KINH PHÁP CÚ
11. PHẨM GIÀ YẾU
Pháp Cú 151
Xe vua đẹp sẽ cũ,
Thân xác này sẽ già,
Pháp thiện nhơn bất lão,
Do thiện nhơn truyền ra.
Tại Kỳ Viên Phật đã dạy câu trên liên quan đến hoàng hậu Mallikà.
Ngày kia hoàng hậu Mallikà vào phòng tắm. Rửa mặt xong, bà cúi người xuống và rửa chân. Không dè con chó cưng của bà cũng vào theo. Nó thấy thế bèn làm hạnh bất tịnh với bà, và bà cứ để nó tiếp tục. Từ tầng trên cung điện nhà vua nhìn thấy hết, sau đó mắng nhiếc bà thậm tệ. Bà tìm cách chối quanh, nhưng nhà vua khẳng định:
– Chính mắt ta đã thấy. Chết tiệt đi, con tiện tỳ khốn kiếp!
Bà vẫn chống chế:
– Tâu đại vương, thật lạ kỳ! Ai bước vào phòng tắm ấy, người ở ngoài nhìn vào
đều thấy thành hai.
– Mi nói dối.
– Nếu bệ hạ không tin , xin hãy vào phòng tắm, thiếp sẽ ở ngoài nhìn vào.
Vua quả là thật thà, cả tin nên làm theo lời bà. Ðột ngột bà ở ngoài la thất thanh:
– Nhà vua điên khùng kia! Sao làm điều ô uế với con dê cái?
– Ái khanh, ta có làm như thế đâu!
– Chính mắt thiếp thấy!
Vì thế nhà vua tin lời giải thích của hoàng hậu, là ai vào phòng tắm đều bị thấy thành hai.
Nhưng Mallikà cảm thấy bất an. Tuy đã dối gạt được nhà vua, vì ông đã là một tên ngu ngốc, nhưng bà đã phạm tội trọng, và còn sai quấy khi kết tội nhà vua. Thế Tôn sẽ biết tội của bà, cả hai Ðại đệ tử và tám mươi Trưởng lão cũng biết. Tội lỗi trầm trọng biết bao! (Trước đó bà và vua cúng dường rất nhiều của báu, số tiền lên đến một trăm bốn mươi triệu đồng. Riêng đức Như Lai được cúng dường bốn món vô giá: một chiếc lọng trắng, một chiếc giường, một ghế ngồi và một vật đỡ chân).
Mallikà lúc hấp hối lại quên hẳn sự cúng dường, chỉ nhớ đến hành động xấu ác mình đã phạm, do đó bị đọa vào địa ngục A-tỳ. Vua Ba-tư-nặc rất yêu bà Mallikà nên buồn khổ vô cùng. Lễ tang xong, vua đến gặp Phật, ý muốn hỏi xem bà sanh ở đâu. Thế Tôn biết trước, nên khôn khéo không để vua nhớ lý do đi đến tinh xá. Phật cứ thuyết pháp, vua nghe xong hoan hỷ hồi cung. Như thế suốt bảy ngày vua không thể nào nhớ để hỏi.
Còn Mallikà, sau bảy ngày rên siết trong địa ngục, được giải thoát và tái sanh vào cõi trời Ðâu-suất.
(Sở dĩ Phật phải làm như thế vì Mallikà rất được sủng ái. Nếu biết bà, một người có niềm tin kiên cố, bố thí cúng dường rất nhiều mà rơi vào địa ngục, thì số phận của vua sau này sẽ ra sao? Nhà vua sẽ hiểu sai lạc sanh ra hoài nghi, không tiếp tục cúng dường năm trăm Tỳ-kheo nữa, và như thế vua sẽ đọa vào địa ngục).
Vào ngày thứ tám, Thế Tôn ra ngoài khất thực một mình. Ðến cổng hoàng cung vua nghe tin, cầm bát của Phật định mang lên sân thượng cung điện. Nhưng Phật muốn ngồi ngay nhà để xe, vua bèn dâng chỗ ngồi nơi đó và cúng dường thức ăn loại cứng loại mềm. Rồi nhà vua đảnh lễ Phật hỏi lại câu đã quên suốt bảy ngày qua. Phật đáp:
– Vào cung trời Ðâu-suất, đại vương ạ.
Vua vẫn còn buồn khổ nên than:
– Bạch Thế Tôn, từ khi nàng đi về cõi khác, con người tôi không còn sống nữa.
Phật an ủi:
– Ðại vương, chớ nên đau lòng. Ðó là quy luật bất biến cho mọi chúng sanh.
Rồi Phật hỏi tiếp:
– Ðại vương, xe này của ai?
– Bạch Thế Tôn, của ông tôi.
– Còn xe này?
– Của cha tôi, bạch Thế Tôn.
– Còn xe kia.
– Của tôi.
Ðức Phật bèn dạy:
– Ðại vương, xe của cha còn tốt hơn xe ông nội, cũng vậy xe của đại vương còn tốt hơn xe của cha. Sự suy tàn cũng sẽ làm hư hoại thân này. Ðại vương, chỉ có đức hạnh chân chánh mới không hư hoại.
Và Phật đọc Pháp Cú:
Xe vua đẹp sẽ cũ,
Thân xác này sẽ già,
Pháp thiện nhơn bất lão,
Do thiện nhơn truyền ra.
(bài kết hợp từ Tích Truyện Pháp Cú (Thiền viện Viên Chiếu)
và Thi Kệ Pháp Cú Kinh (Tịnh Minh))