KINH PHÁP CÚ
8. PHẨM MUÔN NGÀN
Pháp Cú 100
Chỉ một lời lợi ích,
Nghe xong tâm bình an,
Hơn tụng cả muôn ngàn,
Lời lời đều vô dụng.
Thế Tôn đã dạy câu trên tại Trúc Lâm, về chuyện tên đao phủ răng đồng.
Một bọn bốn trăm chín mươi chín tên cướp sống bằng nghề cướp bóc các thôn làng và những nghề bạo động khác. Bấy giờ, có một gã răng màu đồng, da ngâm đen, mình đầy sẹo, đến xin nhập bọn với chúng. Chúa đảng nhìn gã thấy tánh tình tàn bạo quá đỗi, có thể ăn thịt mẹ và uống máu cha, nên từ chối. Dù thế gã vẫn tìm cách nịnh để mua chuộc cảm tình một lâu la hầu cận, kết quả gã được thâu nhận.
Ðến một lúc nào đó hết thời, bọn cướp bị dân chúng hợp lực với lính nhà vua bắt được, đưa hết ra tòa. Quan tòa ra lệnh chặt đầu bọn chúng bằng rìu. Dân chúng bối rối không tìm ra người bằng lòng làm đao phủ. Cuối cùng họ bảo tên chúa đảng nếu chịu giết hết bọn sẽ được tha mạng và còn được thưởng nhiều. Nhưng đã từng chung sống với nhau, hắn cũng không nỡ. Họ hỏi đến tên răng đồng, da ngâm đen, mình sẹo nọ, gã đồng ý. Rồi gã giết hết cả bọn, được tha mạng và lãnh thưởng.
Cũng thế họ đem năm trăm tên cướp trong xứ từ phía nam đến xét xử, và kết án tử hình. Không tìm được đao phủ, họ nhớ đến gã, tìm đến, gã bằng lòng. Họ cho gã là người xuất sắc và phong làm đao phủ thường trực. Sau đó họ đem năm trăm kẻ cướp từ phương tây, rồi từ phương bắc đến, và gã giết hết tổng cộng hai ngàn người từ bốn hướng. Từ đó mỗi ngày gã giết một hay hai người. Trong suốt năm mươi lăm năm, gã hành nghề đao phủ công cộng.
Về già, gã không thể chặt đầu người một nhát, mà phải hai đến ba nhát, gây thêm đau đớn vô ích cho nạn nhân; vì thế dân chúng muốn kiếm người khác và cho gã nghỉ việc, tức về sau gã sẽ mất bốn bổng lộc là quần áo cũ, cháo sữa nấu từ bơ tươi, hoa nhài và dầu thơm để trang điểm. Do đó ngày bị bãi chức, gã ra lệnh nấu cháo sữa sẵn, rồi ra bờ sông tắm. Xong, gã mặc quần áo cũ, đeo vòng hoa nhài, xức dầu thơm vào tay chân, về nhà ngồi xuống thì cháo sữa đặt trước mặt với nước rửa tay.
Vào lúc đó Trưởng lão Xá-lợi-phất xả thiền, nhìn trước lối sẽ đi khất thực, thấy cháo sữa trong nhà tên đao phủ cũ, Ngài biết rằng người đặc biệt này sẽ đối xử tử tế, do đó ông sẽ được phước báo lớn. Thấy Trưởng lão khoát y ôm bát đứng trước cửa nhà, ông sanh tâm hoan hỷ, và nghĩ đến biết bao mạng người chết dưới lưỡi đao của mình, ông phát tâm cúng dường. Ông cất tô cháo đặt trước mặt mình, bước ra đảnh lễ và mời Trưởng lão vào nhà ngồi, trút cháo vào bình bát, rưới mật tươi lên, và đứng quạt một bên. Ðã lâu không nếm cháo sữa, ông thèm ghê gớm. Trưởng lão đọc được ý ông bèn bảo ông hãy ăn đi. Ông đưa quạt cho người khác quạt Trưởng lão, còn ông thì ăn cháo. Trưởng lão bảo người quạt hãy qua quạt cho ông đao phủ cũ. Thế là có người quạt hầu, ông ăn một bữa cháo no bụng rồi lấy quạt lại, quạt cho Trưởng lão. Ngài thọ thực xong, ông đỡ lấy bình bát, và Trưởng lão bắt đầu hồi hướng công đức. Nhưng ông chẳng thể để tâm nghe được, vì lâu nay làm việc tàn bạo giết hại nhiều người, giờ đây nhớ lại tâm trí quá rối loạn, ông không chú tâm được. Do đó Trưởng lão tìm lời khéo để giúp ông:
– Ông làm việc tự ý mình hay theo lệnh người khác?
– Vua sai con làm, bạch Tôn giả.
– Nếu thế, ông đâu có lỗi gì, cư sĩ.
Ông hoang mang, vì theo lời Trưởng lão ông không có lỗi gì. Ông xin Trưởng lão nói tiếp bài hồi hướng. Tâm ông trở nên tĩnh lặng, nhẫn lực được khai mở ông tiến đến quả Dự lưu.
Trưởng lão ra về, ồng tiễn Ngài một đoạn đường. Trên đường về ông bị quỷ Dạ-xoa dưới lốt con bò cái húc chết. Ông tái sanh vào cõi trời Ðâu Suất.
Các Tỳ-kheo bàn tán trong Pháp đường về tên đao phủ, và thắc mắc không biết ông ta sanh về đâu. Phật đến, nghe thấy liền dạy:
– Các Tỳ-kheo! Ông ta sanh lên cõi trời Ðâu Suất. Ông ta đã được đại thiện tri thức thuyết pháp cho, nhờ đó ông mở mang tri kiến, nên được sanh thiên.
Xong, Phật nói kệ:
Người đao phủ trong thành,
Nghe những lời khéo nói,
Ðược nhẫn và sau đó,
Lên cõi trời hưởng vui.
Các Tỳ-kheo vẫn còn ngạc nhiên, hỏi tiếp:
– Bạch Thế Tôn, trong lời hồi hướng thật ra đâu có năng lực gì ghê gớm. Vả lại, người này đã lầm lỗi rất nhiều, làm sao ông ta chứng đạt với ít lời như thế?
Thế Tôn đáp:
– Các Tỳ-kheo, đừng đo lường giáo pháp của Ta nhiều hay ít lời. Một câu đầy đủ đạo lý vẫn có công đức siêu việt.
Và Ngài nói Pháp Cú:
Chỉ một lời lợi ích,
Nghe xong tâm bình an,
Hơn tụng cả muôn ngàn,
Lời lời đều vô dụng.
(bài kết hợp từ Tích Truyện Pháp Cú (Thiền viện Viên Chiếu)
và Thi Kệ Pháp Cú Kinh (Tịnh Minh))