trao-cu

Trạo cử là một trong năm Triền cái chướng ngại sự an tịnh của thân tâm khi hành giả tọa thiền, cản trở công phu tu tiến.

Ngược lại với Hôn trầm trệ chướng, Trạo cử là trạng thái tâm vọng động không ngừng khi hành giả không thể nhiếp tâm chuyên nhất vào Chánh niệm mà miên man vọng tưởng tạp niệm lăng xăng từ đối tượng này đến đối tượng khác. Do tâm loạn động như ngựa bất kham, như khỉ chuyền cành không phút giây ngừng nghỉ khiến hành giả đôi khi đứng ngồi chẳng yên, khó bề tịnh tọa, vì thế, cần phải nhẫn lực tỉnh giác mà nhận diện và đối trị Trạo cử khi tọa thiền.

Khi bị chướng Trạo cử tác động, tâm sẽ tán loạn, thân ngồi chẳng yên như Hỏa bốc đầu, khó chịu bức bách… Lúc đó, hành giả chỉ muốn buông bỏ công phu thiền định ngay lập tức mà thôi! Tuy nhiên, nên biết vọng niệm là tập khí kiến – lậu – hoặc tích tập bao đời, nếu không nhờ tinh tấn tu hành, tọa thiền nhiếp tâm để giải trừ nghiệp chướng, phá mê khai ngộ, hà tất nói đến Đại sự tu Phật để làm gì. Khổ sanh tử luân hồi, nếu chính mình không nhẫn lực tinh tấn tự giác – tự độ để liễu thoát thì không ai, kể cả Chư Phật, cứu mình được!

 

Có câu:

Ngựa chạy đường dài mới hay sức ngựa,
Vàng qua lửa đỏ càng rõ lòng vàng.

Chính trong lúc muôn niệm rối ren, chướng ngại tùng khởi thì đó là thời khắc tốt nhất để người con Phật chơn chánh phát tâm dõng mãnh tinh tấn, điều phục thân tâm, dụng công tu hành. Khi ấy, hành giả hãy liền mau tỉnh giác tập trung tâm lực nhiếp tâm vào Chánh niệm sao cho chuyên nhất, niệm lực cho miên mật, ngoài ra KHÔNG BIẾT tới mọi sự thô tế diễn biến nơi thân tâm hay ngoại cảnh xung quanh thì vọng niệm chướng ngại ắt tự tiêu trừ:

    1. Nếu hành giả NIỆM PHẬT thì cố gắng sao cho Chánh niệm nối nhau tương tục đều đặn chuyên nhất, không chậm (dễ bị Hôn trầm) cũng không gấp (dễ bị Trạo cử). Tâm niệm đến đâu, tai lắng nghe rõ ràng minh bạch từng từ từng chữ đến đó, trí ghi nhận khắc sâu không sót. Công phu niệm Phật miên mật như thế chắc chắn sẽ không bị Trạo cử tán loạn hay bất kỳ chướng ngại nào ảnh hưởng. 
    1. Nếu hành giả THAM TỔ SƯ THIỀN thì hãy chiếu cố thoại đầu sao cho Chánh Nghi không gián đoạn. Nên rõ, thiếu nghi tình thì “tham thoại đầu” sẽ thành “niệm thoại đầu”, công phu lạc lối. Để Chánh nghi không gián đoạn thì tâm khởi thoại đầu sao cho liên tục tiếp nối, không kẽ hở đan xen, nên gọi là “chiếu cố”. Nhờ chiếu cố thoại đầu nên nghi tình miên mật thành khối, với mọi sự thô tế diễn ra nơi thân tâm hay ngoại cảnh xung quanh đều KHÔNG BIẾT tới (không quan tâm hay để ý) thì chắc chắn sẽ không bị Trạo cử tán loạn hay chướng ngại tác động.

 

Lưu ý: hành giả tuyệt không khởi tâm đối trị Trạo cử mà vọng sanh vọng thêm chướng mà thôi. Hãy tọa thiền theo đúng phương pháp và kinh nghiệm hành Pháp như đã giảng, lâu ngày công phu thuần thục, hành giả có thể dễ dàng nhận biết Hôn trầm, Trạo cử hay bất kỳ chướng ngại nào mới vừa chớm khởi để kịp thời tỉnh giác nhiếp trụ tâm thiền đối trị và hàng phục. 

Trong đời sống thường nhật, hành giả phải nghiêm trì Giới đức, tinh cần trưởng dưỡng tâm Từ – Bi – Hỷ – Xả, hạnh Vô ngã – Vô trụ (xem bài: Đường lối tu Phật). Nhờ sống đời phạm hạnh Vô ngã – Vô trụ nhiêu ích chúng sanh mà tâm hành giả luôn an tịnh Từ Bi, tràn đầy Hỷ Lạc, chắc chắn giúp cho công phu tọa thiền nhiếp tâm ít bị Trạo cử nói riêng và chướng ngại nói chung, tấn tiến vô ngại trên Đường giác ngộ giải thoát rộng mở thênh thang…!

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

 

Diệu Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

——————————————-

Tham khảo: