CHƠN NIỆM PHẬT
7. HỘ GIỚI TÂM
“Diệu-Nguyệt Trưởng-giả thưa Phật rằng:
– “Bạch Đức Thế-Tôn, tuy con đã thấu triệt nghĩa lý thâm diệu của pháp niệm Phật, nhưng vẫn khẩn cầu Đức Thế-Tôn thương xót mà rộng chỉ bày thêm, để hết thảy chúng sanh nơi đời vị lai được mọi điều lợi ích.
– Bạch Đức Thế-Tôn, PHẢI NIỆM PHẬT NHƯ THẾ NÀO MỚI GỌI LÀ ĐẮC PHÁP? PHẢI KHỞI NHỮNG TÂM THÁI NÀO MÀ TU TẬP MỚI ĐƯỢC VÃNG SANH CỰC LẠC?”
Đức Phật dạy rằng:
“Nầy Diệu-Nguyệt cư sĩ, thế nào là Niệm Phật Chân Chánh? Muốn NIỆM PHẬT ĐÚNG PHÁP và TỰ BIẾT MÌNH CHẮC CHẮN VÃNG SANH, thì người niệm Phật phải phát khởi Mười Thứ Tâm Thù Thắng sau đây:
1. Tín Tâm
2. Thâm Trọng Tâm
3. Hồi Hướng Phát Nguyện Tâm
4. Xả Ly Tâm
5. An Ổn Tâm
6. Đà Ra Ni Tâm
7. Hộ Giới Tâm
8. Ba La Mật Tâm
9. Bình Đẳng Tâm
10. Phổ Hiền Tâm
Thế nào gọi là HỘ GIỚI TÂM?
Nầy Diệu-Nguyệt! Người niệm Phật phải luôn luôn an trụ nơi Giới-luật, và hằng phát tâm HỘ TRÌ GIỚI LUẬT (tức HỘ GIỚI TÂM). Ấy là:
– Giới chẳng bỏ Bồ-đề-tâm, chẳng quên Bồ-đề-nguyện.
– Giới tự nhiên xa lìa các phép học của Thanh-văn, Duyên-giác, không tham đắm Niết-bàn vắng lặng mà bỏ rơi chúng sanh.
– Giới hân ngưỡng Đại-thừa, vui thích tu hành theo tất cả pháp học Bồ-tát đạo.
– Giới đem hết thảy thiện căn hồi hướng quả vị Chánh-Đẳng-Giác, mong cầu Phật-trí, Vô-sư-trí.
– Giới nơi tất cả Phật Pháp vô-sở-đắc.
– Giới chẳng dính mắc tất cả thiện sự hữu vi.
– Giới khiến cho Diệu Pháp được tồn tại lâu dài, làm cho hết thảy chúng sanh an trụ nơi Chánh Kiến.
– Giới khéo léo tư duy tất cả hành nghiệp chúng sanh và khiến chúng sanh trưởng dưỡng ý hướng giải thoát.
– Giới trang nghiêm tự tâm, đồng thời trang nghiêm mười phương quốc độ của Chư Phật.
– Giới chư căn Luật nghi, như Tỳ-kheo giới, Bồ-Tát giới, Ngũ giới tại gia v.v…
Niệm Phật với TÂM HỘ TRÌ các Giới-luật kể trên, mới được gọi là Chân Chánh Niệm Phật!”
(trích Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật)
————————————————
LỜI BÀN
GIỚI là nền tảng của Đạo Phật, là một trong “ba vô lậu” học gồm GIỚI – ĐỊNH – HUỆ nhằm thủ hộ thân tâm, dứt các lậu hoặc, hướng tới giải thoát.
Về lý thuyết, Giới giữ một vị trí quan trọng trong Tam tạng Kinh điển. Đó là LUẬT tạng, bên cạnh KINH tạng và LUẬN tạng.
Về tu hành, Giới đóng vai trò mấu chốt trong đời sống Tăng đoàn. Giới chính là nền tảng cơ bản làm nên một người tu Phật chân chánh, là điều kiện tối cần quyết định sự tiến tu và thành tựu đạo nghiệp giải thoát, làm “thân giáo” hoằng truyền Phật Pháp, phổ độ chúng sanh (GIỚI – ĐỊNH – HUỆ)!
Là Phật tử tại gia có nghĩa là tự nguyện thọ trì Tam quy – Ngũ giới, tức là nương tựa vào Tam Bảo và giữ gìn năm giới cấm căn bản của đạo Phật trong đời sống hàng ngày. Năm giới đó là:
1. Cấm sát sanh.
2. Cấm trộm cắp.
3. Cấm tà dâm.
4. Cấm nói vọng.
5. Cấm uống rượu (cấm hút á phiện).
Là Phật tử xuất gia đầu tiên phải thọ trì Giới Sa-di hoặc Sa-di ni, rồi tuần tự thời gian sau mới thọ trì Giới cụ-túc, phát nguyện tuân theo Giới bổn để trở thành Tỳ-kheo hoặc Tỳ-kheo ni.
Giới Sa-di hay Sa-di ni gồm có 10 điều răn cấm, lược giải dưới đây:
1. Cấm sát sanh.
2. Cấm trộm cắp.
3. Cấm tuyệt dâm dục.
4. Cấm nói vọng.
5. Cấm uống rượu (cấm hút á phiện).
6. Cấm đeo hoa thơm và thoa dầu thơm.
7. Cấm đàn ca hoặc xem nghe đàn ca.
8. Cấm ngồi giường cao, rộng.
9. Cấm ăn quá Ngọ.
10. Cấm cất giữ vàng bạc và các món báu.
Giới cụ-túc do Đức Phật Thích-Ca khi ở tại vườn Lộc Uyển vì bậc Nhị thừa chế ra.
1. Đối với hàng Tỳ-kheo, đại cương có: 4 giới ba-la-di, 13 giới hữu-dư, 2 giới bất-định, 30 giới xã đọa, 90 giới ba-dật-đề, 4 giới hướng bỉ hối, 100 giới chúng học, 7 giới diệt tránh. Cộng thành 250 giới.
2. Đối với hàng Tỳ-kheo ni, đại cương có: 8 giới ba-la-di, 17 giới hữu-dư, 30 giới xã đọa, 178 giới ba-dật-đề, 8 giới hướng bỉ hối, 100 giới chúng học, 7 giới diệt tránh. Cộng thành 348 giới.
Ngoài ra, phái xuất gia có thể tùy tâm thọ thêm Đại thừa Bồ-Tát giới (gồm 10 điều trọng giới và 48 điều khinh giới) hoặc Đại thừa Tam-Tu-Tịnh giới (gồm Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới và Nhiếp chúng sanh giới).
Đó là do căn cơ sai biệt của chúng sanh mà Phật thuyết như thế nhằm giúp hành giả bảo hộ đường tu, huân tập chủng tử THIỆN, đoạn trừ chủng tử ÁC trong tâm, tinh tiến tu hành tuần tự từ thấp lên cao; chớ thọ trì Giới luật đúng nghĩa không chỉ thủ hộ 250 giới, 348 giới… căn bản mà thôi. Rốt ráo mà nói, HỘ TÂM TỨC HỘ GIỚI. Vì sao? Vì TỘI DO TÂM SANH nên TÂM VÔ NHIỄM TỨC GIỚI-ĐỨC TRÒN ĐẦY. Tâm vô nhiễm nghĩa là trong từng SÁT NA vi tế dưới mọi oai nghi đi – đứng – nằm – ngồi, dù đang hạ thủ công phu tọa thiền niệm Phật hay đang giao tế để hành Phật sự…, Tâm luôn an trú trong tiếng Phật hiệu “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT” (nhất tâm) cho đến an trú trong cảnh giới VÔ NIỆM (Niệm Phật Ba-la-mật). Đây là GIÁC NGỘ, là KIẾN TÁNH, là thành tựu của cả quá trình tu hành đầy gian nan, chông gai và thử thách nên đừng nhầm lẫn với VÔ KÝ KHÔNG vốn là một dạng thiền bệnh, “tự tác ý” thả tâm rỗng không, chẳng nghĩ ngợi gì mà lầm đường lạc lối. Do HỘ TÂM TỨC HỘ GIỚI cho nên người tu Phật hãy tinh tấn công phu, nương sức niệm Phật mà tịnh hóa mọi vọng niệm, kiết sử, tập khí kiến – lậu – hoặc bao đời. Công phu càng sâu dày bao nhiêu thì GIỚI thể càng kiên cố bấy nhiêu, đến “thời” liền vào Tam Ma Địa (ĐỊNH), Vô Sư Trí tự khai mở (HUỆ), tánh Phật hiện tiền (GIÁC NGỘ, KIẾN TÁNH). Vì vậy, niệm Phật miên mật ba thời cho chuyên nhất trong đời sống hàng ngày tức là HỘ TÂM – HỘ GIỚI.
“Sau khi TA nhập diệt, các con hãy lấy Giới Luật làm Thầy; tự thắp đuốc Trí Huệ mà đi; nương Chánh Pháp Phật mà tu hành tinh tấn”, lời Đức Phật dạy còn đó để nhắc nhở hàng hậu học tự thủ hộ thân-tâm mình mà tiến tu giải thoát. Ngài còn dạy: “Giới còn thì Ta (Phật Pháp) còn”. Đó cũng chính là lời huyền ký sâu xa của Ngài báo trước về tâm tánh sa đọa của người tu cũng như thực trạng suy vi của Đạo Pháp thời MẠT TÂM về sau. Thật vậy, PHÁP NẠN người tu xem thường Giới luật rồi dùng đủ lý lẽ, phương tiện dưới danh nghĩa Phật Pháp để ngụy biện cho sự phạm Giới và đời sống lợi dưỡng, xa hoa của mình đã không còn hiếm thấy trong thời buổi hiện nay, minh chứng cho lời Phật dạy năm xưa. HỘ TRÌ GIỚI LUẬT TỨC HỘ TRÌ CHÁNH PHÁP THÍCH-CA. Mong sao tất cả chúng ta, tại gia cũng như xuất gia, hãy dõng mãnh tinh thần HỘ PHÁP trước Pháp nạn nhức nhối hiện nay (đã bàn ở các bài viết trước).
Tùy tâm lượng, căn trí và túc nghiệp của mỗi người mà công phu tu hành sâu cạn chẳng đồng, tâm thọ trì Giới luật cũng có phần tương ưng sai khác. Với những Giới-luật mà Đức Phật đã dạy ở trên, mỗi người tu Phật chúng ta, tại gia cũng như xuất gia, hãy chân thật phản quang tự kỷ xét mình đã TU SỬA TÂM TÁNH thế nào, THỌ TRÌ GIỚI LUẬT ra sao trong đời sống tu hành, từ đó răn mình – cảnh tỉnh người giúp nhau hoàn thiện, vẹn toàn Giới-Đức nhằm giữ gìn Huệ Mạng nơi Tam Bảo được tiến tu bất thối, góp phần hoằng dương Chánh Pháp Như Lai đời đời hưng thịnh.
* TÓM LẠI
Hộ tâm tức Hộ trì Giới Luật! Hộ trì Giới Luật tức Hộ trì Chánh Pháp Thích-Ca cửu trụ Ta Bà!
Tha thiết mong sao tất cả chúng sanh hãy Hộ tâm mình, an trú trong Phật hiệu: NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT!
Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!
Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
Cổ Thiên
—————————————————
Tham khảo:
- Chơn niệm Phật: 1. Tín tâm
- Chơn niệm Phật: 2. Thâm Trọng Tâm
- Chơn niệm Phật: 3. Hồi hướng phát nguyện tâm
- Chơn niệm Phật: 4. Xả Ly Tâm
- Chơn niệm Phật: 5. An ổn tâm
- Chơn niệm Phật: 6. Đà-ra-ni tâm
- Chơn niệm Phật: 8. Ba-la-mật tâm
- Chơn niệm Phật: 9. Bình Đẳng Tâm
- Chơn niệm Phật: 10. Phổ Hiền tâm
- Đại Thế Chí Bồ Tát khai thị Niệm Phật Viên Thông
- Tổ Bồ Đề Đạt Ma khai thị về niệm Phật
- Lục Tổ Huệ Năng khai thị về niệm Phật
- Chia sẻ kinh nghiệm về công phu niệm Phật
- Vô Niệm – Sự quy nhất của Tịnh – Thiền – Mật
- Phật Pháp vấn đáp 22: Niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc?