Nhân loại hiện nay đang phải đối diện với quá nhiều vấn đề nhức nhối trong xã hội, nào là tham nhũng, ma túy, mại dâm, suy đồi đạo đức, bạo lực gia đình… Những u nhọt này không ngừng lây lan, truyền nhiễm, biến tướng khôn lường mà không phân biệt chủng tộc, quốc gia, tôn giáo. Đời sống thanh tịnh chốn Phật môn, như một điều tất yếu, đã bị thế tục hóa một cách trầm trọng làm lệch lạc, thoái thất tín tâm chơn chánh của mọi người. Trước thực trạng này, người tu Phật hiện nay phải làm gì để tự phòng hộ, vượt chướng mà tiến tu?
1. Tham – Sân – Si
– Cư sĩ: sống đời thế tục vốn nhiều nỗi lo toan, nhiều mối duyên ràng buộc. Đối với người thế tục thì công danh – sự nghiệp – gia đình là mục tiêu, là tất cả ý nghĩa của cuộc sống. Để được ăn ngon, mặc đẹp, ở nhà cao cửa rộng với đầy đủ tiện nghi thoải mái, người đời đôi khi bất chấp thủ đoạn, sẵn sàng hy sinh tình thân, bán đứng nhân cách, không còn biết đến luân thường đạo lý, nhân, lễ, nghĩa, trí, tín…, chỉ biết tham – sân – si quay cuồng tạo tác trong điên đảo vô minh và ái thủ ngã tướng. Nay biết đến Phật Pháp, tin sâu lý Nhân quả – Nghiệp báo, tỏ vạn sự Vô thường giả tạm, người cư sĩ trước khi làm gì cũng cần phải thận trọng, đắn đo, suy nghĩ thấu đáo đến nhân – quả của việc mình sắp làm. Đối trước mọi sự, hãy nghiêm hành theo Tôn chỉ: Từ – Bi – Hỷ – Xả, Vô ngã – Vô trụ và Bát Chánh Đạo của nhà Phật!
– Tu sĩ: một thực trạng đáng buồn là đời sống của giới Tu sĩ hiện nay quá xa hoa, trái ngược với lời Phật dạy. Đức Phật từ một vị Thái tử có tất cả trong tay lại hỷ xả tất cả, kể cả tình thân, để tầm phương giải thoát khổ luân hồi sanh tử cho chúng sanh. Còn đa phần tu sĩ hiện nay thì làm ngược lại, muốn thâu gom, tích trữ tiền bạc, lạm dụng tín tâm của bá tánh thập phương, lôi kéo Phật tử cúng dường, hám danh, đua đòi lợi dưỡng: xài điện thoại sang, đi xe đời mới, ăn uống phi thời phi chỗ… Tệ hại hơn, họ không giữ oai nghi phạm hạnh, phá Giới, dâm ô, đàn ca múa hát, hút thuốc phì phèo, rượu bia trác tang… chẳng khác gì phàm phu. Còn đâu hạnh nguyện cứu độ chúng sanh, tiếp nối huệ mạng Phật Pháp? Hãy nhớ: biết tội mà vẫn phạm, bất chấp hay thách thức nhân quả thì sẽ chuốc lấy khổ đọa muôn đời, không sao thoát đặng!
2. Không có niềm tin chơn chánh
– Cư sĩ: cần phải có niềm tin chơn chánh (Chánh tín), tin sâu lý nhân quả, ngộ vạn sự vô thường; tin rằng chỉ có 1 lòng chơn tu Phật mới có thể tiêu trừ nghiệp chướng, giải thoát khỏi khổ não trầm luân; tin hoàn toàn vào khả năng giác ngộ của chính mình mà nhẫn lực tinh tấn tu hành, không vọng cầu chướng trái hay mê Sự bỏ Tánh. Đáng tiếc đa phần cư sĩ hiện nay tìm về Phật đạo là để cúng bái, cầu xin… cho thỏa dục vọng tham – sân – si và bản ngã (tôi, của tôi, tự ngã của tôi) của chính mình. Họ không biết, không tin, thậm chí không muốn tin tất cả tội phước, nghiệp báo (quả) đều do mình tạo tác (nhân), tự làm (nhân) phải tự chịu (quả), vì nhân – quả công bằng!
– Tu sĩ: để đáp ứng cho nguyện vọng trên của hàng cư sĩ, giới tu sĩ hăng say tổ chức các nghi lễ cúng bái, cầu xin đầy sắc màu mê tín, nặng thần quyền trái lý bất công, tục hóa Đạo Phật giác ngộ giải thoát thành Đạo thần thánh, Đạo tà, Đạo đắp mê bồi ngã… Tất cả cũng vì lợi lộc bởi số tiền thu được từ những nghi thức này không hề nhỏ nên thay vì xiển dương, giảng giải Giáo lý cho mọi người thâm hiểu để có niềm tin chơn chánh và căn bản về Phật Pháp, dìu dắt họ trở về nẻo Chánh tu hành, tu sĩ lại thuận theo mê vọng của cư sĩ mà bày bao nhiễu sự chướng trái để “hái tiền” rồi tích trữ làm của riêng… Ai lên tiếng vì Chánh Pháp thì họ quanh co ngụy biện bằng mọi lẽ, nào là “phương tiện thiện xảo, tùy duyên nhập thế, hiện đại hóa Đạo Phật, cư sĩ tại gia không được phạm đến người xuất gia…”. Niềm tin nơi giới tu sĩ còn mê mờ bất chánh (Tà tín), tham dục còn cường liệt, tà kiến điên đảo đến thế, mạng mạch Phật Pháp rồi sẽ về đâu?
Xem bài:
3. Chướng học Phật
Đây là thông bệnh của đa số người tu Phật hiện nay. Vì sao? Vì học Phật thì dễ, bất cứ ai cũng có thể nghiên tầm nhưng chơn tu Phật liễu sanh thoát tử thì gian khó muôn phần, không phải ai cũng hội tụ đầy đủ lòng Từ Bi, chí nguyện bất động và hạnh Vô ngã kham nhẫn lớn lao. Tập khí vô minh, tham ái và chấp thủ ngã tướng tích tập bao đời luôn khiến chúng sanh mê mải đắm chìm trong dục lạc thiêu thân, trầm luân thống khổ nên khi phát tâm tu Đạo giải thoát, nó cường liệt sai sử, ẩn tàng chi phối dưới mọi ngóc ngách tướng trạng để thiêu rụi Đạo tâm, điên đảo trí tín, phá tan mọi cố gắng đương đầu hàng phục. Điều này giải thích vì sao đa phần người tu hiện nay ngại khó ngại khổ huân tu phạm hạnh xuất thế, bỏ gốc tầm ngọn, mê sự bỏ tánh, nặng nề trược chướng, lệch lạc nẻo Chánh tu hành.
Học Phật thì có phân biệt trình độ, văn bằng chứng nhận rõ ràng (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ Phật học) nhưng Đạo hạnh tu Phật xuất thế thì lấy gì để chứng? Hãy nhớ: duy chỉ có Đạo hạnh chơn tu Phật mới tác thành một Phật tử chuẩn mực chơn chánh, mới khai sanh Bậc giác ngộ, hoằng truyền mạng mạch Phật Pháp tại thế gian; còn tri kiến / bằng cấp Phật học vốn chẳng dính dáng gì đến Đại sự liễu sanh thoát tử mà ngược lại, làm lệch hướng tu hành, khiến chướng chấp càng sâu, ngã tướng càng nặng, luân hồi chẳng dứt. Tu Phật, người thế gian có thể lừa phỉnh lẫn nhau chứ không che mắt được Quỷ Thần…, huống gì Chư Hộ Pháp, Chư Phật. Hãy trang nghiêm tu Phật, đừng học Phật!
Trong tu Phật, kiến – văn – giác – tri là chướng, là tâm bệnh. Khi đối duyên xúc cảnh thì mắt thấy (kiến); tai nghe (văn); mũi – miệng – thân sanh ra cảm giác (giác); ý sanh ra những khái niệm, hiểu biết (tri). Đó chính là nghiệp thức, là sự hiểu biết có được từ tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, kinh nghiệm tích tập trong bao đời quá khứ cho đến hiện tại của mê trí phàm ngu nên là sở tri chướng trên đường giác ngộ. Đó không phải là Trí Huệ Vô Sư tự khai mở khi tâm thiền thành tựu Vô Niệm Ba-la-mật (Chánh định), giúp hành giả kiến ngộ Giác Tánh (kiến Tánh), liễu thoát tử sanh. Vì thế, nếu dùng mê trí Ta bà nghiên cứu Phật Pháp (học Phật) sẽ không bao giờ thành tựu giác ngộ – giải thoát tối thượng. Một đứa trẻ có thể làu làu Kinh điển không thua kém, nhưng tu hành đến bạc cả đầu vẫn chưa chắc tiêu trừ đoạn tận được gốc rễ tham – sân – si.
Vậy, phải tu Phật như thế nào? Nếu chưa biết gì về Phật Pháp thì chỉ nên tìm hiểu căn bản cốt tủy giáo lý nhà Phật, được tóm gọn lại là: Vô thường – Khổ – Vô ngã – Vô trụ, Từ – Bi – Hỷ – Xả, Giới – Định – Huệ, Nhân quả – Nghiệp báo. Khi đã có căn bản Phật Pháp làm kim chỉ nam cho đời sống tu hành thì hãy tinh tấn một lòng chơn tu Phật quyết ly sanh tử, tịnh nhiếp 6 căn (mắt, tai, mũi, mệng, thân, ý) trụ tâm thiền sao cho miên mật ba thời chẳng mỏi, với mọi sự trên đời đừng sanh tâm chấp trước, với đại sự tu hành đừng vọng cầu chướng trái. Nhẫn lực tâm hành trang nghiêm như thế sẽ dần nhiếp phục được vọng tâm, tịnh hóa nghiệp chướng, chắc chắn có ngày thành tựu Chánh định Vô Niệm Ba-la-mật, liễu thoát tử sanh.
Xem bài:
4. Mong cầu phước báu, diệu dụng
– Cư sĩ: khi tu hành hoặc làm Phật sự gì thì tâm thường chướng chấp ngã tướng, mong cầu phước báu. Niệm Phật thì tính đếm bao nhiêu niệm, lạy Phật bao nhiêu lần, khác gì kể công với Phật (?). Phóng sanh, bố thí hay làm Thiện sự, chung quy cuối cùng đều vì bản ngã hơn hết thảy. Chính tư duy lệch lạc truyền tai nhau: “hãy cho đi tất cả, sẽ được nhận lại tất cả” đã gông cùm Đạo tâm trong ngục tù ngã tướng nên không thể khai phóng, thay vì tu hạnh Từ Bi Hỷ Xả – Vô ngã – Vô trụ của nhà Phật lại đi nuôi dưỡng dục tham và bồi ngã thêm lớn trong đối đãi cho – nhận cố hữu phàm thường khi tu Đạo giác ngộ giải thoát của Phật đà. Do tự trói buộc tâm ý mình, không hỷ xả tất cả để chơn tu giải thoát nên nhân – quả cũng hạn hữu tương ưng, vô cùng nhỏ nhiệm.
-
- Hãy ghi nhớ: Đừng biến Đức tin thành cuộc giao dịch. Đã tu Phật, tuyệt đừng ái thủ ngã tướng mà hãy tinh tấn trưởng dưỡng tâm hạnh Từ Bi Hỷ Xả – Vô ngã – Vô trụ, đừng cho thoái thất. Tùy tâm hạnh, nhân quả tương ưng.
– Tu sĩ: khi dụng công thường sanh tâm mong cầu diệu dụng: mong thấy cảnh lành ứng hiện khi niệm Phật, tham thiền, trì Chú; mong mau giác ngộ, kiến Tánh; mong khai mở luân xa, trị được bá bệnh; mong đắc được thần thông, thấy nghe các cõi siêu hình… Chính vì tâm vọng cầu chướng trái (nội chướng) khi thiền định nên chiêu cảm Tà Mị (ngoại Ma) câu hội giả hiện cảnh Ma dẫn dụ cho lầm đường lạc lối: tâm mong thấy Phật thì Tà hiện giả Phật, mong thấy cảnh lành thì Tà hiện cảnh lành…, lâu dần thỏa thích rồi tham chấp bám víu vào đó mà chẳng thể tự thoát, bị tẩu hỏa nhập Ma, lạc Đạo Bồ Đề. Thực tế xưa nay có biết bao người tu thiền (niệm Phật, tham thiền hay trì Chú) đã bị Tà lậm thâm căn sai khiển hoàn toàn, không còn làm chủ được thân tâm, thậm chí điên loạn. Nếu không có thắng duyên gặp được Bậc kiến Tánh với hạnh nguyện tương ưng từ bi độ thoát thì huệ mạng của họ nơi Tam Bảo dứt lìa, khi thác đi sẽ nhập vào Tà giới.
-
- Để tự phòng hộ thân tâm không bị ngoại Ma nội chướng khảo đảo khi tọa thiền, hành giả nhứt thiết phải nghiêm hành tôn chỉ tu Phật: Vô dục – Vô cầu – Vô đắc – Vô ngã – Vô trụ. Hãy ghi nhớ!
Xem bài:
5. Thần thánh hóa người tu sĩ
Tôn kính Tăng Ni – những vị xuất gia tu hành chơn chánh, phạm hạnh thanh cao – là tâm hạnh căn bản cần có ở người cư sĩ tại gia; tuy nhiên, thần thánh hóa họ thì hoàn toàn không nên vì:
- Đó không phải là Chánh tín (niềm tin chơn chánh trên nền tảng Chánh kiến, Trí huệ) mà là sự lầm lạc khi sùng tín thái quá vào danh tướng của tu sĩ. Nếu không có Chánh kiến soi sáng, rất dễ lầm đường lạc lối trong tu Đạo.
- Tu sĩ khác cư sĩ ở thắng duyên xuất gia chuyên tâm tu Đạo giải thoát, không còn bị thế sự buộc ràng, tục duyên trói buộc. Cũng như bao chúng sanh khác, tu sĩ vẫn là phàm phu còn vô minh, tham ái và chấp thủ ngã tướng cần phải tiêu trừ, tịnh hóa và diệt tận.
- Do đó, nếu thần thánh hóa tu sĩ sẽ khiến họ sanh tâm ngã mạn cống cao, từ đó chướng ngại Đạo tâm, trược chướng đua nhau dấy khởi, đắp mê bồi ngã làm Đạo nghiệp bị thoái thất.
Thật vậy! Thực tế cho thấy nhiều vị cư sĩ thay vì đứng chấp tay hiệp chưởng đảnh lễ thì quỳ mọp lạy Tăng Ni như lạy Phật, điều này quả thật không nên. Cũng vậy, khi chưa kiến Tánh, tu sĩ cần tỉnh giác tuyệt đối không thọ nhận dù một cái quỳ lễ lạy của ai mà tổn đức bởi sự sống Đạo đều phải nương nhờ vào sự hộ trì cúng dường của thập phương Tín chúng, trong khi vô minh – ái thủ ngã tướng chưa trừ, sanh tử luân hồi chưa dứt tận được, lại còn mống tâm ngã mạn xem mình là “Bề Trên” để cho Tín chúng quỳ lễ lạy thì biết đến bao giờ mới thành tựu Đạo nghiệp. Bên cạnh đó, tình trạng tha hóa của người tu sĩ hiện nay, đặc biệt là đời sống xa hoa lợi dưỡng của họ, cũng phần nào do người Phật tử sùng kính họ thái quá mà ra.
Hãy luôn ghi nhớ: chiếc áo không làm nên thầy tu mà ngược lại, chỉ có tâm hành tinh cần chơn chánh, chí nguyện từ bi kiên định, Đạo hạnh trang nghiêm xuất thế mới là chuẩn mực làm nên 1 vị tu sĩ chơn chánh. Và chỉ có như thế, vị chơn tu ấy mới đáng được kính trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời.
Xem bài:
6. Thoái tâm Bồ Đề
– Cư sĩ: cuộc mưu sinh gian khổ trăm bề; sự không như ý trong cuộc sống cứ liên tục tiếp diễn; chướng ngại gia đình khó lòng vượt qua; tập khí trói buộc gây trở ngại huân tu (hướng ngoại, không tỉnh giác, thiếu tinh tấn, dễ bị mê trần chi phối tác động…); không tìm được Minh sư dìu dắt; không rõ được ý nghĩa và mục đích tu hành… – tất cả nghịch duyên nội chướng do nghiệp lực chiêu cảm khảo hành – dễ khiến người cư sĩ thối thất tâm Bồ-Đề.
– Tu sĩ: do còn vô minh, nghiệp chướng nên dù đã xuất gia rồi, tâm vẫn còn ái thủ ngã tướng, nặng nề tục lụy nên vọng theo sắc dục, tiền tình, hư danh… mà tự đánh mất bổn Tâm, mê Sự bỏ Tánh. Họ kêu gọi cúng dường, lạm dụng của Thường trụ mà cố xây chùa to rộng, ở chỗ tiện nghi chẳng thiếu thứ gì, đua đòi lợi dưỡng… Phật sự nào làm thì mong nhận Bằng khen công đức do chính quyền / Giáo hội cấp; khi có nó rồi thì mang ra khoe với Phật tử cho thấy công cán, đánh bóng tên tuổi chùa và cá nhân để kêu gọi cúng dường hùn phước…, thử hỏi có khác gì cướp bòn công sức và phước đức của thập phương Thiện Tín. Ngoài ra, khi gia đình nào có hữu sự, tu sĩ còn trắng trợn ra giá cho một buổi lễ cầu siêu nếu Phật tử muốn mời. Phật tử muốn lên Chánh điện lễ Phật, trụ trì chùa còn quy định bắt buộc họ phải có (mua) áo tràng mới được phép. Họ lạm dụng Phật Pháp, buôn Kinh bán Phật, hủy phạm Giới luật, biến vị giải thoát chốn Phật môn thành đủ vị sanh diệt lắm mùi tục lụy uế trược khi ngụy biện bằng mọi lẽ cong vạy theo ý mê tà kiến của mình dưới danh nghĩa Phật Pháp. Tình trạng tu sĩ đua nhau đàn ca, xướng hát, quay phim tung lên mạng để câu “like” (thích), rồi dâm ô trụy lạc nơi nhà nghĩ, thậm chí tại chốn Thiền môn thanh tịnh đang làm thốn mắt xót tâm của biết bao người. Than ôi! Đây chính là những chướng Ma đội lốt tu sĩ phá Đạo Phật truyền, là “Sư tử trùng thực sư tử nhục” đúng như lời Phật đã từng răn tỉnh hậu thế.
Quý vị hãy ghi nhớ: tu Phật không dễ, phải tự mình thắp đuốc Trí Huệ mà đi vì Chư Phật chỉ là Bậc Đạo Sư chỉ đường giác ngộ giải thoát. Phàm phu chúng sanh vô minh sâu dày, nghiệp chướng chồng chất tự bao đời nếu không nhờ tâm giác tỉnh một lòng chơn tu Phật tịnh hóa, tiêu trừ và diệt tận thì khổ hải trầm luân không dứt, biết bao giờ thoát đặng. Được – mất, khen – chê, vui – buồn, sướng – khổ…, vạn sự trên đời không gì tồn tại mãi nên đừng dính chấp, ưu phiền, mê mải tạo tác. Đời người ngắn ngủi vô thường, thoáng chốc tàn cuộc trăm năm giả tạm rồi cuối cùng ai ai cũng một nấm mồ chung cuộc, ngã sẽ về đâu trong thống khổ luân hồi? Duy chỉ có chơn tu Phật mới là con đường duy nhất phá mê khai ngộ, liễu thoát tử sanh; và duy chỉ có mình mới tự cứu mình thoát đặng. Trí tín chơn chánh như thế, dù gặp thuận duyên hay chướng ngại thử thách khó khăn đến đâu, lòng vẫn luôn an tịnh nhiếp tâm hướng Thượng, hoan hỷ trả nghiệp, kiên định chí nguyện giải thoát, tinh tấn lập công bồi đức, sám hối, chơn tu hành.
Đạo Phật từ bi – trí huệ, vậy mong lắm thay người tu Phật, tu sĩ cũng như cư sĩ, có đầy đủ đức hạnh Bi – Trí – Dũng hồi tà hiển chánh, hộ trì mạng mạch Phật Pháp cửu trụ Ta Bà, nối gót Từ Bi. Tuyệt đừng để thoái tâm Bồ Đề, điên đảo Phật Pháp, lầm lẫn u mê theo Tà sư giả tu, cộng hành Ma sự khiến Phật Pháp suy vi thì huệ mạng dứt lìa, cộng nghiệp khổ đọa trong mai hậu là điều chắn chắn.
7. Bản ngã
Bằng cấp, học vị hay sự nổi tiếng chỉ là hư danh, không nói lên sự giác ngộ, càng chẳng dính dáng gì đến Đại sự liễu thoát tử sanh.
Cũng thế, thâm niên tu hành không nói lên Đạo hạnh mà tùy vào duyên nghiệp, căn trí và tâm lượng mỗi người. Một vị tu cao niên chưa hẳn đã giác, người mới nhập Đạo không hẳn còn mê.
Gương Đức Lục Tổ Huệ Năng còn đó, người tu hành đừng rơi vào chướng học Phật, chấp ngã cống cao, lầm khinh hậu học.
Hãy nghiêm hành Tôn chỉ tu Phật: Vô dục – Vô cầu – Vô đắc – Vô ngã – Vô trụ.
Hãy cẩn trọng dùng Chánh kiến tư duy theo tinh thần Tứ Y Pháp (y pháp bất y nhân, y nghĩa bất y ngữ, y trí bất y thức, y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa) để trạch Pháp ngụy – chơn, tránh lầm đường lạc lối; từ đó sách tấn nhau trên tinh thần Lục Hòa tương kính, tránh ngã tướng hơn thua theo thói tục phàm tình.
Hãy “ưng vô sở trụ” mà sống và tu hành.
* TÓM LẠI
Đạo tại tâm hành trang nghiêm chơn chánh (Giới – Định – Huệ)! Giác ngộ – giải thoát tối thượng của nhà Phật không chỉ dành cho riêng ai, và chỉ đến với những ai tâm giác tỉnh một lòng chơn tu Phật, dù dưới thiên hình vạn trạng nào trong khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương.
Chỉ có Trí Huệ Lực của thiền định (Giới – Định – Huệ) mới giúp hành giả phá mê khai ngộ, liễu thoát tử sanh.
Không có công phu thiền định chơn chánh, luận huyền nói diệu đến đâu đi nữa cũng đều là lời Ma. Tu Phật, đừng học Phật!
Giới luật còn thì Phật Pháp còn. Đạo Phật thịnh hay suy đều tùy vào sự tu hành của những người con Phật có trang nghiêm hay không.
Lành thay cho những người con Phật, tại gia cũng như xuất gia, bất luận ngày đêm tu hành chơn chánh.
Mong những ai lầm lạc hãy sớm tỉnh giác, hồi tâm sám hối chơn tu Phật!
Trang nghiêm, Phật độ!
Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!
Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
Cổ Thiên
——————————-
Tham khảo: