GƯƠNG LÀNH THÁNH ĐẠI CA DIẾP (MAHÀ KASAPA)
VỊ TĂNG THỐNG PHẬT GIÁO ĐẦU TIÊN
Tác giả: HELLMUTH KECKER
Diễn dịch: Nguyễn Ðiều (1992)
-ooOoo-
“Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammà Sambuddhassa”
Thành kính đảnh lễ đấng Toàn Giác. Ngài là bậc thân khẩu ý trọn lành, không còn luân hồi trong Tam giới nữa.
-ooOoo-
LỜI NÓI ĐẦU
Lúc còn tại thế, Đức Phật đã có năm đại đệ tử thượng hạng là Ðại Ca Diếp (Mahà Kassapa), Xá Lợi Phất (Sàrìputta), Mục Kiền Liên (Mahà Moggallàna), A Nậu Lâu Ðà (Anuruddha) và A Nan Ðà (Ananda).
Ðời sống của những đại tông đồ ưu tú nầy cũng không kém phần hoàn thiện, rất đáng cho hậu thế noi gương, sau tấm gương sáng nhất là đời sống của Đức Phật.
Do hữu duyên, chúng tôi đã mạo muội phiên dịch được lịch sử của các Thánh Xá Lợi Phất (1996), Mục Kiền Liên (1988) và A Nan Ðà (1991).
Hôm nay chúng tôi lại còn may mắn dịch thêm tập “GƯƠNG LÀNH THÁNH ÐẠI CA DIẾP”, bậc đã theo dấu chân Đức Phật, tổ chức được Tăng già Phật giáo. Học giả Hellmuth Hecker, người có công soạn ra bằng Anh ngữ, tập sách nầy đã gọi Thánh Ðại Ca Diếp là “Father of the Sangha”.
Khi phiên dịch, và nhất là sợ vắn tắt, khô khan, khó hiểu, chúng tôi nhận thấy phải “diễn đạt” làm sao cốt chỉ giữ ý chính, chứ không theo sát bố cục, nguyên văn, để cống hiến đến quý vị Phật tử một tài liệu hữu ích, trong lời văn mạch lạc, bình dị, dễ nhớ hơn, hầu biến tập sách này thành một tài liệu “phổ thông” cho cả những người mới bắt đầu nghiên cứu Phật học!
Ngoài ra có một đoạn chúng tôi mạn phép bổ túc một cách vừa phải, để giúp cho những ai muốn tra cứu về mười ba phép tu hạnh đầu đà (dhutanga) mà Thánh Ðại Ca Diếp là bậc thường xuyên gìn giữ.
Chúng tôi làm việc tuy bằng lòng chân thành với tất cả sự cố gắng, nhưng thiết nghĩ khó tránh khỏi những sơ sót. Ngưỡng mong chư vị rộng lượng cho! Dịch giả xin thành thật cảm tạ!
Tập thứ tư trong loại nói về “Ðời sống của chư đại tông đồ Đức Phật” nầy ra đời là nhờ sự tiếp tay sưu tầm tài liệu, khuyến khích phiên dịch, và ủng hộ tài chánh của một số Phật tử Nam Tông lẫn Bắc Tông, chúng tôi xin hoan nghinh công đức của chư vị ấy!
Dịch giả cũng xin chia đều phần phước Pháp thí nầy đến những vị nói trên, đồng thời dâng đến toàn thể chúng sinh, nhân loại, nhất là hai đấng sinh thành và các bậc hữu ân, thầy Tổ của dịch giả.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nguyễn Ðiều
(Paris ngày 18/06/1992)
-ooOoo-
PHẬT NGÔN
“Chiến thắng ngàn vạn quân binh trên chiến trường, chưa hẳn là một thành tích oanh liệt!
Chiến thắng được nội tâm của chính mình mới là một chiến công tuyệt đối!”
(Pháp Cú kinh câu số 103)
-ooOoo-
ÐẠI CA DIẾP (MAHÀ KASSAPA)
Ðệ nhất tông đồ Phật giáo
(một Thánh nhân có giới hạnh vô song)
Vị Sa-môn vô địch về pháp tu khắc khổ đầu đà trong Phật giáo là Thánh Tăng Ðại Ca Diếp. Ðại Sa-môn nầy là người duy nhất, trong hàng các cao đồ của Đức Phật, đã tuyệt đối giữ đúng giới luật!
Và với tất cả sự ngưỡng mộ tính cách độc đáo ấy, dịch giả xin mời quý vị thử đọc qua những trang sách nầy.
Dịch giả
-ooOoo-
PHẦN 1
I. MỘT CON NGƯỜI THANH TỊNH
Trong số những đại đệ tử tuyệt hạng của Đức Phật, người ta nhận thấy có hai cặp tông đồ, vừa xuất chúng, vừa lỗi lạc, vừa gương mẫu nhất, là hai đôi huynh đệ:
1) Xá Lợi Phất (Sàrìputta) và Mục Kiền Liên (Moggallàna).
2) A Nan Ðà (Ananda) và A Nậu Lâu Ðà (Anuruddha).
(Xin xem các cuốn “Cuộc đời đức Xá Lợi Phất”, “Lịch sử đức Mục Kiền Liên”, và “Cuộc đời Thánh A Nan Ðà”. – Cùng một dịch giả).
Nhưng vị Sa-môn số một được Đức Phật xếp vào hạng cao đồ duy nhất là Thánh Tăng Ðại Ca Diếp (Mahà Kassapa), một bậc ẩn sĩ thượng thừa trong hạnh xuất gia.
Thánh Ðại Ca Diếp còn có tên thật là Pipphali Kassapa, tạm dịch là Thường Tịnh Ca Diếp.
Nhưng để phân biệt với các Sa-môn khác sau nầy cũng mang tên Ca Diếp (Kassapa). Chẳng hạn như Tử Nhân Ca Diếp (Kumàra Kassapa), Khổ Lâm Ca Diếp (Veruvana Kassapa) v.v… nên người đương thời đã tự động gọi Ngài là Thường Tịnh Ðại Ca Diếp hay vắn tắt là ÐẠI CA DIẾP (Mahà Kassapa).
Sau khi Xá Lợi Phất (Sàrìputta) và Mục Kiền Liên (Moggallàna) viên tịch, rồi đến Đức Phật nhập Niết Bàn, Trưởng lão Ðại Ca Diếp đã được toàn thể Tăng tín đồ Phật giáo thuở ấy kính trọng nhất. Ông là người đương nhiên được xem như vị chưởng môn Phật giáo đầu tiên, thay thế đấng Giáo chủ là Đức Phật. Nhưng Thánh Ðại Ca Diếp đã không chấp nhận địa vị nầy, vì ông nhớ lại tôn ý của đức Bổn Sư:
“Sau khi Như Lai nhập Niết Bàn, Phật giáo sẽ không có một thủ lãnh tối cao chỉ huy Tăng già!“.
Và tôn ý ấy cũng lại được đức Bổn Sư tự thân xác nhận khi Tôn giả A Nan Ðà đặt câu hỏi trước khi đức Thế Tôn nhắm mắt chẳng bao lâu:
“Bạch đấng Thượng Sư! Sau khi Phật tịch diệt rồi thì Sa-môn nào sẽ xứng đáng lãnh đạo Tăng già!“.
“Nầy A Nan Ðà! Các ông sẽ lấy KINH (Dhamma) và LUẬT (Vinaya)” làm kim chỉ nam, làm đấng hướng dẫn, hay làm thầy!”
(Theo Dìgha Nikàya n. 16: Trường A Hàm số 16)
(Chữ “Dhamma” đúng ra nên dịch là PHÁP, nhưng trong mạch văn nầy dịch giả xin mạn phép dịch ra chữ KINH để dễ hiểu hơn. Mong quý vị học giả lượng thứ!).
Tuy nhiên, giáo quyền mặc nhiên được thừa nhận nơi Thánh Ðại Ca Diếp, bởi mọi giới Tăng già, cũng như Phật tử, đã làm cho ông có một phẩm vị đặc biệt, không có một cao đồ Phật giáo nào sánh bằng! Giáo quyền ấy vốn là chỗ kết tụ của những yếu tố phi thường, mà ngay khi Đức Phật còn tại thế, mọi người cũng đã biết. Chẳng hạn như Đức Phật đã từng khen ngợi:
“Sa-môn Ðại Ca Diếp có nhiều phẩm cách tương đương với Như Lai. Ông có bảy tướng tốt trong số ba mươi hai tướng tốt của một vĩ nhân. Ông là vị Sa-môn duy nhất “mặc chung”, trao đổi y phục với Như Lai. Ðại Ca Diếp đã tròn đủ mười đức hạnh, làm cho người khác phải tin kính!“.
Theo kinh Gopaka Moggallàna, trong Majjhima Nikàya n. 108 (Trung A Hàm số 108) thì mười đức hạnh đáng cho người khác tin kính (Pàsàdaniya Dhammà) là:
1. Giới đức tinh khiết.
2. Ðạo học uyên thâm.
3. Luôn luôn tri túc.
4. Thuần thục trong các bậc thiền.
5. Ðạt nhiều thần thông.
6. Có Thiên nhĩ (nghe xa vạn dặm).
7. Có Tha tâm minh (biết rõ ý nghĩ của kẻ khác).
8. Có Túc mạng thông (nhớ hết các kiếp trước).
9. Có Thiên nhãn (nhìn xa vạn dặm, thấy hết mọi loài, vô hình lẫn hữu hình).
10. Thân tâm diệt tận phiền não, đắc quả A-la-hán (Bất Lai: không còn luân hồi nữa).
Ðại Thánh Ca Diếp là tượng trưng cho giới luật tròn đủ, khổ hạnh bền bỉ và tinh tấn vô song trong lãnh vực thiền định. Vì vậy, ông đã được toàn thể Tăng già bầu vào chức chủ tọa đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất, do ông đề nghị, trong một cái động thiên nhiên gần Vương Xá thành (Ràjagaha), sau khi Đức Phật nhập diệt.
Ðây có lẽ lý do mà về sau hai môn phái Phật giáo Trung Hoa và Nhật Bản là Tịnh Ðộ, và Zen đã xem Thánh Ðại Ca Diếp như vị Tăng Thống đầu tiên về sau Đức Phật.
Về nguồn gốc gia tộc thì Ðại Ca Diếp, cũng như hai thượng tông đồ Xá Lợi Phất (Sàrìputta) và Mục Kiền Liên (Moggallàna) của Đức Phật. Ông xuất thân từ giai cấp Bà-la-môn (Brahamin). Và cũng tương tự như Thánh Tăng kia, Ðại Ca Diếp đã lớn tuổi hơn Đức Phật. Ông sinh ra trong xứ Ma Kiệt Ðà (Magadha), tại một làng gọi là Mahàtittha (tạm dịch là làng Giao Lưu, nghĩa là nơi đó là ngã tư của các trục giao thông, dân chúng tứ phương có thể qua lại thường xuyên bằng đường bộ lần đường thủy!).
Ông là con của đại bá hộ Bà-la-môn tên Kapila, và thân mẫu là bà Sumanadevì (Căn cứ theo chú giải trong kinh Samyutta Nikàya: Tạp A Hàm). Khi sinh ra, ông được đặt tên là Pipphali (tạm dịch là Thường Tịnh) vì tính khí luôn luôn yên tĩnh ngay từ lúc lọt lòng mẹ của ông. Và thân phụ ông có thể xem như một vị tiểu vương, vì làm chủ một lãnh thổ bao trùm đến mười sáu ngôi làng. Công tử Pipphali (Thường Tịnh), dĩ nhiên đã được nuôi dưỡng trong một khung cảnh giàu sang phú quý.
Nhưng ngay từ nhỏ, người ta đã nhận thấy ở công tử Pipphali nầy những nét siêu phàm thoát tục. Ông biểu lộ hẳn ý muốn sống một cuộc đời thanh tịnh xuất gia, nên đến tuổi trưởng thành, ông đã không màng cưới vợ.
Khi song thân Pipphali Kassapa thúc giục cậu con trai lập gia đình, cậu bèn thưa với cha mẹ rằng:
“Con chỉ muốn sống độc thân phụng dưỡng cha mẹ cho đến mãn phần, rồi sau đó sẽ xuất gia làm đạo sĩ!“
Nhưng song thân của Pipphali cứ năn nỉ con lấy vợ hoài! Vì thương cha mẹ ông buộc lòng phải nhận lời. Rồi để kéo dài thời gian, Pipphali liền nêu điều kiện là chàng chỉ cưới làm vợ, cô gái nào thật hoàn toàn, có đủ những tiêu chuẩn mà chàng cố ý nghiêm khắc đặt ra. Và để thực tế hóa những tiêu chuẩn ấy, Pipphali đã thuê thợ điêu khắc tạc ra một tượng thiếu nữ bằng vàng ròng tuyệt đẹp. Chàng trang sức cho tượng vàng ấy bằng những y phục lộng lẫy và đồ nữ trang quý giá nhất. Ðoạn chàng đem tượng vàng trình diện trước cha mẹ mà nói rằng:
“Nếu song thân có thể tìm cho con một người bạn gái như thế nầy, thì con sẽ cưới nàng làm vợ, và dẹp bỏ ý nguyện xuất gia!“
Nghe thế, song thân Pipphali liền tìm đến tám hương chức Bà-la-môn, nổi tiếng mai mối và biết hết mọi dân cư trong vùng, để đặt những món tiền thưởng quan trọng, rồi yêu cầu họ vẽ lại hình ảnh của tượng “nữ kim hoàn” kia, hầu tỏa ra tìm kiếm từ làng nầy qua làng khác, một thiếu nữ đẹp như kim thân ấy!
Tám người Bà-la-môn liền nghĩ rằng:
“Chúng ta trước tiên, thử đến vùng Madda (tức là vùng “nhồi đất” hay vùng “thợ đúc”, vì nơi đó có mỏ vàng, có nhiều tiệm kim hoàn, thì may chăng chúng ta sẽ tìm ra một cô gái xinh đẹp như thế. Bởi lẽ nơi nào chưng bán lắm đồ nữ trang nơi đó có nhiều mỹ nhân lui tới!“
Và đúng như điều họ dự đoán, tám ông Bà-la-môn đã tìm thấy tại làng Sàgala, một cô gái mà nét đẹp chẳng kém gì hình ảnh tượng vàng kia. Người con gái ấy tên là Bhaddhà Kàpilànì, quý nữ của một gia đình Bà-la-môn giàu có. Nàng vừa tròn mười sáu tuổi xuân, tức là nhỏ hơn Pipphali Kassapa bốn tuổi! Một cái tuổi cập kê đẹp đẽ nhất đời người con gái.
Tên nàng Bhaddà Kàpilànì có thể tạm dịch là Mỹ Hạnh! (Vì Bhaddà có nghĩa là may mắn, hữu hạnh, còn chữ Kàpilànì ám chỉ một màu sắc thâm trầm giống như màu thẩm chu!)
Cha mẹ Bhaddà Kàpilànì (Mỹ Hạnh) sau khi nghe lời “làm mai” của tám ông Bà-la-môn kia, liền nhận lời. Và tám ông mai lập tức quay về trình với song thân Pipphali Kassapa, sự thành công đã tìm ra người đẹp của họ.
Nhưng một điều trùng hợp lạ lùng, là nàng Bhaddà Kàpilànì (Mỹ Hạnh) cũng không muốn lấy chồng. Nàng chỉ ước ao được xuất gia, sống đời sống phạm hạnh của một nữ đạo sĩ.
Bản chất và hạnh nguyện hướng thượng giống nhau của cả nàng Bhaddà Kàpilànì và của chàng Pipphali Kassapa hiển nhiên chính là một biểu lộ thiện căn đã phát triển trong nhiều kiếp trước. Họ đã từng kết bạn, hành đạo chung với nhau, trong những hoàn cảnh cộng nghiệp. Nên kiếp nầy quả lành đã chín muồi, đưa đẩy họ cùng có những quyết định tương tự trong lúc tuổi thanh niên, cũng như về già sau này, trên con đường mỗi người phát nguyện đi một hướng, để tìm phương pháp giải thoát!
Riêng Pipphali Kassapa (Thường Tịnh Ca Diếp) từ ngày tạc tượng nữ nhân bằng vàng, rồi yêu cầu cha mẹ hãy đi tìm một nàng dâu như thế, thì chàng cứ yên trí trên đời này làm gì có một người xinh đẹp cỡ ấy. Nhưng khi chàng nghe các ông mai Bà-la-môn xác nhận đã tìm ra một mỹ nữ siêu hạng, thì ngạc nhiên vô cùng. Pipphali lập tức gởi cho nàng một bức thơ, vắn tắt nói rằng:
“Này Bhaddà (Mỹ Hạnh)! Xin nàng hãy lấy một người khác làm chồng, để xứng đáng với các sắc đẹp và tư cách của nàng, hầu tạo nên một mái gia đình đầy đủ hạnh phúc! Còn tôi, tôi không muốn cưới vợ. Tôi chỉ mong ước đi tu, tìm lối giải thoát! Mong nàng đừng phiền trách!“
Về phía Bhaddà (Mỹ Hạnh)! Cũng vậy. Tuy không hẹn mà nàng cũng gởi cho Pipphali một bức thư đại khái như sau:
“Này Pipphali! Em mong chàng sẽ tìm ra một người con gái xứng đáng khác, có bản chất yêu thích bổn phận làm vợ, làm mẹ trong gia đình, để kết bạn trăm năm. Phần em, em vốn muốn xuất gia đi tu đã từ lâu, chỉ chờ dịp thực hiện. Mong chàng thông cảm!“.
Nhưng đáng tiếc thay, cả hai thư cao quý vừa kể đã chẳng có lá nào đến tay người đáng nhận cả. Nguyên nhân là do sự “can thiệp” của cha mẹ đôi bên. Họ đã khéo léo sắp đặt cho gia nhân chận trước hai bức thư thanh bạch ấy, rồi thay vào đó bằng hai lá thư khác, đầy tình tứ, thề non hẹn biển, nhất định lấy nhau, cho dù có bị chia rẽ kẻ chân trời người góc bể, cũng không hề từ bỏ…!
Kết quả, ngày cưới đã đến, nàng Bhaddà (Mỹ Hạnh) được cha mẹ “đưa dâu” về nhà chồng (theo phong tục Ấn Ðộ) ở xứ Ma Kiệt Ðà (Magadha), và hôn lễ vẫn được cử hành như ước định.
Tuy nhiên, sau lễ cưới, do hạnh nguyện của đôi vợ chồng son, khi nói chuyện với nhau mới biết được sự thật về các bức thư “sắp đặt” kia.
Cả hai càng quý mến người bạn đời, và cùng ước hẹn sẽ giữ nết hạnh thanh tịnh: Tuy gần chăn gối nhưng không hợp thân như vợ chồng. Mỗi buổi tối, truớc khi lên nằm ngủ, hai người đều để lên giữa giường, một tràng hoa, rồi mỗi người an giấc một bên. Ấy là sự tinh tấn nhắc nhở nhau gìn giữ phạm hạnh!
Thời gian lặng lẽ trôi qua, đôi “vợ chồng” Trưởng giả Pipphali và Bhaddà (Thường Tịnh và Mỹ Hạnh) đã sống những ngày tháng cao thượng. Cả hai đã không màn đến chuyện tìm hiểu xem tài sản mà cha mẹ đôi bên sẽ để lại cho mình là những thứ gì!
Nhưng khi song thân cả hai bên đã qua đời, ông bà tân bá hộ Pipphali và Bhaddà bắt buộc phải thay thế cha mẹ làm chủ ruộng đất…
Ngày kia, khi đang kiểm kê những thửa ruộng của mình, Pipphali Kassapa bất chợt, với một nhãn quang thanh tịnh, “nhìn thấy” những hình ảnh khổ đau của nhiều chúng sinh trong quá khứ! Ông chứng kiến trước mắt một gia nhân đang cày ruộng. Những giun dế, sâu bọ, trong lòng đất bị hất lên trên quằn quại, làm mồi cho từng đàn chim từ không trung đáp xuống sát hại…!
Hình ảnh nầy, tuy đối với một nông dân rất thông thường, chẳng có gì đáng chú ý hết, nhưng đối với Pipphali Kassapa, đó là một hiện tượng gợi lên bao nhiêu niềm đau khổ! Ông suy nghĩ: “Sự sung túc của ta phải chăng là kết quả của những hành động vô tình hay gián tiếp sát hại sinh linh nầy? Tài sản ấy, phải chăng đang gắn liền với sự đau khổ của nhiều loại côn trùng, thấp sinh, ẩn thân trong lòng đất? Những gì ta hưởng thụ hằng ngày phải chăng là nguyên nhân thí bỏ bao nhiêu sinh mạng thấp kém bất hạnh kia?”.
Suy nghĩ như thế Pipphali liền quay qua hỏi một người cày ruộng:
“Nầy bạn nông dân! Bạn có thấy chim chóc sát hại những sâu bọ, côn trùng giữa các luống cày nầy không? Nếu thấy thì yêu cầu bạn hãy cho ta biết ai là kẻ chịu trách nhiệm trước các sự sát hại đó!“
“Thưa ông bá hộ! Chính ông là người phải nhận trách nhiệm ấy, vì lưỡi cày nầy chỉ xới đất dưới thẩm quyền của ông!“
Nghe câu trả lời của người nông phu, ông bá hộ Pipphali Kassapa vô cùng kinh động. Tâm tư ông liền nghĩ đến mối liên quan cộng nghiệp giữa một chúng sanh nầy với một chúng sanh khác. Ông tỏ ra buồn bã, bỏ quay về nhà. Vừa đi ông vừa để một mối ưu tư quay cuồng trong óc. Ông tự nhủ: “Nếu nguyên nhân tội ác sát hại những sinh vật kia quy về ta thì tài sản, ruộng vườn, ấy đối với ta vô nghĩa quá. Nó chẳng những đã không giúp ta phát triển được thiện hạnh, mà còn kéo ta vướng vào trong những cộng nghiệp trầm luân. Tốt hơn, kể từ hôm nay ta sẽ tặng hết ruộng nương đất đai, của cải cho nàng Bhaddà. Dẫu sao nàng cũng là vợ chính thức của ta, để ta sớm tìm đường thoát ly cảnh tội ác, sống đời sống thanh tịnh của một đạo sĩ!“
Một sự trùng hợp là ngay lúc ấy tại nhà, vợ ông bá hộ, nàng Bhaddà cũng có những ưu tư như thế. Nàng đứng nhìn một khoảng sân lát gạch để phơi ngũ cốc. Những cây mè và những hạt mè tươi được gia nhân trải ra nền gạch nóng.
Rồi những con quạ, những chim sâu, những cánh diều, những con ó, từ không trung đáp xuống, nuốt trửng các sâu mè vô tội, vì không chịu nổi sức nóng, đã từ trong các trái mè chui ra, tìm lối thoát thân. Ðối với Bhaddà (Mỹ Hạnh), hình ảnh ấy gợi lại cho nàng một sự kinh sợ về nghiệp ác trong cuộc sống chung trên thế gian này. Nàng vội hỏi vài gia nhân phải chăng nàng cũng có trách nhiệm trong việc phơi khô những cây mè mà họ đang làm kia!? Các gia nhân liền thành thật trả lời:
“Thưa bà bá hộ! Nếu không có lệnh của bà thì những cây mè nầy vẫn còn nằm ngoài vườn và những sâu bọ kia vẫn ở yên trong tổ của chúng!“
Nàng Bhaddà lập tức suy nghĩ: “Chỉ một việc gặt hái những hạt mè thôi, mà ta đã vô ý phạm đến chừng ấy tội, thì trong đời sống hằng ngày của một bà bá hộ, quản thủ bao nhiêu ruộng đất, thu hoạch bao nhiêu hoa mầu, ta sẽ vướng vào nghiệp ác biết là chừng nào! Những nghiệp ác ấy chắc chắn sẽ không bao giờ để cho ta, dù trải qua muôn ngàn kiếp, có thể vượt lên khỏi biển khổ trầm luân được! Vậy khi Pipphali về nhà, ta sẽ giao lại hết mọi quyền làm chủ tài sản cho chàng rồi ta sẽ đi tu…!“
(Lời bàn của dịch giả: Theo kinh điển chánh thống của Phật giáo, nhất là theo tạng Luật (Vinaya) và tạng Luận (Abhidhamma) thì một nghiệp ác (Akusala kamma) chỉ phát sinh khi có đủ hai yếu tố: tác ý (Cetasika) và hành động (Karana) đi đôi! Như vậy, ông bà bá hộ Pipphali và Bhaddà nói trên, đã không phạm tội sát sinh, vì cả hai người đều không có tác ý giết hại các côn trùng, sâu bọ, cũng như hai người không đích thân làm việc ác ấy! Câu trả lời của những thợ cày và gia nhân của họ vốn dựa trên sự phê phán phàm tình, chứ không đúng theo tinh thần Phật giáo!)
Khi vợ chồng cặp bá hộ gặp nhau tại nhà, bày tỏ những điều tư duy của mỗi bên cho nhau nghe, thì ý định thoát ly gia đình của người này đã được người kia hoan nghinh khuyến khích. Thế là họ chọn y phục màu vàng nhạt, sắm bình bát, cắt tóc và cạo râu, rồi tự mình sống hạnh xuất gia, buông bỏ sau lưng bao nhiêu gia tài, của cải giao hết cho gia nhân, phân phối đến dân nghèo…!
Và kể từ đó, người ta đã thấy hai hiền nhân khất sĩ công khai phát nguyện: Họ sẽ đi tìm các bậc chân nhân, A-la-hán giải thoát, để học sống cuộc đời trong sạch. Ông bà bá hộ Pipphali và Bhaddà (Thường Tịnh và Mỹ Hạnh) bây giờ là hai đạo sĩ, bình bát sẵn trên vai, chờ dịp thanh vắng, để yên lặng thoát khỏi gia trang, cốt tránh sự phát giác, cản ngăn của các hàng gia nhân thân tín…! Và họ đã yên ổn ra đi…!
Nhưng khi họ đến ngôi làng bên cạnh, cũng thuộc quyền cai quản của nhà bá hộ Pipphali, thì nhiều nông dân và họ hàng thấy họ trong y phục khất sĩ, liền mọp xuống dưới chân khóc lóc, khuyên can thảm thiết …:
“Ông bà bá hộ nhân từ ơi! Sao ông bà nỡ bỏ chúng tôi như những dân lao động mồ côi, không người giúp đỡ!?“
“Hỡi quý dân làng! Chúng tôi tình nguyện xuất gia, chỉ vì chúng tôi đã nhận thấy tam giới nầy như một ngôi nhà đang cháy! Nếu chúng ta không sớm thoát ly thì sẽ bị khổ não mà thôi!“
Ðoạn quay sang những nông nô (dân nô lệ nhà nông) đạo sĩ Pipphali Kassapa hiền từ tuyên bố trả tự do cho họ…! Rồi ông cùng nữ đạo sĩ Bhaddà (Mỹ Hạnh) tiếp tục lên đường, để lại đám dân làng sau lưng nhìn họ khóc than cho đến khi khuất mắt.
