Mật tức bí mật nên không thể nghĩ bàn, tuyệt chẳng thể dùng trí thức phàm ngu mà diễn hiểu. Chú tức Mật ngữ lưu xuất từ Mật hạnh Từ Bi Vô Lượng Vô Biên của 10 phương Chư Phật. Mật chú có thể nói là Mật ngữ của Chư Phật với công năng diệu dụng mầu nhiệm trang nghiêm không thể nghĩ bàn hóa độ thiên hình vạn trạng chúng sanh trong khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương hồi tâm sám hối quy Phật tu hành cho đến khi trọn thành Phật Đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Mật nên không có sự truyền thừa như lễ nghĩa “nhận thầy – chọn trò” thường tình ở thế gian. Mật nên tâm hành giả – tâm Chư Phật nếu khế hợp, tức duyên Thầy (Chư Phật) – Trò (hành giả). Mật nên chẳng câu nệ nơi sắc tướng hữu vi (ngã tướng, lập đàn pháp, lễ quán đảnh, truyền thừa…), cũng chẳng bám chấp diệu dụng nơi cảnh giới vô vi. Mật nên thậm thâm vi diệu, không thể nghĩ bàn. Mật Hạnh vô lượng nên Phật Lực vô biên độ tận tất cả 10 phương chúng sanh (độ tử – độ sanh) trọn thành Chánh Giác.
Mật chú lưu xuất từ tâm Từ Bi vô lượng của Chư Phật để độ tận tất cả chúng sanh, đồng thời giúp các Bậc Kiến Tánh (A La Hán, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát) khi mật trì từng bước thâm nhập vào Mật Tạng Chuẩn Đề, được tâm trí viên thông, hạnh nguyện viên mãn, trọn thành Phật đạo. Vì sao? Vì khi khởi tâm trì Chú, tùy tâm lượng và hạnh nguyện tương ưng mà chiêu cảm chúng sanh trong khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương thảy đều câu hội; trong đó, có chúng sanh tầm về nương tựa để được cứu độ, khai tâm mở trí, sám hối quy Phật tu hành; cũng có chúng sanh (Tà, Ma, Quỷ, Mị, Yêu Tinh, Ngải…) hội về khảo đảo thân tâm, gieo rắc Tà chủng, dẫn dắt tu lầm khiến cho sa vào hầm sâu Tà kiến, điên đảo Phật Pháp, hủy phạm Giới thể, nhập vào Tà giới, lạc Đạo Bồ Đề. Đây chính là lý do vì sao chỉ có Bậc Kiến Tánh mới có thể vô ngại tiến tu Mật đạo thậm thâm vi diệu vì tâm hạnh Vô ngã – Vô trụ (tâm Vô Niệm) và nguyện lực Từ Bi không những có đầy đủ Đạo lực thủ hộ thân tâm trước Tà lực công phá mà còn hóa giải, cảm hóa Tà chúng hồi tâm sám hối chơn tu Phật. Từ đó, Bậc Kiến Tánh từng bước viên mãn hạnh nguyện độ tận chúng sanh cho đến khi trọn thành Phật đạo vô thượng.
– Trước cần phải công phu tọa thiền niệm Phật để nhiếp tâm, tịnh hóa nghiệp chướng; sau kết hợp tham Tổ Sư Thiền để định tâm… Khi công phu niệm Phật và tham thiền thành tựu Vô Niệm Ba-la-mật thì Mật nguyện khai, Trí Huệ Vô Sư khắc biết đã đến lúc có đầy đủ Đạo lực mật trì Mật chú của Chư Phật. Hành giả (Bậc Kiến Tánh) thênh thang trên đường Mật đạo.
– Trong Chánh định Vô Niệm Ba-la-mật, việc mật trì bài Chú nào (như Lục Tự Đại Minh, Chuẩn Đề, Đại Bi, Lăng Nghiêm, Bát Nhã, Kim Cang, Phật bộ, Ngũ bộ chú…) đều nhờ Trí Huệ Vô Sư dẫn lối tự biết, Mật giả sẽ mật trì bài Chú đó. Đến khi thành tựu Vô Niệm thì nhờ Mật duyên Phật độ hay tự tâm (Trí Huệ Vô Sư) tự biết bài Chú tiếp theo cần trì. Đến đây, Tịnh – Thiền – Mật dung thông, đồng quy Phật Tánh.
– Kể từ đây, ứng với mỗi giai đoạn, Mật giả (Bậc Kiến Tánh) sẽ được Đức Đại Cổ Phật Mẫu Chuẩn Đề Vương (Tổ Mật tông của 10 phương 3 đời Chư Phật) trực tiếp gia trì chỉ dạy: mật truyền các Mật chú, kiết Mật ấn gì, Thủ pháp kiết ấn như thế nào, kết hợp các Đại thủ mật ấn thành Bộ ra sao… Mỗi Mật ấn đều có diệu dụng công năng riêng, tùy theo tâm lượng và hạnh nguyện độ tận chúng sanh của mỗi Mật giả mà sự Mật trì thậm thâm vi diệu nhiệm mầu có khác, chỉ tự mình biết mà thôi. Đây chính là Mật truyền (không có trong Tam Tạng Kinh điển), cũng chính là Tam Mật tương ưng, chỉ có trong Chánh định Vô Niệm Ba-la-mật.
– Đến thời, khi tất cả công hạnh tròn đầy (có nhiều tầng bậc) thì Tâm Phật của Mật giả sẽ khai hoa Mật chú riêng, khế hợp với Mật nguyện. Ứng mỗi tầng bậc tiến tu sau này, các Mật chú riêng tương ưng sẽ tuần tự khai hoa để hạnh nguyện hóa độ chúng sanh trong khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương càng thêm trùm khắp, sâu dày. Mật giả bước từng nấc thang tấn tiến trên Mật đạo thâm diệu, Đạo lực hóa độ chúng sanh (độ Tử – độ Sanh) trong mỗi thời – khắc – sát na tâm thiền không ngừng được thăng hoa vô ngại, không thể nghĩ bàn. Nhẫn lực mật trì đến khi tất cả hạnh nguyện độ tận chúng sanh đồng viên mãn thì Mật giả trọn thành Phật đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đây chính là Mật nghĩa, là sự vi diệu tối thắng tột cùng của Mật đạo. Rốt ráo hơn, đây chính là Đại Mật Nguyện của Đức Đại Cổ Phật Mẫu Chuẩn Đề Vương – Tổ Mật tông của 10 phương 3 đời Chư Phật.
Hỏi: Người thật kiến Tánh, tìm đâu thời nay? Nói như thế, còn ai trì chú của Chư Phật?
Đáp: Đó là lời cảnh tỉnh rốt ráo theo trình tự cấp bậc tiến tu: Tịnh (tọa thiền niệm Phật) –> Thiền (tham Tổ Sư Thiền) –> Mật (mật trì mật chú của Chư Phật), tuyệt không dám mống tâm cô phụ Từ ân, phá kiến nhụt chí Đại chúng để tự gánh lấy khổ đọa muôn kiếp. Bất luận căn trí chúng sanh lợi độn thế nào, tất cả đều phải trải qua trình tự thứ lớp trên; trong đó, Tịnh trì là nền tảng tối yếu phải có để hành giả có thể tấn tu những tầng bậc cao hơn. Nền tảng càng vững chắc, kiên cố bao nhiêu thì thành tựu càng cao thâm bấy nhiêu, và ngược lại. Đó là Đường lối tu Phật, là kết quả tương hỗ đồng quy, tuyệt không có sự phân chia Tông phái hay phân biệt thấp cao giữa Tịnh, Thiền và Mật.
– Những vị chơn tu phạm hạnh tâm trì niệm Phật – tham thiền, dẫu chưa kiến Tánh, nhưng vì cảm thấu khổ sanh tử luân hồi mê mải, lòng thường tự soi nghiệm sám hối ăn năn, thống thiết tu hành không phút giây sao lãng vì đại sự thoát ly sanh tử không chỉ riêng mình thì tùy cơ duyên đều có thể Mật trì. Tuy nhiên, hãy nhớ: luôn gìn giữ thân tâm trong sạch (trong đó có trường chay, tuyệt dục), tu hành chơn chánh mới có thể được nhận sự gia trì của Chư Hộ Pháp trước khảo phá của Tà giới; tuyệt đừng sanh tâm phân biệt thấp cao, đừng ngã tướng hơn thua, đừng vọng cầu chướng trái… Kết quả mật trì diệu dụng lợi lạc đến đâu, tuy có hạn lượng, nhưng ít nhiều tùy tâm hạnh trang nghiêm.
Lưu ý: Mật chú khi mật trì trọng yếu tại tâm chơn chánh, thống thiết với hạnh nguyện Từ Bi cứu độ chúng sanh, chẳng màng sanh tử nên nếu có sự sai khác do phiên dịch, chuyển ngữ ở một vài từ cũng không sao. Hành giả đừng lo lắng!
– Còn lại – phàm phu chúng sanh với tâm mê trí thiển nghiệp dày, khuyên hãy sớm tỉnh giác sám hối, nhất tâm tọa thiền niệm Phật để điều phục thân tâm, tịnh hóa nghiệp chướng. Ngược lại, nếu tự quyết Mật trì theo ý thì kết quả tương ưng (với tâm hạnh phàm mê) nếu có cũng vô cùng hạn hữu, chưa kể lợi bất cập hại mà nguy. Vì sao? Vì chưa có nền tảng Tịnh trì, chưa có Đạo lực thủ hộ thân tâm, tâm tham – sân – si – ngã tướng cống cao, sắc dục mê mờ, ái chướng sâu nặng, vọng cầu chướng trái, đắp mê bồi ngã… mà trì chú Phật thì tâm cấu uế ắt chiêu cảm Tà mị khiến đồng hội đồng thuyền, vĩnh không lối thoát. Hãy ghi nhớ!
Ngoài ra, Đại chúng cần minh tường:
– Có ý kiến cho rằng hành giả phải được “điểm Đạo”, nếu không đắc tội “trộm Pháp”; hoặc cần phải làm lễ quán đảnh, truyền thừa thì trì chú mới có hiệu nghiệm… Đây chính là tà kiến!
– Mong cầu, tham đắm, chấp trước nơi thần thông, ấn chứng siêu hình, diệu dụng khi trì Chú chính là tâm bệnh, dễ bị Tà mị dẫn dắt, khiến lạc Đạo Bồ Đề.
– Có vị giảng / dịch rằng: “Khi trì Chú sẽ có Chư Thiên, Chư Thần, Chư Hộ Pháp gia hộ cho mình”. Điều này chỉ đúng khi người trì là Vị chơn tu thân tâm trong sạch, giới hạnh trang nghiêm như đã giảng ở trên.
– Lại có vị giảng rằng: “Khi trì Chú… thì Tà Ma phải cách xa hàng bao dặm, nếu không bị chày Kim Cang đập vỡ đầu, tan thành nhiều mảnh…”. Đây là Tà sư thuyết pháp trái ngược lý tánh Từ Bi – Bình Đẳng – Vô Ngã, hạnh nguyện độ tận chúng sanh của nhà Phật.
– Lại có người dịch rằng: “Khi trì chú thì sẽ được giàu sang phú quý, cầu gì được nấy…”. Than ôi, lối thuyết dịch u mê, ma mị đầy tục lụy làm mất đi Đạo vị giải thoát, biến Đạo Phật thành đạo cầu xin, Chư Phật thành các vị Thánh Thần ban ơn giáng họa, mật chú của Chư Phật để độ tận chúng sanh tỏ ngộ Phật Tánh lại trở thành phương tiện làm thỏa mãn tâm tham sân si, dục vọng mê mờ không đáy của chúng sanh. Dịch thuyết như thế tức đồng Ma thuyết, lìa Tánh (Từ Bi) trì Chú tức đồng nẻo Ma. Tu Phật cốt yếu tại Tâm, mọi người lưu ý kẻo mê lầm!
– Hiện nay, nhiều vị tu sĩ có xu hướng dịch giải nghĩa Mật chú để hiểu, đấy là điều trái Pháp. Nếu không có công phu thiền định chơn chánh (niệm Phật, Tham thiền), tâm hạnh chẳng có phần tương ưng với Chư Phật thì không thể thọ trì Mật chú. Nếu có đủ tâm hạnh để thọ trì Mật chú, hành giả cũng chưa có đủ Trí Huệ để liễu nghĩa Mật chú của Chư Phật, bởi ngay cả Chư Đại Bồ-Tát còn không thể liễu nổi nữa là. Thế mới biết, dùng trí thức Ta-bà hay bằng cấp Phật học thế gian mà cất công dịch nghĩa các Mật tự, Mật ngôn của Chư Phật là điều trái Pháp, hoàn toàn không thể và vô ích, bởi mỗi từ mỗi câu trong Mật chú hàm nghĩa “vô lượng”: vô lượng nguyện, vô lượng hạnh (Từ – Bi – Hỷ – Xả…), vô lượng diệu dụng và công năng… từ Tâm – Nguyện – Hạnh vô lượng tối thắng của Chư Phật mà thành, tuyệt không thể nghĩ bàn.
Trang nghiêm – Phật độ!
Diệu Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật _()_
Diệu A-Di-Đà Phật _()_
Cổ Thiên
——————————————-
Tham khảo:
- Chia sẻ kinh nghiệm về công phu niệm Phật
- Chia sẻ kinh nghiệm Tham Tổ Sư Thiền
- Vô Niệm: Sự quy nhất của Tịnh – Thiền – Mật
- Đường lối tu Phật
- Hạnh nguyện của người tu Phật
- Phật Pháp vấn đáp 31: Điều kiện cần để nhập Đạo tu hành
- Phật Pháp vấn đáp 32: Đoạn trừ dâm dục
- Phật Pháp vấn đáp 33: Thiền – Tịnh song tu