật của phàm phu chúng sanh theo thời gian mà nói vậy, kỳ thực chính do Mạt Tâm là gốc. Như càng xa đèn ắt càng tăm tối mà chúng sanh thời nay lại mê lầm lũi trong bóng tối vô minh… Diệu Pháp Phật từ Chư Phật truyền thừa phổ chiếu tận cùng khắp cõi 10 phương, hỏi có Mạt không?
“Mạt” đúng nghĩa tức mạt tận, suy vi nên Mạt Tâm sinh Tà kiến – Tà tín – Tà hạnh – Tà sự trong Mê Pháp, từ đó tác nghiệp chất chồng, trầm mê khó thoát. Duy chỉ có Diệu Pháp Phật mới độ tận Mạt Tâm, phá mê khai ngộ, muôn đời như thế!
Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
* CÂU HỎI
Kính bạch Thầy_()_
Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật nói: “Thời đại Mạt Pháp, Tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng“. Kính xin Thầy khai thị cho con vì chính Đức Bổn Sư cũng nói là thời đại Mạt Pháp?
Nam mô A Di Đà Phật _()_
* PHÚC ĐÁP
Con vẫn chưa liễu nghĩa sao? Mạt Pháp không phải là Diệu Pháp Phật mạt mà là Diệu Pháp Phật trong thời tâm chúng sanh mạt tận, suy vi hơn bao giờ hết; thời mà về Sự thì vì Mạt Tâm nên sinh Tà sư – Ma tăng phạm Giới, không có oai nghi phạm hạnh, không tu hành giải thoát, đội lốt tu sĩ để mượn Đạo tạo Đời, nhiễu loạn Phật Pháp, hủy hoại tín tâm và huệ mạng bao người; thời mà “Sư Tử trùng thực Sư Tử nhục“; thời mà Tà Pháp – Phi Pháp ký sinh Phật Pháp, còn Phật tử thì lầm mê theo… Lý do có thể vì Kinh điển bị tam sao thất bản, hoặc do không liễu Phật lý, thiếu trí huệ nên người dịch Kinh dùng từ chưa chính xác. Nếu dùng 2 từ Mạt Pháp ắt dễ đưa đến sự nhầm lẫn nghiêm trọng là Pháp Phật mạt, khác gì hủy phạm ĐẠO ĐẾ – Con đường giác ngộ giải thoát mà Chư Phật đã khai sáng và truyền thừa. Thực tế có rất nhiều người đã lầm nghĩ như vậy. Trong khi đó, chính Mạt Tâm mới là gốc của mọi Pháp nạn chướng trái hiện nay, và điều này càng cho thấy lợi lạc vô biên của Diệu Pháp Phật trên đường giác ngộ – giải thoát (vốn rất khó gặp trong thời buổi hiện nay – thời MẠT TÂM). Vì vậy, đúng thì phải dịch là: “Thời đại Mạt Tâm, Tà sư thuyết Pháp nhiều như cát sông Hằng“.
Đừng quên Tứ Y Pháp khi thọ trì Tam tạng Kinh điển vốn ít nhiều bị tam sao thất bản thời nay! Hãy dùng Chánh kiến tư duy cho tận tường thấu đáo! Chớ có vội tin, kẻo lầm lạc!
Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
Cổ Thiên
————————————————-
Tham khảo:
- Liễu nghĩa Tam Bảo và minh định Phật Pháp
- Lời cảnh tỉnh của vị Thiền sư trước khi lâm chung
- Chia sẻ kinh nghiệm về công phu Niệm Phật
- Chia sẻ kinh nghiệm Tham Tổ Sư Thiền
- Mật tông
- Vô Niệm: Sự quy nhất của Tịnh – Thiền – Mật
- Phật A Di Đà có thật hay không? Vì sao có chữ DIỆU trước câu niệm Phật?
- Phật Pháp vấn đáp 2: A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật?
- Phật Pháp vấn đáp 3: Giải nghĩa DIỆU A DI ĐÀ PHẬT
- A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật?
- Tinh thần người tu Phật chơn chánh trước sự phân chia hệ phái Phật giáo
- Phật Pháp vấn đáp 21: Ưng vô sở trụ
- Phật Pháp vấn đáp 31: Điều kiện cần để nhập Đạo tu hành
- Phật Pháp vấn đáp 32: Đoạn trừ dâm dục
- Phật Pháp vấn đáp 34: Phúc đáp Vị chơn tu