90. Ai đi đường đến đích,
Diệt trừ hết ưu sầu,
Giải thoát mọi ràng buộc,
Tham dục chẳng còn đâu.
Người đã giải thoát hết thảy, đã dứt hết thảy buộc ràng (1), là người đi đường đã đến đích (2), chẳng còn chi lo sợ khổ đau.
91. Ai nỗ lực Chánh niệm,
Không lưu luyến nơi nào,
Như ngỗng trời rời ao,
Từ bỏ mọi chỗ trú.
Kẻ dũng mãnh chánh niệm, tâm không ưa thích tại gia; ví như con ngỗng trời, khi ra khỏi ao, chúng bỏ lại cái ao hồ không chút nhớ tiếc (3).
92. Ai từ bỏ tích lũy,
Quán tưởng khi uống ăn,
Không – Vô tướng – Giải thoát,
Theo hướng đó tu hành,
Như giữa trời chim lượn,
Tìm đâu ra mối manh!
Những vị A La Hán không chất chứa tài sản (4), biết rõ mục đích sự ăn uống (5), tự tại đi trong cảnh giới: “Không, Vô tướng, Giải thoát” (6), như chim bay giữa hư không, khó tìm thấy dấu vết.
93. Ai dứt trừ lậu hoặc,
Ăn uống chẳng tham tranh,
Không – Vô tướng – Giải thoát,
Theo hướng đó tu hành,
Như giữa trời chim lượn,
Tìm đâu ra mối manh!
Những vị A La Hán đã dứt sạch các lậu hoặc (7), không tham đắm uống ăn, tự tại đi trong cảnh giới “Không, Vô tướng, Giải thoát” như chim bay giữa hư không, khó tìm thấy dấu vết.
94. Ai nhiếp hộ các căn,
Như chiến mã thuần thục,
Mạn trừ, lậu hoặc dứt,
Chư Thiên cũng kính phục.
Những vị A La Hán đã tịch tịnh được các căn, như tên kỵ mã đã điều luyện được ngựa lành, nên không còn phiền não ngã mạn, được hàng Nhơn Thiên kính mộ.
95. Như đất không hiềm hận,
Như trụ chấn kiên trì,
Như hồ không vẩn đục,
Luân hồi hết chuyển di.
Những vị A La Hán đã bỏ hết sân hận, tâm như cõi đất bằng, chí thành kiên cố như Nhân-đà-yết-la (8), như ao sâu không bùn, nên chẳng còn bị luân hồi xoay chuyển.
96. Người tâm thường an tịnh,
Ngôn hành đều tịnh an,
Chánh trí, Chơn giải thoát,
An tịnh thế hoàn toàn.
Những vị A La Hán ý nghiệp thường vắng lặng, ngữ nghiệp, hành nghiệp thường vắng lặng, lại có chánh trí giải thoát, nên được an ổn luôn.
97. Không tin tưởng người khác,
Thông đạt lý Vô Sanh,
Cắt đứt mọi hệ lụy,
Triệt tiêu các mối manh,
Tận diệt mọi tham ái,
Bậc Thượng Sĩ tu hành.
Những vị A La Hán chẳng còn phải tin ai (9), đã thấu hiểu đạo vô vi, dứt trừ vĩnh viễn nguyên nhân (10) cùng quả báo ràng buộc (11), lòng tham dục cũng xa lìa. Thật là bậc Vô thượng sĩ.
98. Làng mạc hay núi rừng,
Thung lũng hay đồi cao,
La Hán trú chỗ nào,
Nơi ấy được an lạc.
Dù ở xóm làng, dù ở núi rừng, dù ở đất bằng, dù ở ngõ trũng (12), bất cứ ở chốn nào mà có vị A La Hán thì ở đấy đầy cảnh tượng yên vui.
99. Phàm phu không ưa thích,
An trú giữa núi rừng,
Bậc ly tham vui mừng,
Vì không tìm dục lạc.
Lâm dã là cảnh rất vui đối với vị A La Hán, nhưng người đời chẳng ưa thích; trái lại, dục lạc là cảnh ưa thích đối với người đời, vị A La Hán lại lánh xa.
——————————–
CHÚ THÍCH
A La Hán (Arahant) tức là Bậc Thánh đã dứt hết phiền não, chứng Niết Bàn, không bị sanh tử nữa.
1. Trói buộc (Gantha) có bốn thứ : Tham (Abhijjha), Sân (Vijjapada), Giới cấm thủ (Sibbhataparomasà), Kiến thủ (Idan saccabhinivesa).
2. Con đường hữu vi lậu nghiệp đã đi cùng. Có chỗ gọi là “các lậu đã dứt sạch, việc tu hành đã xong, phạm hạnh đã thành lập”.
3. Con ngỗng mỗi khi ra khỏi ao thì chẳng còn nghĩ tưởng đến mồi, cỏ, nước trong ao là của mình. Vị A La Hán đã xuất gia rồi thì không còn luyến tưởng tới gia tài của cải nữa.
4. Chẳng còn hoạt động theo nghiệp lực.
5. Biết rõ sự ăn uống là cốt để duy trì tánh mạng mà tu hành.
6. Chứng được Niết Bàn gọi là giải thoát (Vimokha); lại gọi là Không (Sinnàta), vì không còn tham, sân, si, phiền não; lại gọi là Vô tướng (Animitta) vì từ nay đã được tự tại không còn đắm trước tưởng tham dục.
7. Lậu có bốn thứ: Dục lậu (Kamasava), Hữu lậu (Bhavasava), Kiến lậu (Ditthasava), Vô minh lậu (Avijjasava).
8. Nhân đà yết la (Indakhila), nhiều bản dịch là môn hạn (chấn cửa) tức là đặt một tảng đá giữa chổ cửa lớn, dùng chấn then cửa để đóng cho chắc. Có một chỗ nói indakhila theo Phạn tự là indra-khila tức là cái trụ của Nhân đà la (Đế thích). Ở tại chỗ tiến vào thành, dựng một cái trụ lớn để tượng trưng chỗ ở của Nhân đà la (thần bảo hộ của dân Ấn Độ). Chính ngày xưa đã dịch là cái tràng kiên cố, là bảy tràng Đế Thích, là đài tọa.
9. Vô tín (Assaddha) hoặc dịch là bất tín, ý nói vị Thánh nhân tự mình chứng biết chứ không phải do ai làm cho giác ngộ.
10. Các nghiệp thiện, nghiệp ác trong vòng hữu lậu thế gian.
11. Sanh tử luân hồi.
12. Nguyên văn chép: Nina là chỗ thấp, Thala là chỗ cao.
——————————–
Lưu ý: Để xem tích truyện liên quan đến từng kệ Pháp Cú, hoan hỷ nhấp vào số thứ tự phía trước.
Xem thêm: Kinh Pháp Cú