vi-sao-toi-chon-giao-phap-dai-thua

Đạo tràng xin phép tác giả TÂM NGUYỆN được chia sẻ bài viết: VÌ SAO TÔI CHỌN GIÁO PHÁP ĐẠI THỪA tại nơi đây. 

Đại chúng hãy tịnh tâm, dùng Chánh Kiến – Chánh Tư Duy mà suy nghiệm tâm ý của tác giả trong tinh thần của người tu Phật chơn chánh, đừng sanh tâm phân tranh mà tự chướng. 

Diệu Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

————————————————— 

VÌ SAO TÔI CHỌN GIÁO PHÁP ĐẠI THỪA
Tâm Nguyện

(nguồn: http://newvietart.com/index4.1514.html)

—o0o—

Nhiều người không chấp nhận Kinh Đại Thừa, cho đó không phải là những lời do Đức Thích Ca giảng dạy, mà do những người sau ngụy tạo ra. Điều đó chúng ta nên hiểu như thế nào, bởi đúng là ngay thời kỳ Kết Tập lần thứ I chỉ có 4 Bộ Kinh được nói đến, đó là các Bộ TRƯỜNG A HÀM, TRUNG A HÀM, TĂNG NHẤT A HÀMTẠP A HÀM

Lịch Sử của Đạo Phật còn ghi lại: Ngay thời kỳ Kết tập Lần II, sau khi Phật nhập diệt khoảng 100 năm là đã có sự bất đồng quan điểm trong Nội Bộ Tăng chúng. Kể từ đó, các nhà lãnh đạo tinh thần Phật Giáo chia ra thành hai nhóm. Một nhóm là Thượng Tọa Bộ, là Trưởng Lão trong Tăng chúng, nói rằng giữ nguyên những gì Phật thuyết lúc sinh thời, ngày xưa gọi là Tiểu Thừa, sau này gọi là Phật Giáo Nguyên Thủy và nhóm thứ hai là Đại Chúng Bộ hay còn gọi là Đại Thừa. 

Là người muốn tìm hiểu để tu tập, hẳn chúng ta không khỏi hoang mang, vì rõ ràng hai bên, dù cùng xuất phát từ Giáo Pháp của Đức Thích Ca, nhưng khi đã tách ra ắt hẳn có một số điểm khác biệt. Tôi là người được học Giáo Pháp và Kinh Điển Đại Thừa. Quá trình tìm hiểu, tôi chấp nhận được lý lẽ của Giáo Pháp này, vì đã mang lại cho tôi một số hiểu biết mà khi đưa vào áp dụng thấy có nhiều lợi ích cho bản thân. Hoàn toàn không mê tín, thần quyền, cầu xin, nương tựa. Cũng không Cầu An, cầu Siêu mà chỉ tự mình giữ Giới, hành theo Bát Chánh Đạo là hai căn bản của Đạo Phật mà tôi tin là dù theo Thừa nào cũng phải giữ. Vì đã thận trọng đối chiếu nhiều Kinh với nhau, nhưng không thấy có gì mâu thuẫn trong lời Phật dạy, nên tôi cũng không thắc mắc xem Giáo Pháp của bên Phật Giáo Nguyên Thủy khác với bên Đại Thừa như thế nào. Dù vậy, trước khi đưa ra một quyển Kinh bên Đại Thừa là PHÁP BẢO ĐÀN KINH ra để mổ xẻ nghĩa lý, tôi cũng muốn tham khảo, nên lên mạng để tìm hiểu xem thế nào là sự khác biệt của hai Thừa. 

Thật là bất ngờ, khi tôi đọc được một bài bênh vực Giáo Pháp Phật Giáo Nguyên Thủy của một Phật Tử. Tôi đồng ý là mọi người đều có quyền chọn lựa giáo pháp nào mà mình thấy thích hợp và dùng mọi lý lẽ để bảo vệ. Nhưng đã là người tu Phật thì nên trình bày lý lẽ trong ôn hòa. Vì thế, tôi rất ngạc nhiên khi thấy người bênh vực Phật Giáo Nguyên Thủy lại thóa mạ người tin theo Đại Thừa là “ngu”, “óc heo” và thách thức bất cứ ai đưa ra luận cứ nào để chứng minh Đại Thừa là đúng! Bản thân tôi học Đạo với một cư Sĩ, không Quy Y với Thầy nào, Chùa nào, chỉ nghiên cứu và thực hành theo Kinh của Đại Thừa. Nhưng với lời Phật dạy thì tôi không cần xem do Phật Giáo Nguyên Thủy hay Đại Thừa phổ biến, cứ theo đó để tu sửa, nên không bao giờ có ý tranh biện hay ganh đua, đúng, sai, cao, thấp với ai. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, đây là một vấn đề khá tế nhị mà người Phật Tử thường phân vân, thắc mắc mà chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Bên nào lập luận xem ra cũng vững vàng. Người đi sau chỉ còn trông chờ vào duyên phận. Bởi suy cho cùng thì dù theo Phật giáo Nguyên Thủy hay Đại Thừa, dù hành chưa tới rốt ráo, nhưng ít ra cũng được pháp Thập Thiện, không còn gieo nhân xấu. Được vậy thì cũng tạm ổn rồi. Tuy vậy tôi phải tự trả lời cho chính mình: Điều gì khiến cho tôi hoàn toàn tin vào Giáo Pháp Đại Thừa mà dù nghe chê bai, xúc xiểm đến như vậy mà niềm tin không bị lung lay? Giả sử có ai hỏi thì tôi sẽ bảo vệ quan điểm của mình như thế nào cho đúng lý nhất? 

Theo tôi, nếu chỉ đơn thuần vin vào hai từ Nguyên Thủy, hẳn chúng ta sẽ bị thu nhiếp, vì hai từ đó nói lên sự giữ gìn, bảo tồn những gì Phật đã thuyết, đồng thời, cũng hàm ý là phía Đại Chúng Bộ có nhiều cách tân, không còn giữ đúng y như những gì Phật dạy từ buổi đầu. Kinh Điển của Đại Thừa cũng không do chính Phật thuyết, vì theo tài liệu ghi lại là những Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA, HOA NGHIÊM, KIM CANG, BÁT NHÃ, ĐẠI BÁT NIẾT BÀN, LĂNG NGHIÊM, VIÊN GIÁC, DUY MA CẬT, A DI ĐÀ, KINH GIẢI THÂM MẬT, ĐẠI THỪA TRANG NGHIÊM KINH LUẬN, LĂNG GIÀ, KINH THẮNG MAN vv… đều xuất hiện sau khi Phật nhập diệt cả 500 năm. Do đó, phía bên Phật Giáo Nguyên Thủy cho rằng những Kinh đó là ngụy tạo. Vì thế, theo Thừa này, tu tập theo đó làm sao bằng tu tập với ngay chính lời của Đức Phật thuyết giảng? Một Phật Tử khác cũng trích dẫn những điểm khác biệt giữa hai Thừa như sau: 

– Đại Thừa cho rằng mình là cỗ xe lớn, có thể chở được nhiều người đến Giải Thoát, trong khi Tiểu Thừa là cỗ xe nhỏ, chỉ độ được bản thân, hay độ được số ít. 

– Đại Thừa chê bên Tiểu Thừa là “tiêu nha bại chủng”, là hạt giống chết. 

– Phật Giáo Nguyên Thủy thì cho rằng Đức Phật chỉ là một người bình thường như mọi người trên quả địa cầu này, nhờ tu tập Thiền Định, đoạn trừ tận gốc Tham, Sân, Si, lậu hoặc mà đắc thành Chánh Quả, có được giải thoát, Niết Bàn, vì thế, mọi người ai cũng có thể noi theo và chứng quả như Phật. Trong khi đó, Đại Thừa nói rằng Phật đã thành Phật từ vô thỉ. Pháp Thân mới đúng là Thân Phật. Còn Nhục thân chỉ là ứng thân. Như thế, Đại Thừa đã biến Đức Phật từ người bình thường thành siêu nhân. Việc thần thánh hóa Đức Phật làm cho tín đồ trở thành người cầu xin, van vái, lệ thuộc vào tha lực. 

– Phật giáo Nguyên Thủy là tự giác, không tín ngưỡng. Trong khi đó, Đại Thừa xem đức tin là quan trọng bằng cách đưa ra một loạt các vị Thánh, Bồ Tát, Chư Phật có khả năng cứu rỗi chúng sinh. 

– Tư tưởng của Đại Thừa là “Vạn Pháp giai không, duyên sanh như huyễn”, nên không chấp vào sự hiện hữu của thế gian, vũ trụ. Nghĩa là tuy vạn pháp có đó mà trong tâm vẫn cứ như không. Vì không chấp nên không xa lánh thế gian mà không hề bị thế gian đắm nhiễm, tự tại, thanh tịnh Niết Bàn. Trong khi đó, nhận thức theo Phật Giáo Nguyên Thủy thì cuộc đời Vô thường, Hoại diệt, nay có, mai không, nên cố tu để chứng đắc Niết Bàn, Giải Thoát Sinh Tử Luân Hồi. 

– Phật Giáo Nguyên Thủy cho rằng Đức Phật là vị A La Hán đầu tiên của tất cả, mà có vài điểm đặc biệt đã nâng Ngài lên tầm mức phi thường, trở thành đấng Vô Thượng Đạo Sư của cả thế giới, đứng trên tất cả A La Hán khác. Do đó, A La Hán là quả vị tối thượng của con đường Giải Thoát, giác ngộ. Ngược lại phía Đại Thừa cho rẳng A La Hán chỉ là sự chứng đắc nửa đường, cứu cánh tối thượng là phải Thành Phật. 

Dù đây chưa phải là tiếng nói chính thức của Phật Giáo Nguyên Thủy, chỉ do một Phật Tử của bên này viết lên, trong đó cũng có cái nhận định đúng và chưa đúng về Kinh Đại Thừa theo như tôi đã tìm hiểu, nhưng tôi cũng nêu ra nhận định của mình để thử trả lời về những nhận xét đó. 

Thật ra, cũng theo tài liệu Đạo Phật, thì ngay chính 4 Bộ Kinh đầu tiên cũng không hẳn xuất phát từ thời kỳ Kết Tập lần đầu tiên, mà sau Phật nhập diệt khoảng 200 năm. Thời xưa có lẽ chưa có giấy và chữ viết, nên Lời Phật dạy chỉ do khẩu truyền, chư Đệ Tử chỉ học thuộc lòng thôi.

Trước khi đi vào mổ xẻ Giáo Pháp của hai bên, theo tôi, chúng ta cần lưu ý điểm này để có nhận xét cho trung thực. Đó là thời điểm Kết Tập lần thứ II diễn ra khoảng 100 năm sau khi Đức Thích Ca nhập Niết Bàn. Như vậy, tất cả các vị Tu Sĩ thời bấy giờ không còn người nào chính thức được nghe lời Đức Thích Ca giảng dạy, Kinh điển cũng chưa có. Tất cả đều do Khẩu Truyền. Mà chúng ta đều biết, đâu phải ai tu học cũng đều thuộc, đều ghi nhớ tất cả những gì đã được nghe thuyết. Lại không có văn bản để dò lại. Như vậy, chuyện người thuộc ít, kẻ thuộc nhiều. Người nhớ đúng, kẻ nhớ nhầm là chuyện đương nhiên. Dù vậy, có một điều đáng lưu ý, là bên ĐẠI CHÚNG BỘ vẫn không quên di ngôn của Đức Thích Ca, vẫn giữ nguyên việc TRUYỀN Y BÁT, là chỉ VỊ NÀO CHỨNG ĐẮC mới được thay mặt Tổ trước, cầm nắm Chánh Pháp, thống lĩnh Tăng Đoàn. Quyết định mọi việc của Đạo. Chính Thượng Tọa Bộ mới là nhóm phản đối để tách ra riêng, thành lập giáo phái riêng. Đầu tiên gọi là Tiểu Thừa, sau đổi thành Phật Giáo Nguyên Thủy. Từ đó, bên Phật Giáo Nguyên Thủy không hề nhắc gì đến việc TRUYỀN Y BÁT, là một phần hết sức quan trọng trong Đạo Phật. Trái lại, còn cho Kinh Điển do các Tổ giảng là ngụy tạo! 

Lý do vì sao có việc Truyền Y Bát cũng chẳng có gì là khó hiểu. Ai có học qua lý thuyết của Đạo Phật đều biết, Phật dạy: “Những gì CÓ TƯỚNG đều là hư vọng”. Chính vì vậy, hơn ai hết, Đức Thích Ca biết rằng cái Thân Phàm của Ngài một thời gian nào đó cũng sẽ bị hư hoại. Trong khi đó, Giáo Pháp mà Ngài đưa ra giảng dạy mới được có hơn 40 năm. Tăng Già mới thành lập, còn non trẻ. Một số còn chưa nắm vững Giáo Pháp. Nếu không có người Chứng đắc, Lý, Hạnh vẹn toàn để thay mặt Ngài cằm nắm Tăng Đoàn và phát huy Đạo Pháp thì e rằng những gì Ngài đã giảng dạy khó thể tồn tại lâu dài, nên VIỆC TRUYỀN Y BÁT được đặt ra trước khi Ngài nhập Niết Bàn. 

Việc làm đó được lịch sử của Đạo ghi lại, là trong một lần thuyết pháp, giữa Đại chúng, Đức Phật cầm cành SEN đưa lên. Đại chúng đều ngơ ngác, riêng Ngài Ca Diếp mỉm cười. Nụ cười đó đến nay hãy còn là bí ẩn đối với nhiều người tu Phật. Nhưng với người có nghiên cứu thì đều biết là trong khi mọi người không hiểu Đức Thích Ca muốn nói gì trong việc đưa cành Hoa Sen – sau này được dùng làm biểu tượng cho Đạo Phật – thì Ngài Ca Diếp mỉm cười, vì Ngài đã nắm vững Giáo Lý của Đạo Phật. Biết rằng dù Đức Thích Ca dùng bao nhiêu phương tiện để dẫn dắt. Nói bao nhiêu Quả Vị. Tả bao nhiêu cảnh giới. Nhưng cuối cùng chỉ là để người học, hành theo ĐƯỢC NHƯ HOA SEN, dù sinh trưởng trong bùn, nhưng không bị bùn làm cho ô nhiễm. Cũng giống như con người, dù sinh trưởng trong Phiền Não, nhờ Giáo Pháp của Đạo Phật mà không bị Phiền Não nhấn chìm, để cuộc sống ngắn ngủi này được an vui. Vì thế, Đức Thích Ca biết Ngài Ca Diếp đã nắm vững Giáo Pháp, Lý, Hạnh viên dung, nên giữa Đại Chúng, TRAO Y BÁT cho Ngài. 

Do vậy Y, BÁT không chỉ là hai vật dụng Đức Phật dùng khi sinh thời, mà còn là Tín vật của Phật được trao truyền từ đời nọ sang đời kia, để mọi người nhìn vào, biết đó là người thay mặt Phật để cầm nắm Chánh Pháp, thống lãnh Tăng Đoàn và quyết định mọi việc khi Phật không còn tại thế. Người được trao Y Bát để làm Tổ kế nhiệm là người đã CHỨNG ĐẮC, nên đương nhiên cũng được xem như PHẬT HIỆN TIỀN. Do đó, những gì Tổ sau dạy bảo thì cũng không khác với Tổ trước và với Phật trước kia. Do đó, người tự mình chê Kinh Đại Thừa là coi thường các Tổ và bất lợi cho mình rồi. Truyền bá tư tưởng đó để người khác phỉ báng và ngăn trở để họ không có cơ hội đọc để mở mang sự hiểu biết thì tội còn nặng thêm. Chỉ những người không hiểu Nhân Quả mới dám làm. 

Sau khi trao Y Bát cho Ngài Ca Diếp, Đức Phật dặn dò sau đó trao lại cho Ngài A Nan, vì trong nhóm Đại Đệ tử đương thời, Ngài A Nan là người thuộc Pháp của Phật làu thông “Như nước trong bình đổ ra, không thiếu một giọt”. Duy có điều lúc đó cái Hạnh của Ngài còn thiếu sót, nên phải chờ thêm một thời gian để hoàn chỉnh. Đức Phật cũng dặn dò là Y BÁT sau đó sẽ tiếp tục truyền mãi để thời nào cũng có người cầm nắm Chánh Pháp. 

Chính vì không hiểu hết ý nghĩa của việc Truyền Y Bát, chỉ thấy rằng đó là tín vật mà người giữ nó sẽ được thay mặt Phật, cầm nắm Tăng đoàn, phát huy Đạo Pháp, nên nhiều người tìm cách để tranh đoạt. Sự tranh chấp ngày càng gay gắt đến độ người giữ nó sẽ nguy đến tính mạng nên Ngũ Tổ dặn Lục Tổ phải dấu đi, không được Truyền nữa. Y Bát được truyền đến đời Lục Tổ là Tổ Thứ 33 thì mất dấu. 

Chúng ta đều biết, Đức Thích Ca đầu tiên đắc đạo ra giảng dạy cách đây đã hơn 2.550 năm. Thời đó ngôn ngữ chưa phong phú. Sự hiểu biết của con người cũng có giới hạn. Phật Pháp lại nói về cảnh giới sâu kín ở trong Tâm nên rất khó diễn tả. Cũng nhờ có các Tổ về sau gần thời của chúng ta khai triển, nên Giáo Pháp của Đạo Phật ngày càng rõ ràng thêm. Những vị giảng Kinh Đại Thừa đều là những TỔ CHÂN TRUYỀN. Không phải thầy tu nào cứ đi tu một thời gian là có quyền giảng và viết Kinh tràn lan như hiện nay. Dù vậy, chỉ có những quyển Kinh do các Tổ giảng dạy mới có giá trị đối với Đạo Phật mà Lịch sử Đạo còn ghi lại: Đó là Ngài MÃ MINH, Tổ thứ 12. LONG THỌ, là TỔ thứ 13. Ngài Đề Bà, Tổ Thứ 14. Tổ Đạt Ma thứ 27 và cuối cùng là Lục Tổ Huệ Năng. Còn lại là biết bao nhiêu Luật, Luận do các giảng sư thời trước đã viết, nhưng không thể gọi đó là chính Kinh, không thể xem đó như lời của Phật để tin theo. 

Việc TRUYỀN Y BÁT cho người Chứng Đắc đã quá rõ ràng, lịch sử Đạo còn ghi lại đầy đủ. Vì thế Kinh của các Tổ viết hay giảng không thể nói là ngụy tạo, là kinh của ngoại đạo được. Ngược lại, các Ngài còn khai sáng thêm những điều trước đây do không đủ ngôn từ để diễn tả nên tưởng là “xa kín nhiệm sâu”. Chính các nhà nghiên cứu về sau cũng thừa nhận là Kinh của các Tổ cũng bắt nguồn từ những lời Phật đã giảng khi xưa. Việc chối bỏ những lời dạy của các Tổ chứng tỏ người làm như vậy đã coi thường Di Ngôn của Đức Thích Ca. Vì nếu việc Truyền Y Bát không có giá trị của sự thông đạt Giáo Pháp thì cần gì phải lựa chọn người Chứng Đắc mới truyền? Người này không cần tu lâu. Không cần uyên bác. Không luận già hay trẻ. Thậm chí xem lịch sử Chư Tổ ta thấy còn truyền cả cho người chưa Xuất Gia, chưa thế phát, Quy Y, như trường hợp của Lục Tổ Huệ Năng. Chính điều đó làm cho nhiều người không hiểu nên không chấp nhận được. Nhưng nếu ai có đọc Pháp Bảo Đàn Kinh sẽ có dịp so sánh thế nào là lời giảng của vị đã Đắc Pháp và của người chưa đắc pháp, chứng tỏ Ngũ Tổ không hề nhầm lẫn. 

Tiếp theo đây, xin trả lời một số điểm đã nêu ra theo những gì tôi lãnh hội được từ Kinh Đại Thừa. 

* Theo Phật Giáo Nguyên Thủy, Đức Thích Ca cũng là vị A La Hán đầu tiên. Do đó quả vị A La Hán là quả vị tối thượng, giác ngộ. 

* Giác Ngộ trong Đạo Phật cũng có nhiều tầng bậc mà chư Cổ Đức gọi là “Nghi lớn, Ngộ lớn. Không nghi, không Ngộ”. Không phải vị Giác Ngộ nào cũng toàn giác như Đức Thích Ca. Chúng ta cũng gọi Đức Thích Ca là Phật Thích Ca, không ai gọi Ngài là A La Hán Thích Ca. Chính Ngài cũng xưng: “Ta là Phật đã thành”. Như vậy quả vị A La Hán và quả vị Phật là hai sự thành tựu khác nhau. Không thể là A La Hán rồi nâng cấp lên thành Phật được. 

Quả Vị A La Hán là do Đức Thích Ca đặt ra vì sợ nhiều người tu hoài mà không thấy đạt được thành tựu nào sẽ nản lòng. Theo Kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì Kinh này chính là để giảng cho các vị A La Hán để mở Con Đường Độ Sinh cho các vị bước vào Hạnh Bồ Tát, nhưng nhiều vị đã bỏ ra về trước khi Phật giảng. Điều đó chứng tỏ vì sao bên Phật Giáo Nguyên Thủy không đề cập đến Hạnh Bồ Tát, vì các Ngài dừng ở Quả vị A La Hán, nên chỉ thấy các Pháp là KHÔNG. Và theo Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, người chưa hiểu, chưa Hành Hạnh Bồ Tát, chưa biết Con Đường Độ Sinh thì không thể nào đạt đến quả vị Phật được. 

* PHẬT theo Kinh Đại Thừa, thì không phải là một vị Thần Linh, mà nói về người đã “Thành tựu công việc giải Thoát cho bản thân”. Cũng không phải là ngôi vị độc tôn. Người nào làm được thì người đó là PHẬT. Chính vì vậy mà Đức Thích ca đã Thọ Ký: “Ta là Phật đã thành, Chúng sinh là Phật sẽ thành.”Nên nói rằng Đại Thừa “thần thánh hóa” Đức Phật để tín đồ lấy Đức Tin là quan trọng, rồi cầu xin, van vái, lệ thuộc vào tha lực là hoàn toàn sai. 

A LA HÁN theo mô tả trong Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA là: “Các lậu đã hết, không còn phiền não, việc lợi mình đã xong. Dứt sự ràng buộc trong các cõi”. Pháp của các vị Chứng Đắc là PHÁP KHÔNG. Các vị đã tưởng chỉ cần làm như thế là xong, vì đã được cảnh an lạc, gọi là Niết Bàn. Vì thế, nên khi Đức Phật bắt đầu giảng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì các vị đều nghi ngờ, thắc mắc, không hiểu Phật dạy pháp Giải Thoát, chứng Niết Bàn, các Ngài đã chứng rồi, nay cớ gì Phật lại khen ngợi pháp Phương Tiện, cho là nhiệm mầu, rất sâu, khó hiểu? 

Bài Kệ giải thích: “Vì các loại chúng sanh. Phân biệt nói ba Thừa. Trí kém ưa pháp nhỏ. Chẳng tự tin Thành Phật. Cho nên dùng phương tiện. Phân biệt nói các Quả. Dầu lại nói Ba Thừa. Chỉ vì dạy Bồ Tát”. “Các pháp tướng tịch diệt. Không thể dùng lời bày. Bèn dùng sức phương tiện Vì Năm tỳ Kheo nói. Đó gọi Chuyển Pháp Luân. Bèn có tiếng Niết Bàn. Tên Pháp,Tăng sai khác”. 

Theo lời Kinh, sau khi nghe giải thích, các vị A La Hán rất vui mừng, biết rằng mình cũng sẽ được Thành Phật, nên các Ngài đã dùng Thí Dụ để diễn tả lại là trước kia các Ngài trừ hết tà kiến, được chứng Pháp KHÔNG thì cho rằng mình đã được diệt độ, không còn ham muốn gì nữa. Bây giờ nghe Phật nói mới biết rằng muốn Thành phật là phải đủ 32 tướng, được Trời, rồng, thần cung kính, chuyển Pháp Luân Vô thượng, Giáo Hóa các Bồ Tát thì mới Thành Phật được. 

Có đọc Kinh Đại Thừa để thấy lời giảng của Chư Tổ, ta mới thấy tất cả những cảnh giới, những nhân vật, từ Nước Phật, cho đến PHẬT, BỒ TÁT, Chúng Sinh, Chư Thần, thiên ma, trời, rồng dữ vv… kể cả Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới… đều là những mô tả của Phật về cảnh giới trong NỘI TÂM của mỗi người. Do vậy, người không biết đến CÁI TÂM mà Đạo Phật diễn tả, thường hướng ra, tưởng tượng đó là một cảnh giới ở đâu đó, do đó mà trở thành Thần Quyền, mê tín. Ngay việc CÚNG DƯỜNG PHẬT cũng chỉ để nói về việc ĐỘ CHO CHÚNG SINH CỦA CHÍNH MÌNH, không phải cúng dường một hay nhiều vị Phật nào đó ở bên ngoài! 

CHÚNG SINH được chư Tổ giải thích rõ: Đó là tư tưởng của mỗi chúng ta. Chuyển hóa được một tư tưởng xấu, ác trở nên trong sạch, thánh thiện, để nó được Giải Thoát thì gọi là CÚNG DƯỜNG MỘT VỊ PHẬT. Vì thế, một kiếp sống mỗi người sẽ CÚNG DƯỜNG VÔ LƯỢNG VÔ SỐ ỨC ĐỨC PHẬT

PHẬT là nghĩa của GIẢI THOÁT. Tu là điều phục, sửa chữa, tháo gỡ nơi Cái Tâm đang dính mắc của mỗi người để cuối cùng được Giải Thoát, nên gọi là TU PHẬT. Không phải sửa nơi hình tướng, mà là SỬA NƠI TÂM. Vì thế, TU PHẬT được gọi là TU TÂM. Người chưa Thấy Tâm của mình để Sửa thì như lời Ngũ Tổ dạy: ‘NẾU KHÔNG THẤY BỔN TÂM THÌ HỌC PHÁP VÔ ÍCH”. Bởi không Thấy TÂM thì việc tu hành chỉ thực hiện nơi hình tướng bên ngoài mà thôi. 

Các Tổ ví cái TÂM như con trâu, THÂN là cái xe. Con Trâu kéo cái xe đi phá hư lúa mạ. Nếu chúng ta không không chế CON TRÂU, lại o ép, đánh dập, hành hạ CÁI XE thì vô ích, vì khi CÁI XE bị hư, thì CON TRÂU lại tiếp tục kéo CÁI XE khác đi phá. Do đó, khi tu hành, nếu không thấy được THỦ PHẠM là CÁI TÂM để điều phục, thì dù có bắt CÁI THÂN giữ 250, 350, thậm chí giữ cả ngàn GIỚI thì cũng vô ích mà thôi… 

* Đã biết được cái TÂM thì biết rằng Nhục Thân không phải là Phật, vì nó không thoát khỏi Quy Luật Sinh, Lão, Bệnh Tử. Chỉ có Pháp Thân hay Pháp Tánh là Vô Tướng mới thoát khỏi Quy Luật này thôi. Nếu Nhục Thân của Đức Thích Ca là Phật, thì chính ngài cũng đã Nhập Niết Bàn, Trà tỳ. Làm sao nói rằng Thoát Sinh tử? Sở dĩ Đại Thừa nói rằng Đức Thích Ca đã thành Phật từ Vô Thỉ, là vì không riêng gì Ngài. Tất cả mọi chúng ta đều có sẵn Bổn Tánh Giải Thoát, nhưng vì trôi lăn nên quên mất. Vì vậy, tu hành chỉ là Xả Bỏ những ràng buộc để Trở Lại với cái Vốn Có, không phải thành tựu điều gì mới mẻ. Vì thế, không riêng gì Đức Thích Ca, mà ai Biết cách và có quyết tâm cũng đều có thể làm được. 

* Sở dĩ Kinh Đại Thừa chê Tiểu Thừa là “hạt giống lép”, là “tiêu nha bại chủng”, là vì nếu các vị thật sự ĐẮC CÁI KHÔNG, thì đâu còn thấy gì. Trên không thấy có Phật để học hỏi. Dưới cũng không thấy chúng sinh để độ, thì còn làm ích gì được cho ai? Còn nếu chưa Đắc cái Không thì làm sao đạt được Quả Vị A La Hán? Hơn nữa, cái THẤY CÁC PHÁP LÀ KHÔNG đó không ứng dụng được và mâu thuẫn. Bởi hàng ngày các vị vẫn mặc áo, ăn cơm, tiếp xúc với mọi người, toàn là PHÁP CÓ, sao nói là KHÔNG được. Ngược lại, Đại Thừa cũng biết các pháp là Không, nhưng chấp nhận hiện tại nó đang TẠM CÓ, nên điều phục cái Tâm mình để KHÔNG CHẤP vào đó. Nhờ đó mà không bị Phiền Não, gọi là được Giải Thoát. Lý giải đó thuận đời mà cũng không trái với Đạo. Hơn nữa, Tu Phật là ĐỂ ĐƯỢC GIẢI THOÁT, đâu phải để ĐẮC QUẢ. 

* Cho rằng kinh Đại Thừa viết: “Chỉ có Phật mới hiểu Phật”. Như vậy thì sai chỗ nào? Phải chăng chỉ người có đến nơi nào đó mới thấy, mới hiểu, mới tả được cảnh vật nơi đó. Người chưa đến, chỉ tưởng tượng làm sao biết để tả được! Cái đó đâu thể gọi là Tăng thượng Mạn? 

Dù có nhiều điểm dị biệt, nhưng cho đến hiện nay, hai bên Đại Thừa và Phật Giáo Nguyên Thủy đều chấp nhận một số Giáo Pháp căn bản của Đức Thích Ca đã giảng dạy gồm: 

– Tứ Thánh Đế, Bát Chánh Đạo, Lý Duyên Khởi.
– Tam Pháp Ấn: Khổ, Không, Vô Ngã. 
– Con đường tu tập: Giới, Định, Huệ. 

Xét cho kỹ thì Giáo Pháp Đại Thừa đâu có khác gì với bên Phật Giáo Nguyên Thủy, vì cũng dùng các Pháp của Đức Thích Ca đã dạy, là Tứ Thánh Đế, BÁT CHÁNH ĐẠO, Giới Định Huệ, là những căn bản mà người tu nào cũng phải thực hành. Nếu người tu theo bất kể Thừa nào, Phái nào mà thật sự hành theo Bát Chánh Đạo, hẳn lúc nào cũng lo Thu thúc Lục căn. Vì có CHÁNH KIẾN, CHÁNH TƯ DUY, CHÁNH NIỆM, CHÁNH NGỮ vv… Hành đúng theo đây thì THÂN, KHẤU Ý lúc nào cũng được giữ gìn, nhờ đó sẽ được thanh tịnh, tâm sẽ an lạc. Do đó, bất kỳ người bên Thừa nào. Nếu còn tranh phải quấy, hơn thua. Còn dành nhau Danh uy, tài, lợi thì chứng tỏ là người đó chưa thật sự Tu sửa. 

Dù vậy, tôi vẫn chọn ĐẠI THỪA bởi các lý do: 

1/- Đại Thừa vẫn trung thành tuân giữ DI NGÔN của Đức Thích Ca trong việc Truyền Y Bát, để người Chứng Đắc mới được cầm nắm và rao giảng Chánh Pháp. Điều đó có lợi cho bá tánh. Kẻ chưa chứng đắc thì làm sao biết Pháp để giảng cho đúng đường lối Phật dạy? Nếu không Chứng Đắc mà cứ “Y Kinh giải nghĩa” thì “Tam thế Phật oan”, chồng mê cho người. Đó là tội Phá Pháp! 

2/- Quan niệm, đường lối tu hành của Đại Thừa theo tôi, hợp lý, đúng với thực tế hơn. Không gò bó trong khuôn khổ, hình thức, mà chú trọng nội dung. Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA viết: “Cõi nước chỗ nào nếu có người thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép, ĐÚNG NHƯ LỜI TU HÀNH, hoặc là chỗ có quyển Kinh, hoặc trong vườn, hoặc trong rừng, hoặc dưới cây, hoặc tăng phường, hoặc nhà bạch y, hoặc ở điện đường, hoặc núi hang đồng trống, trong đó đều nên dựng tháp cúng dường. 

Vì sao? Phải biết chỗ đó chính là đạo tràng, các Đức Phật ở đây mà đặng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Các Đức Phật ở đây mà Chuyển Pháp Luân. Các Đức Phật ở đây mà nhập Niết Bàn”. 

“Ở đây” theo tôi hiểu, là ở chỗ ‘ĐÚNG NHƯ LỜI TU HÀNH”. Như vậy thì cần gì phải mặc Y, cạo tóc, ở trong Chùa? Bởi người đời cũng nói “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Phật cũng dạy: “Nếu chiếc áo Cà sa có oai lực giải trừ Tham, Sân, Si, thì cha mẹ hoặc người thân chỉ cần khoác nó lên mình đưa bé khi nó mới chào đời là đã được được toại nguyện”. Ai cũng hiểu, giả sử nếu có người đầy đủ hình tướng, ở trong Chùa, nhưng phá Giới, tâm địa thì nhỏ nhen, ác độc, dối thế, gạt đời… liệu có thể gọi đó là bậc tu hành, và tu lâu thì đắc đạo chăng? Nếu không phải, thì đã xác nhận lời Kinh Diệu pháp Liên Hoa là chính xác rồi. 

* Tiểu Thừa thì hạn chế, cho rằng phải Xuất Gia, phải đầy đủ hình tướng mới tu hành được. Trong khi Đại Thừa cho rằng: Bất cứ ai. Bất cứ ở đâu. Ăn vận như thế nào. Có gia đình hay độc thân. Nam hay Nữ. Già hay trẻ. Vẫn làm ăn kinh doanh bình thường như mọi người, MIỄN Y PHÁP TU HÀNH thì đều thành Phật. Như vậy Đại Thừa chẳng phải là Cỗ Xe Lớn, ĐỘ được nhiều người sao? 

Quan trọng hơn hết là Giáo Pháp của PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY do không chấp nhận sự hướng dẫn của CHƯ TỔ được TRUYỀN Y BÁT, nên các Ngài dừng ở chỗ thấy được CÁI KHÔNG của các PHÁP mà thôi. Không thấy, không đề cập đến Cái Tâm. Vì thế, người thực hành theo Giáo Pháp này thì cũng giống như Bài Kệ của Sư THẦN TÚ, mới chỉ nhận ra THIỆN, ÁC để CẢI ÁC, HÀNH THIỆN. Trong khi người THẤY TÁNH như Ngài Huệ Năng, biết rằng mỗi người đều có cái CHÂN TÁNH. Cái này vượt lên cả THIỆN ÁC. Tu hành chính là tìm về với cái CHÂN TÁNH, hay còn gọi là BỔN THỂ TÂM đó. 

Nếu có đọc Kinh Đại Thừa, ta sẽ thấy rất nhiều giải thích về ý nghĩa thật sự những hình tướng mà các Tu Sĩ vẫn đang thể hiện. Xin tạm nêu một số sau: 

XUẤT GIA không phải là chỉ rời bỏ gia đình, cha mẹ, vợ con… mà là RA KHỎI NHÀ LỬA TAM GIỚI. 

CẠO TÓC không phải là cạo đầu, mà ý nghĩa thật sự là CẠO SẠCH PHIẾN NÃO. 

ĐẮP Y không chỉ là khoác trên người mảnh Y màu vàng của nhà Phật, mà là TRÙM PHỦ LÊN THÂN TÂM một màu Giải thoát. 

KHẤT THỰC không phải là đi xin thức ăn phàm tục, và với người Tu có nghĩa là KHẤT PHÁP THỰC. Vì thực phẩm phàm chỉ nuôi dưỡng cái Thân Phàm. Chỉ có Pháp Thực mới nuôi dưỡng Pháp Tánh. Do đó, nếu chỉ làm theo hình thức mà không hiểu được ý nghĩa thì việc Khất Thực có khác gì với người phàm đi xin ăn? 

– Việc THẮP HƯƠNG cũng không phải là lấy lửa đốt lên những cây nhang có tẩm mùi thơm. Mà là lấy LỬA TRÍ HUỆ, đốt lên HƯƠNG GIỚI, ĐỊNH, HUỆ, GIẢI THOÁT, GIẢI THOÁT TRI KIẾN. tức là Giữ cái Tâm không tưởng nhớ điều quấy, không làm việc ác, không Tham Lam, Giận Hờn, Thương, Ghét. Giữ cái Tâm không tán loạn, không dính vào lành, dữ, nhân, ngã, lại học rộng, nghe nhiều để củng cố sự hiểu biết về Đạo pháp vv… 

CHÙA là nghĩa của THANH TỊNH ĐỊA. ĐỊA đây là nói về ĐẤT TÂM. Có nghĩa là tẩy, rửa, cải tạo cho cái TÂM của mình hết tội lỗi, hết nghĩ ác, làm ác, để nó được thanh tịnh, là ta đã biến cái TÂM của mình thành nơi cho Phật ngự. Không phải là dùng vật liệu phàm tục rồi xây cái nhà với mái cong và đặt nhiều tượng Phật vô đấy với vài vị Sư, Tăng đầu tròn, áo vuông thì nơi đó trở thành Chùa. 

PHẬT có nghĩa là GIẢI THOÁT. Người Giải Thoát cho bản thân hết Phiền Não thì đó là PHẬT. Do vậy mà Kinh mới gọi là BA ĐỜI PHẬT. Tức là Quá Khứ đã có nhiều vị được Giải Thoát. Hiện Tại cũng có, mà Tương Lai cũng sẽ có nếu làm đúng theo những lời Phật dạy. 

– Phật Thừa là Đắc cái Vô Sở Đắc, cái không còn Ta Chứng Đắc. A LA HÁN còn Sở Đắc. Kinh Đại Thừa viết: Trong Phật Pháp, người có chứng đắc là kẻ Tăng thượng mạn. 

TRỪ TAM TÂM không có nghĩa là bỏ hết các Tâm Quá Khứ, Tâm hiện tại, Tâm vị lai, mà là TRỪ ĐI TÂM THAM, TÂM SÂN, TÂM SI. Bởi vì nếu con người đang sống mà bỏ hết mọi nghĩ tưởng thì trở thanh gỗ, đá vô tri. Đạo Phật đâu có dạy người tu để trở thành vật vô tri. 

Do vậy mà Kinh dạy có 4 điều nên Y theo, gọi là TỨ Y: Y TRÍ BẤT Y THỨC. PHÁP BẤT Y NHÂN. Y NGHĨA BẤT Y NGỮ. Y KINH LIỄU NGHĨA BẤT Y KINH VỊ LIỄU NGHĨA. Có nghĩa là hãy Y theo TRÍ, tức là sự hiểu biết sáng suốt về Đạo Pháp, dừng y theo sự hiểu biết thông thường của con người. Y theo Pháp mà học hỏi, tu hành, đừng Y theo người, (nghĩa bóng là hình tướng bên ngoài). Y theo NGHĨA, đừng Y theo chữ. Và Y theo Kinh khi đã rõ nghĩa, đừng y theo Kinh khi chưa rõ nghĩa. Những lời như thế liệu phàm phu, ngoại đạo nào có thể viết ra? 

Ngoài ra, khi đối chiếu với Chính Kinh, tôi thấy có rất nhiều nghi vấn đối với các vị tu hành hiện nay. Trước hết, tôi cho rằng cái hiểu về ngôn từ của Đạo Phật dù chùa chiền nhiều như vậy nhưng Phật Tử vẫn chưa được giải thích rõ ràng. Đến thời này nhiều người vẫn còn hiểu, còn tin là Phật quyền phép vô song, cứu độ tất cả chúng sinh, cầu gì được nấy, nên sống thì cầu an, chết thì cầu siêu. Cầu thăng quan tiến chức, tai qua, nạn khỏi, không biết rằng Đạo Phật cũng được gọi là Đạo NHÂN QUẢ. Nếu đã thật sự tin vào Nhân Quả thì việc cầu xin, cúng kiến có ích gì? 

Ngoài ra, nếu chúng ta đã hiểu Ý NGHĨA THẬT SỰ CỦA CHÙA, thì mỗi người cần thành lập, cải tạo cho cái Tâm đầy gò nỗng, rồng dữ, cá trạch, thuồng luồng, độc ác của mình thành một khu đất Thanh Tịnh. Chuyển những chúng sinh độc ác thành thánh thiện. Cảnh nhơ bẩn thành trong sạch. Ai cũng có nghe nói là PHẬT TẠI TÂM. Vì vậy, Nước Phật được Kinh tả là có “Ao nước chứa tám Công Đức”. Thật ra đó chỉ là ý nghĩa của kết quả việc Hành theo Bát Chánh Đạo. Và“dây vàng, Bảy Báu giăng khắp”. Đó chỉ là thành tựu của việc trừ 7 Nghiệp nơi THÂN, KHẨU, Ý. Những công việc như vậy gọi là DỰNG MỘT CẢNH CHÙA TRONG NỘI TÂM, để cho CHƯ PHẬT của mình ngụ. Kinh giải thích “Phật là Vô Tướng, do vô lượng Công Đức mà thành”, tức là nói về Công Đức Trì Giới, hành Thiện hạnh của mỗi người, tạo thành những sự an lạc, thanh tịnh trong Tâm. Như vậy thì xây Chùa hữu tướng cho to để Phật nào ngự? 

Nếu chúng ta ý thức được Đạo Phật dạy mỗi người “TỰ TU”, “TỰ ĐỘ”. Con của Phật là La Hầu La, em của Ngài là A Nan cũng phải tự tu để tự độ thì mỗi người lo TỰ ĐỘ LẤY MÌNH, đâu cần người khác phải Độ cho. Thời xưa, khi mới nhóm họp Tăng Chúng, Đức Thích Ca cần phải tách rời những người tu ra khỏi mọi xô bồ, làm ăn, chung đụng với người đời, để tập trung lo học hỏi đạo pháp làm nồng cốt cho Đạo, nên cần có người cung dưỡng để những người tu toàn tâm toàn ý mà học hỏi để sau này quảng bá. Cho nên Phật dùng phương tiện nói rằng “Chùa Chiền là ruộng phước của bá tánh. Người cúng dường nơi đó sẽ được phước báu vô lượng”. Nhưng tới thời này, Đạo Phật đã thịnh hành, Kinh Điển đã được dịch ra tiếng Việt, ai cũng có thể thỉnh về để tự đọc và hành trì theo. Phật pháp cần phổ cập, để mọi người vẫn cứ giữ tròn bổn phận làm người, làm công dân, làm con, làm cha mẹ của mình, tùy theo khả năng để chung tay, góp sức trả nợ cuộc đời. Trong đó vẫn tu sửa cái Tâm để bản thân mình ngày càng hoàn thiện hơn. Xã hội không còn cảnh đấu tranh, giành giật, tàn sát lẩn nhau. Để mọi người cùng được an vui trong kiếp sống ngắn ngủi này. Kiếp sau nếu có thì lại càng tốt đẹp hơn. Đó là mục đích của Đạo Phật, và như thế mới đúng với ý nghĩa của HOA SEN mà Đạo Phật dùng làm biểu tượng. Đâu cần phải đóng khung, lìa bỏ cuộc đời mới tu được ? TU chỉ mang một nghĩa duy nhất là SỬA. Vậy thì Ở đâu? Mặc gì? làm gì mà không SỬA được? Hơn nữa, nếu tách rời thế gian, tránh né pháp, không tiếp xúc với nó thì mới tu được thì làm mất đi ý nghĩa thật sự của Hoa Sen mà Phật muốn con người noi theo, vì HOA SEN vẫn tiếp tục nở hoa trong bùn, đâu có bứng đi để trồng vào chậu nước tinh khiết, tách rời khỏi bùn? 

Ai cũng biết: “Ông tu, ông đắc, bà tu, bà đắc” thì việc thu nhận quá nhiều người đang tuổi trẻ, sức khỏe dồi dào, có thể đóng góp cho xã hội, lại rủ bỏ hết, vô Chùa để chỉ tụng Kinh, Niệm Phật, trở thành gánh nặng thêm cho người đời vốn đã mỏi mệt với bon chen. Hưởng dụng đồng tiền mồ hôi, nước mắt của người khác liệu có đúng Chánh Pháp không? Vả lại, trong đó kẻ thật tâm tu hành cũng có, mà kẻ lợi dụng Đạo để được nhàn thân ắt là đông hơn – Bằng chứng là trong số hơn mười mấy ngàn ngôi Chùa rải rác trên cả nước và cả mấy trăm ngàn Tăng Ni chính thức, được bao nhiêu người thật sự Ngộ Đạo, có thể giảng nói Phật Pháp, làm ích lợi cho bá tánh? Hơn nữa, dù là thật tâm tu hành đi nữa, nhưng việc tu hành theo Đạo Phật chỉ là TỰ ĐỘ, thì việc nhờ người khác Độ cho để mình rảnh rang, nhàn thân để tu hành, Thành Phật, liệu có phải là Chánh Nghiệp, Chánh Mạng? 

Đối chiếu cuộc sống của Phật, Tổ, và nhìn vào thực tế của các vị tu hành hiện nay tôi thấy có quá nhiều khác biệt. Trong khi Đức Phật Thích Ca và Chư Tổ cả đời tu hành chỉ Một Y, Một Bát. Đức Thích Ca còn mặc vải liệm thi. Mã Tổ Bách Trượng còn “Nhất Nhật bất tác, nhất nhật bất thực” mà nhiều người tu thời nay chưa thoát được cái ham hố vật chất. Dùng điện thoại di động đời mới. Di chuyển bằng phương tiện đắt tiền. Chùa sang còn gắn máy lạnh cho tu sĩ! Chùa nhỏ phấn đấu để cất to thêm. Thậm chí như một ngôi Chùa ở Đài Loan, Bồ Đoàn ở Chánh Điện dùng toàn gấm đắt tiền. Các Sư còn có phòng tắm Sauna để thư giãn. Đi khất thực bằng xe Lexus! Như vậy rõ ràng vẫn tiếp tục cưng chiều, phục vụ cho cái Thân và phung phí tiền bạc của bá tánh. Như vậy mà cho rằng đang Tu hành phải chăng là Vọng Ngữ, mà đã Vọng Ngữ thì có xứng đáng là Đệ Tử Phật? Như thế thì việc thọ nhận sự kính trọng và cúng dường của bá tánh liệu có thoát được nghiệp quả? 

Ở nước ta thì người dân còn nghèo khổ. Nhiều nơi không làm nổi chiếc cầu để đi. Qua sông phải đu giây, tính mạng bị đe dọa từng ngày. Bệnh Viện thì không đủ. Cơ sở vật chất thiếu thốn. Trường học rất cần cho bọn trẻ để mở mang kiến thức, làm vốn để vào đời thì nhếch nhác, vá víu tạm bợ. Trẻ thơ thì cha mẹ không có tiền cho đi học, tuổi thơ phải chịu cơ cực, mò cua, bắt ốc kiếm sống qua ngày. Người nghèo không tiền trị bệnh, sống lây lất chờ chết! Bao nhiêu người già không nơi tựa nương, bệnh hoạn hành hạ, Chùa nghèo mang về cưu mang, thiếu thốn đủ thứ. Rất nhiều lớp trẻ thi đỗ mà không tiền đóng học phí phải bỏ dở việc học hành, mất cả tương lai! Biết bao đứa trẻ bị bỏ rơi phải nhờ vào những tấm lòng nhân hậu của những con người cũng nghèo xác xơ mang về đùm bọc! Trong khi đó thì Chùa Chiền ngày càng mọc lên, hoành tráng, nhà ngang nhà dọc, trang hoàng lộng lẫy, đổ bao nhiêu tỷ tỷ vào đấy! Liệu Đức Phật có hài lòng khi thấy đệ tử của Ngài cứ chăm chút chùa to, Phật lớn mà không nhìn ngó ra xã hội để thấy bá tánh đang lầm than? Như vậy thì Tâm TỪ, BI, Hạnh thí, xả, được coi là ưu thế của Đạo Phật mà các tôn giáo khác không có được áp dụng vào đâu? Ngày xưa, có vị Sư đi quyên góp để cất Chùa, nhưng thấy trong nước có thiên tai thì Ngài dùng tiền đó để giúp cho bá tánh. Đến mấy lần như vậy mới cất được ngôi Chùa. Ngày nay không thấy có Cao Tăng nào có được Hạnh như thế. Như vậy phải chăng Lý một nơi, Sự một nẻo?! 

Ai cũng biết, Đạo Phật sở dĩ có mặt ở trần gian là vì con người. Tát cạn vực nước mắt của chúng sinh, đưa con người Thoát được cảnh Khổ là nguyện ước của Chư Phật Ba Đời. Tôi tin rằng Đức Phật không cần ta vinh danh bằng Chùa lớn, Phật to, tín đồ ngày một đông. Mà bao giờ chúng sinh hết lầm than, không còn cảnh đói, khổ, thiếu thốn hành hạ, chừng đó mới nói rằng Đạo Phật đã đi vào đời một cách thiết thực, thật sự gần gũi với con người. Đại Thừa hay Phật Giáo Nguyên Thủy đều cho rằng Phật, Bồ Tát không phải là thần linh thì lời cầu xin bao giờ mới được đáp ứng? Và lời nguyện của Địa Tạng Vương Bồ Tát: “Ngày nào còn một chúng sinh chưa được độ, con thề chưa ngồi vào nơi Vô Thượng Chánh Giác” phải chăng là lời nhắc nhở cho những vị tu hành. Thay vì giảng hay, có uy tín lớn, thu nạp thêm nhiều tín đồ Quy y với mình, rồi dùng tiền quyên góp xây Chùa to, Phật lớn để lưu danh hậu thế. Sao Quý Sư không cùng hợp lực, dùng ảnh hưởng của mình, hô hào, quyên góp bá tánh để xây thêm Trường Học, Bệnh Viện, xây Cầu, và giúp đỡ những người đang đau khổ, thiếu thốn, bệnh tật là những việc làm thiết thực để chia sẻ bớt gánh nặng cho cuộc đời? 

Vào khoảng cuối tháng Tư vừa qua, dư luận rộ lên thông tin những cái chết quá thương tâm làm rúng động lòng người: Một phụ nữ bệnh hoạn, con đỗ Cao Đẳng mà chạy vạy khắp nơi không có tiền cho con đi học. Xin sổ hộ nghèo cũng không được cấp. Bí quá viết thư tuyệt mệnh để lại rồi treo cổ tự vẫn, mong có được số tiền phúng điếu để trả nợ và cho con đi học! Hai phụ nữ đang trẻ trung không có tiền đóng tiền phạt giao thông nên uống thuốc diệt cỏ. Một phụ nữ khác đông con, vợ chồng không lo nổi, nhà thì túng thiếu nên thường xuyên cãi nhau đã uống thuốc tự tử để các con được đưa vào Cô Nhi Viện. Hai vợ chồng ôm nhau trầm mình cùng với đứa con 5 tuổi! Tất cả cũng chỉ vì nghèo túng, bế tắc! Nếu có được sự quan tâm chia sẻ của mọi người thì bi kịch đâu đến nỗi xảy ra! Người đời quen thói ích kỷ thì vô tình đã đành. Còn các đệ tử của Phật có nhiệm vụ “Cứu độ chúng sinh” đang ở đâu? Chùa thì xây bao nhiêu mới đủ? Tượng lớn cỡ nào mới vừa? Làm bằng chất liệu gì mới xứng đáng? Cổ nhân có câu: “Dẫu xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Không cần phân biệt là các vị đang tu theo Phật Giáo Nguyên Thủy hay Đại Thừa. Nhưng các vị đã mang trên người hình ảnh của Đức Đạo Sư thì nên giữ cho thật trong sạch, xứng đáng. Nếu các vị sử dụng đồng tiền của bá tánh một cách có ý nghĩa thì việc làm đó mới thể hiện được đức Từ Bi của nhà Phật làm cho mọi người thêm tin tưởng vảo Phật Pháp, vào sự cứu độ của Phật, Bồ tát. Như vậy các vị mới thực sự là Đệ Tử của Phật, đang đem ánh sáng Phật Đạo đến với mọi tầng lớp, làm vơi đi nước mắt của chúng sinh. Đang Giảng Đạo Phật bằng thực tế, không chỉ bằng lời nói suông vậy. 

Tháng 6/2013  

TÂM NGUYỆN

———————————-

Tham khảo thêm:

Tinh thần người tu Phật chơn chánh trước sự phân chia hệ phái Phật giáo
– Có phải Phật giáo Đại thừa là Bà la môn giáo?
– Trong Kinh A Hàm chứng thực Đức Phật có khai thị hai từ Tiểu thừa và Đại thừa
– Kinh điển Đại thừa có phải do Phật thuyết hay không?