* CÂU HỎI
Bạch Thầy!
Con đã từng được xem đoạn video phát sóng trên Đài truyền hình An Viên vào ngày 26 – 27/11/2014 về hoạt động Pháp sự mang tính chất mê tín ở tịnh thất Quán Âm thuộc tỉnh Lâm Đồng do Đại đức Thích Giác Nhàn chủ trì. Qua đó, Thầy Thích Nhật Từ chia sẻ rằng: “Theo Đạo Phật gốc, tức Đạo Phật dựa vào các bản Kinh nguyên thủy nhất thì Địa ngục không hề có thật”.
Là người Phật tử, con rất hoang mang, không biết tin vào đâu? Kinh sách Phật nói có Địa ngục, sao vị Thầy đó lại nói không có Địa ngục?
Mong Thầy giúp con được sáng ạ _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
* PHÚC ĐÁP
Qua thư hỏi, không bàn đến Pháp sự do Đại đức Thích Giác Nhàn chủ trì thì trong lời chia sẻ của Thượng tọa – Tiến sĩ Phật học Thích Nhật Từ trên Đài truyền hình An Viên, xét thấy có rất nhiều điểm cần luận biện tận tường, trực tâm trạch Pháp vì có ảnh hưởng không nhỏ đến sự trường tồn của Phật Pháp và huệ mạng của thập phương Thiện – Tín như sau:
1. Cõi Địa ngục có thật hay không?
Trước hết, về phương diện giáo lý Phật đà, Địa ngục đã từng được giảng rất nhiều trong cả 2 hệ: Kinh điển Nguyên Thủy và Kinh điển Đại Thừa. Dưới đây là một số ví dụ điển hình:
a. Với Kinh điển Nguyên Thủy
Kinh Trường Bộ (Dìgha Nikàya):
– Kinh Sa Môn Quả, số 2.
– Kinh Đại Bát Niết Bàn, số 16.
Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikàya):
– Kinh Đại Sư Tử Hống, số 12.
– Kinh Thiên Sứ, số 130.
– Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt, số 135.
– Kinh Đại Nghiệp Phân Biệt, số 136.
Kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikàya), tập 4:
– Thiên Sáu Xứ, chương 3: Tương Ưng Nữ Nhân.
Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikàya), tập 1:
– Chương 1: Một Pháp – XIX. Phẩm Không Phóng Dật.
Kinh Tiểu Bộ (Khuddaka Nikàya):
– Ngạ Quỷ Sự.
Hãy xem đoạn trích dưới đây trong Kinh Thiên Sứ, số 130 thuộc Kinh Trung Bộ:
“Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sāvatthī (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đa lâm), tại tinh xá ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc). Ở đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
“Này các Tỷ-kheo!”
– “Thưa vâng, bạch Thế Tôn,” các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
Thế Tôn nói như sau:
– Ví như, này các Tỷ-kheo, có hai nhà có cửa; ở đây, một người có mắt đứng chính giữa có thể thấy những người đi vào nhà, đi ra khỏi nhà, đi qua, đi lại. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ta với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, thấy các chúng hữu tình chết đi sanh lại, hạ liệt, cao sang, đẹp trai, xấu hình, thiện thú, ác thú, tùy theo hạnh nghiệp của họ, (và Ta nghĩ): “Các bậc hữu tình này, do thành tựu thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, không công kích các bậc Thánh, có chánh kiến, thọ trì nghiệp phù hợp chánh kiến, các vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời này. Hay các vị hữu tình này, do thành tựu thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, không công kích các bậc Thánh, có chánh kiến, thọ trì nghiệp phù hợp với chánh kiến, các vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, được sanh ra giữa loài người. Còn các vị hữu tình do thành tựu thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, công kích các bậc Thánh, có tà kiến, thọ trì nghiệp phù hợp với tà kiến, các vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi ngạ quỹ (pettivisaya). Hay các vị hữu tình này, do thành tựu thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, công kích các bậc Thánh, có tà kiến, thọ trì nghiệp phù hợp tà kiến, các hữu tình sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào các loại bàng sanh. Hay các vị hữu tình này, do thành tựu thân ác hành… (như trên)… sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.”
Rồi Đức Phật kể tiếp các cảnh giới Địa ngục như:
– Đại Phấn Nị địa ngục: ở địa ngục này, tội nhân bị cắt da, thịt, gân, xương, tủy.
– Đại Nhiệt Khôi (than hừng) địa ngục: ở địa ngục này, tội nhân chịu những cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt.
– Đại Châm Thọ Lâm địa ngục: ở địa ngục này, tội nhân bị bắt leo lên leo xuống những gai nhọn cháy đỏ rực.
– Đại Kiếm Diệp Lâm địa ngục: ở địa ngục này, tội nhân bị các lá cây lay động cắt đứt tay, chân, tai, mũi…
– Đại Khôi Hà địa ngục: ở địa ngục này, tội nhân bị trôi thuận rồi lại ngược theo dòng nước, tuần hoàn như thế.
v.v…
“Này các Tỷ-kheo, điều Ta đang nói không phải Ta nghe từ một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác; nhưng điều Ta đang nói chỉ được Ta biết mà thôi, chỉ được Ta thấy mà thôi, chỉ được Ta hiểu mà thôi.”
b. Với Kinh điển Đại Thừa
Địa ngục đã được giảng nhiều, ví dụ như:
– Kinh Địa Tạng.
– Kinh Diệu Thủ Lăng Nghiêm…
Với những dẫn chứng trên, đã quá rõ ràng về sự thật có của cõi báo Địa ngục trong Lục đạo luân hồi mà Đức Phật đã từng dạy.
Thế nhưng, trong sự xác quyết không có Địa ngục, Thượng tọa đã dẫn chứng: “luận án Tiến sĩ của cố Hòa thượng Thích Thiện Châu tại Đại học Sorbonne Nouvelle – nước Pháp vào năm 1977, cho rằng khái niệm và học thuyết Địa ngục đã được các Tăng sĩ Phật giáo Ấn Độ vay mượn vào khoảng 400 – 500 năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn với mục đích nhằm giáo dục đạo đức cho những người thấy quan tài không đổ lệ… Theo Đạo Phật gốc, tức Đạo Phật dựa vào các bản Kinh nguyên thủy nhất thì Địa ngục không hề có thật”.
Rõ thấy:
– Thượng tọa đã tự mâu thuẫn với chính mình khi trước thì khẳng định Địa ngục được nhắc đến nhiều trong Ngạ Quỷ Sự thuộc Tiểu Bộ Kinh (phút 7:33’), một trong 5 bộ Kinh tạng Pali là Kinh nguyên thủy nhất mà Thượng Tọa ra sức kêu gọi trở về “Đạo Phật Nguyên Chất”, sau thì khẳng định Địa ngục không hề có thật trong các bản Kinh nguyên thủy (phút 8:45’). Với tư cách là một tu sĩ Phật giáo mà “tiền hậu bất nhất” trong nhận định như vậy, hỏi lời chia sẻ của Thượng tọa có phải là Chánh kiến và đáng tin cậy không?
– Là tu sĩ Phật giáo với học vị tiến sĩ, sao Thượng tọa chẳng tự nghiên tầm và trí tín vào lời Phật dạy (dù Kinh điển Nguyên Thủy hay Kinh điển Đại Thừa) sau khi minh định được Chánh Pháp Phật dưới lăng kính “Tam Pháp Ấn – Ba yếu tính giác ngộ – Tứ Y Pháp” mà lại dẫn chứng luận án tiến sĩ của một phàm Tăng tại Đại học phàm trần dù có nổi tiếng đến đâu với hư danh gì đi nữa để phủ nhận cõi báo Địa ngục? Thượng tọa tin Đức Phật hay tin kẻ phàm Tăng? Biển Phật Pháp mênh mông vi diệu, hỏi Thượng tọa lấy gì để nhập hải nếu không phải là trí tín?
– “Như nước biển chỉ có 1 vị, đó là vị mặn. Cũng vậy, Pháp của Ta chỉ có 1 vị, đó là vị giải thoát” (Phật ngôn). Với hạnh nguyện vô lượng vô biên độ tận chúng sanh trong khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương (trong đó có Địa ngục) của Chư Phật, Bồ Tát và các Bậc kiến Tánh, hỏi có sá gì chuyện “giáo dục đạo đức cho những người thấy quan tài không đổ lệ” quá đỗi tầm thường đến nỗi các tu sĩ Phật giáo thuở xưa phải vay mượn khái niệm và học thuyết Địa ngục từ Bà la môn giáo? Bên cạnh Kinh điển Đại Thừa, những dẫn chứng về Địa ngục đã được đề cập trong tất cả 5 bộ Kinh tạng Nikàya của Phật giáo Nguyên Thủy mà hành giả đã nêu ở trên chứng tỏ Thượng tọa dụng tà tâm gieo rắc tà kiến hủy Phật báng Pháp một cách công khai và trắng trợn trên phương tiện truyền thông. Hỏi: Thượng tọa có xứng đáng là một Tỳ Kheo chơn chánh như bao người lầm tưởng hay đích thực là một Tà sư đội lốt, chướng ma phá đạo Phật truyền?
Luật Nhân Quả – Nghiệp báo là chơn lý bất biến của vũ trụ nhơn sanh. Mọi loài chúng sanh nơi khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương, bất luận hình hài, tôn giáo và niềm tin (có tin nhân quả hay không), đều phải thọ “quả” trả đền chiêu cảm từ “nghiệp nhân” mình gieo tạo, lẽ tự nhiên muôn đời như thế. Tâm phàm phu chúng sanh do tham – sân – si – mạn – nghi – tà kiến mà biến hóa khôn lường, tác nghiệp thân – khẩu – ý muôn trùng sai khác tùy nhân thì phải thọ quả tương ưng dưới muôn hình vạn trạng. Đó là tùy nghiệp tội nặng nhẹ ra sao, phước báu sâu cạn thế nào mà chúng sanh nếu hiện đời chưa trả thì phút lâm chung lìa trần sẽ trả, tùy túc nghiệp chiêu cảm lên xuống trôi lăn trong Lục Đạo luân hồi (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc Sanh, A-tu-la, Nhơn, Thiên), thọ khổ không dứt. Đó là do nhân nghiệp lành dữ mà quả báo phân minh như bóng theo hình, trước sau đều tự mình, tự tác hoàn tự thọ không sớm thì muộn (hiện báo, sanh báo, hậu báo) do Luật Nhân-Quả cảm ứng thiên nhiên chí công, nào phải do ai cầm cân nẩy mực hay thưởng phạt dụng hình trái lý bất công. Đức Phật với lòng Từ Bi vô lượng – Trí Huệ vô biên đã ngộ ra được chơn lý tuyệt đối đó nên xiển dương chỉ bày, thương xót chúng sanh trôi lăn trong Lục đạo luân hồi mê mải nên phổ truyền Diệu Pháp cứu độ mê tình liễu thoát tử sanh. Thế mà nay có kẻ tự xưng Thích-tử với học vị tiến sĩ Phật học lại tà kiến phủ nhận Địa ngục chẳng có thì có khác gì bài xích Luật Nhân-Quả, Lục đạo luân hồi, hủy báng Phật Pháp. Đạo đức, văn minh của xã hội loài người rồi sẽ ra sao nếu không còn niềm tin nơi Nhân Quả – Nghiệp báo? Tà kiến vô minh gieo rắc khắp nơi xói mòn tín tâm non nớt của biết bao Thiện Tín lầm theo, huệ mạng tu hành rồi sẽ về đâu?…
Biết trước được thời mạt tâm, Tà sư thuyết Pháp sẽ hủy báng Phật Pháp, giảng nói Địa ngục không phải do Phật thuyết mà do Bà-la-môn nói, thiêu rụi tín tâm bao người nên trước khi kết thúc thời Pháp khai thị về Địa ngục, Đức Phật đã bảo chứng cõi Địa ngục cho hậu học đời sau rằng:
“Này các Tỷ-kheo, điều Ta đang nói không phải Ta nghe từ một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác; nhưng điều Ta đang nói chỉ được Ta biết mà thôi, chỉ được Ta thấy mà thôi, chỉ được Ta hiểu mà thôi.”
(trích Kinh Thiên Sứ, số 130 – Kinh Trung Bộ)
Thật là vi diệu nhiệm mầu! Chỉ bấy nhiêu thôi đã chứng tỏ Thượng tọa Thích Nhật Từ không phải là tu sĩ chơn chánh mà là Tà sư đội lốt, dùng hư danh che mờ mắt trí, tà kiến lung lạc tín tâm, lôi kéo Phật tử lầm tri cùng mình hủy Phật báng Pháp tự sa vào Địa ngục. Đại chúng cần cẩn trọng, chớ thân cận chướng Ma.
2. Thọ báo cõi Địa ngục có phải là mê tín?
Thượng tọa nói rằng: “về triết học Phật giáo, sau khi con người qua đời, thời gian tái sanh diễn ra trong vài giây theo Phật giáo Nguyên Thủy hay tối đa là 49 ngày theo Phật giáo Đại Thừa… Không có bất kỳ 1 hương linh nào có thể tiếp tục tồn tại trong cảnh giới trung gian từ quan điểm triết học Phật giáo Nguyên Thủy và triết học Phật giáo Đại Thừa. Bất cứ câu chuyện gì đề cập đến người quá cố quá 49 ngày còn tồn tại dưới hình thức 1 hương linh đang đọa địa ngục hay vất vưởng đâu đó thì được xem là hiện tượng mê tín trái hoàn toàn với 2 trường phái triết học Phật giáo mà dựa vào đó, tất cả Tăng Ni và Phật tử đều phải tôn trọng”.
Chúng sanh tùy nghiệp nhân thiện ác phân minh mà khi thác đi sẽ chịu thọ báo trong Lục đạo luân hồi theo Nhân-Quả. Nếu phước mỏng nghiệp dày sẽ bị đọa báo trong 3 đường dữ: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh; ngược lại sẽ thọ báo trong 3 đường lành: A-tu-la, Nhơn, Thiên. Thời gian thọ báo nhiều hay ít tùy tội phước sâu hay cạn, phàm phu chúng sanh tâm mê trí thiển mắt thịt nên không thể thấy biết. Đó là do luật Nhân-Quả – Nghiệp báo chí công của vũ trụ nhơn sanh tự chiêu cảm thành, không ai có thể cầm cân nảy mực, thưởng phạt thiên vị. Từ chia sẻ của Thượng tọa, cho thấy:
– Với những gì “mắt thấy tai nghe mới tin” (chứ không phải trí tín – thân giáo – tâm hành) của một phàm phu về sự thọ báo luân hồi là cõi Nhơn và Súc sanh mà Thượng tọa đang thấy biết, hỏi “cảnh giới trung gian” mà Thượng tọa nói phải chăng là Địa ngục, Ngạ quỷ, thậm chí A-tu-la, Thiên? Thượng tọa đã nhập nhằng, đánh đồng một cách khó hiểu giữa cảnh giới sẽ thọ báo là 1 trong 6 nẻo luân hồi mà Đức Phật đã dạy với “cảnh giới trung gian” sau khi mất trong tối đa 49 ngày dưới dạng thân trung ấm chờ thọ báo ở 1 trong 6 nẻo trên tùy duyên nghiệp hạn kỳ. Đây chính là Đại vọng ngữ cưỡng từ đoạt lý, bẻ cong Phật lý theo tà kiến của mình.
– Lập luận loạn Pháp mê tâm đó rõ ràng có chủ ý củng cố phủ nhận sự thọ báo nơi Địa ngục, Ngạ quỷ như đã giảng ở trên (mục 1), được Thượng tọa cho đó là mê tín, vốn là trí tín chơn chánh của bao người Phật tử nơi lời Phật dạy. Nếu “cảnh giới trung gian” theo quan kiến của Thượng tọa (Địa ngục, Ngạ quỷ, thậm chí A-tu-la, Thiên) là bất khả lập, tức Lục đạo không còn thì người vừa khuất bóng sau tối đa 49 ngày sẽ “tái sanh” vào đâu? Nghiệp nhân thiện ác mỗi người một khác, cõi báo lành dữ phải thọ lãnh chẳng lẽ tương đồng trong Nhị đạo (Nhơn, Súc sanh)?
Rõ thấy, Thượng tọa dụng tâm tà vạy khi dùng trí mê tà kiến xảo ngôn xuyên tạc Phật lý. Than ôi! Còn sự hủy báng Phật Pháp, Nhân Quả – Nghiệp báo nào tác hại khôn lường hơn dưới hình tướng Thích-tử: “sư tử trùng thực sư tử nhục”!
Thiết tha khuyên Thượng tọa: trong 6 đường thọ báo thì “thân Người khó được”; nếu có được thân Người thì “Phật Pháp khó nghe”; nếu đủ phúc duyên với Phật Pháp thì “hành trì sao cho đúng Diệu Pháp Phật lại càng khó muôn phần” nên Thượng tọa hãy cẩn mật nghiêm hành Bát Chánh Đạo để gột rửa tịnh hóa thân tâm, đừng gieo thêm nghiệp chướng. Cõi Ta Bà phàm thánh đồng cư, Lục đạo luân hồi nào có xa xôi dịu vợi, tự lực Thượng tọa có tâm thiền miên mật tự tu tự độ đến ngày Huệ khai trạch Pháp hay không mà thôi.
3. Có hay không hiện tượng Ma nhập?
Trong phát biểu của mình, Thượng tọa cho rằng không có hiện tượng ma quỷ nhập vì “trong một cơ thể, chỉ có một tâm thể duy nhất tồn tại đang lúc người đó sống hay đang lúc người đó bị hôn mê” (?). Điều đáng trách hơn là Thượng tọa đã tự ngã lập ngôn và gán tư kiến mê lầm đó của mình dưới danh nghĩa Phật học (không nêu rõ khẳng định đó xuất xứ từ Kinh điển nào trong Đạo Phật), nhưng lại giải thích hiện tượng ma nhập bằng những lý giải khoa học dưới bệnh trạng “hiện tượng rối loạn tâm thần đa nhân cách” (?). Rõ thấy:
– Về thế học: tri thức góp nhặt của Thượng tọa không là gì so với một chuyên gia trong lĩnh vực y học có liên quan. Nếu cần, Đài truyền hình An Viên có thể mời một chuyên gia y học đầu ngành cùng tham gia đàm luận nên lẽ ra Thượng tọa cần điều phục tâm ý, nhận thức rõ vai trò và vị trí của mình mà tác Pháp đúng thời, tránh phan duyên lấn sân khoe mẽ để đánh mất đi phẩm hạnh cần có ở người tu hành. Hỏi: Thượng tọa được phỏng vấn với vai trò là một tu sĩ Phật giáo để giải thích một hiện tượng tâm linh dưới lăng kính Phật Pháp thì cớ sao lại đem nghiên cứu của y học hiện đại củng cố cho tri kiến mê lầm của mình? Hơn nữa, đây chắc chắn không phải là điều mà thính chúng muốn nghe.
– Về Phật học: Thượng tọa không có trí huệ để trạch Pháp, không thể giải thích hiện tượng ma nhập dưới tri kiến Phật học.
– Về giới đức của một tu sĩ chơn chánh: Thượng tọa hoàn toàn không có khi với một vấn đề mình chưa thông, Thượng tọa đã tự ngã lập tri rồi đại vọng ngữ gán ghép ý mình cho Phật. Với những gì chưa thông của một phàm Tăng tâm mê trí thiển mắt thịt là rất nhiều và đương nhiên, thiết nghĩ Thượng tọa nên trực tâm kiệm lời giữ đức.
Ngoài đời, không thiếu những trường hợp bị vong linh nhập thân phán đúng chuyện người, quá khứ riêng tư trong khi chỉ bản thân họ biết mà thôi; hoặc không thiếu những trường hợp do oán nghiệp tự bao đời mà vong linh tầm về nương gá đòi nợ, khiến sanh đủ bệnh nan y mà y học hiện đại cũng không thể tầm soát trị liệu như các video clips Phật Pháp Vi Diệu Nhiệm Mầu mà Đạo tràng đã đăng và chứng thực; hoặc không thiếu những trường hợp vì đố kỵ, hận thù, tham sân mà tầm thầy tà trù ếm, thư ngãi để hại đối phương, khiến cho gia đạo tan nát, thậm chí tánh mạng khó giữ gìn; hoặc không thiếu những vị tu hành, xuất gia cũng như tại gia, vì tham chấp cảnh giới huyền vi, đắm mê sắc tướng, vọng cầu thần thông, điểm đạo nhập Tà (như Mật tông Thiên Đình), khai mở luân xa… mà chiêu cảm Tà Mị nương gá dẫn dắt khiến “tẩu hỏa nhập ma” làm cho thần trí thất tán, vọng ngữ điêu ngoa, buông lời ma mị… dẫn dắt bao người lầm theo… Tất cả phản chiếu Nhân Quả – Nghiệp báo sai biệt dưới thiên hình vạn trạng, từ đó, ta càng thêm thấu tỏ và kính ngưỡng ân đức từ bi vô lượng độ tận chúng sanh của Chư Phật, sự lợi lạc vi diệu nhiệm mầu không thể nghĩ bàn của Phật Pháp cứu độ chúng sanh trong khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương hồi tâm cải ác quy Phật tu hành, tịnh hóa nghiệp chướng cho đến ngày chuyển mê khai ngộ, liễu phàm kiến Tánh.
Hiện tượng vong nhập nào phải mang tính thời sự mới mẻ hiện nay, bởi đã từng tồn tại tự bao đời qua. Và chỉ có Bậc kiến Tánh, chơn tu mới có đủ đạo lực để hóa độ cho “âm siêu – dương thới” mà thôi. Có hay không hiện tượng vong nhập, tin rằng Đại chúng tự có câu trả lời.
* KẾT LUẬN
Về tri kiến Phật học: Thượng tọa Tiến sĩ Thích Nhật Từ không có Chánh kiến tư duy, Trí huệ trạch Pháp, đã “tiền hậu bất nhất” trong lời giảng của mình. Với học vị Tiến sĩ hay hư danh Học giả Phật học, Thích Nhật Từ không xứng tầm đúng nghĩa.
Về phẩm hạnh của tu sĩ: những lời giảng của Thích Nhật Từ mang đầy tà kiến, chia rẽ và hủy báng Phật Pháp. Ông “tu theo thuở – giảng nói theo thời” khi tri hành bất nhất, kêu gọi trở về Đạo Phật Nguyên Chất mà tự thân chẳng hành trì phạm hạnh chơn thật trong đời sống tu hành của mình. Đừng nhân danh Phật Pháp cho tà tâm, tà hạnh, tà kiến của mình. Thích Nhật Từ không xứng danh Tỳ Kheo chơn chánh mà là Tà sư, chướng Ma thời mạt tâm.
Mong Ông sớm tỉnh tâm sám hối!
Mong Đại chúng tỉnh giác, đừng mê lầm, thần tượng, hám danh, kẻo khổ nghiệp cùng gánh!
Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
Cổ Thiên
———————————————-
Tham khảo: