chon-niem-phat-hoi-huong-phat-nguyen-tam

CHƠN NIỆM PHẬT

3. HỒI HƯỚNG PHÁT NGUYỆN TÂM

“Diệu-Nguyệt Trưởng-giả thưa Phật rằng:

– “Bạch Đức Thế-Tôn, tuy con đã thấu triệt nghĩa lý thâm diệu của pháp niệm Phật, nhưng vẫn khẩn cầu Đức Thế-Tôn thương xót mà rộng chỉ bày thêm, để hết thảy chúng sanh nơi đời vị lai được mọi điều lợi ích.

– Bạch Đức Thế-Tôn, PHẢI NIỆM PHẬT NHƯ THẾ NÀO MỚI GỌI LÀ ĐẮC PHÁP? PHẢI KHỞI NHỮNG TÂM THÁI NÀO MÀ TU TẬP MỚI ĐƯỢC VÃNG SANH CỰC LẠC?

Đức Phật dạy rằng:

“Nầy Diệu-Nguyệt cư sĩ, thế nào là Niệm Phật Chân Chánh? Muốn NIỆM PHẬT ĐÚNG PHÁPTỰ BIẾT MÌNH CHẮC CHẮN VÃNG SANH, thì người niệm Phật phải phát khởi Mười Thứ Tâm Thù Thắng sau đây:

1. Tín Tâm
2. Thâm Trọng Tâm
3. Hồi Hướng Phát Nguyện Tâm
4. Xả Ly Tâm
5. An Ổn Tâm
6. Đà Ra Ni Tâm
7. Hộ Giới Tâm
8. Ba La Mật Tâm
9. Bình Đẳng Tâm
10. Phổ Hiền Tâm

Thế nào gọi là HỒI HƯỚNG PHÁT NGUYỆN TÂM?

Nầy Diệu-Nguyệt! HỒI HƯỚNG PHÁT NGUYỆN TÂM nghĩa là khởi cái tâm chí như thế nầy: không riêng gì bản thân mà cầu xuất ly Ta-bà loạn trược, khổ não; trái lại, phải nguyện vì hết thảy chúng sanh khắp ba cõi sáu đường mà cầu vãng sanh Cực-Lạc, chóng thành tựu Phật đạo để tế độ quần mê.

Tại sao vậy? VÌ MUỐN CÁI QUẢ ĐỨC SIÊU VIỆT TỐI THƯỢNG THÌ PHẢI PHÁT KHỞI CÁI TÂM CHÍ QUẢNG ĐẠI, DŨNG MÃNH. Người niệm Phật nếu đem cái tâm thái hời hợt, hẹp hòi, yếu hèn, chỉ riêng vì giải thoát bản thân thì chẳng bao lâu sẽ chiêu cảm cái quả báo nhỏ bé, nông cạn, tầm thường, không xứng hợp với Bản-hoài chư Phật, chẳng tương ứng cùng Bản-nguyện vĩ đại Bi-Trí Viên Mãn của Đức Phật A-Di-Đà cho nên khó được tiếp dẫn về nơi cõi nước Tây Phương.

Lại nữa, người niệm Phật còn phải đem tất cả công đức thực hành Sáu Ba-la-mật, Bốn Nhiếp-pháp, Bốn Vô-lượng-tâm hoặc Ba mươi bảy Phẩm-trợ-đạo … mà hồi hướng khắp anh em, cha mẹ, bằng hữu, chư Thiên, chư Tiên, bốn loại chúng sanh kẻ oán người thân đều được an trụ trong Phật danh NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT”.         

(trích Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật)

 

————————————————-

LỜI BÀN

 

Tâm chúng sanh vốn dĩ do Vô Minh làm gốc khiến trôi lăn trong sanh tử miệt mài từ đời này sang đời khác, đến nỗi thậm chí nếu có nhân duyên với Tam Bảo nhiều đời mà phát tâm cẩn chí tu hành thì tam độc THAM – SÂN – SI vẫn âm thầm chi phối từng ý nghĩ, lời nói và hành động trong từng sát na niệm vi tế trong tâm nên nếu công phu – định lực chưa sâu dày thì hành giả khó bề nhận rõ, điều ngự và chuyển hóa. Nghiệm rõ sẽ thấy, đã hướng Phật tu hành nhưng đa số người tu, tại gia cũng như xuất gia, vẫn còn THAM cầu tích phước, giải thoát cho riêng mình! Lạy Phật, niệm Phật thì tính đếm số lần, nghĩ rằng MÌNH lạy niệm càng nhiều thì phước càng lớn, thật chẳng khác gì sự trao đổi thường tình ở thế gian. Hoặc làm được một việc thiện lành nào thì vui xem như MÌNH đã đầu tư tích thêm được “một khoản trong ngân hàng phước”, để sau này nếu nghiệp hạn có đến thì cũng mong nhờ vào đó mà được nhẹ nhàng hanh thông. Hoặc dụng công tu hành mong MÌNH giải thoát khỏi chốn Ta Bà ngũ trược lắm điều khổ não triền miên, cầu vãng sanh Tây phương mới an nhàn tự tại. Thậm chí có người nghĩ rằng tu Phật, MÌNH “cho đi tất cả chính là được tất cả” mà khuyến tấn nhau hành thiện tích đức… Tất cả nói vì Người chứ thật là vì MÌNH, nào khác gì “cái tâm thái hời hợt, hẹp hòi, yếu hèn, chỉ riêng vì giải thoát BẢN THÂN (TỰ NGÃ) thì chẳng bao lâu sẽ chiêu cảm cái quả báo nhỏ bé, nông cạn, tầm thường, không xứng hợp với Bản-hoài chư Phật, chẳng tương ứng cùng Bản-nguyện vĩ đại Bi-Trí Viên Mãn của Đức Phật A-Di-Đà cho nên khó được tiếp dẫn về nơi cõi nước Tây Phương”. Thẳng thắn, rốt ráo mà nói, đó không phải tinh thần Từ Bi Hỷ Xả – Vô Ngã đúng nghĩa của nhà Phật!

Mọi sự trên thế gian đều có sự tương ưng và khế hợp, dù sống ở Đời hay tu Đạo giải thoát. Muốn thành tựu việc lớn ở đời thì đòi hỏi trước hết là “tâm – chí” thật lớn lao; kế đến là bản thân phải “tự lực, tự cường” phấn đấu không ngừng, nỗ lực vượt qua mọi chông gai, thử thách, chướng ngại vấp phải để hướng đến hoàn thành mục tiêu, đại sự. Nếu có ngã thì biết rằng “thất bại là Mẹ thành công”, “ngựa chạy đường dài mới hay sức ngựa, vàng qua lửa đỏ càng rõ lòng vàng” mà phục chí đứng lên, VƯỢT QUA CHÍNH MÌNH để tiếp bước… Sống trên đời đã khó, tu Đạo giác ngộ – giải thoát càng khó gấp bội phần. Đó không chỉ là “vượt qua chính Mình” (Ngã) thường tình nhỏ hẹp ở thế gian, mà là tinh tấn hướng đến “liễu ngộ” thật chẳng còn cái để gọi là “Mình”, là “của Mình”, là “Ngã – Nhân – Chúng Sanh – Thọ giả”, kể cả ý niệm này cũng đốn siêu. Dẫu biết rằng đó chính là TÂM – HẠNH của bậc “ĐÔ GIÁC NGỘ – KIẾN TÁNH mà thông bệnh của người “HỌC PHẬT – KHÔNG TU” xưa nay lại thường hay “Kiến – Văn – Giác – Tri” trên sự Ngộ của bậc Giác, trên ngữ nghĩa của ngôn tự Kinh văn mà mê lầm “Thức phàm” lại cho là “Phật Trí”, “Chướng” lại cho là “Thoát”, lại thường hay “bắt chước”, “sáo ngữ” khoe khoang…, nhưng ít ra đó chính là tôn chỉ, là cốt tủy Bi Trí nhà Phật, là kim chỉ nam soi đường cho người con Phật rõ hướng tiến bước TU HÀNH cho đến ngày giác ngộ – giải thoát. Thế nên trước vạn sự vô thường, sanh tử luân hồi, nghiệp báo thống khổ ở thế gian, nếu Tâm Hạnh người tu nhỏ hẹp, vị kỷ (nhân) thì so với Tâm Từ – Hạnh Nguyện vô lượng vô biên trùm khắp của Chư Phật khắp 10 phương, hỏi sao có thể “tương ưng, khế hợp”, trách sao thành tựu tu hành (quả) vì vậy sẽ chẳng đến đâu. Nếu không phát khởi Tâm Hạnh quảng đại, vô ngã – vô trụ vì Phật Pháp và chúng sanh, chúng ta có xứng đáng là con Phật?

bo-tat-pho-hienTHẬP GIẢ PHỔ GIAI HỒI HƯỚNG” là Hạnh-Nguyện thứ 10 trong Thập Nguyện Phổ-Hiền-Vương, thể hiện Tâm vô-lượng ba-la-mật quảng đại trùm khắp hư không, biến khắp pháp giới của người tu Phật chơn chánh. Đó là do lòng Từ – Bi vô lượng trước nỗi khổ sanh tử luân hồi nghiệp báo của muôn vạn chúng sanh trong khôn cùng cảnh giới mà Hỷ – Xả hồi hướng công đức tu hành cho tất cả, ngay cả sinh-tử cũng chẳng màng vì đại sự hoằng truyền Phật Pháp – phổ độ Chúng sanh, hứng chịu nghiệp thay giúp lìa khổ được siêu, khai tâm mở trí cho nhẹ nhàng quy Phật, kẻ trước người sau dìu dắt nhau tiến tu giải thoát. Do đó, Tâm của một người tu Phật chơn chánh phải đốn siêu KHÔNG CÒN MỘT “NIỆM NGÔ NÀO thì khi đó, NIỆM PHẬT MỚI ĐÚNG LÀ NIỆM CHƠN TÂM PHẬT TÁNH, mới khế hợp tâm Chư Phật khắp 10 phương; lại “đem tất cả công đức tu hành HỒI HƯỚNG khắp anh em, cha mẹ, bằng hữu, chư Thiên, chư Tiên, bốn loại chúng sanh kẻ oán người thân đều được an trụ trong Phật danh NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT”; được như vậy thật là quý báu vô cùng. Ngược lại, sẽ chỉ mãi loanh quanh với cái “Ngã” hẹp thường tình sanh diệt, dẫu có tu lâu năm, lạy niệm Phật (hay tham thiền, trì chú) nhiều, giảng thuyết tài ba, làm đủ điều phước thiện… nhưng cuối cùng chỉ đứng bên lề Phật Đạo, bờ Giác vẫn còn xa. Thế cho nên niệm Phật ai ai cũng đều niệm được, nhưng Chơn Niệm Phật không phải ai cũng HÀNH được, thành tựu ngẫm có mấy ai (?). Tất cả do nơi TÂM LƯỢNG của mỗi người, mỗi chúng sanh mà quyết định. Người tu Phật cần nên liễu rõ!

Hãy khởi TÍN TÂM, THÂM TRỌNG TÂM, HỒI HƯỚNG PHÁT NGUYỆN TÂM (cùng 7 tâm lượng còn lại sẽ bàn trong các bài viết sau) mà niệm Phật!

Hãy liễu Tri – liễu Ngã mà niệm Phật!

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

———————————————-

Tham khảo: