kinh-phap-cu-pham-the-gian
Thư pháp Đăng Học

 

167. Chớ theo đòi ti tiện.
Chớ nương thói buông lung.
Chớ vương víu tục trần.
Chớ ôm ấp Tà vọng.

Phap-Cu-167
Ảnh: sưu tầm

Chớ theo điều ty liệt, chớ đem thân buông lung. Chớ nên theo Tà thuyết, chớ làm tăng trưởng tục trần (*).

———————–

(*): Ở Tích Lan (Xri Lanca) giải thích là luân hồi.


 

168. Tinh cần, chớ phóng dật.
Chánh hạnh, chớ buông lung.
Người chuyên tâm Chánh hạnh,
Ðời đời vui khôn cùng.

Phap-Cu-168
Ảnh: sưu tầm

Hăng hái đừng buông lung, làm theo Chánh Pháp. Người thực hành Chánh Pháp, đời này vui, đời sau vui (*).

———————————–

169. Hãy sống đời Chánh hạnh,
Chớ phóng dật buông lung,
Người chuyên tâm Chánh hạnh,
Ðời đời vui khôn cùng.

Phap-Cu-169
Ảnh: sưu tầm

Khéo thực hành Chánh Pháp, chớ làm điều ác hành. Người thực hành Chánh Pháp, đời này vui, đời sau vui.

———————–

(*): Sau khi Đức Phật thành đạo, lần đầu Ngài trở về hoàng cung tại thành Ca Tỳ La (Kapila), sáng hôm sau Ngài vẫn chiếu lệ mang bát đi khất thực. Vua Tịnh Phạn (Suddhodana) thấy vậy vội bước đến trước Phật mà nói rằng: “Này con ơi ! Sao con làm nhục nhà ta vậy? Con vốn là chủ thành này, từng ở trên châu báu, nay cứ cầm bát lần đi từng nhà, không hổ nhục cho ta lắm sao?” . Đức Phật liền nói cho vua nghe đó là phép tắc lâu đời của Chư Phật, và nói hai bài này. Nên theo chỗ chú giải xưa này thì hai bài này có nghĩa như sau:

Bài 168: “Chớ nhác bỏ việc lần theo từng nhà khất thực. Cẩn thận giữ thật đúng hạnh trì bát này, ai làm theo hạnh này thì đời này, đời sau đều khoái lạc”;

Bài 169: “Cẩn thận làm đúng hạnh này, chớ làm theo sự buông thả. Ai làm theo đúng hạnh này thì đời này, đời sau đều được khoái lạc“.


 

170. Như bọt nước trôi sông.
Như huyễn hóa bềnh bồng.
Nếu nhìn đời như vậy,
Tử Thần hết thấy ông.

Phap-Cu-170
Ảnh: sưu tầm

Như bọt nước trôi sông, như lầu sò chợ bể (*). Nếu xem đời bằng cặp mắt ấy, Thần chết không tìm tới được.

———————–

(*): Lầu sò chợ bể là dịch nghĩa từ chữ ”Thần lâu hải thị” để chỉ thị cảnh huyễn hóa không thật. Những làn khí bốc lên trên mặt biển, đụng phải ánh nắng, hoặc là không khí tương phản mà hiện ra những bóng hình nhìn xa như lâu đài chợ búa. Người xưa tin những làn khí ấy là hơi của giống sò thần tự dưới đáy bể phun lên.


 

171. Hãy xem thế gian này,
Như xe vua lộng lẫy,
Kẻ ngu ngắm mê mải,
Người trí chả bận tâm.

Phap-Cu-171
Ảnh: sưu tầm

Giả sử thế gian này có được lộng lẫy như chiếc xe của Vua, thì trong số người xem thấy, chỉ người ngu mới tham đắm, chứ kẻ trí chẳng hề bận tâm.


 

172. Ai trước sống buông lung,
Sau tinh chuyên Chánh hạnh,
Sẽ soi sáng nhân gian,
Như trăng lên mây tạnh.

Phap-Cu-172
Ảnh: sưu tầm

Người nào trước buông lung sau lại tinh tấn, người đó là ánh sáng chiếu cõi thế gian, như vầng trăng ra khỏi mây mù.


 

173. Ai xua tan ác nghiệp,
Bằng thiện ý, hạnh lành,
Sẽ soi sáng quần sanh,
Như trăng lên mây tạnh.

Phap-Cu-173
Ảnh: sưu tầm

Người nào lấy việc lành tiêu trừ việc ác, người đó là ánh sáng chiếu cõi thế gian như vầng trăng ra khỏi mây mù.


 

174. Thiên hạ thật mù quáng,
Mấy ai sáng suốt nào,
Như chim thoát khỏi lưới,
Mấy con vút trời cao.

Phap-Cu-174
Ảnh: sưu tầm

Như chim thoát khỏi lưới, chẳng mấy con bay thẳng lên trời cao, trong thế gian này chẳng mấy người sáng suốt trông thấy cao xa.


 

175. Như Thiên Nga giữa trời,
Thần thông bay khắp nơi,
Hàng phục Ma quân hết,
Bậc Trí siêu thoát đời.

Phap-Cu-175
Ảnh: sưu tầm

Con Thiên Nga chỉ bay được giữa không trung, người có thần thông chỉ bay được khỏi mặt đất, duy Bậc đại trí trừ dẹp Ma quân mới bay được khỏi thế gian này.


 

176. Ai nói lời hư vọng,
Ai phá Pháp Nhất Thừa,
Ai bác đời sau ấy,
Không ác nào không bừa!

Phap-Cu-176
Ảnh: sưu tầm

Những ai vi phạm Đạo nhất thừa (*), những ai ưa nói lời vọng ngữ, những ai không tin có đời sau, thì chẳng có điều ác nào mà họ không làm được.

———————–

(*): Nhất pháp (Ekham Dhanman) tức la Chân đế, Chân lý (Saccam).


 

177. Kẻ ngu ghét hào phóng,
Người bần chẳng sanh Thiên.
Bậc Trí vui bố thí,
Ðời sau hưởng phúc điền.

Phap-Cu-177
Ảnh: sưu tầm

Người xan tham không thể sanh lên cõi Trời, người ngu si không ưa tán dương việc cúng dường, nhưng người trí thấy việc cúng dường lại tùy hỷ và tương lai họ sẽ được phần an lạc.


 

178. Ðắc quả Tu-Đà-Hoàn,
Hơn chính Phúc nhân gian,
Hơn tái sanh Thiên giới,
Hơn bá chủ trần gian.

Phap-Cu-178
Ảnh: sưu tầm

Người thống suất cõi đất, người làm chủ Chư Thiên, hết thảy vị thế chúa ấy chẳng sánh kịp một vị đã chứng quả Tu Đà Hoàn (*).

———————–

(*): Dự Lưu Quả (Sotapattiphalam) là quả vị đầu trong bốn quả vị Niết Bàn Thanh Văn.


 

Lưu ý: Để xem tích truyện liên quan đến từng kệ Pháp Cú, hoan hỷ nhấp vào số thứ tự phía trước.

Xem thêm: Kinh Pháp Cú