* CÂU HỎI
Thưa cho con hỏi muốn xuất gia theo Phật thì phải làm sao ạ?
* PHÚC ĐÁP
Hãy tự xét lại những điều sau trước khi quyết định xuất gia:
1. Lý do vì sao muốn xuất gia. Nếu là vì nhận thấy mọi sự vô thường, nhàm chán sanh tử khổ trầm luân, muốn hướng đến sự giác ngộ giải thoát thì đó là CHÁNH NHÂN rất đáng quý, sẽ gúp giữ được tâm nguyện kiên định dù bất cứ chuyện gì xảy ra sau này trong đời sống tu hành vì tâm ít nhiều đã “giác”. Còn nếu vì nhất thời buồn chán do sự không như ý, do mâu thuẫn trong quan hệ tình cảm, yêu đương… thì không nên. Chỉ nên tập tu tại gia mà thôi.
2. Cần thưa với cha mẹ, gia đình về ý nguyện của mình. Không nên vì đại sự xuất gia mà khiến người thân buồn phiền, chống trái, thậm chí hủy báng Tam Bảo… thì dẫu có đạt được ý nguyện đi nữa nhưng tâm sẽ lo nghĩ, chẳng thể nào an. “Hiếu đạo vi tiên”, nếu chưa thuận duyên, hãy lo tròn “Nhơn đạo”, vuông tròn bổn phận với cha mẹ, anh em… trong gia đình; đồng thời trang bị cho mình kiến thức cơ bản về Phật Pháp, tu tâm dưỡng tánh, niệm Phật, làm lành lánh dữ, ứng dụng Phật Pháp vào cuộc sống ở đời thường, tiếp tục nuôi dưỡng chí nguyện xuất gia cho thêm lớn. Đến khi đủ duyên, tâm dõng mãnh kiên định xuất trần không lay chuyển thì sẽ tùy thuận theo tự nhiên, tâm nguyện. Nên nhớ khi quyết định xuất gia, mọi duyên đời ràng buộc hãy dứt khoát xả ly, kể cả thân quyến thì tu hành mới chuyên nhất được. Ngược lại, thân tuy ở chùa nhưng tâm còn vướng lụy sự đời, gia đình thì đạo nghiệp trì trệ khó tiến, đôi khi tạo nghiệp, lãng phí đời tu.
3. Tu Phật không câu nệ hình tướng. Xuất gia rất tốt, nhưng không bắt buộc mới có thể tu được. Tu Phật chính là tu Tâm. Nếu đã chuẩn bị cho mình sự hành trì Phật Pháp nơi đời sống tại gia làm nền tảng, từ đó phát tâm nguyện muốn xuất gia tu đạo giải thoát hướng thượng thì đó là tốt nhất, sẽ không vì ngoại duyên chướng nghịch mà thối tâm sau này. Nên nhớ, Tu sĩ đa số vẫn là phàm Tăng đang tu, chưa giải thoát nên đời sống Tăng lữ cũng tồn tại nhiều mâu thuẫn… như ở đời thường. Nếu không nhìn rõ điều này sẽ dễ chán nản, thối thất đạo tâm, khi đó tiến thoái lưỡng nan mà khổ phiền khó quyết.
4. Chọn đúng Minh Sư, Thiện-tri-thức để nương nhờ giáo hóa trên đường tu hành cũng là vấn đề vô cùng quan trọng. Thời nay Chánh – Tà lẫn lộn, người tu mượn Đạo tạo Đời để vinh thân phì da, lợi dưỡng không ít nên cần phải hết sức cân nhắc, thận trọng suy xét để chọn đúng bậc Chơn tu làm Thầy mới không lo lầm đường lạc lối, uổng phí đời tu. Rốt ráo hơn, hãy nương tựa Chánh Pháp Như Lai mà tu hành, lấy Giới Luật làm Thầy, trưởng dưỡng Từ Bi Hỷ Xả, thắp đuốc Trí Huệ mà đi trong suốt cuộc đời tu. Dù có hay không có thắng duyên gặp được Bậc Minh Sư thì hãy luôn tự giác – tự độ.
Đó là một số điều gợi ý cần suy nghiệm cho kỹ trước khi quyết định xuất gia. Nếu xét thấy còn nhiều duyên ràng buộc nơi tâm không yên thì hãy sống đời tại gia tu hành cũng rất quý. Tu Phật cốt yếu tại tâm chí thành, hành trì miên mật. Tu Phật chứ không “học Phật”. Làm được vậy tức “tại gia nhi xuất gia”, quý báu vô cùng!
Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
Cổ Thiên
——————————————–
Tham khảo: