khuyen-cung-chay
Nếu có thiết lễ cúng kiến, khuyên đừng cúng mặn vì sát hại sanh vật tức tạo nghiệp sát, trái nghịch với tôn chỉ Từ Bi của nhà Phật.

Chư Phật từ bi vô lượng, hạnh nguyện vô biên, muôn đức tối thắng viên mãn tột cùng.

Tâm Từ – Bi – Hỷ – Xả Vô Lượng tức tâm Phật. Chơn tâm tức Phật. Tu Phật tức tu Tâm, trưởng dưỡng chủng tử Từ – Bi – Hỷ – Xả (chủng tử Phật) nơi bổn tâm mình.

Xưa, Thái tử Tất Đạt Đa vì lòng Từ Bi Vô Lượng thương xót muôn loài trôi lăn mê mải trong luân hồi thống khổ nên Ngài hỷ xả tất cả, sanh tử chẳng màng tầm đường giác ngộ giải thoát chúng sanh. Cuối cùng, Ngài khai sáng Phật đạo tại thế gian, phổ hóa Vô Lượng Từ Quang và Vô Lượng Đạo Quang độ tận thiên hình vạn trạng chúng sanh trong khắp cõi Vô Minh. Chánh Pháp của Ngài: Tứ Diệu Đế, Lý Duyên Khởi, Nhân quả – Nghiệp báo tuần hoàn, Tứ Vô Lượng Tâm, Lục Độ Ba-la-mật, Bát Chánh Đạo… đã dìu dắt vô số chúng sanh khắp cõi 10 phương kiến ngộ Tánh Giác, liễu thoát tử sanh, tấn tiến viên mãn trọn thành Phật đạo.

Nếu không vì lòng Từ Bi Vô Lượng đối với thống khổ của muôn vạn chúng sanh, Ngài sẽ không hỷ xả tất cả, chẳng màng sanh tử tầm đường giác thoát, thế gian sẽ mãi mãi đắm chìm trong khổ não vô minh, trầm mê si ám. Nếu không vì lòng Từ Bi Vô Lượng thương xót chúng sanh thì 10 phương Chư Phật sẽ chẳng thị hiện trên đời, truyền thừa hóa độ tất cả ngộ nhập Phật tri kiến. Đó chính là hạnh nguyện Từ Bi Vô Lượng Vô Biên của 10 phương Chư Phật. Muôn đức vạn hạnh xuất thế – thù thắng – tối thắng do tâm Từ Bi sanh (tự giác); chúng sanh được giác ngộ – giải thoát khỏi thống khổ luân hồi, từ đó tấn tu viên mãn trọn thành Phật đạo cũng do tâm Từ Bi độ (giác tha). Do đó, Từ – Bi – Hỷ – Xả là cội nguồn của Phật Pháp, là mẹ của 10 phương 3 đời Chư Phật, là Chủng tử Phật của muôn vạn chúng sanh (nếu chí thành quy Phật phát Bồ-Đề tâm nguyện tu hành trang nghiêm theo gót Từ của Chư Phật) nên tu Phật chính là tu bồi, trưởng dưỡng gốc Từ – Bi – Hỷ – Xả ngày thêm lớn mãi.

Trong các phong tục, lễ nghi ở thế gian như cúng gia tiên, cúng giao thừa, cúng rằm, cúng cô hồn, cúng đất đai nhơn trạch…, người thế gian thường hay cúng mặn bằng sanh mạng của động vật (gà, vịt, lợn, trâu, bò…) dù trực tiếp giết hại hay gián tiếp mua về. Do chưa biết Phật Pháp, chưa rõ nhân quả nghiệp báo nặng nề tương ưng nên họ hành xử theo tập khí thường tình, theo truyền thống gia đình, theo sự chỉ dẫn của thầy bà, hay đơn giản theo lối mòn định kiến “vật dưỡng nhân, xưa sao nay vậy”. Họ không biết rằng giết sanh mạng tức phạm vào nghiệp sát, phải lãnh chịu oán báo trong mai hậu; dâng cúng sanh mạng rượu thịt bất tịnh lên gia tiên tức gia tiên đồng cộng nghiệp thêm trược đọa mà thôi chứ nào hưởng ích lợi chi; còn những người khuất mặt và Ngạ quỷ vất vưởng khắp nơi sẽ tự kéo nhau tụ lại để hưởng rượu thịt do gia chủ dâng cúng, dần thường thành lệ sinh quen nên nếu gia chủ tới kỳ quên sót hay mâm lễ không thịnh soạn sẽ liền bị khảo quấy phá khiến gia đạo bất an bởi “âm thịnh dương suy” lẽ thường tự xưa nay…

Người tu Phật, như đã nói ở trên, cần trưởng dưỡng tâm Từ – Bi – Hỷ – Xả, đoạn tham – sân – si, tịnh thân – khẩu – ý, năng làm việc lành, dứt mọi việc dữ, y theo Bát Chánh Đạo và Lục Độ mà sống và tu hành. Đức Phật dạy chúng sanh nhẫn lực tinh tấn tu hành trang nghiêm, hướng đến giác ngộ, giải thoát khỏi luân hồi thống khổ; tuyệt không dạy chúng sanh truy cầu an hưởng phước báo Nhơn – Thiên (hữu vi), càng không dạy cúng kiến, vọng cầu… chướng trái, mê Sự bỏ Tánh. Do đó, người Phật tử nếu có hữu sự mà thiết lễ cúng kiến thì hãy lưu ý:

  1. Trong lễ giỗ gia tiên: tuyệt đối không cúng rượu thịt bất tịnh, không phạm sát nghiệp hay chè chén mê say mà loạn Tâm tổn Đức, lại vô tình khiến cho gia tiên phải thọ cộng nghiệp sát thì mang tội BẤT HIẾU không nên. Hãy nghiêm trì Ngũ giới, dâng hương – hoa – quả hay thực phẩm chay thanh đạm, lễ nghi giản đơn không rườm rà câu nệ mà tỏ tâm thành hồi hướng phước đức (hành Thiện sự) và công đức (hành Thiền) cho tất cả chúng sanh chung, trong đó có Tổ tiên gia đạo được hồi tâm sám hối quy Phật tu hành thì quý báu vô cùng.
  1. Khi dọn về nhà mới để sinh sống, định cư lâu dài thì bên cạnh việc thành tâm thiết lễ cúng dường an vị Phật lẽ tất nhiên, gia chủ cần nên bày mâm CHAY gồm hương – hoa – quả lễ cúng Thổ thần, đất đai nhơn trạch trước là để những người khuất mặt vất vưởng xung quanh thọ chay thực, sau gieo duyên lành thành tâm niệm Phật hồi hướng cho họ sớm tỉnh tâm sám hối, quy y Phật-đà. Ngoại trừ duy nhất trường hợp trên, gia chủ không nên thiết lễ cúng vong tại tư gia hay cúng đất đai nhơn trạch, dù là cúng chay đi nữa, mà chuốc lấy phiền lụy. Vì sao? Nếu hành giả là người có giới đức trang nghiêm, Đạo hạnh sâu dày (thiền định) thì việc cúng vong được xem như khai phương tiện hầu gieo duyên Phật Pháp cho chúng sanh hướng Phật tu hành, “độ tử” lợi lạc rõ ràng thì ngược lại, không có Đạo tâm trang nghiêm, không có công phu thiền định sâu dày, ngã tướng dục hành chưa dứt, chỉ e sẽ khiến cho “âm thịnh dương suy”, gia đạo bất an vì những lý do như đã nói ở trên. Rộng hơn, điều này cũng lý giải vì sao những Bậc chơn tu có đạo hạnh xưa nay thường trụ và tọa thiền nơi bãi tha ma, nghĩa địa, những vùng miền có nhiều trược khí oan khiên… chính là để giáo hóa khai tâm độ tử vậy.
  1. Những ngày rằm, ngày vía Chư Phật hay bất cứ khi nào tâm thành tưởng nhớ muốn thiết lễ cúng dường Chư Phật thì tuyệt chỉ dùng hoa – quả (tự nhiên) mà thôi, tuyệt không dùng xôi, chè hay bánh… Điều quan trọng nhất là Phật tử phải nghiêm trì Giới đức, tu hành chơn chánh cúng dường 10 phương Chư Phật. Đó mới thực sự là chơn cúng dường thanh tịnh.
  1. Ngoài ra, không đốt vàng mã, thanh y ngũ sắc… khi cúng kiến mà rơi vào tà kiến mê tín, nghịch lý, trái Đạo.

* TÓM LẠI

Người Phật tử tại gia cần phải nghiêm trì Ngũ giới, y theo Chánh Pháp Như Lai tinh tấn tu hành mà tròn hiếu đạo với gia tiên, ông bà, cha mẹ.

dot-vang-ma
Hãy bỏ tục lệ đốt vàng mã

Hãy bỏ tục lệ đốt đồ mã! Nếu có thiết lễ cúng kiến, khuyên đừng cúng mặn vì sát hại sanh vật tức tạo nghiệp sát, trái nghịch với tôn chỉ Từ Bi của nhà Phật. Từ – tức năng độ tất cả chúng sanh vĩnh viễn an trú vào Phật Pháp chơn chánh tu hành. Bi – tức năng độ tất cả chúng sanh thoát mọi thống khổ vô minh, nghiệp chướng, luân hồi. Vậy xin đừng làm khổ sát hại sanh linh, nhất là trong khi cầu kiết cúng kiến. Tốt nhất là dùng hương – hoa – quả mà dâng cúng trong các lễ nghi ở thế gian, vừa thanh đạm giản đơn lại chan hòa Pháp lạc. Làm được vậy chính là thuận hiệp với tâm hạnh Từ Bi, cho bớt tiếng thống thiết kêu la của muôn loài khi bị sát hại, cho nghiệp sát oán báo vay trả – trả vay ngày càng giảm trừ để tất cả đồng trau tâm tích đức, an trú trong Diệu Pháp Như Lai mà rộng thẳng đường giác thoát trong mai hậu.

Xưa kia cúng mặn lỗi lầm thay,
Nay giác ngộ rồi đổi cúng chay,
Dưa muối tương rau tuy đạm bạc,
Cơm canh bánh trái thảo lòng ngay.

Trước gìn mạng sống muôn loài vật,
Sau giữ lòng nhơn nghiệp khỏi vay,
Tánh khởi Từ Bi chơn Phật hiện,
Tâm hành từ thiện kiến Như Lai.

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

—————————–

Xem thêm: