chon-niem-phat-tin-tam

CHƠN NIỆM PHẬT

1. TÍN TÂM

“Diệu-Nguyệt Trưởng-giả thưa Phật rằng:

– “Bạch Đức Thế-Tôn, tuy con đã thấu triệt nghĩa lý thâm diệu của pháp niệm Phật, nhưng vẫn khẩn cầu Đức Thế-Tôn thương xót mà rộng chỉ bày thêm, để hết thảy chúng sanh nơi đời vị lai được mọi điều lợi ích.

– Bạch Đức Thế-Tôn, PHẢI NIỆM PHẬT NHƯ THẾ NÀO MỚI GỌI LÀ ĐẮC PHÁP? PHẢI KHỞI NHỮNG TÂM THÁI NÀO MÀ TU TẬP MỚI ĐƯỢC VÃNG SANH CỰC LẠC?”

Đức Phật dạy rằng:

“Nầy Diệu-Nguyệt cư sĩ, thế nào là Niệm Phật Chân Chánh? Muốn NIỆM PHẬT ĐÚNG PHÁPTỰ BIẾT MÌNH CHẮC CHẮN VÃNG SANH, thì người niệm Phật phải phát khởi Mười Thứ Tâm Thù Thắng sau đây:

1. Tín Tâm
2. Thâm Trọng Tâm
3. Hồi Hướng Phát Nguyện Tâm
4. Xả Ly Tâm
5. An Ổn Tâm
6. Đà Ra Ni Tâm
7. Hộ Giới Tâm
8. Ba La Mật Tâm
9. Bình Đẳng Tâm
10. Phổ Hiền Tâm

Thế nào gọi là TÍN TÂM?

Nầy Diệu-Nguyệt! TÍN TÂM nghĩa là lòng tin chân thật, tha thiết, bền vững; là nhân tố quyết định thành Phật, là nhân tố quyết định thâm nhập cảnh giới Đại-thừa. Bởi vì sao? Vì lòng tin là mẹ đẻ của tất cả công đức vô lậu, lòng tin là cửa ngõ nhiệm mầu đưa chúng sanh về nơi kho báu Phật Pháp. Cho nên, việc trưởng dưỡng Tín Tâm vẫn là điều thiết yếu nhất trong hết thảy mọi môn tu.

– Trước hết là phải đặt trọn lòng tin chân thật vào Lý Nhân-Quả một cách sâu chắc, kiên cố, và không hề nảy sanh một ý tưởng hoặc một hành vi trái ngược với Lý Nhân-Quả. Phải thấy hoạt dụng của Lý Nhân-Quả dung thông ba đời, đó là Quá khứ – Hiện tại – Vị lai, rõ ràng như những đường chỉ dọc ngang trên lòng bàn tay.

– Tin rằng kiếp sống thế gian là Vô-thường, mạng người ngắn ngủi như hơi thở ra vào, tất cả các pháp hữu vi đều là huyễn hóa, không có chủ tể, niệm niệm sanh diệt không ngừng, từng sát-na biến hoại chẳng nghỉ, tất cả đều đưa tới khổ não, vô minh và trói buộc.

– Tin rằng sáu nẻo luân hồi thật là nguy hiểm chướng nạn, sơ sẩy chỉ trong ý niệm cũng đủ đưa chúng sanh trầm luân cả nghìn muôn ức kiếp. Một lần sa lạc vào ba đường dữ thì không biết đến lúc nào mới thoát khỏi.

– Tin rằng Phật Pháp chính là đạo giải thoát an vui, đạo của Trí-Tuệ, đạo của Từ-Bi, đạo diệt khổ, đạo cứu vớt chúng sanh chẳng chừa một hạng loại nào cả, đạo của Phật Tri Kiến, có đủ phương thuốc nhiệm mầu trừ diệt tất cả các thứ bịnh tật của chúng sanh.

– Tin rằng Tam-Bảo là chỗ về nương của muôn loài, là ngọn đèn phá tan mọi hắc ám, là con thuyền đưa chúng sanh qua thấu bờ bên kia.

– Tin rằng tất cả các pháp đều do Tâm-thể của mình tạo ra. Từ ba đời mười phương Chư Phật nhẫn đến tứ Thánh, lục Phàm đều do cái Tâm-thể lưu xuất và biến hiện. Tin rằng cõi Cực-Lạc là từ Tâm-thể thanh tịnh của chúng sanh cùng tương ứng với Bổn Nguyện Vĩ Đại của Phật, Bồ-Tát, Thánh-chúng.

– Tin rằng mỗi mỗi chúng sanh đều có đủ năng lực lãnh thọ giáo pháp Như-Lai, bất cứ hữu tình nào cũng có năng lực hoàn thành địa vị Nhứt-thiết Chủng-trí như chư Phật.

– Tin rằng bản nguyện của Phật A-Di-Đà là chân thật, rốt ráo, là tối thắng. Và Ngài không hề bỏ sót một chúng sanh nào cả, dù kẻ ấy phạm vào ngũ nghịch, thập ác v.v…

– Tin rằng pháp niệm Phật vãng sanh là môn tu duy nhất cho hết thảy mọi người, vì rời môn tu này thì mọi người, mọi loài không thể giải thoát, nếu phế bỏ môn tu này thì chư Phật cũng không thể dùng một pháp nào khác để tế độ hết thảy hữu tình đúng như bản thệ, đúng như bản nguyện.

Diệu-Nguyệt! Phải phát khởi TÍN TÂM như vậy mà niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT!”

 (trích Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật)

 

————————————————

LỜI BÀN

 

TÍNTÍN TÂM như Phật dạy ở trên. TÍNNIỀM TIN CHƠN CHÁNH không chỉ nơi Tam Bảo mà còn vào khả năng giác ngộ của chính mình.

PHẬT nhập diệt đã lâu! PHÁP thì tam sao thất bản, lại mỗi người mỗi sở ngộ với căn trí hạn lượng chẳng đồng mà dịch, diễn, luận, suy, lắm khi thêm đủ “vị sanh diệt” theo tánh mê thường còn của mình khiến cho người tu Phật càng thêm rối rắm, khó bề nhiếp thọ Phật ý uyên nguyên làm cốt tủy cho sự tu hành, dễ mê lầm điên đảo. TĂNG thời nay thì loạn mạt đến nỗi Chơn tu khó tầm, Tà sư – giả tu sa số, vạn người tu có mấy ai thật xứng danh Trưởng-tử Như-Lai vô ngã – vô đắc – vô hành – vô tướng? Thế nên hàng hậu học tu Phật cần mở “mắt Tâm”, đốt “đuốc Huệ” nương vào Giới luật, Tứ y pháp, Bát Chánh Đạo… mà tỏ rõ Ngụy – Chơn, tránh mê lầm lạc lối gieo NIỀM TIN HUỆ MẠNG nơi TÀ KIẾN – TÀ PHÁP – TÀ SƯ mà đồng hội đồng thuyền trên nẻo về cửa KHỔ thì mất dứt Thiện căn, tội trầm khó thoát. Đó cũng bởi nhắm mắt gieo NIỀM TIN BẤT CHÁNH nơi nẻo TÀ (TÀ KIẾN – TÀ PHÁP – TÀ SƯ) chẳng nghĩ mà chiêu cảm quả báo khổ lụy, hối hận muộn màng!

Lại nữa, người tu Phật nếu phát khởi niềm tin chân chánh nơi Tam Bảo mà với khả năng giác ngộ nơi mình lại MƠ HỒ NGHI HOẶC thì công hạnh tu hành sẽ khó bề thành tựu. Phật đã thọ ký năm xưa: “Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh (chủng tử Phật) nếu chí thành quy Phật phát Bồ-Đề tâm! Ta là Phật đã thành, Chúng sanh là Phật sẽ thành nếu nhẫn lực tu hành chơn chánh theo lời Phật dạy vì khổ luân hồi của muôn vạn chúng sanh”. Bởi thế, người tu Phật, dù hành trì niệm Phật, tham thiền hay trì chú, phải xác quyết NIỀM TIN VÀO KHẢ NĂNG GIÁC NGỘ CỦA CHÍNH MÌNH. Đó là TÍN TỰ TÂM, chẳng phải là tâm ngã mạn – cống cao – tự đắc, khinh thường sơ cơ – hậu học…; cũng chẳng phải yếm thế tự coi rẻ mình tâm – trí nhỏ nhoi, phước cạn nghiệp dày, căn cơ non kém, tự hành (hành trì Phật Pháp) chẳng nổi… Sự đời ở thế gian, phàm làm việc gì mà không có niềm tin vào bản thân thì khó bề thành tựu cho đến nơi đến chốn, huống gì tu đạo giải thoát. Phải khởi NIỀM TIN VÀO CHÍNH MÌNH, khởi tâm DŨNG MÃNH – TINH TẤN – NHẪN NHỤC mà tiến tu bất thối, vững tin rằng một lòng nguyện xuất thế liễu sanh, nghiêm trì Giới – Pháp tu hành chẳng mỏi trước vạn sự vô thường biến đổi của thế gian thì chắc chắn sẽ có ngày thành tựu, liễu ngộ Giác Tánh, liễu thoát tử sanh.

Lưu ý công phu niệm Phật nếu thuần thục miên mật sẽ đạt “nhất tâm”, tiếp tục tinh tấn đến lúc tự mất dần từng chữ rồi tự mất hẳn thì thành tựu NIỆM PHẬT BA-LA-MẬT. Tùy tâm lượng, căn trí mỗi người mà NGUYỆN sẽ tự khởi lên trong sự an trụ nơi cảnh giới niệm Phật Ba-la-mật đó. Chơn Nguyện này tự khắc được 10 phương chư Phật chứng minh, hành giả chính thức đặt bước chân trên đường Phật Đạo, hoằng truyền Phật Pháp, phổ độ chúng sanh, lập HẠNH viên mãn BỔN NGUYỆN của chính mình. Do đó, TÍN – NGUYỆN – HẠNH hiểu rốt ráo là tối yếu cho sự tu hành tự giác – giác tha – giác hạnh viên mãn của mọi người con Phật, dù hành trì theo Pháp môn hay Tông phái nào đi nữa, tham thiền, niệm Phật hay trì chú. Và chỉ khi đạt Niệm Phật Ba-La-Mật (hay “vô niệm” nếu tham thiền) thì mới hội tụ đủ CHƠN TÍN – NGUYỆN – HẠNH cúng dường Chư Phật khắp 10 phương!

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

————————————————————

Tham khảo: