KINH PHÁP CÚ
8. PHẨM MUÔN NGÀN
Pháp Cú 113
Dù sống đến trăm năm,
Không thấy pháp sanh diệt,
Chẳng bằng sống một ngày,
Thấy được pháp sanh diệt.
Phật dạy như thế tại Kỳ Viên, do chuyện Tỳ-kheo-ni Patàcàrà.
Bà là con gái một gia đình giàu có ở Xá-vệ, gia sản lên đến bốn trăm triệu. Nhan sắc bà tuyệt đẹp, mười sáu tuổi được cha mẹ cho ở tầng chót tòa nhà bảy tầng, canh gác cẩn thận. Tuy vậy bà vẫn thông gian với gia đồng của mình. Cha mẹ đã hứa gả cho một chàng trai đồng giai cấp và ngày cưới gần kề, bà bảo tên gia đồng rằng hắn sẽ không bao giờ có được quà cáp để đến thăm bà ở bên chồng, do đó hắn hãy tìm cách mang bà đi khỏi nơi này, nếu thật sự thương yêu bà. Và họ đồng ý trốn đi. Ðến ngày hẹn, bà dậy sớm, ăn mặc dơ bẩn, tóc tai rối bù, còn bết thêm bụi đỏ vào mình, cầm bình đựng nước, giả bộ ra ngoài kiếm nước để đến chỗ hẹn. Rồi cả hai đi thật xa đến một làng nọ sinh sống. Chồng trồng trọt gom củi và lá trong rừng. Vợ xách nước, giã gạo, nấu ăn, làm việc nội trợ. Bà lãnh quả báo của tội lỗi mình.
Khi có mang, bà muốn về nhà cha mẹ sinh nở để được giúp đỡ nhưng anh chồng không chịu, sợ họ bắt tội và hành hạ mình. Bà đòi nhiều lần vẫn không được, nên khi chồng vào rừng bà gởi nhà cho hàng xóm rồi về nhà cha mẹ. Anh chồng trở về hay được, rượt theo bắt bà trở lại. Nhưng đến một nơi bà chuyển bụng sinh được một bé trai. Cả hai lại trở về nhà. Lần sau có mang, bà cũng bỏ về nhà cha mẹ như trước. Anh chồng tìm theo cũng bắt bà trở lại. Và trên đường về bất ngờ một cơn bão lớn thổi tới. Mưa như trút, sấm sét không ngừng. Ðúng lúc đó bà chuyển bụng. Anh chồng cầm rìu tìm cách che chòi cho bà lâm bồn. Thấy bụi cây trên ụ mối, anh ta vừa chặt xuống thì rắn độc trườn ra cắn chết, thân nóng như lửa, thịt tím ngắt.
Patàcàrà đau bụng dữ dội, chờ hoài không thấy chồng trở lại. Rồi bà sanh đứa thứ hai. Cả hai đứa không chịu nổi gió mưa, khóc thét lên. Bà chỉ có cách áp chúng vào ngực, úp mình xuống chịu trận như thế suốt đêm. Toàn thân như không còn chút máu, thịt như chiếc lá vàng úa.
Hừng đông hôm sau, bà lên đường, tay ôm đứa mới sinh đỏ hỏn trong lòng, tay kia đưa cho đứa lớn nắm. Ba mẹ con thất thểu đi theo đường anh chồng đã đi, và thấy anh nằm chết gần ụ mối. Bà than khóc ai oán rồi đi tiếp. Ðến bờ sông Aciravatì nước dâng cao, nhiều chỗ đến thắt lưng. Bà quá yếu không thể lội qua với hai đứa con. Ðể đứa lớn bên này, bà đem đứa nhỏ qua sông, bẻ một nhánh cây trải đặt nó lên, rồi quay trở lại. Vừa bơi vừa nhìn ngoái lại, đến giữa dòng thấy một con diều hâu sà xuống quắp đứa bé. Bà hốt hoảng xua tay hét lên: “Bay đi, bay đi!”. Nhưng nó không nghe vì quá xa, và chộp đứa bé bay mất. Bên này đứa con lớn thấy mẹ quơ tay tưởng gọi mình, cũng bò xuống sông, bị nước cuốn mất. Chồng bị chết, con đứa thì bị chim tha, đứa thì nước cuốn, bà rên rỉ như thế và đi tiếp đến Xá-vệ. Gặp một người từ trong thành đi ra, bà hỏi thăm về gia đình mình. Ông kia biết nhưng hình như không muốn nói đến. Bà cứ hỏi riết buộc ông phải nói sự thật là gia đình đó cả nhà bị sập đè chết hết. Hàng xóm và thân nhân vừa thiêu họ xong, khói còn bốc lên trên giàn hỏa từ xa vẫn trông thấy. Bà nghe xong nổi điên ngay, y phục tuột hết mà không hay biết. Bà trần truồng như thuở mới sinh, lang thang khóc lóc thở than:
Hai con ta đã chết,
Chồng ta chết giữa đường.
Cha mẹ và anh cũng,
Ðược thiêu trên lửa hừng.
Ai thấy bà cũng đều la lên: “Ðồ điên, đồ điên!” Kẻ ném rác, kẻ tung bụi vào bà.
Lúc ấy Thế Tôn ngụ ở tinh xá Kỳ Viên, đang thuyết pháp giữa hàng môn đệ. Ngài trông thấy bà từ xa và biết bà đã viên mãn một trăm ngàn kiếp, tròn lời nguyện và đạt đến cứu cánh.
(Thời Phật Padumuttara, bà đã thấy một Tỳ-kheo-ni được tuyên bố là đệ nhất thông hiểu giáo pháp, được Phật mở cửa trời Ðế Thích cho vào Lạc Viên. Vì thế bà phát nguyện xin được một vị Phật công nhận là Tỳ-kheo Ni đệ nhất thông hiểu giáo pháp. Phật Padumuttara nhìn tương lai biết bà sẽ được như nguyện, nên thọ ký vào thời Phật Cồ-đàm bà tên là Patàcàrà sẽ được đúng như lời nguyện).
Do đó Thế Tôn khiến bà đến tinh xá. Các Tỳ-kheo la lên bảo nhau đừng để bà điên vào. Nhưng Phật bảo cứ để bà đến, rồi nói với bà:
– Này chị, hãy tỉnh trí!
Nhờ thần lực của Phật, bà lập tức khôi phục tâm trí. Ngay đó bà nhận ra y phục mất hết, cảm thấy xấu hổ và sợ tội, bà vội úp mình xuống đất. Một người ném cho bà y khoác. Mặc xong, bà phủ phục dưới chân Phật thưa:
– Bạch Thế Tôn, con xin quy y Ngài, nương tựa Ngài. Con có một đứa con bị diều tha, một đứa bị nước cuốn. Chồng con chết, cha mẹ anh em cũng chết.
Phật bảo:
– Patàcàrà, đừng phiền muộn. Ngươi đã đến với người có thể là nơi ẩn trú, nơi che chở, nơi nương tựa cho ngươi. Những điều ngươi kể đều đúng cả. Cho đến ngày nay, qua biết bao nhiêu vòng luân hồi, ngươi đã khóc vì mất con, mất người thân, nước mắt rơi nhiều hơn nước bốn biển.
Và Ngài nói kệ sau:
Nước bốn biển ít hơn
So với lệ nước đổ
Vì sợ và quẩn trí,
Tại sao còn phóng dật?
Thế Tôn giảng về luân hồi từ vô thủy. Ngài nói tới đâu đau buồn của bà giảm tới đó. Ngài nói tiếp:
– Patàcàrà, đối với một người trên đường qua bên kia thế giới thì không có con cái, bạn bè hay thân quyến nào làm nơi trú ẩn hay nương tựa. Ngươi có thể trông đợi họ được bao lâu trong cuộc đời này? Người trí phải biết thanh lọc đạo hạnh của mình, và như thế sẽ thanh lọc con đường dẫn đến Niết-bàn.
Và Ngài đọc Pháp Cú:
(288) Một khi tử thần đến,
Không có con che chở,
Không cha, không bà con,
Không thân thích che chở.
(289) Biết rõ ý nghĩa này,
Bậc trí lo trì giới,
Mau lẹ làm thanh tịnh,
Con đường đến Niết-bàn.
Cuối bài kệ Patàcàrà chứng quả Dự lưu, và tham dục trong tâm nhiều như bụi đại địa, cháy tiêu hết. Nhiều người khác cũng chứng quả Tư-đà-hàm và A-na-hàm. Bà xin Phật gia nhập Tăng đoàn, được nhận và gởi tới Ni chúng. Bà đã làm tròn bổn phận, và vì tánh tình vui vẻ nên được tên là Patàcàrà.
Một hôm, bà múc nước đầy bình và xối rửa chân. Nước chảy ra đất thấm xuống hết. Lần thứ hai nước chảy xa hơn rồi cũng thấm hết. Lần thứ ba xa hơn nữa rồi cũng thấm hết. Bà lấy đó làm đề mục thiền quán. Tức là nước đổ lần đầu giống như chúng sanh qua đời lúc tuổi nhỏ. Lần thứ hai khi tuổi thanh xuân, và lần thứ ba lúc đã già.
Thế Tôn ngồi trong hương thất, phóng quang ảnh đến trước mặt bà bảo:
– Patàcàrà, sống một ngày hay trong chốc lát mà thấy được sự sanh diệt của ngũ uẩn còn hơn là sống trăm năm chẳng thấy gì hết.
Và Ngài đọc Pháp Cú:
Dù sống đến trăm năm,
Không thấy pháp sanh diệt,
Chẳng bằng sống một ngày,
Thấy được pháp sanh diệt.
Cuối bài kệ, bà chứng A-la-hán cùng các thần thông.
(bài kết hợp từ Tích Truyện Pháp Cú (Thiền viện Viên Chiếu)
và Thi Kệ Pháp Cú Kinh (Tịnh Minh))