44. Ai chinh phục Thiên giới,
Ðịa cầu và Dạ-ma,
Thông giảng kinh Pháp cú,
Như người khéo hái hoa.
Ai chinh phục (1) Địa giới (2), Diêm Ma giới (3), Thiên giới (4) và khéo giảng Pháp cú (5) như người thợ khéo (6) nhặt hoa làm tràng.
45. Hữu học (*) chinh phục đất,
Thiên giới và Dạ-ma,
Thông giảng Kinh Pháp Cú,
Như người khéo hái hoa.
(*) Vị chứng quả Dự Lưu cho đến Bất Lai
Bậc hữu học (7) chinh phục Địa giới, Diêm Ma giới, Thiên giới và khéo giảng Pháp Cú như người thợ khéo nhặt hoa làm tràng (8).
46. Hình hài như huyễn hóa,
Thân xác tợ bọt bèo,
Bẻ tên hoa dục vọng,
Tử Thần hết dõi theo.
Nên biết thân này là pháp huyễn hóa như bọt nổi, để bẻ gãy mũi tên cám dỗ của Ma quân (9) mà thoát ngoài vòng dòm ngó của Tử Thần.
47. Người hái hoa dục lạc,
Tâm tham nhiễm say sưa,
Tử Thần sẽ kéo bừa,
Như lụt cuốn làng ngủ.
Như nước lũ cuốn phăng những xóm làng say ngủ (10), Tử Thần sẽ lôi phăng đi những người sinh tâm ái trước những bông hoa dục lạc mình vừa góp nhặt được.
48. Người hái hoa dục lạc,
Tâm tham nhiễm say sưa,
Dục vọng, ý chưa vừa,
Ðã bị Tử Thần kéo.
Cứ sinh tâm ái trước, tham luyến mãi những bông hoa (11) dục lạc mà mình vừa góp nhặt được, đó chính là cơ hội tốt cho Tử Thần lôi đi.
49. Tỳ kheo vào làng xóm,
Như ong đến vườn hoa,
Lấy mật xong bay ra,
Không hại gì hương sắc.
Hàng Sa môn (Mâu ni) (12) đi vào xóm làng khất thực, ví như con ong đi kiếm hoa, chỉ lấy mật rồi đi chứ không làm tổn thương về hương sắc.
50. Ðừng tò mò vạch lỗi,
Việc người làm hay chưa,
Hãy nhìn lại việc mình,
Ðã làm hay vất bừa.
Chớ nên dòm ngó lỗi người, chớ nên coi họ đã làm hay không làm; chỉ nên ngó lại hành động của mình, coi đã làm được gì hay chưa làm được gì.
51. Như bông hoa tươi đẹp,
Có sắc nhưng không hương,
Nói hay, làm không được,
Kết quả có chi lường.
Như thứ hoa đẹp chỉ phô trương màu sắc mà chẳng có hương thơm, những người chỉ biết nói điều lành mà không làm điều lành thì chẳng đem lại lợi ích.
52. Như bông hoa tươi đẹp,
Có sắc lại thêm hương,
Nói hay và làm giỏi,
Kết quả thật vô lường.
Như thứ hoa tươi đẹp vừa có màu sắc lại có hương thơm, những người nói điều lành và làm điều lành sẽ đem lại kết quả tốt.
53. Nhiều tràng hoa được kết,
Từ những đóa hoa tươi,
Thân sanh diệt kiếp người,
Phải làm nhiều việc thiện.
Như từ đống hoa có thể làm nên nhiều tràng hoa; như vậy, từ nơi thân người có thể tạo nên nhiều việc thiện.
54. Hương các loại hoa thơm,
Không thể bay ngược gió,
Hương người đức hạnh đó,
Ngược gió bay muôn phương.
Hương của các loài hoa Chiên đàn, Đa già la hay Mạt lỵ (13) đều không thể bay ngược gió, chỉ có mùi hương đức hạnh của người chơn chánh, tuy ngược gió vẫn bay khắp muôn phương.
55. Hương Chiên đàn, Già la,
Hương Sen và Vũ quí,
Ngần ấy loại hương vị,
Không sánh bằng Giới hương!
Hương Chiên đàn, hương Đa già la, hương Bạt tất kỳ (14), hương Sen xanh, trong tất cả thứ hương, chỉ thứ hương Đức hạnh hơn cả.
56. Hương Chiên đàn, Già la,
Chưa phải là thơm phức,
Hương người có Giới đức,
Xông ngát cả Chư Thiên.
Hương Chiên đàn, hương Đa già la đều là thứ hương vi diệu nhưng không bằng thứ hương Đức hạnh xông ngát tận Chư Thiên.
57. Những ai sống đức hạnh,
Cẩn trọng và trang nghiêm,
Giải thoát bằng Chánh trí,
Ác Ma không thể tìm.
Người nào thành tựu các giới hạnh, hằng ngày chẳng buông lung, an trụ trong chánh trí và giải thoát, thì Ác Ma không thể dòm ngó được.
58. Giữa đống rác bẩn thỉu,
Vất bỏ bên đường hoang,
Hoa sen thơm ngào ngạt,
Ðẹp lòng khách qua đàng.
59. Cũng vậy giữa nhân gian,
Ngập tràn rác trần thế,
Ðệ tử Bậc Chánh Giác,
Soi sáng khắp quần mê.
58 – 59. Như từ trong đống bùn nhơ vất bỏ trên đường lớn sinh ra hoa sen thanh khiết ngọt ngào, làm đẹp ý mọi người; cũng thế, chỉ từ nơi chốn phàm phu ngu muội mới sản sanh những vị đệ tử bậc Chánh Giác, đem trí tuệ soi sáng thế gian.
——————————–
CHÚ THÍCH
1. Chinh phục (Vijessati), là theo Pali nguyên chú.
2. Địa giới (Pathavi) là chỉ tự kỷ hay tự thân (Atta-bhava).
3. Diêm Ma giới (Yamalokà), theo nguyên chú thì bao quát cả 4 giới (Catudbhidam apayalokan ca): Địa Ngục (Hell), Ngạ Quỷ (Peta realm), Súc Sanh (Animal kingdom) và A Tu La (Asura realm).
4. Thiên giới (Sadevakam), theo nguyên chú thì bao quát 6 cõi trời Dục giới và Nhân giới.
5. Pháp cú (Dhammapada) tức là pháp tích, pháp, như ba mươi bảy đạo phẩm (Bodhipakkhikadham-ma) v.v…
6. Thợ khéo là thợ làm tràng hoa, để ví dụ cho người khéo giảng nói Pháp cú, có lớp lang, không lộn xộn, như thợ xâu hoa vậy.
7. Hữu Học (Sekha) tức là các vị chứng sơ quả Tu Đà Hoàn (Sotapattiphala), nhị quả Tư Đà Hàm (Sakadagamiphala), tam quả A Na Hàm (Anagam-phala), và Sơ quả hướng, Nhị quả hướng, Tam quả hướng, Tứ quả hướng, vì những vị này còn phải học tập giới, định, huệ. Đến khi chứng tứ quả A La Hán mới được gọi là Vô Học (Asekha).
8. Bài tụng trên là hỏi, bài này đáp.
9. Sự dụ hoặc của dục cảnh.
10. Những người đang say ngủ trong xóm làng giữa đêm khuya, bị nước lũ cuốn đi mà không hay biết gì. Người mê miết trong dục lạc cũng vậy.
11. Cảnh dục lạc.
12. Mâu ni (Muni) có nghĩa là người trầm lặng, nhân từ, trí tuệ, thánh giả, ở đây chỉ hàng Sa môn khất thực.
13. Chiên đàn na (Candana) Đa gia la (tagara), tên hai thứ cây thơm, Mạt lị ca (Malika) là một thứ hoa nhỏ thơm mọc tùm lum như giây bìm.
14. Bạt tất kỳ (Vassiky) là vũ quý hoa.
——————————–
Lưu ý: Để xem tích truyện liên quan đến từng kệ Pháp Cú, hoan hỷ nhấp vào số thứ tự phía trước.
Xem thêm: Kinh Pháp Cú