KINH PHÁP CÚ
10. PHẨM HÌNH PHẠT
Pháp Cú 133
Chớ buông lời cay nghiệt,
Nhiếc người, người nhiếc ta,
Khổ thay lời hiềm hận,
Xung đột mãi lại qua.
—————————————–
Pháp Cú 134
Nếu tự mình im lặng,
Như chuông nứt nhiều đàng,
Người ấy chứng Niết bàn,
Hận thù không còn nữa.
Vì Trưởng lão Kundadhàna mà Thế Tôn dạy câu trên khi ngụ tại Kỳ Viên.
Từ khi Kundadhàna trở thành Tỳ-kheo, bất cứ Ngài đi đâu cũng có một phụ nữ đi theo. Trưởng lão không thấy, nhưng mọi người khác đều thấy. Vào làng khất thực, dân chúng cũng dâng Ngài một phần trước, và sau đó phần thứ hai cho cô kia.
Chuyện quá khứ
4A. Thiên Nữ Hiện Hình Phụ Nữ
Thời Phật Ca-diếp, có hai Tỳ-kheo bạn rất thân nhau như hai anh em ruột. Thời Phật Dìghàyu, năm này qua tháng nọ, các Tỳ-kheo đều gặp nhau vào ngày Bố- tát. Hai Tỳ-kheo ấy đều đến giảng đường Bố-tát một lượt.
Một thiên nữ ở cõi trời Ba mươi ba thấy vậy bỗng có ý định tách họ ra. Ý tưởng điên rồ vừa sinh trong lòng thì một vị tách ra đi vệ sinh. Thiên nữ liền hóa thành một phụ nữ đi vào bụi cây với vị đó, rồi cùng đi ra, một tay vuốt lại búi tóc, tay kia sửa y phục. Chính vị đó thì không thấy, nhưng vị đứng chờ thì thấy. Khi đã biết thế, cô liền biến mất. Vì thế Tỳ-kheo bạn vừa đứng vào chỗ mình thì vị đang đứng nghiêm sắc mặt bảo:
– Này huynh, huynh đã phạm giới dâm.
– Trời, tôi đâu có làm việc đó!
– Không à? Thế cô nào đi sau huynh đó, vừa đi vừa sửa quần áo.
Trưởng lão như bị sét đánh, Ngài lắp bắp:
– Này huynh, chớ hại tôi, tôi không hề làm như thế!
– Ðiều gì tôi thấy, tôi thấy bằng chính mắt tôi. Ðừng mong tôi tin huynh!
Rồi ông bẻ đầu gậy đi chỗ khác. Trong giảng đường Bố-tát, ông không chịu Bố-tát chung với bạn mình. Thiên nữ thấy thế, biết mình đã phạm lỗi lầm nghiêm trọng, cô liền thú thật:
– Tôn giả! Vị Trưởng lão thật sự không phạm giới. Tôi làm như thế chỉ cốt thử ông ta. Xin hãy bố-tát chung với ông ta như thường lệ.
Thấy thiên nữ đứng trên hư không nói như thế, Tỳ-kheo này tin theo, chịu bố-tát chung, nhưng không còn thân thiện với bạn cũ nữa.
Mạng chung, hai Trưởng lão tái sanh theo thiện nghiệp của họ.Còn thiên nữ bị đọa vào địa ngục A-tỳ, chịu hình phạt suốt thời kỳ giữa hai đức Phật. Thời Phật hiện tại, cô sanh làm đàn ông, xuất gia thành Tỳ-kheo, và làm tròn bổn phận của mình. Từ ngày đi tu, luôn luôn có một nữ nhân đi theo, do đó có tên là Kundadhàna.
(Hết Chuyện Quá Khứ)
Các Tỳ-kheo thấy thế bảo Trưởng giả Cấp Cô Ðộc đuổi vị ấy ra khỏi tinh xá để khỏi mang tiếng. Nhưng Trưởng giả bảo để Phật giải quyết. Các Tỳ-kheo bảo bà Tỳ-xá-khư y như thế, và bà cũng trả lời y như Trưởng giả. Họ không hài lòng hai cư sĩ này, nên kể cho vua nghe và yêu cầu vua đuổi vị ấy ra khỏi vương quốc. Vua bằng lòng, và đến tinh xá, đứng ngay lối vào phòng Trưởng lão. Trưởng lão nghe ồn, bước ra, vua thấy bóng một phụ nữ đứng sau. Khi Trưởng lão vào phòng ngồi xuống, vua không đảnh lễ vị ấy, nhưng cũng không thấy cô đó nữa. Vua nhìn phía trong cửa, dưới giường phòng, thì cô lại hiện ra phía sau. Vua kết luận đó là một bóng ma, và thưa với Trưởng lão:
– Tôn giả, có hình bóng bất tịnh theo sau, sẽ không có ai cúng cho Ngài. Xin thỉnh Ngài đến hoàng cung, tôi sẽ cung cấp tứ sự.
Các Tỳ-kheo bất mãn, bảo vua là tệ ác, còn Trưởng lão là đồi bại, và bây giờ lại thành con hoang của vua. Trưởng lão, trước giờ không hề đối đáp, bây giờ trả đũa, bảo các Tỳ-kheo là đồi bại, là con hoang của vua, là giao thiệp với phụ nữ. Các Tỳ-kheo bèn đi thưa Thế Tôn. Phật gọi lại hỏi và dạy:
– Các Tỳ-kheo thấy một nữ nhân theo sau ông, và họ nói những gì mà họ thấy. Nhưng còn ông, tại sao ông nói những gì ông không thấy? Chắc chắn vì tà kiến trong một tiền kiếp mà sự kiện này xảy đến với ông, bây giờ tại sao ông lại có thái độ sai lầm nữa?
Các Tỳ-kheo lại hỏi Trưởng lão đó đã làm gì trong tiền kiếp, Phật thuật lại các nghiệp của ông và kết luận:
– Tỳ-kheo chính vì ác nghiệp mà ông phải rơi vào cảnh ngộ đáng buồn này, ông không nên có thái độ sai lầm nữa. Ðừng trả treo với các Tỳ-kheo. Ðừng nói một lời nào, như chuông đồng bể miệng không phát ra tiếng. Như thế ông có thể đạt đến Niết-bàn.
Và Phật đọc Pháp Cú:
Chớ buông lời cay nghiệt,
Nhiếc người, người nhiếc ta,
Khổ thay lời hiềm hận,
Xung đột mãi lại qua.
Nếu tự mình im lặng,
Như chuông nứt nhiều đàng,
Người ấy chứng Niết bàn,
Hận thù không còn nữa.
(bài kết hợp từ Tích Truyện Pháp Cú (Thiền viện Viên Chiếu)
và Thi Kệ Pháp Cú Kinh (Tịnh Minh))