nhan-nhuc
Chí hướng kẻ nhẫn tu hành, lo gì chẳng được thành tựu (ảnh sưu tầm)

Bồ Tát nhẫn nhục điều phục tất cả điều ác. Với chúng sanh, tâm bình đẳng, chẳng lay động như chốn Đại địa.

Kinh Hoa Nghiêm

Nếu lấy tranh đấu để ngăn tranh đấu thì chắc chắn không thể ngăn được, duy chỉ có Nhẫn Nhục mới có thể ngăn được. 

Kinh Trung A Hàm

Sanh văn Phạm Chí đến xin thưa Phật rằng: Đệ tử của Ngài với đệ tử của kẻ khác có điểm nào đặc biệt không? Và có công đức chi hơn?

Đức Phật đáp: Có. Hai hạng đệ tử xuất gia và tại gia của Ta có những điểm đặc biệt: phàm làm việc gì nếu thất bại, họ không buồn rầu khóc lóc, cũng chẳng phát điên cuồng sân hận; hoặc họ bị những điều đói khát lạnh nóng, mưa gió, ép bức, hoặc bị roi gậy đánh dập, bị mắng nhiếc độc ác…, họ đều có thể nhẫn nhục được cả. Ấy là những điều mà kẻ khác không thể chịu được vậy. Đệ tử của Ta có những công đức như vậy đó.

Ông Phạm Chí nghe rồi xin thọ giáo, liền quy y Tam Bảo thành Ưu Bà Tắc.

Kinh Tạp A Hàm

Đức Thế Tôn dạy: Thà lấy gươm bén mổ bụng, lột da hay gieo mình vào lửa, quyết không làm ác; thà đầu đội núi Tu Di chịu để cho tan thân hay trầm mình xuống biển cả, quyết không làm ác.

Kinh Nhẫn Nhục

Tuy nghe nhiều tiếng xấu, người tu khổ hạnh phải nhẫn nhục, chẳng nên tự nói khổ, cũng chẳng nên sanh lòng buồn. Nghe tiếng xấu mà sợ hãi, đấy là loại thú rừng núi, là chúng sanh tánh tình vội vã, chẳng thành Pháp xuất gia. Người tu hành phải đủ sức nhẫn nhục tiếng xấu ba bực: thượng, trung, hạ để vững tâm an trụ. Đó là Pháp xuất gia vậy.

Do lời nói của kẻ khác không thể khiến người thành đứa giặc cướp, và cũng do lời nói của họ không thể khiến người chứng A La Hán. Như người tự biết mình, thời Chư Thiên cũng biết người vậy.

Kinh Tỳ Kheo Tị Nữ Nhơn Ố Danh

Bồ Tát bị mắng nhiếc lâu trăm ngàn kiếp cũng chẳng sanh lòng giận dữ, hay được khen ngợi trăm ngàn đời cũng chẳng đặng sanh tâm vui mừng. Ấy là vì đã liễu đạt lời nói của người đời là lẽ sanh diệt của tiếng tăm, như chiêm bao, như tiếng vang vậy.

Luận Trí Độ

Kẻ Sa môn tu hành, lấy nhẫn làm đầu; phải như nước trong, không chút nhơ bẩn. Nước đối với thây người chết, chó chết, rắn chết… và đồ đại tiểu tiện, thảy đều rửa tẩy nhưng nước vẫn trong sạch. Cần phải trì tâm như cầm chổi quét đất, quét sạch chỗ dơ. Chổi đối với thây người chết, chó chết, rắn chết… và đồ đại tiểu tiện, thảy đều quét sạch nhưng chổi chẳng hư hao. Cũng như sức mạnh và ánh sáng của gió, lửa đối với thây chết, chó chết, rắn chết… và đồ đại tiểu tiện, thảy đều thổi bay, đốt cháy nhưng sức mạnh và ánh sáng của gió, lửa vẫn chẳng hao mòn.

Nếu người muốn đến giết mình hoặc mắng mình, chẳng nên giận dữ; hay đến khen mình hoặc cười mỉa mình, chẳng nên giận dữ; hoặc đến phá mình chẳng cho phụng hành Phật Pháp, cũng chẳng nên giận dữ. Cần phải từ tâm chánh ý thì tội diệt phước sanh.

Kinh Tiên Ý

Bồ Tát thường hay tu Pháp nhẫn nhục, khiêm nhường, cung kính, hỷ xả, chẳng hại mình hại người, chẳng tự cao hay tâng bốc người, chẳng khen ngợi mình hay khen ngợi người. Bồ Tát chỉ nghĩ như vầy: “Ta phải thường thuyết Pháp để xa lìa tất cả ác, dứt hẳn tâm tham, sân, si, kiêu mạn, tán loạn, bủn xĩn, ganh tị, dua nịnh… Chỉ biết lấy pháp Đại nhẫn nhục mà an lập”.

Bồ Tát vì muốn thành tựu pháp thanh tịnh nhẫn nhục, dù có chúng sanh thốt ra những lời độc ác mắng chửi, khinh uế và tay cầm dao gậy đánh đập hủy hại…, Bồ Tát chẳng sanh lòng giận dữ. Bồ Tát chỉ nghĩ như vầy: “Nếu Ta vì khổ này mà sanh lòng giận dữ chẳng thấu suốt, chẳng tự điều phục, chẳng yên lặng và chẳng chơn thật thì làm sao hành hạnh  độ tha viên mãn được.”

Kinh Hoa Nghiêm

Đức Phật bảo Đại chúng: Nhẫn hơn hết trên đời, Nhẫn là Đạo an vui; Nhẫn hộ thân cô độc, Nhẫn soi biết thế gian, Nhẫn hay được oai lực… Sức nhẫn phục oán địch, sức nhẫn dẹp lo âu… Kẻ nhẫn được đến Đạo lành, kẻ nhẫn được ba ngôi, kẻ nhẫn chẳng hại chúng sanh,  kẻ nhẫn xa lìa trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ỷ ngữ, tham dục và giận dữ… Kẻ nhẫn mới thành tựu: Bố thí, Trì giới, Tinh tấn, Thiền định và Trí huệ. 

Kinh Đại Tập

Nhẫn nhục là Đức cả vì khổ hạnh Trì giới chẳng so sánh bằng. Ai tu được nhẫn nhục mới được gọi là bực Đại nhơn.

Kinh Di Giáo

Ánh sáng nhẫn nhục mạnh hơn sức mạnh của mặt trời mặt trăng. Rồng, voi tuy gọi rất mạnh, sánh với nhẫn nhục muôn phần chẳng kịp một. Ánh sáng bảy báu, kẻ phàm quí trọng nhưng hay rước khổ vì gây tai họa; báu của nhẫn nhục thủy chung được yên.

Bố thí mười phương tuy được phước lớn, phước chẳng bằng nhẫn. Ôm nhẫn tu trì, đời đời không oán, lòng dạ an nhiên, trọn không độc hại.

Đời không chỗ nương, duy nhẫn đáng nương, là nhà yên ổn, chẳng sanh tai quái. Nhẫn là áo giáp thần, chẳng bị đao binh. Nhẫn là phương thuốc hay, cứu sống nhiều mạng. Nhẫn là đại thuyền, vượt qua bể khổ.

Chí hướng kẻ nhẫn tu hành, lo gì chẳng được thành tựu!

Kinh Nhẫn Nhục

Khi Đức Phật đang ngự tại nước Ca Tỳ La Vệ, có người tên Sai Ma Kiệt hỏi Phật rằng: “Bồ Tát tu hạnh gì đối với tất cả Pháp không bị ngăn ngại?”

Phật đáp: Hạnh của Bồ Tát lấy Nhẫn nhục làm gốc. Nhẫn nhục có 4 món:

  1. Khi bị mắng chửi, làm thinh chẳng giận hờn.
  2. Khi bị đánh đập, chẳng trả thù.
  3. Có kẻ giận dữ đến, lấy lòng Từ nghinh tiếp.
  4. Có kẻ khinh hủy đến, chẳng nghĩ điều ác của họ.

Kinh Bồ Tát Sanh Địa

Nhẫn Nhục là chánh nhân của Bồ Đề. Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là chánh quả của Nhẫn Nhục vậy.

Kinh Ưu Bà Tắc Giới

Tinh tu Đức nhẫn nhục, hiển hiện Bồ Đề Phật.

Kinh Hoa Nghiêm

—————————————

Tham khảo: