KINH PHÁP BẢO ĐÀN
NHẤT THỂ TAM THÂN TỰ TÁNH PHẬT
Thiện-tri-thức! Đã quy y TỰ TÁNH TAM BẢO xong các ngươi chú tâm, nghe Ta nói NHẤT THỂ TAM THÂN TỰ TÁNH PHẬT, khiến các người đều rõ ràng thấy Tam Thân Phật, tự ngộ Tự Tánh.
Nay nói theo Ta:
– Nơi tự sắc thân Quy y THANH TỊNH PHÁP THÂN PHẬT.
– Nơi tự sắc thân Quy y THIÊN BÁ ỨC HOÁ THÂN PHẬT.
– Nơi tự sắc thân Quy y VIÊN MÃN BÁO THÂN PHẬT.
Thiện-tri-thức! Sắc thân là nhà trọ, chẳng thể nói quy y được. Xưa nay Tam-thân-Phật ở trong Tự Tánh mọi người đều sẵn có, tại tâm mê nên chẳng thấy Tánh bên trong, chỉ hướng ngoại tìm Tam-thân-Phật mà chẳng thấy tự thân có Tam-thân-Phật. Các người hãy nghe, nay Ta khiến các người ngay nơi tự thân được thấy Tự Tánh có Tam-thân-Phật; Tam thân Phật này từ Tự Tánh sanh ra, chẳng từ bên ngoài mà được.
– Sao gọi là THANH TỊNH PHÁP THÂN PHẬT? Người đời Tánh vốn thanh tịnh, vạn pháp từ Tự Tánh sanh khởi. Suy lường điều ác tức sanh hạnh ác, suy lường điều thiện tức sanh hạnh lành. Như vậy các pháp ở trong Tự Tánh như trời thường trong, mặt trời mặt trăng thường sáng; vì bị mây đen che khuất nên trên sáng dưới tối; thoạt được gió thổi mây tan, trên dưới đều sáng, vạn tượng đều hiện. Người đời tánh hay phù du lơ lửng như mây trên trời. Thiện-tri-thức! Trí như mặt trời, Huệ như mặt trăng, Trí Huệ thường sáng; vì chấp cảnh bên ngoài, nên bị vọng niệm mây đen che khuất, Tự Tánh chẳng được sáng tỏ. Nếu gặp được Thiện-tri-thức, nghe được Chánh Pháp, tự trừ mê vọng, trong ngoài đều sáng, vạn pháp đều hiện nơi Tự Tánh. Người KIẾN TÁNH cũng vậy. Ðây gọi là THANH TỊNH PHÁP THÂN PHẬT.
Thiện-tri-thức! Tự tâm quy y Tự Tánh tức là quy y CHƠN PHẬT. Tự Quy Y tức là trong Tự Tánh trừ sạch những tâm bất thiện, tâm ganh tỵ, tâm quanh co, tâm chấp ngã, tâm cuồng vọng, tâm khinh mạn, tâm tà kiến, tâm cống cao và tất cả những hạnh bất thiện. Thường tự thấy lỗi mình, chẳng nói tốt xấu của người, ấy là TỰ QUY Y. Thường phải hạ mình, cung kính mọi người, tức là KIẾN TÁNH; thông đạt chẳng còn trệ ngại, ấy là TỰ QUY Y.
– Sao gọi là THIÊN BÁ ỨC HOÁ THÂN? Nếu chẳng nghĩ muôn pháp, Tánh vốn như Hư-không. Một niệm suy lường gọi là biến hóa: suy lường điều ác tức hóa ra địa ngục, suy lường việc thiện hóa ra thiên đàng, độc hại hóa ra rắn rồng, từ bi hóa ra Bồ Tát, trí huệ hóa ra tam thiện đạo, ngu si hóa ra tam ác đạo. Tự Tánh biến hóa rất nhiều, kẻ mê chẳng thể tỉnh giác, niệm niệm khởi ác, thường đi trên đường ác, hễ nhất niệm hồi tâm hướng thiện, Trí Huệ liền sanh, đây gọi là TỰ TÁNH HOÁ THÂN PHẬT.
– Sao gọi là VIÊN MÃN BÁO THÂN? Ví như một ngọn đèn trừ được ngàn năm đen tối, một niệm trí huệ diệt được muôn năm ngu mê. Chớ nghĩ việc xưa, đã qua thì bất khả đắc. Thường nghĩ về sau, niệm niệm viên tròn sáng tỏ, tự thấy bản Tánh. Thiện ác dù khác, Tánh vốn bất nhị, Tánh bất nhị gọi là Thật Tánh. Ở trong Thật Tánh chẳng nghĩ thiện ác, đây gọi là VIÊN MÃN BÁO THÂN PHẬT.
Tự Tánh khởi một niệm ác, liền diệt vạn kiếp thiện nhân. Tự Tánh khởi một niệm thiện, liền dứt hằng sa ác nghiệp, thẳng đến Vô Thượng Bồ Ðề. Niệm niệm tự thấy chẳng mất bản niệm gọi là PHÁP THÂN PHẬT. Từ Pháp Thân suy lường tức là HOÁ THÂN PHẬT. Niệm niệm tự thấy Tự Tánh tức là BÁO THÂN PHẬT. Tự ngộ tự tu Tự Tánh công đức là CHƠN QUY Y. Da thịt này là sắc thân, sắc thân là nhà trọ, chẳng thể Quy Y được. Hễ ngộ được Tự Tánh Tam Thân, tức nhận được Tự Tánh Phật.
Nay Ta thuyết bài VÔ TƯỚNG TỤNG, nếu y theo tụng này tu hành, ngay đó khiến các ngươi nhiều kiếp ngu mê đều nhất thời tan rã. Tụng rằng:
Mê nhơn tu phước bất tu đạo,
Chỉ ngôn tu phước tiện thị đạo,
Bố thí cúng dường phước vô biên,
Tâm trung tam ác nguyên lai tạo,
Nghĩ tương tu phước dục diệt tội,
Hậu thế đắc phước tội hườn tại.
Ðản hướng tâm trung trừ tội duyên;
Các Tự Tánh trung chơn sám hối.
Hốt ngộ đại thừa chơn sám hối,
Trừ tà hành chánh tức vô tội.
Học đạo thường ư Tự Tánh quán,
Tức dữ chư Phật đồng nhất loại.
Ngô Tổ duy truyền thử đốn pháp,
Phổ nguyện kiến tánh đồng nhất thể.
Nhược dục tương lai mích pháp thân,
Ly chư pháp tướng tâm trung tẩy.
Nỗ lực tự kiến mạc du du,
Hậu niệm hốt tuyệt nhất thế hưu.
Nhược ngộ đại thừa đắc kiến tánh,
Kiền cung hiệp chưởng chí tâm cầu.
Dịch nghĩa:
Kẻ mê tu phước chẳng tu đạo,
Chỉ cho tu phước tức là đạo.
Bố thí cúng dường phước vô biên,
Trong tâm tam ác vẫn còn tạo.
Muốn dùng tu phước để diệt tội,
Kiếp sau được phước tội vẫn còn.
Nhân duyên tội ác trừ nơi tâm,
Hướng vào Tự Tánh chơn sám hối.
Hoát ngộ đại thừa chơn sám hối,
Tà dứt hạnh chánh tức vô tội.
Học đạo thường quán nơi Tự Tánh,
Thì với chư Phật đồng một loại.
Tổ Sư truyền pháp đốn ngộ này,
Nguyện cùng kiến Tánh đồng nhất thể.
Nếu muốn tương lai ngộ Pháp thân,
Lìa các pháp tướng tâm trong sạch.
Cố gắng tu hành chớ nhởn nhơ,
Hậu niệm thoạt dứt một đời tiêu,
Muốn ngộ đại thừa thấy Tự Tánh,
Kính lễ Tri Thức chí tâm cầu.
(cầu nơi chẳng cầu gọi là chí tâm cầu)
Sư bảo: Thiện-tri-thức cần phải theo tụng này tu hành, ngay nơi đó được KIẾN TÁNH, dù cách xa Ta ngàn dặm mà thuờng như ở bên cạnh Ta. Nếu ngay nơi đó chẳng ngộ, dẫu cho đối diện cũng như cách xa ngàn dặm, uổng công từ xa đến đây. Các người ra về bình yên.
Ðại chúng nghe Pháp đều được tỉnh ngộ, hoan hỷ phụng hành.
(trích Phẩm Sám Hối – Kinh Pháp Bảo Đàn
Lục Tổ Huệ Năng)
Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!
Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
Cổ Thiên
———————————–
Tham khảo: