hieu-hanh-vi-tien

Chư Phật từng dạy: “Cha mẹ tức Phật hiện tiền“, “Trong muôn hạnh thì hạnh hiếu đi đầu. Trong muôn tội thì bất hiếu là tội trọng nhất (ngũ nghịch)“. Vậy, hạnh hiếu tức là hạnh Phật.

Kiếp nhân sinh từ khi lọt lòng mẹ ăn chưa no, lo chưa tới đến lúc trưởng thành lo công danh, sự nghiệp và lập gia đình riêng, hỏi có mấy ai vuông tròn Hiếu đạo? Phải chăng, vòng xoáy của cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền sớm tối đêm ngày cho đến đủ mối duyên ràng buộc và trách nhiệm của cuộc sống gia đình, con cái và xã hội dường như khiến ta quá đỗi vô tâm với Đấng sanh thành? Khi con cái ốm đau bệnh tật, ta sẵn sàng túc trực ngày đêm bên con ở bệnh viện; nhưng khi cha mẹ đau yếu lúc trái gió trở trời, ta có cận kề ngày đêm chăm lo chu đáo như với con của mình không?… Thực tế cho thấy, có vô vàn lý do để đùn đẩy trách nhiệm và bổn phận làm con đối với cha mẹ già. Nước mắt chảy xuôi!

Con người ta khi về già thường sống với hoài niệm. Ký ức tuổi ấu thơ cho đến lúc tóc bạc lưng còng nếm trải đủ đắng cay ngọt bùi của nhân tình thế thái… cứ như thước phim quay đi quay lại trong tâm trí người già. Con cái lớn lên đều có cuộc sống riêng, thân già sao có thể vướng bận, trở thành gánh nặng cho chúng nó mà tội nghiệp. Hết lo cho con, lại nghĩ cho cháu, chắt. Sinh tiền, muốn cho con được cơm no áo ấm, học hành đến nơi đến chốn không thua thiệt chúng bạn, công danh sự nghiệp được rạng rỡ huy hoàng… thì cha mẹ có từ nan việc gì, nghiệp tạo cứ thế chất chồng theo năm tháng vì con; đến khi gần Đất xa Trời, còn chút hơi tàn cũng không thôi lo nghĩ cho con, cho cháu; cuối cùng khi thác đi, theo nghiệp chiêu cảm mà phải trôi lăn trong Lục Đạo luân hồi, tự mình đền trả theo Nhân – Quả công bằng. Nghiệm kỹ, nghiệp cha mẹ tạo, đa phần vì ai ở thế gian này? Tội này cha mẹ lãnh, phận làm con sao có thể vô tâm?

Lành thay, nhớ gương xưa Đức Mục Kiền Liên tầm phương cứu độ mẹ, chúng tội nhơn đọa Địa ngục được siêu thăng về cõi thiện lành. Phận làm con hãy noi gương xưa, nhẫn lực tinh tấn tu hành mà đáp đền công ơn cha mẹ không chỉ hiện đời trong muôn một.

  1. Cha mẹ nếu còn sống, hãy quan tâm thương yêu thật nhiều. Hãy gần gũi, trao đổi, chia sẻ để cha mẹ không cảm thấy cô đơn, hiu quạnh. Tốt nhất, hãy hướng cha mẹ tin sâu Nhân quả – Nghiệp báo mà trường trai, gắng công tu hành, niệm Phật, lạy sám hối… để tiêu trừ nghiệp chướng, trưởng dưỡng hạnh lành, dọn sẵn đường sáng về sau thì khi hết duyên mãn phần ắt ra đi trong thanh thản nhẹ nhàng, được thọ sanh về cõi thiện lành tu tiến. 
  2. Bản thân con cháu hãy gắng công tu sửa thân tâm, năng hành thiện hạnh, niệm Phật, lạy sám hối, bố thí – Pháp thí, tu tập chánh hạnh nguyện hồi hướng cho tất cả chúng sanh được an trú trong Vô Lượng Từ Bi và Vô Lượng Đạo Quang của Chư Phật mà nhẫn lực tu hành cho đến khi giải thoát.
  3. Điều nên tránh là phàm làm việc phước thiện gì cũng đừng tính toán thiệt hơn, so đo lợi ích cho mình dù một mảy may. Phước đức, công đức… chẳng cần màng tới khi tu theo hạnh Phật và làm Phật sự thì mới thuận khế Đạo Từ Bi. Nghiệp tội tạo tác bao đời chất chồng không sao kể xiết, vậy nên niệm Phật / lạy Phật sám hối tuyệt đừng dụng tâm tính đếm số lần, lòng thành chẳng có. Lạy Phật sám hối đến khi mệt không thể lạy được nữa cùng với tâm chí thành niệm Phật thống thiết thì tội diệt hà sa. 

Hiếu đạo không chỉ một ngày. Tu Phật không thể tính đếm thời gian, công sức bởi tu trong từng sát na tâm niệm. Do đó, mỗi ngày đều là ngày để chúng ta trang nghiêm tu Phật, vuông tròn Đạo hiếu.

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

—————————————

Tham khảo: