* CÂU HỎI
Bạch Thầy!
Xin cho con được hỏi về chuyện ăn chay. Con nghe nhiều vị như Thầy Thích Phước Thái, Thầy Thích Thanh Từ có giảng rằng: trứng gà không trống thì ăn được vì không có mầm sanh nên làm gì có sự giết hại, tức không phạm tội sát sanh, một trong năm giới cấm dành cho hàng Phật tử tại gia (nguồn bài viết: http://phatgiao.org.vn/hoi-dap/201302/an-trung-ga-co-phai-la-an-chay-khong-9264/).
Tuy nhiên, Đại Sư Ấn Quang thì lại giảng khác, như trích trong thư thứ hai trả lời cho cư sĩ La Trí Thanh (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 1), có ghi rằng:
“Người ăn chay đừng nên ăn trứng gà do nó có mầm sống. Dẫu không có mầm sống, cũng chớ nên ăn vì nó có chất độc. Có người bảo “ở nơi không có gà trống thì trứng sẽ không có mầm sống”, ở nơi đây rất ít có loại trứng ấy. Xưa kia, có một người thích ăn trứng gà, lâu ngày chất độc tích lại trong bụng, sanh ra rất nhiều trứng gà và gà con. Các thầy lang chẳng hiểu căn bệnh ấy. Trương Trọng Cảnh bảo nấu tỏi ăn, liền ói ra rất nhiều gà con cùng những con gà đã có lông hoặc không lông. Ông Trương bảo bệnh nhân suốt đời đừng ăn trứng gà nữa, hễ ăn sẽ không có cách gì trị được. Đủ biết trứng gà gây họa lớn thay!
Xét ra, những đệ tử nhà Phật ăn chay ở Phước Châu thường sợ thiếu chất bổ, viện cớ “trứng gà không có cồ, chẳng có mầm sống thì đều có thể ăn được”, quen nết tạo thành phong tục, khiến cho người chẳng hiểu chuyện bị lầm lẫn, gần như phá giới. Vì thế, đệ tử đặc biệt khẩn cầu đại sư khai thị bài này. Hãy nên ấn hành, đăng tải rộng rãi để cảnh tỉnh người khác. Đệ tử La Trí Thanh kính cẩn ghi chú.”
Hoặc trích trong Lá Thư Tịnh Độ trả lời cho cư sĩ Chân Tịnh, Đại sư Ấn Quang viết rằng:
“Trứng gà có ăn được hay không? Tranh luận đủ mọi lẽ đã lâu! Nhưng người hiểu lý quyết chẳng nghĩ ăn trứng gà là đúng. Kẻ thích ăn liền khéo léo biện luận, chứ thật sự đã chường ra cái ngu! Vì sao vậy? Có người nói trứng có cồ, tức là có mầm sống thì không được ăn, còn trứng không có cồ chẳng thể nở thành gà con thì ăn được! Nếu nói như vậy thì con vật còn sống chẳng được ăn, chứ con vật chết rồi thì ăn được, có lẽ ấy hay chăng? Người thông minh thường hay dấy lên thứ tà kiến ấy, chẳng biết là nhằm thỏa thích bụng miệng mà phô phang cái trí của chính mình, đến nỗi bị người hiểu lý thương xót! Sư Chi Đạo Lâm đời Tấn học rộng, giỏi biện luận, tranh luận cùng thầy về chuyện trứng có ăn được hay không; do ông ta giỏi biện bác, vị thầy chẳng thể khiến cho Đạo Lâm khuất phục được. Vị thầy ấy mất rồi, hiện hình trước mặt ông ta, tay cầm trứng gà quăng xuống đất, gà con liền chui ra. Đạo Lâm hổ thẹn cảm tạ, thầy và trứng gà đều biến mất. Đấy là lời quyết đoán thời Tấn.”
Qua 2 lời giải thích trái ngược trên, con thật không biết phải nên thế nào ạ. Kính Thầy cho con hỏi: người Phật tử tại gia chúng con khi ăn chay thì có được dùng trứng gà không? Nếu người ăn chay sử dụng trứng gà công nghiệp có phạm phải tội sát sinh không?
Ngoài ra, con thấy các Thầy bên Phật giáo Nam tông còn ăn cả thịt. Đó là vì sao ạ?
Xin Thầy từ bi khai thị cho con được sáng ạ!
Nam mô A Di Đà Phật _()_
* PHÚC ĐÁP
Qua thư hỏi, xét thấy có 2 vấn đề cần luận rõ như sau:
1. ĂN CHAY CÓ ĐƯỢC ĂN TRỨNG, UỐNG SỮA KHÔNG? TU SĨ CÓ ĐƯỢC ĂN TAM TỊNH NHỤC HAY NGŨ TỊNH NHỤC KHÔNG?
Đức Phật đã từng dạy: tất cả chúng sanh trong khắp cõi 10 phương dẫu khác biệt về giống loài, ngôn ngữ, hình tướng và quốc độ do nghiệp báo thiện – ác chiêu cảm nhưng đều là những vị Phật vị lai nếu biết thống thiết sám hối tu hành y lời Phật dạy. Hạnh nguyện Chư Phật 10 phương 3 đời là độ tận chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến, trọn thành Phật đạo nên Phật dạy giới cấm sát sanh hại vật, gồm các loài thai sanh (người, động vật có vú), noãn sanh (loài sanh ra từ trứng), thấp sanh (loài sanh nơi ẩm ướt, muỗi mòng…) và hóa sanh (ve, kiến, trùn, dế…). Đó chính là phụng hành theo Phật hạnh từ bi – bình đẳng với tất cả vô sai biệt, giữ gìn huệ mạng tu hành, tránh rơi vào nghiệp sát phải trả đền trong mai hậu mà đạo nghiệp khó thành. Vì thế, đã quy Phật tu hành, thân tâm phải giữ trường chay thanh tịnh.
1.1. Ăn chay tuyệt đối KHÔNG được ăn trứng vì những lý do sau:
– Trứng về cấu tạo cơ bản gồm 4 bộ phận: lòng đỏ, lòng trắng, màng vỏ và vỏ trứng, được hình thành từ cơ quan sinh sản của giống cái, chứa gen di truyền và các chức năng sinh học nhằm duy trì nòi giống. Vì vậy, dẫu trứng không có trống nên không có mầm sống đi nữa nhưng nó vẫn là kết quả sinh sản di truyền từ cơ thể máu thịt của động vật mà thành, đâu phải tự nhiên mà có nên người tu hành hướng Phật tuyệt không được ăn trứng. Nếu vẫn chấp mê cho là ăn được, hỏi có khác gì ăn thịt chúng sanh, sao gọi là ăn chay.
– Nếu trứng có trống tức đã có sự sống và tánh linh, chỉ cần thời gian, nhiệt độ và điều kiện lý tưởng mà phát triển không ngừng, thay hình đổi dạng cho đến khi hoàn thiện thì nở thành con vật. Cũng như phôi thai kết hợp từ tinh cha huyết mẹ trong cơ thể phụ nữ sau 9 tháng 10 ngày cưu mang sẽ phát triển hoàn thiện thành người rồi cất tiếng khóc chào đời. Do đó, ăn trứng có trống tức không chỉ ăn thịt chúng sanh mà còn phạm vào nghiệp sát.
1.2. Từ lẽ đó suy ra, ăn chay KHÔNG được uống sữa động vật.
1.3. Về việc tu sĩ có được ăn Tam Tịnh Nhục hoặc Ngũ Tịnh Nhục không, hãy xem các đoạn trích dẫn từ Kinh như sau:
a. Kinh Jìvaka (thuộc Trung Bộ Kinh) có đoạn sau nói về Tam Tịnh Nhục (loại thịt mà tu sĩ khất thực không thấy – không nghe – không nghi vì mình mà chúng sanh đó bị giết nên được thọ dụng):
“Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú ở Rajagaha (Vương Xá), tại rừng xoài của Jivaka Komarabhacca.
Rồi Jivaka Komarabhacca đi đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Jivaka Komarabhacca bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, con nghe nói như sau: “Vì Sa-môn Gotama, họ giết hại các sinh vật. Và Sa-môn Gotama tuy biết thế vẫn dùng các loại thịt được giết vì mình và được làm cho mình”. Bạch Thế Tôn, những ai nói như sau: “Vì Sa-môn Gotama, họ giết hại các sinh vật. Và Sa-môn Gotama tuy biết thế vẫn dùng các loại thịt được giết vì mình và được làm cho mình”, bạch Thế Tôn, những người ấy có nói chính lời Thế Tôn, họ không xuyên tạc Thế Tôn không đúng sự thật, họ trả lời đúng pháp, thuận pháp, và những ai như pháp, thuyết đúng pháp, thuận pháp không có thể quở trách ?
Này Jivaka, những ai nói như sau: “Vì Sa-môn Gotama, họ giết hại các sinh vật. Và Sa-môn Gotama tuy biết thế vẫn dùng các loại thịt được giết vì mình được làm cho mình”, những người ấy không nói chính lời của Ta, họ xuyên tạc Ta, không như chân, không như thật. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt không được thọ dụng: thấy, nghe và nghi vì mình mà giết. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt không được thọ dụng. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt được thọ dụng: không thấy, không nghe và không nghi vì mình mà giết. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt được thọ dụng.
Ở đây, này Jivaka, Tỷ-kheo sống dựa vào một làng hay một thị trấn nào, vị ấy biến mãn một phương với tâm có lòng từ, và an trú; cũng vậy phương thứ hai, phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân và an trú. Một người cư sĩ hay con một người cư sĩ đến Tỷ-kheo ấy và mời ngày mai thọ trai và này Jivaka, Tỷ-kheo ấy nhận lời. Sau khi đêm ấy đã qua, Tỷ-kheo ấy vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến chỗ người cư sĩ kia hay con người cư sĩ kia. Sau khi đến, vị ấy ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Và vị cư sĩ, hay con vị cư sĩ ấy thỉnh vị ấy dùng các món ăn khất thực thượng vị. Vị Tỷ-kheo ấy không nghĩ: “Thật tốt lành thay, người cư sĩ này, hay con người cư sĩ này thỉnh ta dùng các món ăn khất thực thượng vị. Mong rằng người cư sĩ này, hay con người cư sĩ này trong tương lai sẽ thỉnh ta dùng các món khất thực thượng vị như vậy”. Tỷ-kheo ấy không nghĩ như vậy. Vị ấy thọ dụng các món ăn khất thực ấy, với tâm không tham trước, không tham đắm, không đam mê, thấy rõ các tai họa, ý thức rõ rệt sự xuất ly. Này Jivaka, Ông nghĩ thế nào? Tỷ-kheo kia, trong thời gian ấy có nghĩ đến tự hại, hay nghĩ đến hại người, hay nghĩ đến hại cả hai?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
Này Jivaka, Tỷ-kheo kia, trong thời gian ấy có phải dùng các món ăn không có lỗi lầm?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, con nghe như sau: “Cao thượng thay, an trú lòng từ! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn diện kiến thân chứng cho con điểm này. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn an trú lòng từ.
Này Jivaka, cái gọi là tham, là sân, là si, do đó sân hận khởi lên, tham ấy, sân ấy, si ấy được Như Lại đoạn trừ, chặt cho đến tận gốc, làm cho như thân cây tala, khiến không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Này Jivaka, nếu như vậy là ý nghĩa Ông muốn nói, thời Ta đồng ý với Ông.
– Bạch Thế Tôn, như vậy thật là ý nghĩa con muốn nói.
Ở đây, này Jivaka, Tỷ-kheo sống dựa vào một làng nào hay một thị trấn nào. Vị ấy biến mãn một phương với tâm có lòng bi… với tâm có lòng hỷ… với tâm có lòng xả và an trú; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy, biến mãn với tâm có lòng xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân và an trú. Một cư sĩ hay con một người cư sĩ đến Tỷ-kheo ấy và mời ngày mai thọ trai. Và này Jivaka, Tỷ-kheo ấy nhận lời. Sau khi đêm ấy đã qua, vị ấy vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến chỗ người cư sĩ kia, hay con của người cư sĩ kia. Sau khi đến, vị ấy ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Và vị cư sĩ, hay con vị cư sĩ ấy thỉnh vị ấy dùng các món ăn khất thực thượng vị. Tỷ-kheo ấy không nghĩ: “Thật tốt lành thay, người cư sĩ này, hay con người cư sĩ này thỉnh ta dùng các món ăn khất thực thượng vị. Mong rằng vị cư sĩ này, hay con vị cư sĩ này trong tương lai sẽ thỉnh ta dùng các món ăn khất thực thượng vị như vậy”. Tỷ-kheo ấy không nghĩ như vậy. Vị ấy thọ dụng các món ăn khất thực ấy với tâm không tham trước, không tham đắm, không đam mê, thấy rõ các tai họa, ý thức rõ rệt sự xuất ly. Này Jivaka, Ông nghĩ thế nào? Tỷ-kheo kia, trong thời gian ấy có nghĩ đến hại mình, hay nghĩ đến hại người, hay nghĩ đến hại cả hai?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
Này Jivaka, vị Tỷ-kheo kia, trong thời gian ấy, có phải dùng các món ăn không có lỗi lầm?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, con nghe như sau: “Cao thượng thay, an trú lòng xả! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn diện kiến thân chứng cho con điểm này. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn an trú lòng xả.
Này Jivaka, cái gọi là tham, là sân, là si, do đó sân hận khởi lên, tham ấy, sân ấy, si ấy được Như Lại đoạn trừ, chặt cho đến tận gốc, làm cho như thân cây tala, khiến không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Này Jivaka, nếu như vậy là ý nghĩa Ông muốn nói, thời ta đồng ý với Ông.
– Bạch Thế Tôn, như vậy thật là ý nghĩa con muốn nói.
Này Jivaka, người nào vì Như Lai, hay vì đệ tử Như Lai mà giết hại sinh vật, người ấy chất chứa nhiều phi công đức do năm nguyên nhân. Khi người ấy nói như sau: “Hãy đi và dắt con thú này đến”, đó là nguyên nhân thứ nhứt, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Con thú ấy, khi bị dắt đi, vì bị kéo lôi nơi cổ, nên cảm thọ khổ ưu, đó là nguyên nhân thứ hai, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Khi người ấy nói: “Hãy đi và giết con thú này”, đó là nguyên nhân thứ ba, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Khi con thú ấy bị giết, cảm thọ khổ ưu, đây là nguyên nhân thứ tư, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Khi người ấy cúng dường Như Lai hay đệ tử Như Lai một cách phi pháp, đó là nguyên nhân thứ năm, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Này Jivaka, người nào vì Như Lai, hay vì đệ tử Như Lai mà giết hại sinh vật, người ấy sẽ chất chứa nhiều phi công đức do năm nguyên nhân này.
Khi nghe nói vậy, Jivaka Komarabhacca bạch Thế Tôn:
– Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, các Tỷ-kheo thật sự thọ dụng các món ăn một cách hợp pháp. Bạch Thế Tôn, các Tỷ-kheo thật sự thọ dụng các món ăn không có khuyết phạm. Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! … Mong Thế Tôn nhận con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng…”
(trích Kinh Jìvaka, Trung Bộ Kinh)
b. Kinh Diệu Thủ Lăng Nghiêm có đoạn sau nói về Ngũ Tịnh Nhục (loại thịt mà tu sĩ khất thực không thấy – không nghe – không nghi vì mình mà chúng sanh đó bị giết; thịt con thú tự chết; thịt con thú khác ăn còn dư nên được thọ dụng):
“A Nan! Sở dĩ Ta (Đức Phật) tạm cho hàng Tỳ Kheo ăn Ngũ Tịnh Nhục, việc này đều do thần lực của Ta hóa thành, vốn chẳng có sinh mạng. Vì xứ Bà La Môn đất đai phần nhiều ẩm ướt, lại thêm cát đá, rau cỏ chẳng sanh, nên Ta dùng sức đại bi tạm thời hóa ra, giả danh là thịt cho các con được ăn. Nhưng tiếc thay, sau khi Như Lai diệt độ, người mang tên Phật tử lại ăn thịt chúng sanh!”.
(trích Kinh Diệu Thủ Lăng Nghiêm)
Dựa trên lăng kính Phật học (Tam Pháp Ấn, Ba yếu tính giác ngộ, Tam vô lậu học, Tứ y Pháp) để minh định Chánh Pháp như đã giảng trong Phật Pháp Vấn Đáp 7: Liễu nghĩa Tam Bảo và minh định Phật Pháp, rõ thấy:
– Với Tam Tịnh Nhục: tu sĩ khất thực nếu “không thấy – không nghe – không nghi” vì mình mà một hoặc nhiều chúng sanh phải bị giết để cúng dường cho thì được thọ dụng thịt của các chúng sanh ấy, vì đó là do vị thí chủ tại gia nhín chút khẩu phần ăn của họ để cúng dường một cách tình cờ, không có chủ ý chuẩn bị trước. Đây là TÀ KIẾN ĐIÊN ĐẢO (Kinh điển bị tam sao thất bản), không phải lời Phật dạy bởi dù “không thấy – không nghe – không nghi” tức nghiệm xét thấy không phải vì mình mà có thêm 1 sinh vật nào bị giết hại, làm nhân duyên cho ác pháp (sát sanh) tăng trưởng NHƯNG không phải vì thế mà một Tỳ Kheo mang danh Thích-tử tu Đạo giải thoát được ăn thịt chúng sanh, bởi dẫu không có thêm thì cũng đã có chúng sanh bị giết hại, ác pháp đã cấu thành. Hỏi lòng TỪ BI VÔ LƯỢNG của nhà Phật ở đâu khi nhai nuốt chúng sanh với cái cớ là Tam Tịnh Nhục? Hỏi TRÍ HUỆ VÔ BIÊN và QUẢNG ĐỘ VÔ NGẠI của nhà Phật ở đâu trước sự tham đắm thực dục máu thịt chúng sanh của bao người (cầu), trước ác pháp sát sanh dẫu không tăng trưởng vì mình nhưng chưa từng đoạn dứt (cung), trước sự đau đớn oán hận khôn xiết của chúng sanh bị giết hại (nhân) và sát nghiệp thống khổ (quả) mà đồ tể phải gánh theo Nhân-Quả chí công vì ác tâm si ám của mình? Phật đạo cứu giúp chúng sanh chuyển mê khai ngộ, hướng hóa độ Đời theo tâm hạnh Từ – Bi – Hỷ – Xả khôn cùng, đâu chỉ dành cho riêng ai hay hạn lượng một chúng sanh nào. Một vị Thích-tử chơn chánh với lòng cầu Đạo thống thiết, hành Pháp trang nghiêm thì SANH TỬ CÒN CHẲNG MÀNG, thân giáo độ Đời bằng oai nghi – phạm hạnh – giới đức khiết tịnh và tâm hạnh Từ Bi theo hạnh nguyện vô lượng của Chư Phật, huống gì miếng thịt qua kẽ răng vì thây thối giả tạm của mình mà ngụy biện đủ điều trái lý nghịch hạnh, điên đảo Phật Pháp. Họ thà rằng nhịn đói, thậm chí là chết mà giữ gìn Giới thể và đức hạnh Từ – Bi – Hỷ – Xả cho tròn đầy chứ quyết không MÊ sống mang danh Thích-tử mà nhai nuốt chúng sanh, rước oán trược vào thân tâm. Họ không bao giờ thọ nhận chứ đừng nói đến thọ dụng thịt chúng sanh dù bất cứ lý do gì (trong đó có Tam Tịnh Nhục); đồng thời sẽ tùy duyên khai thị Phật Pháp hướng hóa vị thí chủ trường chay để sanh trưởng lòng Từ, tránh cộng nghiệp sát, từ đó cúng dường Tam Bảo sao cho đúng Pháp trang nghiêm, hồi tâm sám hối quy Phật tu hành.
– Với Ngũ Tịnh Nhục: nếu do điều kiện đất đai phong thổ khắc nghiệt, Đức Phật dùng sức Đại Bi tạm thời hóa ra thức ăn cho hàng Tỳ Kheo thọ thực để giữ thân tu hành, sao Ngài không hóa ra thực phẩm rau củ thuần chay thanh đạm mà lại là Ngũ Tịnh Nhục? Ngài là Bậc Toàn Giác thì sao có thể khơi gợi tâm phàm mê đắm ngũ dục thế gian của hàng Tỳ Kheo chỉ vì dưỡng thân giả tạm, dù rằng Ngũ Tịnh Nhục chỉ “giả danh là thịt” (thịt không có mạng căn)? Nếu tâm không chay tịnh, hỏi miệng chay nào có ích gì? Với lòng từ mẫn vô lượng và trí huệ vô biên, sao Ngài có thể khơi tạo tiền đề trái chướng này cho hàng hậu học về sau theo đó ngụy biện cho TÀ HẠNH ĂN THỊT của mình như đã gặp ở không ít tu sĩ Phật giáo hiện nay, để rồi “tiếc thay, sau khi Như Lai diệt độ, người mang tên Phật tử lại ăn thịt chúng sanh”?
– Từ sự mâu thuẫn trái lý đó, thấy rõ rằng Tam Tịnh Nhục hay Ngũ Tịnh Nhục KHÔNG phải từ Kim khẩu của Đức Phật thuyết ra mà do những Tăng sĩ sau này có lòng phàm chưa dứt thêm thắt vào Kinh văn (tam sao thất bản). Tà kiến này tuy chỉ là dữ kiện nhỏ trong Kinh điển nhưng có hệ lụy khôn lường, đó là tri hành trái Pháp nghịch hạnh Từ Bi của một bộ phận Tăng đoàn trong Phật giáo thời nay. Xót xa hơn, đó là hủy Phật báng Pháp khi nhiều tu sĩ vẫn si mê ám muội cho rằng: “Ai cúng dường gì Phật ăn nấy, kể cả thịt chúng sanh”. Than ôi, “sư tử trùng thực sư tử nhục“!
– Do đi ngược lại với lý tánh Từ Bi – Bình Đẳng nhà Phật nên cần phải loại bỏ tà kiến Tam Tịnh Nhục và Ngũ Tịnh Nhục ra khỏi Tam Tạng Kinh Điển để tất cả Tăng sĩ, dẫu Nam tông hay Bắc Tông, đều trường chay thanh tịnh, huân tu đức hạnh từ bi mới có thể tự giác – giác tha – giác hạnh viên mãn, đáp đền Tứ ân trong muôn một. Từ đó, sẽ không còn những ngụy biện trái lý, tà hạnh được dung dưỡng nơi cửa Phật từ bi, cho tất cả chúng sanh phát tâm cầu Đạo đều trở về an trú trong ánh Từ quang của Phật Pháp mà tấn tu bất thoái.
Thế nhưng, thực trạng hiện nay cho thấy có không ít tu sĩ Phật giáo mượn danh Tam Tịnh Nhục hay Ngũ Tịnh Nhục làm cái cớ để biện minh cho việc ăn thịt của mình, kỳ thực đó là bởi tập khí – ngũ dục còn sâu, lòng Từ không có nên câu nệ chọn lựa, tham đắm máu thịt chúng sanh, mặc tình cho dục tính dấy sanh, tà tâm ác pháp tăng trưởng, bất chấp nhân quả nghiệp báo. Sao không ngộ rằng ăn Tam Tịnh Nhục hay Ngũ Tịnh Nhục tức ĂN THỊT CHÚNG SANH, chẳng khác gì tự ăn thịt thân bằng quyến thuộc của mình, chẳng những rước oán trược vào thân tâm lại còn phạm vào GIỚI SÁT dẫu không trực tiếp thì cũng gián tiếp nên chiếu theo Luật Nhân – Quả ắt phải trả đền phân minh; còn thiêu rụi Phật chủng từ bi – bình đẳng của chính mình, hủy Phật báng Pháp thì chắc chắn khổ đọa muôn đời, nói gì đến tiến tu giải thoát?
Hãy tư duy chiêm nghiệm tận tường lời Phật dạy cảnh tỉnh chúng ta:
“Người tu chánh định cốt để ra khỏi trần lao, nếu tâm sát hại chẳng trừ thì chẳng thể ra khỏi, dẫu có nhiều trí thiền định hiện tiền mà chẳng dứt sát hại, ắt phải lạc vào đạo QUỶ THẦN. Hạng trên thành Đại Lực Quỷ, hạng giữa thành Phi Hành Dạ Xoa và các loại Quỷ Soái, hạng dưới thành Địa Hành La Sát. Các loài Quỷ Thần kia cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự xưng đã thành đạo Vô thượng, sau khi Ta diệt độ, trong đời mạt pháp, loại Quỷ Thần này sôi nổi trên thế gian, TỰ NÓI ĂN THỊT CŨNG ĐƯỢC ĐẠO BỒ ĐỀ.
