phuong-tien-vai-nguyen

A. Tụng kinh A-Di-Đà (hoặc toàn bộ Tam-Bảo kinh) cầu vãng sanh an lạc cho phần mình thì vừa khi niệm hương xong, vái nguyện:

– Nam-mô A-Di-Đà Phật tác đại chứng minh:
– Nay, ngày… tháng…năm…
– Tên họ…, pháp danh…, niên canh…, cư ngụ…
– Xin đem công đức phúng tụng “Phật thuyết A-Di-Đà kinh” (hoặc Tam-Bảo kinh) chú nguyện cho đệ tử: hiện tiền phước huệ song tu, kỳ lâm chung thời, chánh niệm phân minh, đắc A-Di-Đà Phật thọ ký.

B. Tụng kinh A-Di-Đà (hoặc toàn bộ Tam-Bảo kinh) cầu vãng sanh cho vong giả thì vái nguyện:

– Nam-mô A-Di-Đà Phật tác đại chứng minh:
– Nay, ngày… tháng…năm…
– Tên họ…, pháp danh…, niên canh…, cư ngụ…
– Xin đem công đức phúng tụng “Phật thuyết A-Di-Đà kinh” (hoặc Tam-Bảo kinh) hồi hướng cho vong giả:
– Tên họ…, pháp danh…, ngươn sanh…, hưởng thọ… (được mấy tuổi thì chết), cư ngụ (chỗ ở của vong giả trong lúc còn sống), tử … giờ, ngày…tháng…năm…
– Ngưỡng nhờ Đức Phật từ bi cứu độ: nhứt tâm quy Phật, vạn tội băng tiêu, tăng trưởng thiện căn, siêu sanh Cực-Lạc.

C. Khi tụng Kinh Phổ-Môn cầu an cho phần mình thì vái nguyện:

– Nam-mô Ðại-Bi Quán-Thế-Âm Bồ-Tát Ma-ha-tát tác đại chứng minh:
– Nay, ngày… tháng…năm…
– Tên họ…, pháp danh…, niên canh…, cư ngụ…
– Xin đem công đức phúng tụng “Diệu-Pháp Liên-Hoa kinh, Phổ-Môn phẩm” chú nguyện cho đệ tử: chư tai tiêu diệt, tật bệnh tiêu trừ, đạo thể bình an, phước thọ viên mãn.

D. Khi tụng Kinh Phổ-Môn cầu an cho người khác thì vái nguyện:

– Nam-mô Ðại-Bi Quán-Thế-Âm Bồ-Tát Ma-ha-tát tác đại chứng minh:
– Nay, ngày… tháng…năm…
– Tên họ…, pháp danh…, niên canh…, cư ngụ…
– Xin đem công đức phúng tụng “Diệu-Pháp Liên-Hoa kinh, Phổ-Môn phẩm” hồi hướng cho:
– Tên họ…, pháp danh…, niên canh…, cư ngụ…
– Ngưỡng nhờ oai lực vô úy cứu độ: thân tâm an khinh, vĩnh vô phiền não chi xâm, tứ tự điều hòa, thường hữu thanh ninh chi phước.

Ngoài ra, trong các trường hợp vái nguyện cho sự thành tựu các sở cầu khác thì Phật tử cứ tùy nhi phát ngôn theo ý muốn, nhưng cần hiểu biết sáng suốt: sở cầu của người tu hành luôn luôn phải chơn chánh.

E. Cách thức vái nguyện khi hành lễ sám hối.

Người đời trải qua lịch kiếp tạo tác vọng nghiệp ác phiền não chồng chất nặng nề, nên một khi phát nguyện tu hành, cần cầu giải thoát biển khổ sông mê thì bất luận giờ phút nào cũng phải chánh tâm sám hối.

Sám hối: sám giả sám kỳ tiền khiên, hối giả hối kỳ hậu quá.

Sám hối có nghĩa là ăn năn các tội lỗi về trước và chừa cải các tội lỗi về sau.

Thể theo phép Tứ-chánh-cần, Phật tử phải giữ bốn điều sau:

1. Điều ác chưa sanh, tinh tấn ngăn ngừa đừng cho sanh.
2. Điều ác đã sanh, tinh tấn đoạn trừ cho dứt tuyệt.
3. Điều lành chưa sanh, tinh tấn vun trồng khiến cho sanh.
4. Điều lành đã sanh, tinh tấn mở rộng cho phát triển.

Nếu mỗi đêm có xét mình và hành lễ sám hối thì công đức bất khả tư nghị, nhờ đó tam chướng phiền não, nhân nghiệp và quả báo có thể diệt vong. Nhược bằng không được như vậy thì trong mỗi tháng có hai ngày 14 và 30 (tháng thiếu tính ngày 29), hành lễ sám hối.

Nhà Phật có nhiều pháp sám hối, đại lược như: thuộc về Lý có pháp Vô sanh sám hối, thuộc về Sự có pháp Thủ tướng sám hối, Tác pháp sám hối… Tựu trung có pháp phổ thông là trì tụng Phật-Danh Bảo-Sám để cầu sám hối 3 nghiệp thân-khẩu-ý khắp trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai.

Tụng Phật-Danh Bảo-Sám phải lễ đủ 108 lạy. Nên hiểu rằng: người chơn tu thường xét mình là phàm phu tục tử, tội chướng sâu dày, nên khi sám hối dẫu hành thân mình mệt nhọc cách mấy cũng chưa đền tội xứng đáng, huống chi lễ có 108 lạy (nhà Phật còn có pháp sám hối lễ Tam-thiên Phật).

Đối Phật tiền, lễ 108 lạy như thế có ý nghĩa là tỏ lòng ăn năn, chừa cải tội lỗi và cầu oai đức chư Phật tiêu trừ 108 món phiền não.

Tuy nhiên, sự lạy Phật cũng tùy theo sức khỏe của hành-giả. Trong trường hợp đau yếu, thay vì lạy, Phật tử có thể xá cũng được, miễn giữ nhứt tâm chí thành sám hối.

Sám hối cốt yếu ở Tâm chơn-thật cải-thiện, vì tội do Tâm sanh, dĩ nhiên phải do Tâm diệt.

Cách vái nguyện khi hành lễ:

Niệm hương xong, tịnh tâm vái nguyện:

– Nam-mô Thập-phương Thường-trụ Tam-thế Tam-Bảo tác đại chứng minh:
– Nay, ngày… tháng…năm…
– Tên họ…, pháp danh…, niên canh…, cư ngụ…
– Đối trước Phật đài, đệ tử xin nguyện một lòng thành tâm sám hối các tội lỗi do tam độc tham, sân, si, cũng bởi ba nghiệp thân, khẩu, ý tạo tác, hoặc tự mình làm, hoặc dạy người làm, hoặc thấy người làm mà sanh lòng vui mừng.
– Xin đem công đức hành lễ sám hối này, ngưỡng nhờ oai đức Tam-Bảo từ bi cứu độ đệ tử: viễn ly phiền não, kiên cố đạo tâm, tinh tấn tu hành, viên thành Chánh Giác.

(trích Tu Phật Nghi Thức Yếu Lược
Thiền sư Thích Từ Quang)
 
Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!
 
Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
 
Cổ Thiên
 
——————————————–
 
Tham khảo: