su-nguy-hiem-khi-pham-gioi

Một thời, Thế Tôn đang bộ hành giữa dân chúng Magadha. Các nam cư sĩ làng Pàtali đi đến, đảnh lễ và bạch Thế Tôn: Mong Thế Tôn trú ở giảng đường của con!

Thế Tôn im lặng nhận lời rồi khi đến giảng đường bảo các nam cư sĩ làng Pàtali: 

Này các gia chủ, có năm điều nguy hiểm này cho người phạm giới. Thế nào là năm?

1. Ở đây, này các gia chủ, người phạm giới do nhân duyên phóng dật nên hao mất tài sản lớn, đây là nguy hiểm thứ nhất.

2. Người phạm giới tiếng xấu đồn xa, đây là nguy hiểm thứ hai.

3. Người phạm giới khi đi đến hội chúng nào đều đến với tâm trạng sợ hãi, đây là nguy hiểm thứ ba.

4. Người phạm giới khi chết bị si ám, đây là nguy hiểm thứ tư.

5. Người phạm giới khi mạng chung bị sanh vào ác thú, đoạ xứ, địa ngục, đây là nguy hiểm thứ năm.

Này các gia chủ, có năm điều lợi ích này cho người giữ giới. Thế nào là năm?

1. Ở đây, này các gia chủ, người giữ giới do nhân duyên không phóng dật nên được tài sản lớn, đây là lợi ích thứ nhất.

2. Người giữ giới tiếng tốt được đồn xa, đây là lợi ích thứ hai.

3. Người giữ giới khi đi đến hội chúng nào đều đến với tâm trạng không có sợ hãi, đây là lợi ích thứ ba.

4. Người giữ giới khi chết không bị si ám, đây là lợi ích thứ tư.

5. Người giữ giới khi mạng chung được sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này, đây là lợi ích thứ năm.

(ĐTKVN, Tiểu Bộ I, Kinh Phật tự thuyết, chương 8,
phẩm Pataligamiya, NXB TP.HCM, 1999, tr.276)

—————————————

LỜI BÀN

Là Phật tử, ngoài niềm tịnh tín bất động (Chánh tín) đối với Tam Bảo, phải có niềm tin không lay chuyển vào Giới hạnh giải thoát của Phật-đà.

  • Nếu nghiêm trì Tâm giới tinh tấn điều phục thân – khẩu – ý hướng đến trọn lành thì quyết chắc sẽ thành tựu giác ngộ – giải thoát trong mai hậu.
  • Ngược lại, nếu hủy phạm Giới pháp mà lòng chẳng biết hổ thẹn, ăn năn, sám hối quyết không tái phạm (chơn sám hối) thì huệ mạng tu Phật sẽ không còn, đọa lạc thống khổ muôn đời là điều chắc chắn.

Thế nên: giác hay , liễu thoát sanh tử hay đọa lạc trầm luân đều hoàn toàn tùy thuộc vào tâm và hành nghiệp của mỗi người mà tự làm tự chịu, tuyệt không có sự thưởng phạt Thần quyền nghịch lý bất công. Nhân – Quả nghiệp báo phân minh, tuy đến thời phải thọ trả, không ai tránh khỏi nhưng đều có thể được tịnh hóa, tiêu trừ nếu thật sự hồi tâm sám hối tu hành chơn chánh! 

Vào biển Phật pháp, phải lấy Chánh tín làm gốc; qua sông sanh tử, phải nương Giới pháp làm thuyền. Người thật tâm tu Phật luôn trọn tâm hạnh trong sạch hơn hết, thà chịu mất thân mạng quyết không hủy phạm Giới pháp.

Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

—————————————

Lưu ý:

1. Ở đây, này các gia chủ, người giữ giới do nhân duyên không phóng dật nên được tài sản lớn, đây là lợi ích thứ nhất.

Tài sản lớn nói đến ở đây chính là Pháp Bảo; là Tín, Giới, Tàm, Quý, Văn, Thí, Tuệ; là phạm hạnh huân tu hiện có. 

————————————

Xem thêm: