tri-hue-vo-su-kinh-phap-bao-dan

KINH PHÁP BẢO ĐÀN

TRÍ HUỆ VÔ SƯ

1. KHAI NGỘ NI VÔ TẬN TẠNG

Sư đắc Pháp ở Huỳnh Mai rồi về làng Tào Hầu tỉnh Thiều Châu, dân chúng chẳng ai biết đến. Lúc ấy có một nhà nho tên Lưu Chí Lược, đối đãi với Sư rất cung kính. Chí Lược có người cô xuất gia làm Ni, pháp danh Vô Tận Tạng, thường tụng Kinh Ðại Niết Bàn. Sư nghe qua một lần liền biết diệu nghĩa của Kinh, nên vì Ni giải thuyết.

Ni cầm Kinh hỏi chữ.

Sư nói: Hỏi nghĩa thì được, hỏi chữ thì chẳng biết.

Ni nói: Chữ còn chưa biết, làm sao hiểu nghĩa?

Sư nói: Diệu lý của chư Phật chẳng dính dáng với văn tự.

Ni ngạc nhiên kính phục, nói khắp các bậc kỳ lão trong làng: đây là người có Đạo, rất nên cúng dường. Lúc ấy có cháu chắt của Võ Hầu đời Ngụy tên Tào Thúc Lương, cùng với dân chúng trong làng tấp nập đến chiêm ngưỡng kính lễ.

2. KHAI NGỘ TĂNG PHÁP ĐẠT

Tăng Pháp Ðạt, người Hồng Châu, 7 tuổi xuất gia, thường tụng Kinh Pháp Hoa, đến lễ Tổ Sư mà đầu chẳng chấm đất.

Sư quở rằng: Ðảnh lễ mà chẳng chấm đất bằng như chẳng lễ, trong tâm người tất có chất chứa một điều gì, ngày thường tu hạnh gì?

Tăng Pháp Ðạt đáp: Niệm Kinh Pháp Hoa đã hết ba ngàn bộ.

Sư nói: Dẫu cho người tụng đến mười ngàn bộ, nếu ngộ được ý Kinh mà chẳng tự cho là thù thắng mới đồng một hạnh với Ta. Nay người tự phụ cho đấy là sự nghiệp mà chẳng biết lỗi, hãy nghe kệ đây:

Lễ bổn chiết mạn tràng,
Ðầu hề bất chí địa?
Hữu ngã tội tức sanh,
Vong công phước vô tỷ.

Dịch nghĩa:

Lễ vốn trừ ngã mạn,
Ðầu sao chẳng chấm đất?
Có ngã tội liền sanh,
Quên công, phước vô tận.

Sư lại hỏi: Người tên gì?

Tăng Pháp Ðạt đáp: Tên là Pháp Ðạt.

Sư nói: Người tên Pháp Ðạt, đâu từng đạt Pháp. Lại nói kệ rằng:

Nhữ kim danh Pháp Ðạt,
Cần tụng vị hưu hiết,
Không tụng đản tuần thanh,
Minh tâm hiệu Bồ Tát.
Nhữ kim hữu duyên cố,
Ngô kim vi nhữ thuyết.
Ðản tính Phật vô ngôn,
Liên hoa tùng khẩu phát.

Dịch nghĩa:

Ngươi tên gọi Pháp Ðạt,
Siêng tụng chưa từng dứt,
Tụng suông chỉ theo tiếng,
Minh tâm gọi Bồ Tát.
Ngươi nay có nhân duyên,
Ta vì ngươi mà thuyết.
Hễ tin Phật vô ngôn.
(Chớ nên chấp ở ngôn ngữ.
Vô ngôn: Phật thuyết Pháp 49 năm mà tự nói chẳng thuyết một chữ)
Lời Phật từ miệng phát.
(Chớ nên chấp vào im lặng)

Tăng Pháp Ðạt nghe kệ xong bèn tạ lỗi rằng: từ nay trở đi sẽ khiêm tốn cung kính tất cả. Ðệ tử tụng Kinh Pháp Hoa mà chưa hiểu nghĩa Kinh, tâm thường có nghi, Hoà Thượng trí huệ mênh mông, xin nói sơ lược nghĩa lý của Kinh.

Sư nói: Pháp Ðạt! Pháp vốn thông đạt, chỉ tại tâm người chẳng đạt. Kinh vốn chẳng nghi, tâm người tự nghi. Người niệm Kinh này lấy gì làm tông chỉ?

Tăng Pháp Ðạt nói: Ðệ tử căn tánh ngu độn, xưa nay chỉ biết y văn niệm tụng, chẳng biết tông chỉ.

Sư nói: Ta chẳng biết chữ, người lấy Kinh tụng thử một bộ, Ta sẽ giải thuyết cho.

Pháp Ðạt liền lên tiếng tụng Kinh, đến Phẩm Thí Dụ, Sư nói: Hãy ngừng, Kinh này vốn lấy Nhân Duyên Xuất Thế làm tông chỉ, dù nói nhiều thí dụ cũng chẳng ngoài việc này. Thế nào là nhân duyên? Kinh nói: Chư Phật Thế Tôn vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trên đời. Một đại sự tức là TRI KIẾN PHẬT vậy. Người đời ngoài mê chấp tướng, trong mê chấp không, nếu được ở nơi tướng mà lìa tướng, nơi không mà lìa không, tức là trong ngoài chẳng mê. Nếu ngộ pháp này, ngay trong một niệm tâm liền sáng tỏ, ấy là khai ngộ TRI KIẾN PHẬT vậy. Phật tức là GIÁC, chia làm bốn cửa: Khai GIÁC TRI KIẾN, Thị GIÁC TRI KIẾN, Ngộ GIÁC TRI KIẾN, Nhập GIÁC TRI KIẾN. Nếu nghe khai thị liền được ngộ nhập tức là GIÁC TRI KIẾN, do đó Bổn lai Chơn tánh liền được hiển hiện. Người nên cẩn thận, chớ hiểu lầm ý Kinh, nghe nói khai thị ngộ nhập bèn cho là tri kiến của Phật (tha Phật), chẳng có phần mình; nếu hiểu như thế là phỉ báng Kinh Phật vậy. Ðã nói là Phật thì TRI KIẾN PHẬT đã sẵn đầy đủ, đâu cần phải khai thị nữa! Người phải tin rằng, nói Tri Kiến Phật là ở nơi tự tâm của chúng sanh, chẳng phải Phật bên ngoài. Bởi vì tất cả chúng sanh tự che khuất ánh sáng của Tự Tánh, tham ái cảnh trần, phan duyên bên ngoài, nhiễu loạn bên trong, cam chịu trần lao hành hạ, làm nhọc Ðức Thế Tôn từ Chánh định ra, khổ tâm khuyên dạy bằng đủ mọi cách, khiến ngừng nghỉ các duyên, chớ nên hướng ngoại tìm cầu, tức chẳng khác với Phật, nên nói là khai Tri Kiến Phật. Ta cũng khuyên tất cả mọi người nên thường khai Tri Kiến Phật nơi tự tâm. Người đời tâm tà, ngu mê tạo tội, miệng lành tâm ác, tham sân ganh tỵ, gièm siểm, nịnh bợ, ngã mạn, hiếp người, hại vật, tự khai tri kiến chúng sanh. Nếu được trong tâm ngay thẳng, thường sanh trí huệ chiếu soi tự tâm, dứt ác làm lành, tức là tự khai Tri Kiến Phật vậy. Người nên niệm niệm khai tri kiến Phật, chớ khai tri kiến chúng sanh. Khai Tri Kiến Phật tức là xuất thế, khai tri kiến chúng sanh tức là thế gian. Nếu người chỉ luôn luôn lấy công phu tụng niệm làm thời khoá, chẳng khác nào con mao ngưu tiếc đuôi! (con mao ngưu có đuôi rất đẹp, gặp thợ săn chỉ giấu đuôi mà không giấu đầu)

Tăng Pháp Ðạt nói: Nếu như vậy tức là chỉ cần hiểu nghĩa, chẳng cần tụng Kinh sao?

Sư nói: Kinh có lỗi gì, đâu làm chướng niệm của người! Chỉ vì mê ngộ tại người, tổn ích do mình mà thôi. Miệng niệm tâm hành tức là chuyển được Kinh, miệng niệm tâm chẳng hành tức bị Kinh chuyển. Hãy nghe kệ đây:

Tâm mê Pháp Hoa chuyển,
Tâm ngộ chuyển Pháp Hoa.
Tụng Kinh cữu bất minh,
Dữ nghĩa tác thù gia.
Vô niệm niệm tức chánh,
Hữu niệm niệm thành tà.
Hữu vô câu bất kế,
Trường ngự bạch ngưu xa.

Dịch nghĩa:

Tâm mê Pháp Hoa chuyển,
Tâm ngộ chuyển Pháp Hoa.
Tụng lâu chẳng hiểu thấu,
Nghịch ý nghĩa trong Kinh.
Vô niệm (không chấp thật) niệm tức Chánh,
Hữu niệm (có chấp thật) niệm thành Tà.
Hữu vô đều chẳng chấp,
Tự Tánh luôn luôn hiện.

Tăng Pháp Ðạt nghe xong thoạt chảy nước mắt, ngay nơi đó khai ngộ, nói với Sư: Pháp Ðạt xưa nay thật chưa từng chuyển Pháp Hoa, lại bị Pháp Hoa chuyển. Lại hỏi: Kinh nói: Chư Ðại Thanh Văn cho đến Bồ Tát, tất cả tận tâm suy lường đều chẳng thể đo lường được trí Phật. Nay khiến phàm phu chỉ ngộ được Tự Tâm thì gọi là Tri Kiến Phật, tự mình đã chẳng phải là bậc thượng căn, nên chẳng khỏi nghi ngờ. Kinh lại nói ba loại xe: xe nai, xe dê và xe trâu, có gì khác biệt? Xin Hoà Thượng chỉ dạy thêm.

Sư nói: Ý Kinh rõ ràng minh bạch, người tự mê trái. Người tam thừa (tiểu, trung, đại thừa) chẳng thể suy lường được trí Phật, lỗi tại suy lường vậy. Dẫu cho người tận sức suy lường, chỉ là càng thêm xa xôi mà thôi. Phật thuyết pháp vốn vì phàm phu mà thuyết, chẳng vì Phật thuyết. Lý này nếu chẳng chịu tin thì cũng như năm ngàn người từ trên hội Pháp Hoa lui ra, mà chẳng biết đã ngồi sẵn trên xe trâu (Phật Tánh vốn sẵn có) mà lại tìm kiếm ba xe (tam thừa) bên ngoài. Huống trong Kinh rõ ràng chỉ ra cho người: chỉ duy nhất một Phật thừa, chẳng còn thừa nào khác. Nói có hai thừa, ba thừa, cho đến vô số phương tiện, mọi thứ nhân duyên, lời nói thí dụ, Pháp ấy đều vì nhất Phật thừa mà tạm lập. Người sao chẳng tỉnh ngộ, nói ba xe là giả thiết vì đời xưa mà nói, nhất thừa là thật vì đời nay mà nói; chỉ bảo người bỏ giả trở về thật, trở về thật rồi thì thật cũng chẳng chấp. Phải biết tất cả châu báu tài vật đều thuộc về người, do người thọ dụng, chẳng phải là của cha, cũng chẳng phải là của con, cũng chẳng khởi dụng tưởng, ấy gọi là trì Kinh Pháp Hoa. Trì Kinh như thế từ kiếp này sang kiếp khác tay chẳng rời Kinh, từ sáng đến tối, chẳng dứt tụng niệm vậy.

Pháp Ðạt được Sư khai thị, mừng rỡ vô cùng, làm kệ tán thán rằng:

Kinh tụng tam thiên bộ,
Tào Khê nhất cú vong.
Vị minh xuất thế chỉ,
Ninh hiết lụy sanh cuồng.
Dương lộc ngưu quyền thiết,
Sơ trung hậu thiện dương.
Thùy tri hoả trạch nội,
Nguyên thị pháp trung vương.

Dịch nghĩa:

Tụng Kinh ba ngàn bộ,
Bị Tổ một lời tiêu.
Chưa thấu Đạo xuất thế,
Sao dứt lụy kiếp mê.
Dê, nai, trâu giả thiết (= tiểu, trung, đại thừa)
Ba đoạn thiện quét sạch.
Ai ngờ trong nhà lửa,
Vốn là Tự Tánh Phật.

Sư nói: Người sau này mới được gọi là ông Tăng tụng Kinh vậy.

Pháp Ðạt từ đó lãnh hội huyền chỉ, cũng chẳng dứt tụng Kinh.

(trích Phẩm Cơ Duyên – Kinh Pháp Bảo Đàn
Lục Tổ Huệ Năng)

 

———————————————— 

LỜI BÀN

 

Phật dạy : Văn – Tư – Tu. Người dẫu qua nhiều đời nhiều kiếp tụng niệm Tam Tạng Kinh Điển đi nữa (Văn) mà không liễu ngộ ý Kinh (Tư) để tu trì (Tu) thì sinh tử mãi trầm luân, chẳng ích lợi gì. Thế nên người tu Phật hãy TRÌ KINH chứ đừng TỤNG KINH.

Tam Tạng Kinh Điển mênh mông vi diệu, lấy gì để “LIỄU” trong khi trí thức phàm phu ngu muội chỉ có thể “HIỂU” được chút phần nếu đó là người có căn duyên với Phật Pháp? Pháp Phật chẳng phải để “học”, để “hiểu” (bệnh HỌC PHẬT) mà là để “hành” (TU PHẬT), tự tu – tự độ – tự chuyển mê khai ngộ!

Vậy hành trì thế nào để “LIỄU NGỘ” Phật Pháp, Chơn Tâm? Đó là trưởng dưỡng TỪ – BI – HỶ – XẢ, đoạn THAM – SÂN – SI, nghiêm trì GIỚI – ĐỊNH – HUỆ (đã giảng nhiều trong các bài viết trước). Cho nên Tổ dạy: “Diệu lý Chư Phật chẳng dính dáng đến văn tự”, chẳng thể dùng trí thức phàm phu (kiến, văn, giác, tri) học hiểu suy lường mà phải công phu GIỚI – ĐỊNH – HUỆ (TRÍ HUỆ VÔ SƯ) để lãnh hội, tự liễu tự ngộ. Thế nên, từ “HIỂU” đến “LIỄU”, ngộ thì trong sát na, mê thì hằng hà sa kiếp cũng chẳng được…

Hãy tinh tấn niệm Phật, tham thiền, đừng buông lung phóng dật theo ngoại duyên, nội chướng! Công phu đến VÔ NIỆM liền ngộ nhập Phật Tri Kiến (Trí Huệ Vô Sư), thông suốt vạn Pháp nguồn Tâm. Đường tu Phật xưa nay chỉ một lối, mê chấp phân bua làm gì căn cơ thấp – cao, trí sâu – cạn, ngã mạn hơn – thua… khiến lao tâm tổn Đức (?). Pháp tức Vô Pháp, há còn diễn bày (?). Người trí cứ thế TÂM HÀNH quên cả tháng ngày, Phật Đạo thênh thang, lo gì không “tới”. Bằng ngược lại, chỉ là kẻ giãi đãi khua môi bên lề Phật Đạo.

Hãy noi gương Lục Tổ Huệ Năng mà TU PHẬT! Ngài dạy: “Ta chẳng biết chữ, người lấy Kinh tụng thử một bộ, Ta sẽ giải thuyết cho”, hay “Diệu lý Chư Phật chẳng dính dáng đến văn tự” – đó chính là Thiền cơ, là Diệu Pháp trao truyền cho hậu học để đốn bỏ cái CHƯỚNG HỌC PHẬT, MÊ CHẤP KINH VĂN vốn là thông bệnh mà đa phần người tu thời nay thường dính mắc. Thật vậy! Họ tu hành mà phóng tâm lăng xăng trong mê sự, chạy vạy theo bằng cấp Phật học thế gian, hám danh trọng sắc, thủ lợi vinh thân, hý luận ba hoa, đắm mê bồi ngã…, đi ngược lại với đường lối tu hành GIỚI – ĐỊNH – HUỆ mà chư Phật và chư Tổ đã từng giáo hóa, khai thị. Nếu niệm niệm thường khai tri kiến chúng sanh thì biết đến bao giờ mới ngộ nhập Tri Kiến Phật, sanh tử mãi trầm mê!

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

—————————————–

Tham khảo thêm: