* CÂU HỎI
Bạch Thầy!
Tu tịnh độ có được niệm chú Lăng Nghiêm hay niệm Đức Quán Thế Âm khi nghĩ đến ái dục không Thầy. Có mấy đạo hữu trong nhóm con vẫn còn dính mắc vào ái dục nhưng không biết tu sao để giảm bớt. Mong Thầy chỉ dạy.
A Di Đà Phật
* PHÚC ĐÁP
Chưa bao giờ tu Mật đã trở thành phong trào rầm rộ phổ biến như hiện nay, mạnh ai nấy giảng nấy tu tùy thích. Đa số bởi vì hám danh, chấp trọng ngã tướng, vọng cầu quá độ, ham thích thần thông, thích tu sao một bước lên mây, thích được Phật Trời trực tiếp ban điển, thích những quyền năng mà Kinh điển nói tới, thích được phước lớn vô song, thích trị lành vạn bệnh, thích giao tiếp với các cõi giới siêu hình, thích tu một đời thành Phật… mà không biết rằng: muốn trì chú nói riêng hay tu Mật nói chung, hành giả phải hội tụ những điều cần yếu sau đây:
1. Có tâm hạnh quảng đại tương ưng: không sống cho mình, không tu cho mình mà vì khổ luân hồi của muôn vạn chúng sanh, sanh tử chẳng màng (xem bài: Hạnh nguyện của người tu Phật). Đây là tâm hạnh Từ Bi – Vô ngã của nhà Phật.
2. Nghiêm trì giới đức, trang nghiêm Đạo tâm, sống đời phạm hạnh, thiểu dục tri túc, hằng giữ thân tâm trong sạch cúng dường Chư Phật. Trong đó, lẽ tất nhiên, phải trường chay – tuyệt dục (xem bài: Phật Pháp vấn đáp 31: Điều kiện cần để nhập Đạo tu hành).
3. Phải tịnh tâm – tịnh tam nghiệp (thân, khẩu, ý), tức phải có công phu thiền định tinh thâm (niệm Phật, tham thiền) và chơn sám hối làm nền tảng vững chắc trước khi mật trì (xem bài: Mật tông, Đường lối tu Phật).
Nếu thiếu 1 trong 3 điều cần yếu tiên quyết trên thì việc trì chú chỉ hoài công vô ích, như xây nhà trên cát. Nếu thân tâm còn ham hành dâm dục mà trì chú thì sẽ chiêu cảm Tà mị lậm thân, bị Ma nhiếp trì khiến sa vào hầm sâu tà kiến, rơi vào lưới Ma nghiệp, từ đó điên đảo Phật Pháp, lạc Đạo Bồ Đề, nhập vào Tà chúng, chẳng thể tự thoát (xem bài: Quả báo của tâm dâm dục khi tu thiền định).
Như đã giảng, ái dục là nhân của luân hồi sanh tử, là chướng ngại khó nhất đối với người tu hành. Đã có bao người tu tự xưa nay, Tăng cũng như Tục, bởi vì dâm dục mà thoái thất Đạo tâm, hủy phạm giới hạnh và huệ mạng tu hành, sa đọa vào đường khổ báo. Thế nhưng, dục niệm suy cho cùng vốn là vọng niệm nên muốn tiêu trừ đoạn tận thì hành giả phải tâm thiền, tức trì tâm niệm Phật (không phải tụng, cũng chẳng phải miệng niệm) để đối trị và điều phục. Điều trọng yếu là khi công phu, hành giả phải dụng tâm chuyên nhất vào câu niệm Phật mới có thể đạt được thành tựu thật sự, đó là: Tâm niệm Phật – Tai lắng nghe – Trí khắc sâu, ngoài ra không biết đến mọi diễn biến nơi thân tâm cũng như ngoại cảnh xung quanh trong lúc tọa thiền.
– Nếu động hay tịnh, vọng hay chơn, Ma hay Phật…, hành giả đều không biết thì đó chính là “nhiếp trọn 6 căn”.
– Từ đó, nếu tinh tấn giữ tâm niệm miên mật không gián đoạn thì đó chính là “tịnh niệm tương tục”.
– Hành được “nhiếp trọn 6 căn, tịnh niệm tương tục”, hay nói cách khác là hành được “tâm thiền miên mật ba thời chẳng mỏi” thì theo thời gian, hành giả ắt sẽ tự vào Tam-ma-địa mà không hề hay biết. Đến khi tâm thiền Vô Niệm thì hành giả kiến ngộ Giác Tánh, liễu thoát tử sanh.
Do đó, để điều phục chướng ngại nói chung và dâm dục nói riêng, khuyên Quý Phật tử hãy trường chay, tuyệt dục và nhẫn lực tinh tấn trụ tâm thiền.
– Trường chay để tránh cộng nghiệp sát, ngừng tích tụ oán trược vào thân, giúp thanh trừ ham muốn nhục dục xác thân.
– Tuyệt dục tức dụng tâm Đạo kiên quyết dừng tuyệt chuyện ái ân, giữ thân tâm trong sạch cho dù lửa ái dục có hoành hành khảo đảo đến đâu chăng nữa.
– Trụ tâm thiền giúp tiêu trừ nghiệp chướng, khai mở trí huệ, đoạn triệt vô minh – tham ái – chấp thủ ngã tướng, chuyển mê khai ngộ.
Bằng ngược lại, miệng còn mê dính máu thịt chúng sanh qua kẽ răng, thân tâm còn dâm uế nhơ nhớp trong khoái lạc chốn khuê phòng không chịu dứt tuyệt thì có khác gì tự trói đọa mình trong gông cùm ái dục và thống khổ trầm luân. Gương hạnh xuất thế cắt ái ly gia của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật khi tầm đường giải thoát cho chúng sanh khổ còn đó, hàng Phật tử hãy y theo đó trang nghiêm Đạo tâm, chơn chánh tu hành theo hạnh Phật! Chắc chắn với Đạo tâm hướng thượng chí thành thống thiết, thọ trì Phật Pháp một lòng chơn tu đến sanh tử chẳng màng thì không gì là không thể trên đường tu Phật!
Ngoài ra, Quý Phật tử hãy:
– Tỉnh giác nhẫn lực tâm thiền trong mọi oai nghi khi đi, đứng, ngồi, nằm ở mọi lúc mọi nơi.
– Thành tâm thống thiết sám hối. Chỉ có chơn sám hối, nghiệp chướng mới mau tiêu trừ hết đặng. Lưu ý trụ tâm thiền trong khi lạy Phật sám hối.
– Dùng Chánh kiến tư duy, chiêm nghiệm, quán chiếu thật sâu về Tam Pháp Ấn (Vô thường, Khổ, Vô ngã) và Tứ Niệm Xứ (Thân bất tịnh, Thọ thị khổ, Tâm vô thường, Pháp vô ngã) để trưởng dưỡng Đạo tâm làm bệ phóng cho công phu thiền định được thăng tiến.
Lưu ý: khi dục niệm khảo đảo vây khốn, thậm chí khiến cho bản thân muốn tự hủy phạm giới thể, hãy tỉnh giác ra trước bàn thờ Phật lạy sám hối ngay, sau đó tịnh tâm quán tưởng sự vô thường giả tạm của kiếp nhân sinh rồi trụ tâm thiền niệm Phật để kịp thời đối trị và hàng phục.
Sanh – lão – bệnh – tử là quy luật muôn đời, không ai tránh khỏi. Kiếp nhân sinh ngắn ngủi thoáng qua như sương sớm lìa cành, khi thọ mạng đã tận, nơi cuối đường luân hồi hỏi có ai kề bên ngoài tội phước phân minh sẽ phải đền trả công bằng (?). Trầm luân khổ báo, đọa lạc có phần, trôi lăn mê mải, hỏi có gì vui?
Tâm dẫn đầu các pháp.
Tâm là chủ, tạo tác.
Nếu nói hay hành động,
Với tâm niệm bất tịnh,
Khổ não liền theo sau,
Như xe theo bò vậy.
Tâm dẫn đầu các pháp.
Tâm là chủ, tạo tác.
Nếu nói hay hành động,
Với tâm niệm thanh tịnh,
An lạc liền theo sau,
Như bóng chẳng rời hình.
Kẻ buông lung phóng dật,
Tham ái tợ dây leo,
Đời đời vọt nhảy theo,
Như khỉ chuyền hái trái.
Ai sinh sống trên đời,
Bị ái dục lôi cuốn,
Khổ đau mãi tăng trưởng,
Như cỏ bị gặp mưa.
Kẻ vọng tâm tà ý,
Say đắm theo dục trần,
Tham ái ngày tăng trưởng,
Tự làm dây buộc thân.
Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.
Người đắm say ái dục,
Là tự lao xuống dòng,
Như nhện sa vào lưới,
Do chính nó làm xong;
Bậc trí dứt tham ái,
Ắt thoát khổ, thong dong.
Đốn cây không đào gốc,
Chồi tược sẽ lên hoài,
Tham ái chưa nhổ rễ,
Khổ đau mãi dằng dai.
Bậc trí giảng dạy rằng:
Dây đay, gai, gỗ, sắt,
Chưa phải loại buộc chặt,
Ham châu báu vợ con,
Mê trang sức phấn son,
Thứ đó buộc chắc nhất.
Bậc trí giảng dạy rằng:
Trói buộc đó rất chắc,
Trì kéo xuống thật chặt,
Khó tháo gỡ vô vàn,
Bậc trí nên cắt ngang,
Từ khước mọi tham ái.
Cắt ái đi xuất gia,
Khổ hạnh trong rừng già,
Đã giải thoát dục vọng,
Nhưng lại trở về nhà;
Kìa xem hạng người ấy,
Mở rồi buộc lại ta!
Dòng ái dục chảy khắp,
Như dây leo mọc tràn,
Thấy dây leo vừa lan,
Liền dùng tuệ đốn gốc.
Người bị ái buộc ràng,
Như thỏ bị trói ngang;
Tỳ kheo cầu Niết Bàn,
Phải dứt trừ tham dục.
Người thích trừ tà ý,
Quán bất tịnh, niệm thường,
Sẽ đoạn diệt tham ái,
Cắt đứt vòng Ma Vương.
Đến đích hết sợ hãi,
Ly ái, tham tiêu tùng,
Cắt tiệt gai sanh tử,
Thân này thân cuối cùng.
Thí nào bằng Pháp thí!
Vị nào bằng Pháp vị!
Hỷ nào bằng Pháp hỷ!
Diệt ái hết khổ lụy!
(Kinh Pháp Cú)
Diệu A Di Đà Phật _()_
Cổ Thiên
———————————-
Quý Phật tử có thể xem đoạn video sau (nguồn: VOX) rồi chiêm nghiệm sâu về Tam Pháp Ấn (Vô thường, Khổ, Vô ngã) của nhà Phật, từ đó nhẫn lực điều phục thân tâm vượt mọi chướng ngại, tinh tấn tu hành.
—————————————-
Xem bài: