* CÂU HỎI
Bạch Thầy!
Con là tu sĩ xuất gia, đang tu hành tại ngôi chùa ở tỉnh miền Tây, thực hành Tham Tổ Sư Thiền đến nay đã gần 20 năm, và đang chỉ dạy nhiều Thiền sinh đến tu học. Con đã đọc qua bài pháp Chia sẻ kinh nghiệm tham Tổ Sư Thiền của Thầy, ngẫm bản thân có chướng ngại giữ trong lòng đã lâu vì khó nói với ai, nay hữu duyên mong Thầy khai thị.
Bao nhiêu năm qua, công phu tham thoại đầu của con vẫn giậm chân tại chỗ. Thời gian đầu khi dụng công thì nghi tình dễ phát khởi, nhưng càng về sau thì khó vô cùng, còn bị vọng tưởng xen tạp, có khi là những công án, lời dạy của các vị Thiền sư… cứ hay ẩn hiện trong đầu. Do bản thân giữ trọng trách hướng dẫn các Thiền sinh tu học, con phải tham cứu Kinh điển, ngữ lục của các vị Tổ Sư (Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma, Lục Tổ Huệ Năng, Bá Trượng…), Thiền Sư (Lai Quả, Hư Vân, Thích Duy Lực…). Thật hổ thẹn khi con có thể giải đáp nghi vấn của các Thiền sinh và đồng tu trôi chảy, nhưng bản thân mình thì đang bị chướng ngại vẫn không cách nào thoát ra. Lòng thật không muốn nghĩ nhưng ý niệm cứ chẳng dừng, vậy con phải làm sao để công phu tu hành của mình tiến triển?
Ngẫm lại từng ấy năm tham thiền, thật không muốn đường tu bị thối thất nên con mong Thầy giúp con mở đường.
Kính bút!
* PHÚC ĐÁP
Đạo hữu giữ trọng trách hướng dẫn các Thiền sinh tu học chứng tỏ có vai trò nhất định tại trú xứ. Đọc tâm thư thật thống thiết vô cùng, hành giả có thể cảm được những ưu tư khó giải… Có 2 vấn đề quan trọng như sau:
A. CHƯỚNG NGẠI KHI THAM THIỀN
Hành giả dụng công tham Tổ Sư Thiền (tham thiền) thường rơi vào những chướng ngại sau đây:
1. Ham tìm hiểu, nghiên cứu Phật Pháp
Ở đời, nếu tập khí của phàm phu chúng sanh là sự khát khao tìm tòi, học hỏi, hiểu biết để dung nạp tri thức cần thiết cho công cuộc mưu sinh thì trong Đạo, đó là ham tìm hiểu, nghiên cứu Phật Pháp như học thuật thế gian. Từ đó, không ít vị tu sĩ lao xao theo bằng cấp, học vị, hư danh mà quên mất công phu Giới – Định – Huệ hướng về Giác Tánh. Đây là SỞ TRI CHƯỚNG, là chướng ngại rất lớn cho tất cả những ai cầu Đạo giải thoát.
Tinh yếu của tham Tổ Sư Thiền (tham thiền) là nương câu thoại đầu khởi nghi tình (KHÔNG BIẾT) để tự đốn sạch mọi vọng chấp, tập khí, nghiệp thức tích lũy bao đời. Đến khi công phu thuần thục, chánh nghi miên mật thành khối (từ trải nghiệm đã qua, thân lúc ấy như pho tượng) thì tham chẳng biết mình tham, đến thời liền thành tựu Vô Niệm, kiến ngộ Giác Tánh, liễu thoát tử sanh. Do đó, dụng tâm tìm hiểu, nghiên cứu Phật Pháp tức đi ngược lại tôn chỉ tham thiền, ắt tự chướng mà thôi. Điển tích Lục Tổ Huệ Năng không biết chữ, chẳng biết Kinh mà ngộ đạo là Diệu Pháp mật truyền cho hàng hậu học đời sau đừng rơi vào bệnh HỌC PHẬT, kiến chấp Kinh văn mà tự chướng Đạo.
2. Chấp giải ngộ của Phật, của Tổ
Giải ngộ của Phật, của Tổ là phương tiện thiện xảo để đốn chấp, tùy vào căn trí của chúng sanh (khế cơ) mà khai ngộ, không ai giống ai. Tôn chỉ tu hành là ƯNG VÔ SỞ TRỤ, nhưng cái “biết” vô trụ lại chính là kiến chấp bởi đơn giản Vô Trụ là thành tựu từ tâm thiền Vô Niệm Ba-la-mật (kiến Tánh) chứ không phải từ học hiểu Kinh văn rồi giảng Pháp luận Thiền bằng thiển trí phàm mê, không có công phu thiền định chơn thật.
Đa số người tu thường rơi vào bệnh chấp lời của Phật, của Tổ rồi phóng ngã vọng ngôn, chỉ với chút hiểu biết tri giải của trí phàm mà tưởng bản thân đã tỏ ngộ nguồn thiền, đốn tận gốc mê, còn chấp lấy (ghi nhớ) giải ngộ của Phật, của Tổ làm của mình rồi hý luận lao xao trong khi tự thân không có chút gì công phu thiền định chơn thật (Giới – Định – Huệ). Cuối cùng, khi bát phong – ngũ dục – lục trần xoay vần theo thế sự vô thường của cuộc sống thì tam độc tham – sân – si vẫn lẫy lừng, đến khi sanh tử hạn kỳ thì rơi vào nghiệp Đại vọng ngữ mà chẳng hay. Nếu không tâm thiền chánh nghi miên mật, sao khai mở Trí Huệ Vô Sư? Vì vậy, đây là chướng vào Đạo thứ 2.
3. So sánh tương quan công phu của mình với lời Tổ
Căn cơ, trí tánh, tập khí, nghiệp chướng và huệ mạng huân tu mỗi người sai biệt, không ai giống ai, do đó hiển dụng khi tham thiền cũng mỗi người một vẻ, dẫu tham cùng 1 câu thoại đầu nhưng sự nhanh chậm, lợi độn và biểu hiện nơi thân tâm sẽ mỗi người mỗi khác. Nếu không liễu được lý này thì khi dụng công, tâm sẽ phan duyên tán loạn mà so sánh, xét nét tương quan công phu của mình với lời Tổ trong Kinh điển, ngữ lục xem tiến triển đến giai đoạn nào khiến chánh nghi khó mà khởi được, tự chướng không hay. Cuối cùng, thay vì THAM thoại đầu khởi nghi tình KHÔNG BIẾT, hành giả rơi vào cảnh vừa NIỆM thoại đầu vừa kiến chấp phan duyên, đi ngược lại với đường lối tham thiền, lâu dần thành lối mòn tâm thức, tự rào cản tâm mình, trở thành TÂM CHƯỚNG khó mà thoát đặng. Vì lẽ đó, những ai rơi vào chướng ngại này thường rất khó khuyên giải nên đây là chướng vào Đạo thứ 3.
Sở dĩ “bao nhiêu năm qua, công phu tham thoại đầu của con vẫn giậm chân tại chỗ. Thời gian đầu khi dụng công thì nghi tình dễ phát khởi, nhưng càng về sau thì khó vô cùng, còn bị vọng tưởng xen tạp, thậm chí là những công án, lời dạy của các vị Thiền sư… cứ ẩn hiện trong đầu” là vì Đạo hữu rơi vào cả 3 chướng ngại trên.
– Thời gian đầu khi dụng công, nghi tình dễ phát khởi vì lúc đó tâm chỉ chuyên nhất vào sự hành thiền.
– Càng về sau, do đảm đương trọng trách hướng dẫn Thiền sinh, nghĩ bản thân cần tinh thông nội điển để vấn đáp nên Đạo hữu ra sức tham cứu công án, ngữ lục… mà rơi vào chướng ngại 1 và 2 như đã giảng ở trên.
– Đến khi nhận ra sự tu hành có phần thoái thất, lại trong cảnh tiến thoái lưỡng nan vì sứ mệnh hoằng Thiền, Đạo hữu mong tìm lối thoát mà rơi vào chướng phan duyên lúc dụng công để nghi tình thất tán, “bị vọng tưởng xen tạp, có khi là những công án, lời dạy của các vị Thiền sư… cứ hay ẩn hiện trong đầu”, trở thành TÂM CHƯỚNG, tức chướng ngại 3 như đã giảng ở trên.
Để tự thoát, trước hết Đạo hữu phải buông xả tất cả những nội điển, công án, ngữ lục… huân tập trong tâm bao năm qua vì đó là NHÂN chướng ngại hành thiền. Sau đó, chọn câu thoại đầu sao cho dễ khởi nghi tình nhất. Từ kinh nghiệm hành trì của bản thân, nên chọn: Khi chưa có Trời Đất ta là gì? (lý do vì sao đã giảng rõ trong bài: Chia sẻ kinh nghiệm tham Tổ Sư Thiền). Lúc dụng công, tâm khán Khi chưa có Trời Đất ta là gì? thì hãy chú ý nhấn mạnh KHÔNG BIẾT để nghi tình thêm kiên cố thì mọi vọng tưởng, kiến chấp và tâm chướng sẽ tự tan. Nhớ là phải buông xả thân tâm, dù vọng hay tịnh, chướng hay an, tà hay chánh… cũng đều không biết, chỉ miên mật khán – nghi tiếp nối, không kẽ hở đan xen. Tinh tấn kiên trì theo thời gian, tâm chướng tự dần được điều phục.
B. PHƯƠNG PHÁP HOẰNG THIỀN
Dẫu biết kẻ xuất gia đã thọ của đàn na tín thí, sống nương nhờ cửa Phật nên phải lấy đại sự hoằng Pháp độ sanh làm bổn nguyện, nhưng nếu chỉ có tâm nguyện thôi vẫn chưa đủ mà phải có công phu thực chứng, trí huệ trạch Pháp, đạo hạnh uyên thâm. Hỏi: nếu công phu tham thiền chưa thành tựu Vô Niệm (tức chưa kiến Tánh) thì đường lối hành trì còn mê mờ chẳng tỏ, trược chướng tự mình còn chưa thể tự điều phục, sao có thể đăng đàn luận Pháp dạy Thiền cho kẻ khác?
Vì lẽ đó, có đôi điều góp ý cùng Đạo hữu như sau:
– Khi hướng dẫn, vấn đáp các thiền sinh, Đạo hữu chỉ nên trả lời những câu hỏi liên quan đến cách dụng công sao cho đúng với tôn chỉ, đường lối tham thiền. Đó là không ngoài Chánh Tín nơi tự tâm và miên mật khán (thoại đầu) – nghi (nghi tình). Ngoài ra, tuyệt không trả lời bất kỳ câu hỏi nào khác nếu không ích lợi cho sự hành thiền tinh tiến.
– Làm như thế vừa giúp các thiền sinh đốn bỏ được tập khí, hướng ngoại ham tìm hiểu, nhớ biết Phật Pháp… mà xoay trở về công phu trực chỉ chơn tâm, vừa giúp chính bản thân Đạo hữu khỏi sa lầy chướng ngại vì trọng trách hoằng Thiền của mình. Đó mới đích thực là góp phần duy trì và xiển dương mạch Thiền “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ Chơn tâm, kiến Tánh thành Phật”. Mong Đạo hữu lưu tâm suy xét.
– Diệu lý Phật Pháp và Pháp vị giải thoát không dính dáng gì đến văn tự. Đạo tại tâm hành, Kinh điển chỉ là phương tiện dẫn lối trở về nẻo Tâm. Do đó, khi đã nắm được phương pháp hành thiền thì hãy nhẫn lực tinh tấn, tâm thiền miên mật, tuyệt đừng tham cứu Kinh sách nữa mà chướng ngại đường về.
Hãy tin tự tâm. Trang nghiêm – Phật độ.
Mong Đạo hữu tinh tấn!
Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
Cổ Thiên
————————————
Tham khảo: