kinh-phap-cu-pham-tham-ai
Thư pháp Đăng Học

 

334. Kẻ buông lung phóng dật,
Tham ái tợ dây leo,
Ðời đời vọt nhảy theo,
Như Khỉ chuyền hái trái.

Nếu say đắm buông lung thì tham ái tăng lên hoài như giống cỏ mạn la mọc tràn lan, từ đời này tiếp đời nọ như vượn chuyền cây tìm trái.


 

335. Ai sinh sống trên đời,
Bị ái dục lôi cuốn,
Khổ đau mãi tăng trưởng,
Như cỏ Bi gặp mưa.

Ở thế gian này nếu bị ái dục buộc ràng thì những điều sầu khổ càng tăng, như loài cỏ tỳ la gặp mưa.


 

336. Ai sinh sống trên đời,
Hàng phục được tham ái,
Khổ đau sẽ vuột khỏi,
Như nước trượt lá Sen.

336. Ở thế gian này nếu hàng phục được ái dục khó hàng phục, thì sầu khổ tự nhiên rụng như nuớc giọt lá sen.


 

337. Các ngươi hợp nhau đây,
Ta có lời dạy này:
Hãy bới gốc tham ái,
Như đào rễ cỏ Bi,
Ðừng để Ma Vương hại,
Như lau bị lụt đầy.

Đây là sự lành mà ta bảo với các ngươi: Các ngươi hãy dồn sức vào để nhổ sạch gốc ái dục, như người muốn trừ cỏ tỳ la thì phải nhổ gốc nó. Các ngươi chớ lại để bị ma làm hại như loài cỏ lau gặp cơn nước lũ.


 

338. Ðốn cây không đào gốc,
Chồi tược sẽ lên hoài,
Tham ái chưa nhổ rễ,
Khổ đau mãi dằng dai.

Đốn cây mà chưa đào hết gốc rễ sâu bền thì cây vẫn sinh ra, đoạn trừ ái dục mà chưa sạch căn gốc thì khổ não vẫn sanh trở lại mãi.


 

339. Ba mươi sáu dòng ái,
Tuôn chảy theo dục trần,
Ý tham dục cuồn cuộn,
Cuốn phăng kẻ mê đần.

Những người có đủ ba mươi sáu dòng ái dục (*), họ mạnh mẽ dong ruỗi theo dục cảnh. Thế nên người có tâm tà kiến hằng bị những tư tưởng ái dục làm trôi giạt hoài.

———————————-

(*) : Ái dục có ba thứ : a) Dục ái (kamatanha), b) Hữu ái (Bhavatanha sự ái dục dính líu với thường kiến) c) Phi hữu ái (Vibhavatanha) sự ái dục tương quan với đoạn kiến. Trong sáu căn, ngoài sáu trần, đều là ái, họp thành 12 : Dục ái 12, Hữu ái 12, Phi hữu ái 12, cộng thành 36 ái dục. 36 ái dục thường lưu động không ngừng như dòng nước, nên gọi là dục lưu. 


 

340. Dòng ái dục chảy khắp,
Như dây leo mọc tràn,
Thấy dây leo vừa lan,
Liền dùng Tuệ đốn gốc.

 

Dòng ái dục tuôn chảy khắp nơi (*) như giống cỏ mạn la mọc tràn lan mặt đất. Ngươi hãy xem giống cỏ đó để dùng tuệ kiếm đoạn tận gốc đi.

———————————-

(*) : Là từ sáu căn phát ra.


 

341. Kẻ đam mê ái dục,
Say đắm theo lục trần,
Tuy mong cầu an lạc,
Sanh tử vẫn hoại thân.

Đời thường vui thích theo ái dục, ưa dong ruỗi lục trần, tuy họ có hướng cầu an lạc, vẫn bị quanh quẩn trong sanh tử vẫy vùng.


 

342. Người bị ái buộc ràng,
Hẳn lo sợ hoang mang,
Như Thỏ bị trói chặt,
Ðau khổ mãi cưu mang.

Những người trì trục theo ái dục, vùng vẫy khác nào thỏ bị sa lưới. Càng buộc ràng với phiền não càng chịu khổ lâu dài.


 

343. Người bị ái buộc ràng,
Như Thỏ bị trói ngang;
Tỳ Kheo cầu Niết Bàn,
Phải dứt trừ tham dục.

Những người trì trục theo ái dục, vùng vẫy khác nào thỏ bị sa lưới. Hàng Tỷ kheo vì cầu vô dục (*) nên phải tự gắng lìa dục.

———————————-

(*) : chỉ Niết Bàn. 


 

344. Cắt ái đi xuất gia,
Khổ hạnh trong rừng già,
Ðã giải thoát dục vọng,
Nhưng lại trở về nhà.

Người đã lìa dục xuất gia, vui ở chốn sơn lâm (*) rồi trở lại nhà theo dục (2*), ngươi hãy xem hạng người đó là đã được mở ra rồi lại tự trói vào!

———————————-

(*) : Lìa thế dục để xuất gia.

(2*) : Xuất gia rồi lại hoàn tục.


 

345. Bậc trí giảng dạy rằng:
Dây đay, gai, gỗ, sắt,
Chưa phải loại buộc chặt,
Ham châu báu, vợ con,
Mê trang sức, phấn son,
Thứ đó buộc chắc nhất.

Đối với người trí, sự trói buộc bằng dây gai, bằng cây, bằng sắt, chưa phải bền chắc, chỉ có lòng luyến ái vợ con, tài sản, mới thật là sự trói buộc chắc bền.


 

346. Bậc trí giảng dạy rằng:
Trói buộc đó rất chắc,
Trì kéo xuống thật chặt,
Khó tháo gỡ vô vàn,
Bậc trí nên cắt ngang,
Từ khước mọi tham ái.

Đối với người trí, những gì dắt người vào sa đọa mới là sự trói buộc chắc bền. Nó hình như khoan dung hòa hoãn mà thật khó lòng thoát ra. Hãy đoạn trừ đừng dính mắc, lìa dục mà xuất gia.


 

347. Người đắm say ái dục,
Là tự lao xuống dòng,
Như Nhện sa vào lưới,
Do chính nó làm xong;
Bậc trí dứt tham ái,
Ắt thoát khổ, thong dong.

Những người say đắm ái dục, trôi theo ái dục là tự lao mình vào lưới trói buộc, như nhện mắc lưới. Ai dứt được sự buộc ràng, không còn dính mắc, thì sẽ lìa mọi thống khổ mà ngao du tự tại (*).

———————————-

(*) : chứng Niết Bàn.


 

348. Bỏ quá – hiện – vị lại,
Tâm ý thoát ai hoài,
Vượt sang bờ hiện hữu,
Dứt sanh – lão – bi ai!

Bỏ quá khứ, hiện tại, vị lai (*) mà vượt qua bờ kia; tâm giải thoát hết thảy, không còn bị sanh già.

———————————-

(*) : Bỏ sự tham đắm theo ngũ uẩn quá khứ, hiện tại và vị lai.


 

349. Kẻ vọng tâm tà ý,
Say đắm theo dục trần,
Tham ái ngày tăng trưởng,
Tự làm dây buộc thân.

Những kẻ bị tư tưởng xấu ác làm tao loạn, cầu mong dục lạc thật nhiều. Người mong dục lạc tăng nhiều là tự trói mình thêm bền chắc.


 

350. Người thích trừ tà ý,
Quán bất tịnh, niệm thường,
Sẽ đoạn diệt tham ái,
Cắt đứt vòng Ma Vương.

Muốn lìa xa ác tưởng, thường nghỉ tới bất tịnh, hãy trừ hết ái dục, đừng để Ác ma buộc ràng.


 

351. Ðến đích hết sợ hãi,
Ly ái, tham tiêu tùng,
Cắt tiệt gai sanh tử,
Thân này thân cuối cùng.

Bước tới chổ cứu kính (*) thì không còn sợ hãi, xa lìa ái dục thì không còn nhiễm ô, nhổ lấy mũi tên sanh hữu thì chỉ còn một thân này là cuối cùng (2*).

———————————-

(*) : chỉ A La Hán.

(2*) : từ đây không còn luân hồi sanh tử nữa.


 

352. Ðoạn ái dục, chấp thủ,
Khéo giải từ, ngữ nguyên,
Thấu triệt dạng cú pháp,
Phối hợp chúng liền liền,
Mang sắc thân lần cuối,
Bậc Đại nhân, thâm uyên.

Xa lìa ái dục không nhiễm trước, thông đạt từ vô ngại, thấu suốt nghĩa và pháp vô ngại, và thứ lớp của tự cú (*), đó là Bậc đại trí, đại trượng phu, chỉ còn một thân này là cuối cùng.

———————————-

(*) : Câu này theo nguyên văn là : Niruttipada Kovido, dịch thẳng là thông đạt và tha cú; tức chỉ cho bốn thứ biện giải vô hại (Catupatisambbida): Nghĩa vô hại (Atha) là thông suốt lý nghĩa; Pháp vô ngại (Dhamma) là thông suốt giáo pháp như 3 tạng 12 bộ; Từ vô hại (Nirutti) là thông suốt lời lẽ văn cú; Biện thuyết vô ngại (Patibhana) là giảng nói (biết thứ lớp của tự, cú, là chỉ môn biện thuyết vô ngại).


 

353. Ta hàng phục tất cả,
Ta hiểu rõ ngọn ngành,
Ta dũ sạch các Pháp,
Ta đoạn tuyệt mối manh,
Ta diệt ái giải thoát,
Ta liễu ngộ viên thành,
Ai là Thầy ta nữa?

Ta đã hàng phục được tất cả, Ta đã rõ biết tất cả, Ta không nhiễm một pháp nào, Ta xa lìa hết thảy, diệt dục mà giải thoát và tự mình chứng ngộ, thì còn ai là Thầy? (*)

———————————-

(*) : Sau khi Phật thành đạo, từ Bồ Đề tràng đi tới Lộc Dã Uyển, giữa đường gặp nhà tu của đạo khác, tên Ưu Ba Ca (Upaka), hỏi Phật rằng: ”Ông xuất gia theo ai?”, “Thầy ông là ai?”, “Ông tin tôn giáo nào?”, Phật liền nói bài trên để trả lời. 


 

354. Thí nào bằng Pháp thí!
Vị nào bằng Pháp vị!
Hỷ nào bằng Pháp hỷ!
Diệt ái hết khổ lụy!

Trong các cách cúng dường, Pháp thí là hơn cả. Trong các chất vị, Pháp vị là hơn cả. Trong các hỷ lạc, Pháp hỷ là hơn cả. Người nào trừ hết mọi ái dục là vượt trên mọi khổ đau.


 

355. Của cải hại kẻ ngu,
Không tìm người trí giác;
Kẻ ngu ham tiền bạc,
Tự hại mình, hại người.

Tài sản giàu có chỉ làm hại người ngu chứ không phải để cầu sang bờ kia. Người ngu bị tài dục hại mình, như mình đã vì tài dục mà hại người khác.


 

356. Cỏ dại hại ruộng đồng,
Tham dục hại thế nhân;
Cúng dường Bậc ly dục,
Quả phúc thật vô ngần.

Cỏ làm hại ruộng vườn, tham dục làm hại thế nhân.Vậy nên cúng dường cho người lìa tham, sẽ được quả báo lớn.


 

357. Cỏ dại hại ruộng đồng,
Sân hận hại thế nhân;
Cúng dường Bậc ly hận,
Quả phúc thật vô ngần.

Cỏ làm hại ruộng vườn, sân nhuế làm hại thế nhân.Vậy nên cúng dường cho người lìa sân, sẽ được quả báo lớn.


 

358. Cỏ dại hại ruộng động,
Si ám hại thế nhân;
Cúng dường Bậc ly ám,
Quả phúc thật vô ngần.

Cỏ làm hại ruộng vườn, ngu si sẽ làm hại thế nhân. Vậy nên cúng dường cho ngưới lìa si, sẽ được quả báo lớn.


 

359. Cỏ dại hại ruộng đồng,
Tham ái hại thế nhân;
Cúng dường Bậc ly ái,
Quả phúc thật vô ngần.

Cỏ làm hại ruộng vườn, ái dục làm hại thế nhân. Vậy nên cúng dường cho người lìa dục, sẽ được quả báo lớn.


 

Lưu ý: Để xem tích truyện liên quan đến từng kệ Pháp Cú, hoan hỷ nhấp vào số thứ tự phía trước.

Xem thêm: Kinh Pháp Cú