phat-phap-van-dap-27-lam-sao-de-co-chanh-tin

* CÂU HỎI

Kính thưa Thầy!

Con là 1 Phật tử sơ cơ mới bước đầu học Phật. Trong quá trình tìm hiểu giáo lý của Đức Phật để tập tu, con gần như lạc lối không biết đâu mà lần do Kinh sách quá nhiều không biết bắt đầu từ đâu, Quý Thầy còn mỗi người giảng mỗi kiểu, nhiều khi còn đối nghịch nhau… Lòng con nhiều bất an, không biết đặt niềm tin vào đâu nữa. Nay hữu duyên biết đến Đạo tràng, kính xin Thầy khai thị giúp con gỡ rối.

Con xin cảm ơn Thầy nhiều!

Nam mô A Di Đà Phật!

 

* PHÚC ĐÁP

Có thể khái quát vấn đề con đang gặp phải thành 3 câu hỏi:

 

1. Chuẩn mực nào giúp ta minh định Chánh Pháp Phật giữa thời mạt tâm loạn Pháp hiện nay?

Con (nhấp) xem bài: Phật Pháp vấn đáp 7: Liễu nghĩa Tam Bảo và minh định Phật Pháp

 

2. Làm sao có Chánh kiến để tu hành đúng Pháp? 

Con (nhấp) xem bài: Phật Pháp vấn đáp 24: Làm sao để có Chánh Kiến?

 

3. Làm sao có Chánh tín để vững tâm tu tiến?

Có câu: “Đức tin, tức Chánh Tín, là cửa ngõ vào Đạo, là cội nguồn của Công đức và vạn Hạnh giải thoát”. Muốn có Chánh Tín để vững tâm tu hành, người Phật tử cần phải hội tụ đủ 3 điều sau: TRÍ – TÍN – HÀNH.

 

3.1. Trí

Đạo Phật là Đạo Từ Bi – Trí Huệ, do đó, người phát tâm tu Phật phải là người trí: dùng Chánh kiến mà tư duy và chiêm nghiệm Pháp thật minh tường thấu đáo để đường tu không lầm đường lạc lối vào Tà mị, giữ gìn huệ mạng muôn đời nơi Tam Bảo.

Tư duy nói ở trên chính là  trong Văn – Tư – Tu, là Chánh Tư Duy trong Bát Chánh Đạo của nhà Phật. Đó là dùng trí huệ mà quán xét, suy tư và chiêm nghiệm Pháp Phật trong mọi sự ở đời thật minh tường thấu đáo để liễu rõ ngọn nguồn tâm Kinh ý Phật trên nền tảng Chánh Kiến.

Nhờ TRÍ (Chánh Kiến, Chánh Tư Duy) mà:

– Giữa thời mạt tâm nhiễu nhương Pháp nạn và tu hành bát nháo hiện nay, ta có thể minh định rõ ràng thế nào là Pháp Bảo, thế nào là Tăng Bảo để nương tựa tu hành; không lầm lạc theo Tà Sư hành Tà Pháp dưới danh nghĩa Phật Pháp phá Đạo Phật truyền.

– Đức tin, tức CHÁNH TÍN, khai mở.

Hãy ghi nhớ lời dạy bảo của Đức Phật cảnh tỉnh muôn đời:

– “Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình.

Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị người trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau, quý vị hãy từ bỏ chúng…

Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: Các pháp này là thiện; các pháp này là đáng khen; các pháp này được người trí ca ngợi; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc, quý vị hãy đạt đến và an trú”.

(trích Kinh Kalama)

– “Các con đừng vội tin những gì Ta nói…”. 

– “Tin Ta mà không hiểu Ta tức phỉ báng Ta”.

– “Tứ Y Pháp: y Pháp bất y Nhân, y Nghĩa bất y Ngữ, y Trí bất y Thức, y Liễu nghĩa Kinh bất y Bất liễu nghĩa Kinh”.

 

3.2. Tín

Đức tin, tức CHÁNH TÍN, được khai mở trên nền tảng TRÍ HUỆ (Chánh Kiến, Chánh Tư Duy) sẽ luôn bất động trước mọi tà thuyết vọng mị, không gì có thể lay chuyển được.

Thế nào là Chánh Tín? Đó là:

– Tin luật Nhân Quả – Nghiệp báo chí công, dung thông ba đời (quá khứ – hiện tại – vị lai). Tin “quả” giác ngộ giải thoát hay trầm mê khổ đọa đều tương ứng với “nhân” mà mình đã tích tập bao đời đến hiện tại, trước sau đều tự mình gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy, tuyệt không có chuyện ban ơn giáng họa thần quyền bởi Đạo lý Nhân – Quả cảm ứng thiên nhiên chí công là chơn lý tuyệt đối.

– Tin luân hồi nghiệp báo trong 3 cõi 6 đường là thống khổ triền miên cùng cực. Tin “thân Người khó được” bởi chỉ một lần sa đọa vào ba đường dữ (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh) thì không biết đến bao giờ mới thoát khỏi đặng.

– Tin vạn sự vô thường, huyễn hóa tùy duyên; trong đó, kiếp nhân sinh ngắn ngủi như hơi thở ra vào cũng không nằm ngoài quy luật ấy, tùy nghiệp duyên phải thọ báo trôi lăn trong 3 cõi 6 đường.

– Tin Thập phương Chư Phật và Tăng Bảo với lòng Từ Bi vô lượng, Hạnh Nguyện vô biên độ tận chúng sanh thoát khổ sanh tử luân hồi mê mải, kiến ngộ Phật Tánh. Tin Diệu Pháp mà Chư Phật khai thị, Tăng Bảo truyền thừa sẽ nhiếp độ tất thảy chúng sanh trong khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương chuyển mê khai ngộ, thậm thâm vi diệu nhiệm mầu không thể nghĩ bàn. 

– Tin mỗi mỗi chúng sanh nếu tỉnh giác – tự giác y lời Phật dạy tu hành chơn chánh trang nghiêm (vô dục, vô cầu, vô đắc, vô ngã, vô trụ) thì chắc chắn có ngày kiến ngộ Phật Tánh, như lời Đức Phật đã thọ ký: “Ta là Phật đã thành. Chúng sanh là Phật sẽ thành nếu y Giáo phụng hành”, không mảy may mống tâm nghi hoặc.

 

Nhờ TRÍ (Chánh Kiến, Chánh Tư Duy) – TÍN (Chánh Tín) nên sự tu hành mới chơn chánh trang nghiêm đúng theo Diệu Pháp và đức hạnh Từ Bi – Bình Đẳng – Vô Ngã giải thoát của Phật đà. Từ đó, hành giả hoàn toàn có thể tự thủ hộ thân tâm an trú trong Diệu Pháp Phật, xa lìa tất cả mê vọng thần quyền, điên đảo Phật Pháp, chướng trái Đạo Bồ Đề.

 

3.3. Hành

Từ TRÍ (Chánh Kiến, Chánh Tư Duy) – TÍN (Chánh Tín)HÀNH chính là:

– Nhàm chán tử – sanh luân hồi mê mải, phát tâm Bồ Đề dõng mãnh kiên cố, một lòng xả thân cầu Đạo giác ngộ, trọn đời quy Phật tu hành chơn chánh trang nghiêm.

– Thúc liễm thân tâm nhẫn lực tu hành giải thoát, Giới – Định – Huệ tinh nghiêm (tự giác), Từ Bi phát Nguyện – lập Hạnh Vô Ngã hóa độ chúng sanh (giác tha) mà không màng sanh tử, tiêp gót Chư Phật.

– Hồi Tà hiển Chánh, hộ trì – hoằng khai Phật Pháp cửu trụ Ta Bà.

HÀNH còn chính là Tu trong Văn – Tư – Tu, là Chánh Ngữ – Chánh Nghiệp – Chánh Mạng – Chánh Tinh Tấn – Chánh Niệm – Chánh Định trong Bát Chánh Đạo của nhà Phật.

 

Nhờ TRÍ TÍN, TÂM chơn chánh trang nghiêm HÀNH theo Diệu Pháp Phật nên TRÍ càng sáng – TÍN càng sâu – HÀNH càng thâm mật. Cứ thế, TRÍ – TÍN – HÀNH tương hỗ lẫn nhau sanh trưởng oai nghi – phạm hạnh – công đức giải thoát, giúp hành giả tiến sâu vào Chánh Định, đến thời liền kiến ngộ Giác Tánh, vĩnh viễn thoát khổ sanh tử luân hồi, mật nguyện Từ Bi cứu độ chúng sanh.

 

Mong rằng thời Pháp này giúp con nhận thấy rõ đâu là Chánh Pháp Phật, khai mở Chánh kiến, từ đó có Chánh tín để tu hành.

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

—————————————

Xem thêm: