niem-hoa-thi-chung
Niêm hoa vi tiếu

Tham thiền, hay còn gọi là Tham Tổ Sư Thiền, có khởi nguồn từ Đức Phật với điển tích Niêm hoa thị chúng chốn Phật môn được lưu truyền hậu thế là dấu son vàng minh chứng cho tâm hạnh Từ Bi – Trí Huệ – Bình Đẳng và Giải Thoát vô thượng của Phật-đà, cho thành tựu tu hành chơn chánh của những người con Phật, là cột mốc đánh dấu sự truyền thừa Phật Pháp tại thế gian. Kể từ đó, đã xuất sanh bao Bậc minh tâm kiến tánh, dĩ tâm ấn tâm tiếp nối bổn hoài Chư Phật, đời đời không dứt.

Với tâm nguyện giúp các hành giả tu thiền có lợi ích thiết thực cho công phu của mình, nay chia sẻ kinh nghiệm thực hành Tham Tổ Sư Thiền của bản thân đến Đại chúng. 

 1. Chọn câu thoại đầu

Có nhiều câu thoại đầu để tham thiền, chẳng hạn như: “Khi chưa có trời đất, ta là gì?“, hay “Ai đang niệm Phật?”…, Quý vị cứ chọn lấy một câu hợp ý rồi dụng công. Tuy nhiên, theo hành giả, việc chọn câu thoại đầu sao cho dễ phát khởi nghi tình là quan trọng nhất, vì nó có ảnh hưởng rất lớn đến sự tiến triển của công phu. Vì sao? Vì tâm chúng ta tự vô thỉ vốn ham tìm tòi, hiểu biết và ghi nhận. Ở đời có câu: “Học, học nữa, học mãi”. Nếu không ham hiểu biết và học hỏi, người đó sẽ tụt hậu với bạn bè, đồng nghiệp và chính bản thân mình trước những trào lưu và tiến bộ của khoa học công nghệ, văn minh của xã hội. Mới cũng học, cũ (nếu chưa biết) cũng học. Rộng hơn, điều hay cũng học (đạo đức, đạo lý), điều dở (xấu) cũng học (học đòi, tập nhiễm)… Giữa muôn màu muôn vẻ của cuộc sống, tâm người thế tục luôn vận động không ngừng học hỏi, xét nét, suy tư, thâu gom, tích chứa; thế nhưng, dụng tâm này (trí hiểu biết thế gian) trong tu Đạo sẽ cản trở rất nhiều đến sự tham thiền vốn lội ngược dòng nghiệp thức tích tập bao đời để khai mở Trí Huệ Vô Sư, kiến ngộ Tánh Giác. Do đó, với những câu thoại đầu khi hỏi mà tâm, trong bất giác mơ hồ, có thể dùng trí thức phàm phu để trả lời được thì không nên chọn vì khó phát khởi nghi tình (do tập khí lâu đời nên tâm thường truy tìm đáp án cho câu hỏi). Ví dụ:

– Khi hỏi: “Ai đang niệm Phật?” thì theo tập khí, tự tâm liền trả lời: “Tôi” (chứ ai nữa). Vì tự có câu trả lời (dù ẩn vi tế trong tâm) nên rất khó phát khởi nghi tình.

– Khi hỏi: “Khi chưa có trời đất, ta là gì?“, ta thật sự không biết (nghi tình) và không thể trả lời câu hỏi này nên nghi tình rất dễ phát khởi khi tham thiền.

Do đó, hành giả cân nhắc chọn câu thoại đầu sao cho dễ khởi nghi tình (không biết) trước khi hạ thủ công phu.

2. Thực hành

Khi khởi câu thoại đầu lên, do không biết (không thể trả lời) nên tâm sanh nghi tình. Cố gắng trụ (ghìm) tâm nơi nghi tình (chỗ “không biết” đó) mà tiếp tục đề khởi câu thoại đầu lên, giữ sao cho vừa hỏi – vừa nghi một cách liên tục, không gián đoạn, không kẽ hở đan xen. Hành trì miên mật như thế tự sẽ đốn sạch tận gốc rễ mọi trí thức Ta-bà thế gian, từ đó Trí Huệ Vô Sư dần khai mở, Tánh Giác hiện tiền.

Ví dụ: tâm bắt đầu khởi: “Khi chưa có trời đất, ta là gì? Không biết”, liền tiếp tục khán “Khi chưa có trời đất, ta là gì? Không biết”, “Khi chưa có trời đất, ta là gì? Không biết”, “Khi chưa có trời đất, ta là gì? Không biết”… Hành giả cứ thế mà khán liên tục, vừa hỏi vừa nghi sao cho miên mật, không gián đoạn, không kẽ hở đan xen.

Khi mới dụng công, tùy tâm và nghiệp thức của mỗi người mà khởi phát nghi tình mau hay chậm. Tại đây mới thấy lợi ích thật sự của việc chọn câu thoại đầu nào giúp hành giả dễ “nghi” như đã giảng ở trên. Trong giai đoạn đầu, hành giả rất dễ nản chí muốn buông bởi khó phát khởi và trụ nghi tình; đôi khi lừ đừ mê ngủ (hôn trầm) hoặc quá nhiều tạp niệm đan xen (trạo cử) khiến không thể chiếu cố thoại đầu; hoặc sanh tâm nghi hoặc nơi Pháp môn mình đang hành trì; hoặc chán ngán không muốn dụng công, tâm sanh lười biếng; hoặc có lúc dụng công quá mức, khiến thân tâm khó điều hòa… Ngoài ra, còn có một số biểu hiện trên thân như cảm giác kiến bò khắp người, tê nhức ở đỉnh đầu, khí bốc lên ở chân tóc, mặt ngứa lâm râm ở các lỗ chân lông… Tất cả đều do tập nghiệp bao đời sanh chướng; tuy nhiên, nhờ tham thiền, hành giả có thể dễ dàng nhận ra những túc nghiệp đó biểu hiện trên thân tâm mình. Để điều phục, hãy tập trung tâm lực chuyên chú câu thoại (chiếu cố thoại đầu), vừa hỏi vừa nghi sao cho miên mật; ngoài ra, không biết đến những cảm thọ… hiện khởi nơi thân, những tạp niệm / vọng cảnh… sinh khởi trong tâm cũng như những diễn biến ở ngoại cảnh xung quanh trong lúc tọa thiền. Hãy cứ mặc nó, tự đến sẽ tự đi. Nhớ: đừng chấp trước!

Khi công phu quen dần theo thời gian, tâm rất dễ sanh nghi tình. Có khi vừa mới khởi vài từ trong câu thoại đầu lên là tâm liền sanh nghi. Có khi niệm khán – nghi (khán thoại đầu – nghi tình) tiếp nối nhau tăng tốc, tâm cuốn theo như lốc xoáy một cách tự nhiên, không hề tác ý. Những lúc như thế, hành giả cứ để tự nhiên mà tiếp tục dụng công, đừng khởi nghĩ, lo sợ. Lại có lúc chỉ một niệm khán – nghi mà như ghì nặng lại, từng từ trong câu thoại đầu khởi lên rất khó khăn. Trong tình huống này, hành giả đừng buông mà hãy cố khởi lên từng từ một, hết từ này tiếp sang từ khác trong câu thoại đầu trong khi vẫn trụ nghi tình. Cứ thế dụng công, đừng nghĩ ngợi gì. Lưu ý rằng mỗi sự thay đổi khác với biểu hiện thường ngày (khán nhanh hơn hay chậm hơn bình thường) đều ẩn chứa nhiều thiền vị, hành giả không nên lo lắng, ưu tư… mà chỉ cần thật chú tâm chuyên nhất nơi mỗi niệm khán – nghi là tốt nhất.

Khi công phu thật sự thuần thục thì chưa khởi câu thoại, tâm liền nghi. Thậm chí nghi tình thường trực nơi mỗi từ khởi lên trong câu thoại. Thân có lúc cảm giác như pho tượng, bất động. Đến khi nghi tình miên mật thành khối thì hành giả gần như hoàn toàn không biết đến mọi diễn biến nơi thân tâm và thế giới xung quanh.

Tiếp tục dụng công theo thời gian, câu thoại đầu dần dần biến mất từng từ một rồi cuối cùng mất hẳn, không thể khởi lên được nữa. Hành giả thành tựu Vô Niệm Ba-la-mật, kiến ngộ Tánh Giác, liễu thoát tử sanh. Lúc ấy, thiền mà thật “không biết” mình thiền, vô ngã – vô pháp, gọi là Chơn thiền! Tuy nhiên, Vô Niệm Ba-la-mật cũng có nhiều tầng bậc cao thấp sâu dầy sai khác nên khuyên hành giả đừng buông bỏ mà hãy tiếp tục miên mật trụ nghi tình dẫu không thể khởi câu thoại đầu lên được nữa.

3. Những điều lưu ý

Hành giả phải trường chay – tuyệt dục, gìn giữ thân tâm trong sạch bởi đây là điều kiện tiên quyết cần yếu cho sự hành thiền hướng đến giác ngộ, liễu thoát tử sanh. Nếu thân tâm đầy uế trược vì vui hưởng máu thịt chúng sanh, tham đắm chuyện ân ái tình trường, nhiều tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến… thì khi tọa thiền, ngoài vọng tưởng tạp niệm khởi lên như thác đổ còn bị Ma cảnh hiện ra dẫn dắt khiến sa vào hầm sâu tà kiến, từ đó điên đảo Phật Pháp, tẩu hỏa nhập Ma. Nếu không có duyên lành gặp Bậc Kiến Tánh cứu độ thì hiện đời lạc vào Ma đạo, huệ mạng không còn. Vì thế, tịnh tâm – tịnh nghiệp chính là nền tảng thiết yếu phải có trước khi tham thiền (tham Tổ Sư Thiền).

Muốn tịnh tâm – tịnh nghiệp, hành giả phải Tọa thiền niệm Phật. Tinh tấn đến khi đạt Nhất tâm bất loạn thì hành giả có thể tùy tâm (không tác ý): hoặc tiếp tục chuyên tu niệm Phật cho đến khi thành tựu Niệm Phật Ba-la-mật rồi mới chuyển sang tham thiền; hoặc kết hợp vừa tham thiền vừa niệm Phật. Lưu ý: tùy căn cơ tánh trí mà tự tâm (sẽ) tự hành (thế nào) khi đang công phu, tuyệt không hề tác ý.

Tham thiền trọng yếu ở nghi tình, với mọi sự tâm không chấp trước. Vô dục – Vô cầu – Vô đắc – Vô ngã – Vô trụ là tôn chỉ tu Phật, cũng là kim chỉ nam cho sự hành thiền. Nghi tình giúp quét sạch mọi nghiệp thức và tri kiến Ta-bà ở thế gian. Do đó, kiến – văn – giác – tri là chướng, là tâm bệnh mà người tu thường dính mắc, nhất là tu sĩ xuất gia. Kiến thức Phật Pháp càng nhiều (sở tri chướng) sẽ càng chướng ngại thiền định. “Pháp Phật còn buông bỏ, huống gì Phi Pháp” là ngụ lý này. Có vị khi luận đạo liền đem sở học ra nói thao thao bất tuyệt, nhưng khi luận về kinh nghiệm công phu thực chứng thì chẳng nói được gì chơn thật. Lại có vị tu hành lâu năm nhưng chấp ngã – chấp Pháp nặng nề, cho rằng tham thiền là nhất, còn Pháp môn khác chỉ dành cho kẻ hạ căn, cuối cùng thành kẻ phỉ báng Phật Pháp mà mang nghiệp đọa. Lại có vị vì kiến chấp, thường mang công phu của mình / người ra đối chiếu lại với lời giảng của tiền nhân xem mình / người tu đến đâu, để rồi nếu không giống thế thì lại mù mờ cho rằng mình / người tu chưa tới (?). Họ nào biết rằng do căn trí chẳng đồng, nghiệp lực sai biệt nên dù tu cùng một Pháp môn nhưng vẫn luôn có những biểu hiện thô tế khác nhau, không ai giống ai. Lại có vị chấp ngã, nghĩ mình tu lâu năm hơn thì công phu thành tựu cao hơn người khác (?) mà khinh mạn, coi thường kẻ hậu học. Lại có vị bị tẩu hoả nhập Ma bởi tâm vọng cầu, chấp trước nên bị Tà mị dẫn dắt… Đấy là những thiền bệnh mà người tu Thiền nên tránh. Hãy ghi nhớ: mặc chiếu nghi tình, không biết mọi sự. 

* TÓM LẠI

Đó là tất cả những gì bản thân hành giả đã trải nghiệm qua khi Tham Tổ Sư Thiền, nay tự thuật Pháp hành, chia sẻ kinh nghiệm, mong lợi lạc cho sự hành thiền của Đại chúng. Căn bản Phật Pháp đã biết rồi thì hãy nhẫn lực tinh tấn chơn tu, đừng vướng mắc, chấp trước vào ngã – pháp. “Tham” đến lúc chẳng biết mình đang “tham” thì chắc chắn có ngày thành tựu Vô Niệm, trực chỉ Chơn tâm – kiến ngộ Tánh Giác, liễu thoát tử sanh.

Khi chưa có Trời Đất, ta là gì? Không biết…

Cổ Thiên

——————————————-

Tham khảo: