179. Sạch dục lạc tham ái,
Bặt khát vọng trên đời,
Trí lực Phật vô lượng.
Cám dỗ sao được ư?
(*) Chẳng ai hơn nổi người đã thắng phục dục tình. Người đã thắng phục dục tình không còn bị thất bại trở lại (2*), huống Phật trí mênh mông không dấu tích, các ngươi lấy gì mà hòng cám dỗ được?
———————–
(*): Hai bài này Phật đối Ma nữ mà nói.
(2*): Ý toàn câu là “Cái tình dục đã bị chinh phục rồi, thì dù đang ở thế gian này, nó cũng không thể theo dõi người kia nữa”.
180. Giải thoát mọi ràng buộc,
Bặt ái dục trên đời,
Trí lực Phật vô lượng,
Cám dỗ sao được ư?
Người dứt hết trói buộc, ái dục còn khó cám dỗ được họ, huống Phật trí mênh mông không dấu tích, các ngươi lấy gì mà hòng cám dỗ được?
181. Người trí chuyên Thiền định,
Thích an tịnh viễn ly,
Bậc Chánh Giác, chánh niệm,
Chư Thiên cũng kính quy.
Người tu trì Thiền định, ưa xuất gia, ở chổ thanh vắng. Người có chánh niệm chánh giác, bao giờ cũng được sự ái kính của Thiên, Nhơn.
182. Khó thay được làm Người!
Khó thay sống vui tươi!
Khó thay nghe Diệu Pháp!
Khó thay Phật ra đời!
Được sinh làm người là khó, được sống trọn đời còn khó hơn, được nghe Chánh Pháp là khó, được gặp Phật ra đời là khó.
183. Ðừng làm các điều ác,
Tu tập mọi hạnh lành
Giữ tâm ý trong sạch.
Ðó là lời Phật dạy.
Chớ làm điều ác, gắng làm việc lành, giữ tâm ý trong sạch. Ấy, lời Chư Phật dạy.
184. Chư Phật thường giảng dạy:
Nhẫn nhục hạnh tối cao,
Niết Bàn quả tối thượng,
Xuất gia nhiễu hại người,
Ðâu còn Sa môn tướng!
Chư Phật thường dạy Niết Bàn là Quả vị tối thượng. Nhẫn nhục là khổ hạnh tối cao. Xuất gia mà não hại người khác, không gọi là Sa môn (*).
———————–
(*): Trong Tứ phần (giới bản) Đức Như Lai Tỳ Bà Thi dạy: “Nhẫn nhục đệ nhất đạo, Phật thuyết vô vi tối, xuất gia não tha nhơn, bất danh vi Sa môn”.
185. Chớ hãm hại hủy báng.
Giới căn bản nghiêm trì.
Ăn uống có tiết độ.
An trụ nơi viễn ly.
Chuyên tu tập Thiền định.
Lời Chư Phật nhớ ghi!
Chớ nên phỉ báng, đừng làm não hại, giữ giới luật tinh nghiêm (*), uống ăn có chừng mực, riêng ở chổ tịch tịnh, siêng tu tập Thiền định (2*). Ấy lời Chư Phật dạy.
———————–
(*): Nguyên văn: Patimokkha tức là Biệt giải thoát luật nghi giới, gồm 227 giới điều chủ yếu mà tất cả Tỷ Kheo phải giữ.
(2*): Chỉ tám định (Atthasalacattu): bốn thiền định và bốn không định.
186. Dầu mưa tuôn vàng bạc,
Dục lạc vẫn chưa vừa,
Càng khoái lạc say sưa,
Ắt khổ nhiều, vui ít.
————————————-
187. Biết vậy nên người trí,
Chẳng thích lạc Chư Thiên.
Ðệ tử Bậc Chánh Giác,
Quyết diệt tham ái liền.
186 – 187. Giả sử mưa xuống bạc vàng cũng chẳng làm thỏa mãn lòng tham dục. Người trí đã biết rõ ái dục vui ít mà khổ nhiều. Thế nên, dù sự dục lạc ở cõi Trời, ngươi cũng chớ sanh tâm mà mong cầu. Đệ tử Đấng Chánh Giác chỉ mong cầu diệt trừ ái dục mà thôi.
188. Lắm người sợ hoảng hốt,
Tìm nhiều chỗ nương vào,
Hoặc rừng thẳm, núi cao,
Hoặc vườn cây, đền, tháp.
————————————-
189. Nương tựa vậy chưa yên,
Chưa tối thượng phước điền,
Người nương tựa như vậy,
Thoát sao hết ưu phiền!
————————————-
190. Ai nương tựa theo Phật,
Chánh Pháp và Thánh Tăng,
Dùng Chánh kiến thấy rõ,
Bốn Thánh Đế thường hằng.
————————————-
191. Một Khổ, hai Nguyên nhân,
Ba Vượt khổ, xuất trần,
Bốn là Đường tám nhánh,
Tận diệt khổ, khổ nhân.
————————————-
192. Nương tựa vậy là yên,
Là tối thượng phước điền,
Người nương tựa như vậy,
Giải thoát hết ưu phiền.
188 – 192. Vì sợ hãi bất an mà đến quy y thần núi, quy y rừng cây, quy y miếu thờ Thọ Thần (*), nhưng đó chẳng phải là chỗ nương dựa yên ổn, là chỗ quy y tối thượng. Ai quy y như thế khổ não vẫn còn nguyên. Trái lại, quy y Phật, Pháp, Tăng, phát trí tuệ chơn chánh, hiểu thấu Bốn Lẽ mầu: Biết khổ, biết khổ nhân, biết khổ diệt, và biết Tám chi Thánh đạo (2*) diệt trừ hết khổ não. Đó là chỗ quy y an ổn, là chỗ quy y tối thượng. Ai quy y được như vậy, giải thoát hết khổ đau.
———————–
(*): Thọ chi đề (Rukkhacetia) là “Thọ miếu”, vị Thọ Thần của Ấn Độ tín ngưỡng. Lấy cây làm đối tượng sùng bái, như đối với tháp miếu vậy.
(2*): Bát Chánh Đạo (Ariyam utthangikkhamamagam): Chánh kiến (Samaditthi), Chánh tư duy (Sammasan-kappa), Chánh ngữ (Sammavaca), Chánh nghiệp (Samakamanta), Chánh mạng (Sammajiva), Chánh tinh tấn (Sammavayama), Chánh niệm (Samma-sati), Chánh định (Samasamadhi). Hai câu này chỉ về Đạo diệt khổ, nói gọn là Đạo đế.
193. Thánh nhân rất khó gặp,
Vì không hiện khắp nơi,
Bậc Trí sanh ở đâu,
Gia tộc đó an lạc.
Rất khó gặp được bậc Thánh nhơn, vì chẳng phải thường có. Phàm ở đâu có người trí ra đời thì ở đó gia tộc được an lành.
194. Vui thay Phật đản sinh!
Vui thay Pháp thuyết minh!
Vui thay Tăng hòa hợp!
Vui thay Giới tu hành!
Hạnh phúc thay Đức Phật ra đời, hạnh phúc thay diễn nói Chánh Pháp; hạnh phúc thay Tăng già hòa hợp, hạnh phúc thay dõng tiến đồng tu.
195. Kính lễ Bậc đáng kính,
Chư Phật hay Môn đồ,
Các bậc sạnh chướng ngại,
Ðoạn ưu khổ tế thô.
————————————-
196. Công đức người kính lễ,
Bậc Vô Úy, tịch tịnh,
Thật vô lượng vô biên,
Không thể nào lường định.
195 – 196. Cúng dường những vị đáng cúng dường là Phật hay đệ tử của Ngài – những vị thoát ly hư vọng, vượt khỏi mọi lo âu. Công đức của người cúng dường bậc Tịch tịnh vô úy như vậy không thể kể lường.
Lưu ý: Để xem tích truyện liên quan đến từng kệ Pháp Cú, hoan hỷ nhấp vào số thứ tự phía trước.
Xem thêm: Kinh Pháp Cú