HÀNG TỲ KHEO TRONG SẠCH và CHƯ BỒ TÁT đi trong đường tẻ còn chẳng dẫm trên cỏ, huống là nhổ cỏ. LÀM SAO NGƯỜI CÓ LÒNG ĐẠI BI LẠI ĂN THỊT CHÚNG SANH?
NGƯỜI MÀ ĐỐI VỚI THÂN THỂ CỦA CHÚNG SANH ĐỀU CHẲNG ĂN CHẲNG MẶC, Ta nói người này là CHƠN GIẢI THOÁT”.
(trích Kinh Diệu Thủ Lăng Nghiêm)
2. LỜI GIẢI ĐÁP CỦA THÍCH PHƯỚC THÁI: CHÁNH KIẾN HAY TÀ KIẾN?
Dưới đây là nguyên văn lời vấn đáp giữa một Phật tử và Tỳ Kheo Thích Phước Thái như sau:
Hỏi: Vào những ngày ăn chay, Phật tử tại gia chúng con có ăn trứng gà được không? Con nghe người ta nói, trứng gà không trống ăn được. Nếu ăn, có bị mang tội không?
Đáp: Phật giáo Bắc tông (Đại Thừa) chủ trương ăn chay, là vì lòng từ bi và hơn nữa là muốn tránh quả báo oán thù. Không vì mạng sống của mình mà làm tổn thương đến những mạng sống của những con vật khác. Nếu bảo ăn chay là tu, theo tôi, thì chưa đúng hẳn. Bởi vì, Phật giáo Nam tông (Nguyên Thủy) đâu có ăn chay ngày nào. Ngay cả đức Phật và các vị Thánh Tăng theo Phật thời xưa, các Ngài đâu có ăn chay. Các Ngài ôm bát đi khất thực, ai cúng gì ăn nấy. Phật tử Ấn Độ thời Phật, họ ăn mặn chớ đâu có ăn chay. Như vậy, chả lẽ các Ngài không ăn chay là không tu sao? Không tu, sao các Ngài thành Phật và thành A la hán? Song có điều các Ngài không tự tay sát hại mà thôi. Người Phật tử cần phải hiểu cho thật rõ giới thứ nhất này.
Trong giới thứ nhất, Phật dạy người Phật tử không được sát sanh, nhưng chủ yếu Phật dạy, là không được giết người. Vì mạng sống con người rất là quan trọng so với các loài vật khác. Điều nầy, đối với luật pháp thế gian cũng thế. Giết người là một trọng tội, tất nhiên phải bị ở tù. Ngược lại, giết hại sinh vật, thì không.
Cho nên, người Phật tử không được giết người. Gìn giữ không giết người là căn bản, rồi từ đó hạ xuống dần đến những loài súc vật nhỏ khác. Tránh sát hại được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Chớ nếu giữ một cách tuyệt đối, thì không ai giữ đúng cả. Kể cả chư Tăng Ni ở trong chùa cũng không tránh khỏi. Thử hỏi khi Tăng Ni bệnh có cần uống thuốc không? Nếu uống, thì cũng đã giết hại biết bao con vi trùng rồi. Thế thì, luận cho cùng, không một ai tránh khỏi cả.
Câu hỏi của Phật tử, theo tôi, thì người Phật tử tại gia ăn trứng gà vào những ngày ăn chay là không có gì tội lỗi cả. Vì sao, vì trứng gà vốn không có trống. Mà không có trống, tức không có mầm sanh. Không có mầm sanh, thì làm gì có sự giết hại? Nếu có mầm sanh mà mình giết, thì hơi tàn nhẫn. Đấy là nói, những người tu hạnh xuất thế cần giữ, để tiến lên đạo quả Bồ đề nhanh chóng. Còn đối với Phật tử tại gia, tu theo nhân thừa, tức theo hình thức giới tướng giữ 5 giới, thì việc ăn trứng gà không trống, thật không có gì tội lỗi. Điều này, đối với người tu Tiên, thì cấm kỵ. Vì tu Tiên là họ luyện tập để cho thân thể được nhẹ nhàng. Cho nên, họ không ăn những thức ăn trược uế. Ngược lại, người tu Phật thì không thế.
Lý do tại sao chúng tôi dám quả quyết như thế, Vì theo Luật Phật dạy, cái gì có mầm sinh mà mình đoạn tuyệt mạng sống của nó, thì mới có tội. Còn trứng gà, như Phật tử đã nói là không có trống, đã không trống, thì ăn có gì là sát sinh hại vật đâu mà sợ.
Nếu Phật tử còn nghi, thì xin Phật tử nghe lại bộ băng nhựa nói về 33 vị Tổ Thiền tông Ấn Độ và Trung Hoa, do Hòa Thượng Thanh Từ thuyết giảng tại Thiền viện Thường Chiếu. Trong đó, có câu hỏi cũng tương tợ như câu hỏi của Phật tử đã hỏi và Hòa Thượng cũng đã trả lời khẳng định là ăn trứng gà không trống thì không có gì là tội lỗi cả. Phật tử cứ yên tâm, nếu thích thì cứ ăn. Chỉ sợ ăn nhiều sinh bệnh hoạn mà thôi.
Thích Phước Thái
(nguồn: http://phatgiao.org.vn/hoi-dap/201302/an-trung-ga-co-phai-la-an-chay-khong-9264/)
Có đôi điều cần trạch Pháp cho tỏ tường:
– Đạo Phật là đạo Từ Bi – Trí Huệ, là đạo Giác ngộ – Giải thoát. Người con Phật hành trì theo lời Phật dạy đến đâu, sâu cạn thế nào đều do mỗi người tự giác tự hành tự độ chơn chánh. Người có lòng cầu Đạo chí thành thống thiết thì dẫu tu theo Tông phái nào đi nữa, dẫu tướng Tăng hay tướng Tục cũng vẫn nhất như y lời Phật dạy, trực tâm y Tánh chơn chánh tu hành; còn ngược lại, chỉ e mượn Đạo tạo Đời, lạm dụng Phật Pháp dung dưỡng sắc thân tăng trưởng tà hạnh bồi mê đắp ngã, phóng dật buông lung biếng lười trong sa đọa. Thế thì chay tịnh ở tại Từ tâm (Từ Bi), đâu cần mê theo cổ lệ trái chướng, y cứ vào truyền thống hoặc hư danh (Bắc Tông hay Nam Tông)… mà tự trái với lòng, hủy đi phạm hạnh, điên đảo Phật Pháp. Người trí với lòng Từ – Bi – Hỷ – Xả dẫu tu theo Phật giáo Nam tông cũng hằng giữ thân tâm chay tịnh, chỉ rau tương đạm bạc qua ngày tấn tu giải thoát; còn kẻ vô tâm si muội thì dẫu tu theo Phật giáo Bắc tông dưới hình tướng Thích tử đi nữa cũng sẽ âm thầm phá Giới, rượu thịt mê say, bất chấp nhân quả… Thế nên, nói “Phật giáo Bắc tông (Đại Thừa) chủ trương ăn chay, là vì lòng từ bi và hơn nữa là muốn tránh quả báo oán thù. Không vì mạng sống của mình mà làm tổn thương đến những mạng sống của những con vật khác. Nếu bảo ăn chay là tu, theo tôi, thì chưa đúng hẳn. Bởi vì, Phật giáo Nam tông (Nguyên Thủy) đâu có ăn chay ngày nào” chứng tỏ người đó Phật lý chẳng thông, tâm Từ Bi chẳng có. Nếu trực tâm y Tánh tu hành thì lẽ tất nhiên thân tâm sẽ trường chay; ngược lại, trường chay chưa hẳn đã tu hành thì huống gì ăn thịt chúng sanh mà nói tu hành, há có lý chăng?
– Khi đã phát tâm quy Phật tu hành tức phải ngộ lý Nhân Quả – Nghiệp báo tuần hoàn, vạn sự vô thường như bóng câu qua cửa mà nhiếp tâm thành Giới, xả ly ngũ dục, đoạn tham – sân – si, tịnh thân – khẩu – ý, tâm thiền miên mật ba thời. Do phải giữ thân làm phương tiện tu hành, hướng đến liễu sanh thoát tử và hóa độ chúng sanh làm đại sự nên bất đắc dĩ người tu mới phải dùng rau củ thực vật mà thọ thực qua ngày, nào phải vì dung dưỡng sắc thân giả tạm cho ngũ dục thêm hăng say, mê tâm thêm chất ngất mà luận biện miếng ăn tầm thường nhỏ nhặt, bẻ cong Phật lý làm bức bình phong cho tà tâm tà kiến tà hạnh của mình. Nói “ngay cả Đức Phật và các vị Thánh Tăng theo Phật thời xưa, các Ngài đâu có ăn chay. Các Ngài ôm bát đi khất thực, ai cúng gì ăn nấy. Phật tử Ấn Độ thời Phật, họ ăn mặn chớ đâu có ăn chay” là tà kiến chủ quan, đi ngược lại lý tánh Từ Bi – Vô Ngã – Bình Đẳng của nhà Phật. Sau khi Đức Phật thành đạo, ánh sáng Từ Bi – Trí Huệ phổ chiếu khắp 10 phương, Diệu Pháp Như Lai không ngừng được phổ rộng thì người thời ấy khi đã phát tâm cúng dường cũng không mê lầm si muội đến nỗi sát sanh hại vật dâng máu thịt vào bát cho Đức Phật và các vị Thánh Tăng. Giả sử nếu có vì không hiểu biết đi nữa thì chắc chắn họ sẽ được Đức Phật và các vị Thánh Tăng từ bi giáo hóa khai tâm, từ đó ngộ rõ việc cúng dường của mình là trái đạo tổn đức mà sám hối ăn năn, tránh tạo nghiệp chướng; đồng thời Đức Phật cũng không vì lúc đói lòng mà “ai cúng gì ăn nấy”, cả thịt cũng ăn, tự mâu thuẫn với lời dạy của mình, tri hành bất nhất. Xưa, vì lòng Từ Bi vô lượng muốn độ tận chúng sanh thoát khổ trầm luân – kiến ngộ Phật Tánh, Ngài đã xả ly tất cả tầm đường giải thoát, sanh tử chẳng màng; thế mà thời nay có vị tu sĩ lại giảng rằng: “xưa ai cúng gì, Phật ăn nấy, kể cả thịt, cho chúng sanh được phước” thì than ôi, tà kiến hủy báng Phật hạnh, mê lầm Nhân – Quả đến thế là cùng!
– “Trong giới thứ nhất, Phật dạy người Phật tử không được sát sanh, nhưng chủ yếu Phật dạy, là không được giết người… Gìn giữ không giết người là căn bản, rồi từ đó hạ xuống dần đến những loài súc vật nhỏ khác. Tránh sát hại được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Chớ nếu giữ một cách tuyệt đối, thì không ai giữ đúng cả. Kể cả chư Tăng Ni ở trong chùa cũng không tránh khỏi. Thử hỏi khi Tăng Ni bệnh có cần uống thuốc không? Nếu uống, thì cũng đã giết hại biết bao con vi trùng rồi. Thế thì, luận cho cùng, không một ai tránh khỏi cả”. Đây là lập luận chủ quan trái với lý tánh Vô Ngã – Bình Đẳng nhà Phật. Đối với Chư Phật, tất cả chúng sanh đều bình đẳng; hạnh nguyện từ bi vô lượng độ tận tất cả nào có phân biệt hay bỏ sót một ai. Giới cấm sát sanh tận cùng trong ý niệm, bao hàm tất cả chúng sanh, nào có thiên lệch gì. Nếu người không khởi tâm ý sát sanh hại vật, hỏi tội từ đâu mà thành? Lý – Sự không thông, dùng mê tâm thuyết Pháp thì khác gì MA THUYẾT (Tổ Bồ Đề Đạt Ma).
– Qua những gì đã giảng ở mục 1), nếu Hòa thượng Thích Thanh Từ khẳng định ăn chay có thể dùng trứng thì đó là tư kiến mê lầm, Đại chúng nên tỉnh giác trí tín, đừng rơi vào bệnh thần tượng, thần thánh hóa trong tu đạo mà lầm tin. Xưa, Đức Phật đã từng dạy: “Đừng vội tin vào những gì Ta nói mà hãy dùng Chánh kiến tư duy xem có thuận với đạo lý không, có lợi lạc cho mình và tất cả chúng sanh không. Nếu đúng là vậy, các con hãy theo đó mà hành trì” (Phật ngôn). Ngay cả lời của chính mình, Đức Phật còn dạy ta chớ vội tin thì huống gì lời giảng của một phàm Tăng.
* TÓM LẠI
Ăn chay tuyệt đối không được ăn trứng vì đó là ăn thịt chúng sanh (dù trứng không trống), còn có thể phạm vào nghiệp Sát (nếu trứng có trống).
Từ đó nghiệm minh, ăn chay tuyệt đối không được uống sữa động vật. Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã từng dạy rằng: “Thành Phật phải nhờ uống thứ SỮA PHÁP THANH TỊNH như thế mới chứng được quả. Phải biết đây là một cách nói kín. Nếu hiểu Như-Lai uống các thứ sữa vật chất thế gian thì thật là lầm lắm! Chân như vốn tự là Pháp thân vô lậu bất hoại, lìa hẳn tất cả các cái khổ thế gian, há lại phải nhờ vật chất bất tịnh thế gian để khỏi đói khát!“.
Rộng hơn, những thực phẩm có trứng và sữa động vật, người tu Phật cũng không được dùng.
Tam Tịnh Nhục hay Ngũ Tịnh Nhục là tà kiến hủy hoại mối Đạo Từ Bi nên cần phải được loại bỏ nhằm làm trong sạch Kinh điển. Tu sĩ đã xuất gia tu hành vì đại sự liễu sanh thoát tử và hóa độ chúng sanh cần phải nghiêm trì Giới đức, thân tâm trường chay tuyệt dục, rau tương đạm bạc qua ngày để tấn tu giải thoát, tuyệt đừng tơ tưởng “giả mặn” (món chay giả mặn) mà thêm chướng sa đọa.
Phật tại tâm, Đạo tại tâm hành. Nếu lìa Tánh tu hành, chỉ luống công vô ích.
Quý Phật tử hãy luôn cẩn trọng dùng Chánh kiến tư duy minh định Phật Pháp cho thật tận tường thấu đáo trước khi thọ trì, đừng vội lầm tin vào bất cứ ai. Hãy ghi nhớ!
Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
Cổ Thiên
———————————————-
Tham khảo: