* CÂU HỎI
1. Hiện nay, có nhiều tu sĩ giảng rằng: Đức Phật A Di Đà là do tưởng tượng của các “Tổ Tàu” thêm thắt, không có thật. Do đó, Pháp môn niệm Phật A Di Đà không phải do Phật thuyết. Con hoang mang quá!
2. Vì sao có chữ DIỆU trước câu niệm A DI ĐÀ PHẬT? Chữ DIỆU này có ý nghĩa thế nào, diệu dụng ra sao? Có khác với câu niệm: Nam mô A Di Đà Phật hay không?
Mong Thầy chỉ dạy!
* PHÚC ĐÁP
1. Có thể nói, bài Pháp Tinh thần người tu Phật chơn chánh trước sự phân chia hệ phái Phật giáo đã luận rất rõ, tin rằng Đại chúng sau khi đọc qua đã tự có câu trả lời.
Tuy nhiên, phúc đáp dưới đây không chỉ cho câu hỏi 2 mà còn thêm phần xác tín cho câu hỏi 1, vì liên quan đến PHÁP HÀNH!
2. DIỆU A DI ĐÀ PHẬT – chữ DIỆU có nguồn gốc từ PHÁP HÀNH, tức từ công phu tu Phật của bản thân hành giả mà có được. Đã tu Phật, hướng đến giác ngộ – giải thoát thì chẳng ai nói về mình cả, chỉ một lòng trưởng dưỡng Từ tâm, nghiêm trì Giới đức, chuyên tu Thiền Định, nguyện gánh vác khổ nghiệp của muôn vạn chúng sanh, kế thừa hạnh nguyện của 10 phương Chư Phật. Tuy nhiên, nếu đã nói tới Pháp hành chia sẻ đến Đại chúng thì tuyệt đối không thể vọng ngữ điêu ngoa, hào ly sai chạy bởi có 10 phương Tam Thế Phật chứng minh, Nhân quả – Nghiệp báo phân minh vằng vặc. Do đó, Đại chúng có thể tín nghi tùy tâm, tùy duyên thọ Pháp chớ đừng buông lời thị phi, tranh luận mà chi thêm lao nhọc.
Nhớ lại rất nhiều năm về trước, khi ngẫm thấy cuộc đời như giả tuồng, sống bon chen, thị phi, hơn thua, tạo tác… để rồi cuối cùng ai ai cũng một nấm mồ chung cuộc nên lòng chẳng còn thiết tha với sự đời vô thường giả tạm mà tầm hướng về Phật Đạo, buổi ban sơ chỉ một câu niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT ở trong lòng. Khi đó, hành giả hầu như không biết gì về Phật Pháp, cũng không có Kinh sách nào trong tay, chỉ biết công phu kiết già niệm Phật bất cứ khi nào có thể, bất luận đêm ngày. Không có ai chỉ dạy cách ngồi thiền, niệm Phật nên hành giả chỉ biết làm theo tự tâm: nhìn trên bàn thờ thấy Đức Phật ngồi như thế nào, tay kiết Ấn Tam Muội ra sao thì bắt chước làm như thế đó, xong nhắm mắt, khởi tâm niệm Phật. Lúc đó, lòng chỉ một niềm tin, rằng: nếu mình chí thành chơn tu Phật thì dù không có ai chỉ dạy công phu cũng sẽ được Chư Phật, Chư Hộ Pháp gia trì nên tâm không lo ngại mà quyết dụng công tu tiến. Ngoài thời công phu, khi làm việc gì thì cũng cố gắng tập vừa làm vừa niệm Phật trong tâm.
Thời gian sau, do duyên lành mà hành giả quen biết được Thầy trụ trì của một Tịnh xá tại Thành phố Cần Thơ. Sau khi đàm Đạo, Thầy khuyên hãy tu Tham Tổ Sư Thiền, đồng thời tặng cho vài quyển Kinh luận của cố Hòa Thượng Thích Duy Lực để tham khảo tự tu vì hành giả ở xa nên rất ít có điều kiện lui tới. Từ đó về sau, hành giả kết hợp vừa Tham Thiền vừa Niệm Phật trong mỗi thời công phu của mình, tất cả đều tự tâm mà không hề tác ý. Kinh luận thỉnh về hầu như không xem, nếu có thì chỉ đọc lướt vài dòng hay vài trang rồi buông xuống, tự tâm không muốn đọc nữa mà chỉ muốn chuyên nhất công phu tọa thiền trực chỉ Chơn Tâm.
Đến một hôm, khi đang tọa thiền như thường nhật, câu niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT vẫn đang miên mật trong tâm thì bỗng dưng tự mất dần từng chữ một, rồi cuối cùng mất hẳn, không còn khởi lên được nữa. Những thời công phu sau đó, trạng thái này diễn ra rất nhanh. Không chỉ vậy, với pháp Tham Tổ Sư Thiền thì cả câu thoại đầu: “KHI CHƯA CÓ TRỜI ĐẤT, TA LÀ GÌ?” cũng tự mất dần từng chữ, rồi cuối cùng không còn khởi lên được nữa. Đây chính là Chánh định VÔ NIỆM Ba-la-mật mà hành giả đã từng giảng trong các bài Pháp trước đây.
Thời gian sau, hành giả cứ thế Tịnh – Thiền song hành, nhậm vận qua ngày. Đến một hôm, khi đang tịnh tọa trong Chánh định Vô Niệm Ba-la-mật (vốn không khởi được niệm gì, kể cả niệm Phật hay chiếu cố thoại đầu) thì Từ tâm (tâm Từ Bi) bỗng khởi MẬT NGUYỆN trước 10 phương Chư Phật mà không hề tác ý hay dự tính trước đó (xem bài: Hạnh Nguyện người tu Phật). Tất cả đều diễn ra hết sức tự nhiên! Kể từ đó, tự tâm bước sang Mật đạo khi bắt đầu tìm học Mật chú của Chư Phật mà hành trì. Từng bài Chú như: Chú Đại Bi, Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn, Chuẩn Đề Chơn Ngôn, Ngũ Bộ Chú, Bát Nhã Chơn Ngôn, Chú Lăng Nghiêm, Hoạch Chư Thiền Tam Muội Chơn Ngôn, Phật Bộ Chơn Ngôn…, hành giả đều mật trì qua và cuối cùng đều thành tựu Vô Niệm (xem bài: Mật tông; Vô Niệm: Sự quy nhất của Tịnh – Thiền – Mật).
Đến thời, như cây đủ duyên liền đơm hoa kết trái lẽ tự nhiên, Từ tâm (tâm Từ Bi) hành giả khai hoa MẬT CHÚ RIÊNG khế hợp với Mật nguyện như vừa giảng ở trên. Tất cả đều tự nhiên từ trong Chánh định Vô Niệm Ba-la-mật. Do đây là thành tựu tu hành tự thân nên Mật chú riêng không có trong Tam Tạng Kinh Điển.
Cũng cần nói thêm, trong suốt thời gian này, hành giả có thắng duyên gặp gỡ cố Hòa thượng Thích Liễu Minh (trụ trì Chùa Nhơn Phước, tọa lạc tại ấp 1, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), vị Mật giả có mật hạnh thâm sâu, vô ngã vô tướng cứu độ biết bao sanh linh khắp mọi cảnh giới quy Phật tu hành. Hành giả được tận mắt chứng kiến những mật hạnh của Ngài như: ăn uống không phiền đến ai dù tuổi rất cao, lại cách 3 – 4 ngày Ngài mới dùng 1 bát cháo lỏng hay nước cốt của các loại rau củ nấu cùng; mặc áo thun rách, quần vải ú; đi chân trần; mỗi sáng hay chiều thường hay đi kiếm củi về dùng; nhiều năm không tắm mà chẳng hôi; chiều đến chỉ trụ tại chùa 1 mình để tọa thiền độ chúng trong Tam cõi, không cho ai ở lại; với bao người bệnh do nghiệp duyên, oán trái, bùa ngãi, thư ếm… đến nhờ thì Ngài mật trì để hóa độ mọi thành phần nương gá, cho âm siêu dương thới chỉ bằng 2 bàn tay với Vô Vi Ấn Pháp của nhà Phật. Biết rõ đó là Bậc Đáo Lai xuất thế nên hành giả thường ghé thăm Ngài mỗi khi có dịp. Do “mật” vốn chẳng nhận Thầy – chọn Trò truyền thừa như lẽ thường tình ở thế gian, chỉ tự tâm chứng biết khế mật rồi tự tu; tuy nhiên, hành giả luôn xem Ngài như vị Thầy tôn kính của mình. Những diễn biến trong công phu, kể cả thành tựu Vô Niệm, lập Nguyện, rồi Mật chú riêng tuần tự khai hoa, hành giả đều thỉnh Ngài minh tường, và Ngài rất hoan hỷ: “Con cứ theo đó mà tu!”.
DIỆU A Di Đà Phật mà quý Phật tử hỏi có nguồn gốc như thế!
————————————
LỜI KẾT
– DIỆU A DI ĐÀ PHẬT là Mật chú từ tâm hành giả có được sau khi:
1. Công phu Tịnh, Thiền, Mật đều thành tựu Vô Niệm.
2. Trong Chánh định Vô Niệm Ba-la-mật, tâm Từ phát Mật nguyện trước 10 phương Chư Phật.
Đây không phải là Mật chú duy nhất. Tùy Đạo hạnh theo thời gian mà các Mật chú tương ưng đã lần lượt khai hoa để hành giả nối gót Từ Bi, sớm viên mãn mọi Mật nguyện.
– DIỆU A DI ĐÀ PHẬT có ý nghĩa và diệu dụng ra sao? DIỆU tức thậm thâm vi diệu, diệu dụng tương ưng, không thể nghĩ bàn (xem bài: Phật Pháp vấn đáp 3: Giải nghĩa Diệu A Di Đà Phật).
– Xét thấy đủ duyên, nay chia sẻ đến Đại chúng một trong những Mật chú riêng mà hành giả tu hành thành tựu, tuyệt không có trong Tam Tạng Kinh Điển hay bất cứ nơi đâu, đó là: CỔ TỰ CHƠN NGÔN. Những ai hữu duyên tín tâm chơn chánh, nghiêm trì tịnh Giới, gìn giữ thân tâm trong sạch cúng dường Chư Phật (trường chay, tuyệt dục…), tu hạnh giải thoát không màng sanh tử mà hành trì CỔ TỰ CHƠN NGÔN song hành cùng với DIỆU A DI ĐÀ PHẬT thì chắc chắn người ấy sẽ được lợi lạc vô cùng trên đường giác ngộ.
CỔ TỰ CHƠN NGÔN
Cổ cổ diệu đại cổ Phật hám yết đế Phật hồng tát đa, cổ diệu hám tát đa Phật hồng diệu thiên, cổ diệu hám ưu tát đa, cổ diệu hám ưu mưu ni, cổ diệu hám ưu điệt để, cổ cổ tát đát đa phá ra mưu ni a nâu tư để A Di Đà hật, a ra ca hật, cổ cổ hật cổ cổ mật. Cổ cổ diệu hám yết đế yết hồng, cổ tát hồng diệu hồng diệu thiên A Di Đà hật, cổ tát đát đa A Di Đà hật, cổ cổ Phật cổ cổ mật. Cổ cổ diệu hám ưu mưu ni ma ni chiết lệ bát di hồng A Di Đà hật cổ cổ mật yết lệ chủ lệ Chuẩn Đề, cổ Phật lam bộ lâm xỉ lâm A Di Đà Phật cổ cổ Phật. Cổ cổ diệu hám án a ác a vạn diệu đại cổ Phật huệ tát đa Phật ác, cổ diệu hám a hật hồng, cổ diệu hám ưu tát đa hồng ưu tà không hồng hật Phật mật diệu đại cổ Phật từ A Di Đà Phật cổ cổ Phật.
– DIỆU A DI ĐÀ PHẬT và CỔ TỰ CHƠN NGÔN phá tan nghi hoặc Đức Phật A Di Đà có thật hay không, vì trong cả 2 mật chú đều có Phật danh Đức Phật A Di Đà. Câu trả lời này nằm ngoài Giáo môn, vượt ngoài sự hiểu biết, ý thức, tri kiến thường tình của thế gian (kiến văn giác tri, học vị Phật học). Câu trả lời này xuất phát từ Tâm hành chớ chẳng phải Mê nói, như Cổ Đức đã từng dạy: “Đạo tại Tâm hành”. Do đó, những ai hủy báng Pháp môn niệm Phật A Di Đà, cho rằng Đức Phật A Di Đà, Chư Phật và Chư Bồ Tát là do tưởng tượng, không thật thì hãy sớm hồi tâm sám hối, chơn chánh tu hành tinh tấn (Giới – Định – Huệ) thì ắt có ngày Tín Trí được khai sáng sẽ không còn lầm lạc, điên đảo Phật Pháp, tạo nghiệp bồi mê.
NGUYỆN 10 PHƯƠNG TAM THẾ PHẬT CHỨNG MINH
Đệ tử Cổ Thiên xin cúi đầu đảnh lễ dâng bài Pháp này, trước thành tâm cúng dường Mười Phương Tam Thế Phật, sau chia sẻ rộng truyền đến Đại chúng, khuyến hóa tu hành. Nếu con dụng tâm mê ý vọng, ngã mạn khoe khoang, Pháp thí điêu ngoa, buông lời Tà mị… thì con cam chịu đọa Địa Ngục A Tỳ, muôn kiếp bất siêu!
Diệu A Di Đà Phật _()_
Cổ Thiên