qua-bao-cua-tam-sat-hai-khi-tu-thien-dinh

NGHIỆP “SÁT – ĐẠO – DÂM – VỌNG”

2. QUẢ BÁO CỦA TÂM SÁT HẠI KHI TU THIỀN ĐỊNH

“A Nan ở trong chúng sửa áo chỉnh tề, chắp tay đảnh lễ, nơi tâm sáng tỏ, lòng bi hoan hỷ. Vì muốn lợi ích cho chúng sanh vị lai, cúi đầu bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Nay con đã ngộ pháp môn thành Phật, theo đó tu hành, chẳng còn nghi hoặc. Con thường nghe Như Lai nói: tự mình chưa ngộ mà độ người khác trước, ấy là chỗ phát tâm của Bồ Tát. Tự Giác đã trọn, hay giác ngộ người khác, ấy là sự độ thế của Như Lai. Con dù chưa được ngộ, nhưng nguyện độ tất cả chúng sanh trong đời mạt pháp. Thế Tôn, những chúng sanh này cách Phật ngày càng xa, bọn tà sư thuyết pháp như hằng sa, muốn nhiếp tâm họ nhập Tam Ma Địa thì nên khiến họ dựng lập đạo tràng như thế nào để xa lìa các ma sự, được chẳng lui sụt nơi tâm Bồ Đề.

Bấy giờ, Thế Tôn ở trong chúng khen ngợi A Nan:

– Lành thay! Lành thay! Như con hỏi về sự an lập đạo tràng, cứu giúp chúng sanh chìm đắm trong đời mạt pháp, con hãy lắng nghe, Ta sẽ vì con mà nói.

A Nan và đại chúng kính vâng lời dạy của Phật.

Phật bảo A Nan:

– Con thường nghe Ta khai giảng ba nghĩa quyết định của sự tu hành trong Luật Tạng, ấy là: NHIẾP TÂM thành Giới, từ Giới sanh Định, từ Định phát Huệ, gọi là BA VÔ LẬU HỌC (GIỚI – ĐỊNH – HUỆ).

– A Nan! Làm sao nhiếp tâm gọi là Giới?

– A Nan! Lại chúng sanh lục đạo trong thế giới, nếu tâm chẳng SÁT HẠI thì chẳng theo dòng sanh tử tương tục.

– Người tu chánh định cốt để ra khỏi trần lao, nếu tâm sát hại chẳng trừ thì chẳng thể ra khỏi, dẫu có nhiều trí thiền định hiện tiền mà chẳng dứt sát hại, ắt phải lạc vào đạo QUỶ THẦN. Hạng trên thành Đại Lực Quỷ, hạng giữa thành Phi Hành Dạ Xoa và các loại Quỷ Soái, hạng dưới thành Địa Hành La Sát. Các loài Quỷ Thần kia cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự xưng đã thành đạo Vô thượng, sau khi Ta diệt độ, trong đời mạt pháp, loại Quỷ Thần này sôi nổi trên thế gian, TỰ NÓI ĂN THỊT CŨNG ĐƯỢC ĐẠO BỒ ĐỀ.

– A Nan! Sở dĩ Ta tạm cho hàng Tỳ Kheo ăn Ngũ Tịnh Nhục, việc này đều do thần lực của Ta hóa thành, vốn chẳng có sinh mạng. Vì xứ Bà La Môn đất đai phần nhiều ẩm ướt, lại thêm cát đá, rau cỏ chẳng sanh, nên Ta dùng sức đại bi tạm thời hóa ra, giả danh là thịt cho các con được ăn. Nhưng tiếc thay, sau khi Như Lai diệt độ, người mang tên Phật tử lại ăn thịt chúng sanh!

– Các con nên biết, những người ăn thịt dù được khai ngộ tựa như Tam Ma Địa nhưng đều là giống LA SÁT, khi hết phước báu ắt phải chìm đắm trong biển khổ, chẳng phải đệ tử Phật. Những người như thế, giết nhau nuốt nhau, ăn nhau không thôi, làm sao được ra khỏi luân hồi!

– Con dạy người đời tu Tam Ma Địa, PHẢI DỨT TRỪ SÁT SANH, ấy là lời dạy rõ ràng trong sạch, gọi là NGHĨA QUYẾT ĐỊNH THỨ HAI của chư Phật!

– A Nan! Nếu chẳng dứt sát hại mà tu thiền định, cũng như có người tự bịt lỗ tai, lớn tiếng kêu to mà mong người khác chẳng nghe, bọn này gọi là muốn giấu mà càng lộ. Hàng Tỳ Kheo trong sạch và chư Bồ Tát đi trong đường tẻ còn chẳng dẫm trên cỏ, huống là nhổ cỏ. LÀM SAO NGƯỜI CÓ LÒNG ĐẠI BI LẠI ĂN THỊT CHÚNG SANH?

– Nếu Tỳ Kheo chẳng mặc tơ lụa, chẳng mang giày dép da cừu, chẳng ăn những tô lạc đề hồ… thuộc bộ phận thân thể của chúng sanh, thì Tỳ Kheo này nơi thế gian gọi là chơn giải thoát, khi nợ xưa trả sạch thì chẳng sanh vào Tam giới. Tại sao? Vì dùng những bộ phận thân thể của chúng sanh để ăn mặc, thì phải trả nợ chúng sanh. Như người ăn lúa thóc từ đất mọc thì chân chẳng lìa đất. Cũng vậy, NGƯỜI MÀ ĐỐI VỚI THÂN THỂ CỦA CHÚNG SANH ĐỀU CHẲNG ĂN CHẲNG MẶC, TA NÓI NGƯỜI NÀY LÀ CHƠN GIẢI THOÁT.

– Như lời Ta thuyết, gọi là Phật thuyết. Chẳng thuyết như thế tức là Ma thuyết”.        

(trích Kinh Thủ Lăng Nghiêm)

 

———————————————-

LỜI BÀN

 

Sự khác biệt chính giữa con người so với muôn loài là ở chỗ trí khôn. Nhờ trí khôn đã giúp con người tồn tại và tiến hóa, xây dựng nền tảng văn hóa và đạo đức làm nên tính “Người”, tạo ra nền văn minh và công nghệ mà chúng ta đang sống hiện nay. Có lẽ vì vậy mà quan niệm “Vật dưỡng Nhơn” từ lâu đã được xem như là lẽ tất nhiên trong cuộc sinh tồn của xã hội loài người từ xưa đến nay. Tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ, nhận thức thiển cận bởi tập khí vô minh nhiều đời chưa được ánh sáng Phật Pháp chiếu soi. Nhờ trí khôn, ta biết phân biệt chánh – tà, phải – trái; biết làm lành lánh dữ; biết nuôi dưỡng tính “Người” cho thêm lớn; biết tin sâu nhân quả; biết cuộc sống vô thường sanh diệt; biết hướng đến giác ngộ – giải thoát; biết trưởng dưỡng tâm Từ Bi, tu hành theo hạnh Phật để liễu sanh thoát tử cho mình và muôn vạn chúng sanh. Bằng ngược lại, nếu chỉ sống theo bản năng mà bất cần đạo lý thì ta có khác gì, nói thẳng là tệ hơn, so với vạn vật muôn loài? Luật nhân quả tuần hoàn, nghiệp báo vay trả của vũ trụ nhơn sanh dẫu ai có mê tâm phủ nhận, chống trái thì cũng không ai trong tơ hào mảy may lọt khỏi. Gieo nhân nào gặt quả nấy, giết mạng thì đền mạng, đó là lẽ công bằng tự xưa nay.

sat-sanh

Phật dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh nếu chí thành quy Phật phát Bồ-Đề tâm”, dẫu không đồng ngôn ngữ, khác giống loài nhưng muôn loài vạn vật đều có Phật tánh, khi được sanh ra đều mưu cầu sự sống. Những cảm thọ đau đớn, sợ hãi, van xin tha mạng hay oán hận khi bị sát hại đều thể hiện rõ qua việc chạy tháo mạng khi bị đuổi bắt, những tiếng kêu la thảm thiết kèm theo oán khí khi bị giết hại. Dẫu không tự tay giết nhưng chỉ ăn thôi thì cũng tự rước lấy oán hận trược khí nơi từng miếng thịt vào thân tâm mình. Lại nữa, nhiều người còn trên sự đau đớn, trên thân mạng của chúng sanh mà làm kế sinh nhai, hoặc lấy đó làm thú vui tiêu khiển những khi rãnh rỗi, vui chơi, hội họp, tiệc tùng… Đó là những người hành nghề đồ tể giết súc sanh, các nhà hàng, quán nhậu, hay những khu du lịch có thú vui câu cá dịch vụ đi kèm… Trước tiên, họ sẽ dùng sanh mạng của giun, dế… để làm mồi câu rồi thi nhau tài nghệ hoặc chỉ dạy, truyền đạt kinh nghiệm trước sau. Lúc cá cắn câu thì reo hò mừng vui chiến tích, đến khi đủ lượng thì mang đi giết thịt. Có người còn muốn khẳng định gu ẩm thực “độc” của mình bằng cách ăn thịt cá đã qua chế biến (chỉ phần mình và đuôi) trong khi cá vẫn còn thở trên đĩa. Thất nhân tâm hơn gấp bội phần là có một thiểu số còn ăn cả thai nhi, thịt người. Ngẫm kỹ lại, nói con người là loài ăn tạp nhất quả không sai. BAO TỬ CON NGƯỜI từ lúc sinh ra đến lúc nhắm mắt xuôi tay chẳng khác gì NGHĨA TRANG KHỔNG LỒ chất chứa không biết bao nhiêu thân mạng các loài động vật, thậm chí cả đồng loại. Than ôi oán nghiệp chất chồng…!

pha-thai-3

Đó là nói về con người sát hại động vật, chưa kể đến không hiếm những trường hợp người với người sát hại lẫn nhau trong xã hội hiện nay. Nạn phá thai; hoặc giết người lấy nội tạng; hoặc cướp của giết người; hoặc vì mâu thuẫn ghen tuông lứa đôi; hoặc vì bất đồng về lợi ích trong quan hệ làm ăn giữa các hội nhóm ngoài xã hội; hoặc vì thấy ai chướng tai gai mắt liền đánh đập sát hại vô cớ; hoặc vì khiêu khích nhau khi rượu chè be bét khiến tâm sân bốc hỏa; hoặc vì uy tín, hư danh mà sát hại, phi tang; hay chỉ vì những bất hòa cỏn con trong quan hệ giữa các thành viên trong gia đình… mà hóa “cuồng” sát hại lẫn nhau, thậm chí đến nỗi chặt thân người thành từng mảnh, phi tang giấu kín, rồi dửng dưng máu lạnh vô tâm. Than ôi, thời nay MẠT TÂM đến tận cùng, chuyện gì chẳng thể xảy ra như ma đưa lối, quỷ dẫn đường! Sao chẳng tự ngộ rằng nghiệp tạo mê say, đến khi túc duyên hội đủ thì quả báo nhãn tiền, dù chưa đến ở kiếp hiện tại thì chắc chắn phải đền trả oán nghiệp trong kiếp vị lai mà lo sám hối, ăn năn, tu hành cảnh tỉnh, sống đúng theo tinh thần Bát Chánh Đạo của nhà Phật? Chớ hỏi sao thân tâm trệ phược, khổ não trần lao, vay trả – trả vay, trầm luân khổ hoài không dứt!

Có một bộ phận người tu Phật, kể cả tu sĩ xuất gia, hiện nay vẫn còn ý kiến cho rằng: ăn chay thì có ăn thịt hay không vốn không hề quan trọng. Một số còn mượn lời Phật để khẳng định rằng nếu là Ngũ tịnh nhục thì được ăn; hơn nữa, ăn chay cốt tại tâm chay tịnh nên có ăn thịt cũng không sao. Đó là do sự ngộ Pháp còn hạn hẹp hoặc là cái cớ biện hộ cho tâm mê đắm ngũ dục thế gian. Phật đạo Từ Bi – Bình Đẳng với tất cả muôn loài, hữu tình cũng như vô tình, bởi “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh nếu chí thành quy Phật phát Bồ-Đề tâm”. So với động vật, cây cỏ thực vật không có máu huyết và trí khôn (tiến hóa cấp thấp hơn) nên người tu Phật bất đắc dĩ phải thọ dụng thực vật để duy trì sự sống mà tu hành chứ nào sanh tâm chấp trước ngũ dục mê say. Nơi sự sống mình nương nhờ đó mà thúc liễm thân tâm tu hành chẳng mỏi, một lòng lo cho đại sự hoằng khai Phật Pháp, giải thoát chúng sanh, đền đáp Tứ trọng ân trong muôn một (ân Cha Mẹ, ân chúng sanh, ân quốc gia, ân Tam Bảo). Đó là vì Phật sự, hạnh nguyện cao thượng mà bất đắc dĩ phải “VÔ TÂM THỌ THỰC” chứ nào bởi muốn bồi dưỡng thây thúi này mà khởi TÂM SÁT SANH HẠI VẬT để được ăn ngon, ngủ kỹ phi thời phi chỗ; rồi vay mượn Phật Pháp để tà kiến bóp méo, ngụy biện cho si mê ngũ dục của mình. Nếu tâm chay tịnh thì lẽ tất nhiên sẽ chay trường; ngược lại, chay trường chưa hẳn tâm đã chay tịnh thì huống gì ăn thịt mà nói tâm chay tịnh, há có lý chăng? Còn đó lời Phật dạy bảo khuyên răn, cảnh tỉnh muôn người:

– “HÀNG TỲ KHEO TRONG SẠCH và CHƯ BỒ TÁT đi trong đường tẻ còn chẳng dẫm trên cỏ, huống là nhổ cỏ. LÀM SAO NGƯỜI CÓ LÒNG ĐẠI BI LẠI ĂN THỊT CHÚNG SANH?”

– “NGƯỜI MÀ ĐỐI VỚI THÂN THỂ CỦA CHÚNG SANH ĐỀU CHẲNG ĂN CHẲNG MẶC, Ta nói người này là CHƠN GIẢI THOÁT”.

– “NGƯỜI TU THIỀN ĐỊNH (tham thiền, niệm Phật, trì chú) nếu không đoạn trừ TÂM SÁT HẠI thì lạc vào ĐẠO QUỶ THẦN (QUỶ, DẠ XOA, LA SÁT)”.

Quả báo của tâm sát hại đối với người tu thiền là nặng nhất, vì đó không chỉ đơn giản là tội sát hại sanh mạng của chúng sanh mà là tội lôi kéo người người rơi vào tà kiến khiến cho thiêu rụi chủng tử Bồ Đề (tâm Từ Bi), hủy phạm Giới luật và sự trường tồn của Phật Pháp tại thế gian, như lời Phật cảnh tỉnh: “mỗi mỗi (người lạc thiền nhập đạo Quỷ Thần) tự xưng đã thành đạo Vô thượng, …, trong đời mạt pháp, loại Quỷ Thần này sôi nổi trên thế gian, TỰ NÓI ĂN THỊT CŨNG ĐƯỢC ĐẠO BỒ ĐỀ”. So với Ngũ nghịch trọng tội (1- làm thân Phật chảy máu, 2- giết A La Hán, 3- giết Mẹ, 4- giết Cha, 5- phá hòa hợp Tăng) thì quả báo nặng nề không kém.

qua-bao-tam-sat-hai-khi-tu-thien-dinh

Ngược lại với TÂM SÁT HẠI chúng sanh là TÂM TỪ BI – BÌNH ĐẲNG, người tu Phật chơn chánh cần vun bồi trưởng dưỡng gốc Từ cho thêm lớn mãi. Phóng sanh là một trong những hành động thể hiện tâm Từ nên việc PHÓNG SANH CẦN PHẢI XUẤT PHÁT TỪ TÂM TRONG SẠCH – THANH TỊNH; không câu nệ rườm rà hình thức, không cần ai biết ai hay chứng cho việc mình làm, không phân biệt chọn lựa khi phóng sanh, không cầu phước đức, không vì khi có hữu sự khổ mới làm, không vì phóng sanh việc thiện mà vô tình tiếp tay cho cái xấu lợi dụng và phát triển (những người lợi dụng phóng sanh mà “thuốc” chim, cá… để bán đi bắt lại), không trước phóng sanh – sau giết hại chúng sanh ăn… Được như vậy mới đúng thật nghĩa “Phóng sanh” nhà Phật.

Rốt ráo hơn là HẠNH NGUYỆN HÓA ĐỘ CHÚNG SANH ở khôn cùng cảnh giới khắp mười phương ba cõi của người tu Phật chơn chánh. Đó không chỉ đơn thuần là phóng sanh cứu THÂN MẠNG của chúng sanh (chính xác chỉ là SÚC SANH) ở một thời điểm, mà là ĐỘ cho HUỆ MẠNG của HẾT THẢY LỤC ĐẠO CHÚNG SANH nơi Tam Bảo muôn kiếp, để TẤT CẢ CHÚNG SANH ĐỒNG NGỘ PHẬT TÂM – ĐỒNG THÀNH PHẬT ĐẠO.

Mong tất cả liễu tri – Nhiếp Tâm thành Giới – Y Giáo phụng hành!

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

———————————————-

Tham khảo: