Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo:
Khổ lụy, này các Tỷ kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng…
Như thế nào, này các Tỷ kheo, bị mũi tên độc bắn trúng? Nó được ví như một người hữu học với tâm trí nhiệt thành bị các lợi đắc, cung kính, danh vọng chạm đến.
Mũi tên, này các Tỷ kheo, chỉ cho các lợi đắc, cung kính, danh vọng.
… Như vậy, khổ lụy là các lợi đắc, cung kính, danh vọng.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 6, phần Trúng độc,
VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.396)
————————————
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo:
Khổ lụy, này các Tỷ kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng, là chướng ngại pháp để chứng đắc vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách.
Này các Tỷ kheo, thuở xưa, trong một hồ nước có những con Rùa sinh sống. Rồi một con Rùa nói với con Rùa khác: “Chớ có đi đến chỗ ấy”. Con Rùa kia không nghe lời đi đến chỗ ấy liền bị người thợ săn phóng trúng nó một cây lao có sợi dây.
Khi thấy con Rùa kia đi đến, con Rùa này hỏi:
- Này bạn, bạn có bị thương, bị bắn trúng không?
- Không, tôi không bị thương, không bị bắn trúng nhưng có ngọn lao và sợi dây dính theo lưng tôi.
- Này bạn, bạn bị thương thật rồi. Bạn bị bắn trúng thật rồi. Chính vì những vật này của người thợ săn mà cha ông của bạn rơi vào bất hạnh, rơi vào tai họa.
Này các Tỷ kheo, người thợ săn chỉ cho Ác Ma. Cái lao chỉ cho lợi đắc, danh vọng và cung kính. Sợi dây chỉ cho hỷ tham.
Tỷ kheo nào, đối với lợi đắc, danh vọng, cung kính mà thọ hưởng và luyến ái thì vị ấy đã bị lao đâm trúng, đã rơi vào tai họa, bị Ác Ma muốn làm gì thì làm.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 6, phẩm 1,
phần Con rùa [lược], VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.391)
————————————
Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana. Lúc bấy giờ, hoàng tử Àjàtasattu (A Xà Thế), sáng chiều đi đến hầu Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) với năm trăm cỗ xe và cúng dường các món ăn trong năm trăm mâm bàn.
Rồi một số đông Tỷ kheo đi đến bạch Thế Tôn về chuyện ấy. Thế Tôn dạy:
Này các Tỷ kheo, chớ có thèm lợi đắc, cung kính và danh vọng của Devadatta. Ví như, này các Tỷ kheo, nếu đem bóp lá gan trước mũi con chó dữ thì con chó càng dữ dội bội phần.
Cũng vậy, chừng nào hoàng tử Àjàtasattu sáng chiều còn đi đến hầu Devadatta với năm trăm cỗ xe và cúng dường các món ăn trong năm trăm mâm bàn, thời này các Tỷ kheo, đối với Devadatta, chỉ có chờ đợi sự tổn giảm trong thiện pháp, không có sự tăng trưởng.
Như vậy, khổ lụy là lợi đắc, cung kính và danh vọng… Các ông cần phải học tập.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 6, phẩm 4,
phần Xe [lược], VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.421)
————————————
Một thời, Thế Tôn trú tại Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo:
Khổ lụy, này các Tỷ kheo, là lợi đắc, cung kính và danh vọng…
Này các Tỷ kheo, ví như có một con dê cái, lông dài, đi vào một khóm cây gai góc. Chỗ này, chỗ kia nó bị mắc dính vào; chỗ này, chỗ kia nó bị vướng mắc vào; chỗ này, chỗ kia nó bị trói buộc vào; chỗ này, chỗ kia nó bị rơi vào bất hạnh, tai họa.
Cũng như vậy, này các Tỷ kheo, ở đây có Tỷ kheo bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối, tâm vị ấy bị xâm chiếm, vào buổi sáng đắp y, mang bát đi vào làng khất thực. Chỗ này, chỗ kia vị ấy bị mắc dính vào; chỗ này, chỗ kia vị ấy bị vướng mắc vào; chỗ này, chỗ kia vị ấy bị trói buộc vào; chỗ này, chỗ kia vị ấy bị rơi vào bất hạnh, tai họa.
Như vậy, này các Tỷ kheo, dính mắc vào lợi đắc, cung kính và danh vọng là khổ lụy. Các ông cần phải học tập.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 6, phẩm 1,
phần Lông dài, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.393)
————————————
Một thời, Thế Tôn ở Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo:
Khổ lụy, này các Tỷ kheo, là lợi đắc, danh vọng và cung kính…
Các ông có nghe chăng lúc trời gần sáng, có con dã can tru lớn tiếng?
Thưa có, bạch Thế Tôn.
Này các Tỷ kheo, đó là tiếng con dã can già, mắc bệnh ghẻ lở, không thoải mái khi ở chỗ hoang vắng, khi ở dưới gốc cây, lúc nó đi đứng ngồi nằm, tại các chỗ ấy nó cảm thấy tai họa, bất hạnh.
Cũng vậy, này các Tỷ kheo, ở đây, Tỷ kheo nào bị lợi đắc, cung kính và danh vọng chi phối, tâm bị xâm chiếm thì vị ấy không thoải mái khi ở chỗ hoang vắng, khi ở dưới gốc cây, lúc đi đứng ngồi nằm, tại các chỗ ấy vị ấy cảm thấy tai họa, bất hạnh.
Như vậy, này các Tỷ kheo, khổ lụy là lợi đắc, danh vọng và cung kính…
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 6, phẩm 1,
phần Con dã can, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.397)
————————————
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại vườn ông Anàthapindika. Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ kheo và nói như sau:
Khổ lụy, này các Tỷ kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng; thật là đắng cay, ác độc, là chướng ngại pháp để chứng đạt vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách.
Ví như, này các Tỷ kheo, một người câu cá quăng một lưỡi câu có gắn mồi thịt vào trong một hồ nước sâu và một con cá có mắt thấy mồi thịt nuốt lưỡi câu ấy. Như vậy, này các Tỷ kheo, con cá đó nuốt lưỡi câu ấy bị rơi vào bất hạnh, bị rơi vào tai họa, bị người câu cá muốn làm gì thì làm.
Người câu cá, này các Tỷ kheo, chỉ cho Ác Ma; lưỡi câu có gắn mồi thịt chỉ cho lợi đắc, danh vọng và cung kính.
Tỷ kheo nào thọ hưởng, ái luyến lợi đắc, danh vọng và cung kính đã đến, Tỷ kheo ấy được gọi là Tỷ kheo đã nuốt lưỡi câu của Ác Ma, bị rơi vào bất hạnh, bị rơi vào tai họa, bị Ác Ma muốn làm gì thì làm.
Do vậy, này các Tỷ kheo, các ông phải học tập như sau: “Đối với lợi đắc, danh vọng và cung kính đã đến, chúng ta hãy từ bỏ chúng. Đối với lợi đắc, danh vọng và cung kính chưa đến, chúng ta không để chúng xâm chiếm tâm và an trú”.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 6, phẩm 1,
phần Lưỡi câu, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.390)
————————————
Xem thêm:
- Hộ trì 6 căn
- Điều kiện cần để nhập Đạo tu hành
- Đoạn trừ dâm dục
- Quả báo của tâm dâm dục khi tu thiền định
- Liễu nghĩa Tam Bảo và minh định Phật Pháp
- Chơn xuất gia
- Bốn hạng thuyết Pháp
- Năm hạng người ăn từ bình bát
- Ma thuyết
- Phúc đáp vị Chơn tu
- Thành Phật để làm gì?
- Bổn Quán Hạnh vào Đạo
- Lục Độ và Lục Độ Ba-la-mật
- Các bài Pháp chọn lọc từ Kinh tạng Nikàya