221. Diệt phẫn nộ kiêu mạn,
Dứt phiền não buộc ràng,
Ðoạn chấp thủ, danh sắc.
Khổ não hết đeo mang.
Xa bỏ lòng giận dữ, trừ diệt tính kiêu căng, giải thoát mọi ràng buộc, không chấp trước danh sắc (*), người không có một vật chi ấy, sự khổ chẳng còn theo dõi được.
———————————-
(*): Danh sắc (Namarapa) tức là tinh thần và vật chất, tâm và thân.
222. Ai dằn cơn phẫn nộ,
Như hãm xe đang lăn,
Vị ấy đánh xe thật,
Người khác phụ cương phanh.
Người nào ngăn được cơn giận dữ nổi lên như dừng được chiếc xe đang chạy mạnh, mới là kẻ chế ngự giỏi, ngoài ra chỉ là kẻ cầm cương hờ (*).
———————————-
(*): Nếu tự chủ, ngăn trừ nóng giận kịp thời, mới là người thiện ngự, ngoài ra toàn như kẻ cầm cương hờ, chứ không khống chế được con ngựa.
223. Từ Bi thắng sân hận.
Hiền thiện thắng hung tàn.
Bố thí thắng xan tham.
Chân thật thắng hư ngụy.
Lấy không giận thắng giận, lấy lành thắng chẳng lành, lấy cúng dường thắng xan tham, lấy chân thật thắng hư ngụy.
224. Hãy nói lời chân thật.
Bố thí, chớ giận hờn.
Làm được ba điều ấy,
Ðạt đến cảnh Thiên Chơn.
Nói chân thật, không giận hờn, san sẻ cho người xin (*); đó là ba việc lành đưa người đến cõi Chư Thiên.
———————————-
(*): Nguyên văn còn có một chử “thiểu”, ít (Appam), tức là mình có vật gì dù ít, cũng có thể chia sớt cho người đến xin được.
225. Hiền sĩ không sát hại,
Ðiều phục thân mạng hoài,
Ðạt cảnh giới Bất tử,
Giải thoát hết bi ai.
Không làm hại người thanh tịnh, thường chế phục thân tâm, thì đạt đến nơi bất tử chẳng còn ưu bi.
226. Ai ngày đêm tu tập,
Chuyên tâm hướng Niết Bàn,
Thời thời thường tỉnh giác,
Lậu hoặc ắt tiêu tan.
Những người thường giác tỉnh, ngày đêm chuyên tu học, chí hướng đến Niết Bàn, thì mọi phiền não dứt sạch.
227. Vậy đó A-Tu-La,
Xưa nay đều thế cả,
Ngồi im bị đả phá,
Nói nhiều bị người chê,
Nói ít bị người phê,
Không ai không bị trách,
Trên trần thế bộn bề!
A đa la (*) nên biết: Đây không phải chỉ là chuyện đời nay mà đời xưa đã từng nói: làm thinh bị người chê, nói nhiều bị người chê, ít nói cũng bị người chê; làm người không bị chê thực là chuyện khó có ở thế gian này.
———————————-
(*): A đa la (Atula) là tên một người Phật tử xưa.
228. Xưa, vị lai, và nay,
Ðâu có sự kiện này,
Kẻ hoàn toàn bị trách,
Người chỉ được khen hay!
Toàn bị người chê cả, hay toàn được người khen cả, là điều quá khứ chưa từng có, hiện tại tìm không ra, và vị lai cũng không dễ gì thấy được.
229. Ai ngày ngày phản tỉnh,
Sống trong sạch đường đường,
Ðầy đủ Giới Định Huệ,
Bậc Trí thường tán dương.
Cứ mỗi buổi mai thức dậy, tự biết phản tỉnh, hành động không tỳ vết, trí tuệ hiền minh, giới hạnh thanh tịnh, đó là người đáng được kẻ trí tán dương.
230. Người hạnh tợ vàng y,
Ai dám chê trách gì,
Chư Thiên còn ca ngợi,
Phạm Thiên cũng kính quy.
Phẩm chất đúng loại vàng Diêm phù (*); thì ai chê bai được? Đó là hạng Bà la môn được Chư Thiên tán thưởng.
———————————-
(*): Diêm phù kim (jambunaba) là tên đặc biệt để chỉ 1 thứ vàng phẩm chất rất quí. Ý nói vàng này từ sông Diêm phù (Jambu) mà có.
231. Giữ thân đừng nóng giận,
Ðiều phục thân an hòa,
Từ bỏ thân làm ác,
Thân chánh trực hiền hòa.
Giữ thân đừng nóng giận, điều phục thân hành động, xa lìa thân làm ác, dùng thân tu hạnh lành.
232. Giữ lời đừng nóng giận,
Ðiều phục lời nhu hòa,
Từ bỏ lời thô ác,
Lời từ tốn ôn hòa.
Giữ lời đừng nóng giận, điều phục lời chánh chân, xa lìa lời thô ác, dùng lời tu hạnh lành.
233. Giữ ý đừng nóng giận,
Ðiều phục ý khiêm hòa,
Từ bỏ ý độc ác,
Ý quảng đại bao la!
Giữ ý đừng nóng giận, điều phục ý tinh thuần, xa lìa ý hung ác, dùng ý tu hạnh lành.
234. Ðiều phục được thân nghiệp,
Chế ngự được ngôn từ,
Thúc liễm được tâm tư,
Bậc trí khéo tự chế.
Người trí điều phục thân, cũng điều phục ngôn ngữ, điều phục luôn tâm ý, cả ba nghiệp thảy điều phục.
Lưu ý: Để xem tích truyện liên quan đến từng kệ Pháp Cú, hoan hỷ nhấp vào số thứ tự phía trước.
Xem thêm: Kinh Pháp Cú