Kinh thuộc về Hiển giáo, thành tâm thọ trì thì được thanh tịnh tam nghiệp: thân, khẩu, ý, tăng trưởng phước huệ, giới đức trang nghiêm.
Chú là chơn-ngôn, thuộc về Mật giáo, có hiệu lực phi thường, nhất tâm thọ trì thì được tiêu tai giải khổ, trừ tuyệt phiền não, đắc nhập Chánh Định, sung mãn trí giác.
Phật tử quyết chí tu hành thì phải có công phu thọ trì kinh chú. Thường nhật, Phật tử tùy theo tư nghiệp, sắp đặt ít lắm cũng phải có một thời đọc tụng kinh chú, cốt yếu là lập công bồi đức, dõng tiến đến cảnh trí trọn lành.
Ví như định mỗi buổi tối tụng Kinh A Di Đà thì ráng giữ thọ trì, bữa nào cũng như bữa nấy, không hề gián đoạn. Dẫu có mắc việc không thể tụng Kinh ở trước bàn thờ Phật được thì phải tùy cơ duyên, dùng đủ phương tiện tụng như thường nhật, chớ không nên bỏ qua.
Người có thọ trì Kinh Chú, chẳng khác chi nhà tối có đèn, mỗi ngày đều đốt đèn thì nhà mới sáng, chớ không phải bữa nay có, bữa mai không. Hay là ví dụ như trong một tháng, bữa đầu siêng đốt luôn ba mươi ngọn đèn để cho khỏi thất công trong 29 ngày sau nhà cũng vẫn sáng thì thật là phi lý.
Tóm tắt lại, việc thọ trì Kinh Chú phải giữ cho thường tất. Trong thời công phu không được sân hận, không mê chấp, không được tư tưởng việc thế tục, trái lại phải giữ cả thân, miệng và ý đều được vẹn vẽ thanh tịnh trang nghiêm.
Thiền sư Thích Từ Quang)
Diệu A Di Đà Phật _()_