KINH PHÁP CÚ
14. PHẨM PHẬT ĐÀ
Pháp Cú 188
Lắm người sợ hoảng hốt,
Tìm nhiều chỗ nương vào,
Hoặc rừng thẳm núi cao,
Hoặc vườn cây đền tháp.
————————————–
Pháp Cú 189
Nương tựa vậy chưa yên,
Chưa tối thượng phước điền,
Người nương tựa như vậy,
Thoát sao hết ưu phiền!
————————————–
Pháp Cú 190
Ai nương tựa theo Phật,
Chánh pháp và thánh tăng,
Dùng chánh kiến thấy rõ,
Bốn thánh đế thường hằng.
————————————–
Pháp Cú 191
Một khổ, hai nguyên nhân,
Ba vượt khổ, xuất trần,
Bốn là đường tám nhánh,
Tận diệt khổ, khổ nhân.
————————————–
Pháp Cú 192
Nương tựa vậy là yên,
Là tối thượng phước điền,
Người nương tựa như vậy,
Giải thoát hết ưu phiền.
Câu chuyện này xảy ra khi đức Thế Tôn ở lại Kỳ Viên, ngồi trên đống cát, liên hệ tới Aggidatta, thầy Tư tế của vua Ba-tư-nặc.
Aggidatta (A-kỳ-đạt-đa) là thầy tư tế của vua Mahà Kosala. Khi nhà vua băng hà, con trai Ngài là Ba-tư-nặc lên nối ngôi, cũng kính trọng Aggidatta và cử giữ chức tư tế. Mỗi khi Aggidatta đến, nhà vua đều chào đón và mời ngồi ngang hàng. Sau một thời gian, Aggidatta nghĩ thầm: “Nhà vua rất kính trọng ta, nhưng không thể nào được vua sủng ái mãi mãi được. Sống trong hoàng cung rất thú vị cho những ai đồng trang lứa với nhà vua. Còn ta đã già, tốt hơn là nên làm thầy tu“. Aggidatta bèn xin nhà vua được xuất gia, đánh trống rao khắp thành phố, bố thí tài vật suốt một tuần, sau đó rời bỏ thế gian, trở thành thầy tu trong một phái ngoại đạo. Có mười ngàn người đi theo ông.
Aggidatta và môn đệ cư trú tại biên giới ba nước: Angas, Ma-kiệt-đà, và Câu-lâu (Kurus). Ông dạy đệ tử:
– Chư huynh đệ, khi các người bị nhiễu loạn bởi các tư tưởng bất chánh như tham dục, xấu xa độc ác, hãy đến bờ sông múc đầy bình cát và đổ nơi đây.
Và như vậy khi các thầy bị những tư tưởng bất thiện quấy rối, họ làm theo lời dạy. Sau thời gian, nơi đó thành đụn cát lớn. Long vương Ahicchatta đến ở đó. Dân cư các nước Angas, Ma-kiệt-đà và Kurus hằng tháng đem theo lễ vật trọng thể đến dâng cúng các thầy. Aggidatta dạy họ như sau:
– Nương tựa nơi núi rừng, hang động, cây cối, đó là những nơi nương tựa vững chắc. Nương tựa như vậy các ngươi sẽ thoát khổ đau.
Khi đó, đức Phật sau khi tu ở Khổ Hạnh lâm và đạt giác ngộ viên mãn, Ngài đến ở Kỳ Viên gần thành Xá-vệ. Quan sát căn cơ chúng sanh, Ngài nhận thấy Bà-la-môn Aggidatta và môn đệ có cơ duyên chứng quả A-la-hán. Buổi chiều Ngài nói với Tôn giả Mục-kiền-liên:
– Này, Mục-kiền-liên, ông có thấy Bà-la-môn Aggidatta đã dạy mọi người một bài học khác với chân lý? Ông hãy đến khuyên dạy họ.
– Bạch Thế Tôn, các tu sĩ này đông quá, nếu con đi một mình, sợ họ không chịu nghe theo. Nếu Thế Tôn cũng đến đó, chắc họ sẽ vâng lời.
– Ta cũng sẽ đến đó, ông hãy đi trước.
Tôn giả Mục-kiền-liên đi và nghĩ thầm: “Các tu sĩ này đông và có thế lực. Nếu ta đến nói với họ lúc họ đang tụ họp, chắc họ sẽ xúm lại hại ta“. Tôn giả bèn dùng thần thông tạo ra một trận mưa lớn, các tu sĩ tản mác khắp vòm cây trú ẩn. Tôn giả đến trước lều của Aggidatta và gọi lớn:
– Aggidatta!
Nghe tiếng gọi, Aggidatta nghĩ thầm: “Trên đời này không có ai kêu tên tộc ta như vậy“. Với thái độ bướng bỉnh một cách ngạo mạn, ông hỏi:
– Ai đấy?
– Tôi đây, tôi là một Bà-la-môn.
– Anh muốn gì?
– Chỉ cho tôi một chỗ ẩn trú qua đêm nay.
– Ðây không có chỗ cho anh ở lại, chỉ có một lều cỏ vừa vặn cho một tu sĩ.
– Aggidatta! Người có chỗ ở của người, súc vật có chỗ ở của súc vật, và tu sĩ có chỗ ở của tu sĩ. Ðừng ngại, hãy cho tôi ở nhờ.
– Anh là một tu sĩ?
– Phải, tôi là tu sĩ.
– Nếu là tu sĩ, bình Khàri của anh đâu? Vật dụng của anh đâu?
– Tôi cũng có vật dụng nhưng mạng theo mình bất tiện, nên tôi tự tìm lấy trên đường đi của mình.
Aggidatta nổi giận:
– Vậy anh cứ tìm lấy trên đường của anh đi!
– Thôi, Aggidatta! Ðừng nổi nóng, hãy chỉ cho tôi một nơi ở qua đêm.
– Ðây không có chỗ ở.
– Thế ai ở trong đồi cát kia?
– Long vương đấy!
– Hãy cho tôi ở đồi cát đó.
– Tôi không thể để anh ở đó, điều ấy là một điều sĩ nhục lớn đối với Long vương.
– Không sao, hãy cho tôi ở đó.
– Ðược thôi, rồi anh sẽ thấy.
Tôn giả đi đến đồi cát. Khi Long vương thấy Tôn giả đi đến gần, nghĩ thầm: “Ông thầy kia đi đến đây, chắc ông ấy không biết có ta. Ta sẽ phun khói giết ông ấy“. Nghĩ thế Long vương phun khói mù mịt. Tôn giả nghĩ: “Long vương này tự cho mình có thể phun khói, không ai khác phun khói được chắc“. Và Tôn giả cũng phun khói. Hơi khói của hai bên bay lên đến trời Phạm Thiên, khói không gây hề hấn gì đối với Tôn giả nhưng khiến cho ông Long vương khó chịu. Long vương không thể ở mãi trong hơi khói, bèn bốc thành lửa. Tôn giả bèn nhập Hỏa Quang Tam-Muội, và lửa trong thân Ngài bốc lên đến Phạm Thiên. Toàn thân Tôn giả như một cây đuốc cháy. Các tu sĩ chung quanh thấy thế, đều nghĩ rằng: “Long vương đang phun lửa đốt thầy tu kia. Ông ta chắc phải chết vì không nghe lời chúng ta“. Khi Tôn giả chế phục Long vương xong, Ngài ngồi kiết già trên đồi cát. Long vương bày biện thức ăn ngon chung quanh đồi cát, và biến cái đầu rồng thành một mái che rộng lớn, che trên đầu Tôn giả.
Sáng sớm hôm sau, các tu sĩ đi đến đồi cát xem Tôn giả chết hay chưa, họ thấy Tôn giả ngồi trên cát, liền đảnh lễ tôn kính Ngài và nói:
– Tôn huynh, chắc Long vương đã quấy nhiễu ghê gớm đến tôn huynh.
– Các vị không thấy y đương che mát cho tôi đó ư?
Các tu sĩ nói:
– Sa-môn này đã chiến thắng Long vương hung dữ thật kỳ diệu làm sao!
Rồi họ đứng vây quanh Tôn giả. Lúc ấy Thế Tôn đi đến. Tôn giả đứng lên đảnh lễ Ngài. Các tu sĩ hỏi:
– Vị này lớn hơn Ngài ư?
– Ðây là đấng Ðại Giác, đức Thế Tôn. Tôi chỉ là đệ tử Ngài.
Phật đến ngồi trên đỉnh đồi cát. Các tu sĩ bảo nhau:
– Nếu thần thông của đệ tử như thế, thì thần thông của vị này còn cao đến đâu? Và họ cung kính chắp tay đảnh lễ Phật, xưng tụng Ngài.
Phật bảo Aggidatta:
– Aggidatta ngươi dạy môn đệ và thi chủ thế nào?
– Con dạy họ vầy: “Nương tựa nơi núi rừng, hang động, cây cối. Ðó là những nơi nương tựa vững chắc. Nương tựa như vậy các ngươi sẽ thoát khỏi khổ đau.
– Không đúng! Này Aggidatta! Ai nương tựa vào những nơi ấy không thoát khỏi đau khổ. Chỉ có người quy y Phật, Pháp, Tăng mới hoàn toàn thoát khỏi vòng khổ đau.
Ngài nói kệ:
188. Lắm người sợ hoảng hốt,
Tìm nhiều chỗ nương vào,
Hoặc rừng thẳm núi cao,
Hoặc vườn cây đền tháp.
189. Nương tựa vậy chưa yên,
Chưa tối thượng phước điền,
Người nương tựa như vậy,
Thoát sao hết ưu phiền!
190. Ai nương tựa theo Phật,
Chánh Pháp và Thánh tăng,
Dùng chánh kiến thấy rõ,
Bốn Thánh Đế thường hằng.
191. Một khổ, hai nguyên nhân,
Ba vượt khổ, xuất trần,
Bốn là đường tám nhánh,
Tận diệt khổ, khổ nhân.
192. Nương tựa vậy là yên,
Là tối thượng phước điền,
Người nương tựa như vậy,
Giải thoát hết ưu phiền.
Bài pháp kết thúc, tất cả các tu sĩ đều chứng A-la-hán và có thần thông. Họ đảnh lễ Phật và xin vào Tăng đoàn, đức Thế Tôn đưa tay ra và bảo họ:
– Thiện lai, Tỳ-kheo! Hãy sống đời thánh thiện.
Ngay lúc đó các thầy trở thành Tỳ-kheo như đã tu từ cả một trăm năm, và đầy đủ tám món cần thiết.
Bấy giờ, vào ngày tất cả dân cư ba nước Angas, Ma-kiệt-đà và Kurus theo thường lệ mang nhiều phẩm vật đến cúng. Khi họ thấy các thầy đều trở thành Tỳ-kheo, họ nhủ thầm: “Bà-la-môn Aggidatta của chúng ta lớn hay Sa-môn Cồ- đàm lớn?” Và nhận thấy đức Thế Tôn đã từ chỗ mình đến đây, họ kết luận: “Chỉ có Aggidatta lớn“. Ðức Phật biết ý họ, nói:
– Aggidatta, hãy dẹp tan mối nghi ngờ của các môn đệ ông.
Aggidatta đáp:
– Ðó là điều con rất mong.
Và ông dùng thần thông bay lên hư không bảy lần, mỗi lần bay xuống đều đảnh lễ đức Phật và bạch:
– Bạch Thế Tôn, Ngài là thầy con, con là đệ tử Ngài.
Khi Aggidatta nói thế, ông mặc nhiên công nhận mình là đệ tử Phật.
(bài kết hợp từ Tích Truyện Pháp Cú (Thiền viện Viên Chiếu)
và Thi Kệ Pháp Cú Kinh (Tịnh Minh))