kinh-phap-cu-pham-tu-nga
Thư pháp Đăng Học

157. Nếu ta yêu quí ta,
Phải bảo vệ tối đa,
Một trong ba canh ấy,
Người trí phải tỉnh ra.

Phap-Cu-157
Ảnh: sưu tầm

Nếu biết tự thương mình, phải tự gắng bảo hộ, trong ba thời có một, người trí nên tỉnh ngộ, chớ mê man (*).

——————-

(*): Thông thường nói ba thời là đầu đêm, giữa đêm, cuối đêm. Ở đây ba thời chỉ vào một đời người thanh niên, trung niên, lão niên. Người ta lúc thanh niên nên nỗ lực học tập, trung niên nên hoằng pháp, tu Thiền định v.v… Nhưng trong hai thời gian đó mà chưa kịp thích thời hành sự thì lúc lão niên phải tỉnh ngộ học tập gấp rút, nếu không thì luống uổng một đời, mang lấy thống khổ chẳng ích chi.


158. Người trí trước đặt mình,
Vào nếp sống Chánh hạnh,
Sau ra giáo hóa người,
Ắt khỏi bị khiển trách.

Phap-Cu-158
Ảnh: sưu tầm

Trước hãy tự đặt mình vào chánh đạo rồi sau giáo hóa kẻ khác, hiền giả như vậy mới tránh khỏi điều lỗi lầm xảy ra.


159. Hãy làm cho kỳ được,
Những điều mình dạy người,
Khéo nhiếp mình, nhiếp người,
Khó thay tự điều nhiếp!

Phap-Cu-159
Ảnh: sưu tầm

Nếu muốn khuyên người khác nên làm như mình, trước hãy sửa mình rồi sau sửa người. Tự sửa mình vốn là điều khó nhất.


160. Hãy nương tựa chính mình,
Chớ nương tựa ai khác?
Người khéo điều phục mình,
Ðạt chỗ tựa khó đạt.

Phap-Cu-160
Ảnh: sưu tầm

Chính tự mình làm chổ nương cho mình (*) chứ người khác làm sao nương được? Tự mình khéo tu tập mới đạt đến chỗ nương dựa nhiệm mầu (**).

——————-

(*):  Phật giáo chủ trương mỗi cá nhân phải tự lực lo giải thoát cho mình. Phật giáo đồ phát nguyện quy y Phật, Pháp, Tăng, Tam Bảo, không có nghĩa là phát 1 lời cầu đảo để Tam Bảo lo giải thoát cho. Song Tam Bảo là Thầy chỉ đạo tu hành đúng đường để được giải thoát. Vậy nên, muốn đến cảnh giới giải thoát tự tại thì tự mỗi người phải gắng sức thực hành đúng lời Tam Bảo chỉ dạy.

(**): Chỉ quả vị La Hán.


161. Ác nghiệp do mình gây,
Ác nghiệp do mình tạo,
Ác nghiệp nghiền kẻ ngu,
Như Kim Cương mài Ngọc.

Phap-Cu-161
Ảnh: sưu tầm

Ác nghiệp chính do mình tạo, từ mình sinh ra. Ác nghiệp là hại kẻ ngu dễ dàng như Kim cang phá hoại Bảo thạch.


162. Kẻ vung tay phá Giới,
Như cây bị giây leo,
Tự chuốc lấy hiểm nghèo,
Kẻ thù muốn như vậy.

Phap-Cu-162
Ảnh: sưu tầm

Sự phá giới làm hại mình như giây man la bao quanh cây Ta la làm cho nó khô héo (*). Người phá giới là làm điều mà kẻ thù muốn làm cho họ.

——————-

(*): Mạn la phạm (Maluva) một loại dây bìm. Cây ta la khi đã bị nó leo quấn vào thì khô chết ngay.


163. Việc ác rất dễ làm,
Nhưng chẳng lợi cho ta,
Việc ân ích từ thiện,
Thật khó làm lắm đa!

Phap-Cu-163
Ảnh: sưu tầm

Việc ác dễ làm nhưng chẳng lợi gì cho ta, trái lại, việc lành có lợi cho ta thì lại rất khó làm.


164. Kẻ ngu ôm Tà kiến,
Khinh miệt pháp Thánh Tăng,
Bậc La Hán, Chánh hạnh,
Sẽ tự diệt căn lành,
Như trái cây lau chín,
Tự hủy hoại thân nhanh.

Phap-Cu-164
Ảnh: sưu tầm

Những người ác tuệ ngu si, vì tâm tà kiến mà vu miệt Giáo pháp A La Hán, vu miệt người hành Chánh đạo và Giáo pháp Đức Như Lai để tự mang lấy bại hoại, giống như cỏ Cách tha, hễ sinh quả xong liền tự diệt (*).

——————-

(*): Cách tha cách (Kattha), loại cây lau. Có tên là Cách tha cách trúc (Velusankhatakattha), hễ ra hoa kết trái rồi thì chết liền.


165. Tự ta gây ác nghiệp.
Tự ta nhiễm cấu trần,
Tự ta tránh ác nghiệp,
Tự ta tịnh thân tâm.
Nhiễm tịnh do ta cả.
Không ai thanh tịnh ai.

Phap-Cu-165
Ảnh: sưu tầm

Làm dữ bởi ta, mà nhiễm ô cũng bởi ta; làm lành bởi ta, mà thanh tịnh cũng bởi ta. Tịnh hay không tịnh đều bởi ta, chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được.


166. Dù lợi người bao nhiêu,
Cũng đừng quên tự lợi,
Hiểu rõ được tự lợi,
Quyết chí đạt lợi riêng.

Phap-Cu-166
Ảnh: sưu tầm

Chớ vì lợi ích cho kẻ khác mà quên hẳn lợi ích cho chính mình (*). Người biết lo lợi ích mình mới thường chuyên tâm vào những điều ích lợi tất cả.

——————-

(*): Chỉ việc giải thoát sanh từ.


Lưu ý: Để xem tích truyện liên quan đến từng kệ Pháp Cú, hoan hỷ nhấp vào số thứ tự phía trước.

Xem thêm: Kinh Pháp Cú