Trong khi hành trình, Kassapa đi trước và Bhaddà đi sau. Ðạo sĩ Kassapa (Ca Diếp) chợt nghĩ rằng: “Giờ đây, nếu Bhaddà Kàpilànì (Mỹ Hạnh) cứ luôn luôn theo ta, mà nàng có một sắc đẹp phi thường. Người đời sẽ dị nghị rằng: “Ðã trở thành đạo sĩ rồi, sao đôi cựu vợ chồng bá hộ nầy vẫn không thể sống tách rời nhau được. Như thế, chắc chi họ đã là hai đạo sĩ chân chính?“.
Than ôi! Nếu thế nhân đa nghi, ô nhiễm tư tưởng của họ bằng những tin đồn xấu xa như thế, thì ý nghiệp và khẩu nghiệp ác của họ, sẽ nặng nề vô cùng! Vậy ta và Bhaddà không nên vô tình gây ra cho họ sự suy nghĩ tội lỗi! Tốt hơn hết ta và nàng nên tách rời nhau…!
Ðang suy nghĩ thì hai người đến một ngã tư đường, Kassapa liền nói:
“Nầy Bhaddà! Nàng hãy đi về hướng nầy. Còn ta, ta sẽ đi trên hướng khác. Như thế sẽ thích hợp cho cả hai hơn!“
Nữ đạo sĩ Bhaddà (Mỹ Hạnh) trước đó chẳng bao lâu, vốn cũng có cùng ý nghĩ như Pipphali Kassapa nên vui vẻ đáp:
“Nầy đạo huynh Kassapa! Quả đúng như vậy. Sự có mặt của một nữ nhân xinh đẹp bên cạnh một nam đạo sĩ là một điều bất tiện! Người đời có thể nghĩ lầm và bàn lầm về phẩm hạnh tu tập của chúng ta! Vậy yêu cầu người hãy đi con đường của người, còn tiện nữ tiến bước trên con đường của tiện nữ! Chúng ta có thể chia tay từ đây!“
Nói xong, Bhaddà cung kính đi xung quanh đạo sĩ Pipphali Kassapa ba vòng, đoạn theo phong tục cổ Ấn Ðộ, nàng quỳ mọp dưới chân, chắp tay từ giã rằng:
“Ðạo phu thê, ơn đồng hành, nghĩa bằng hữu cao quý của chúng ta đã bền chắc trong vô lượng kiếp qua, hôm nay có lẽ kết tụ bằng ngã đường chia tay giải thoát nầy. Vậy yêu cầu đạo huynh hãy đi vào con đường bên phải, còn tiểu nữ sẽ đi vào con đường bên trái!“
Và cũng kể từ đó, hai đạo sĩ chia tay nhau, mỗi người đi một ngã, mưu tìm Thánh quả tối thượng là diệt tận phiền não, giải thoát sinh tử luân hồi, đạt đạo A-la-hán.
Sử chép: Lúc ấy quả địa cầu đã rung động vì oai lực do đức hạnh vô song của hai bậc đạo sĩ vĩ nhân!
II. BHADDÀ KÀPILÀNÌ (MỸ HẠNH)
Bây giờ chúng ta hãy theo chân nữ đạo sĩ Mỹ Hạnh (Bhaddà Kàpilànì). Lộ trình tầm đạo đã ngẫu nhiên đưa vị nữ tu nầy đến thành Xá Vệ (Sàvatthì). Ở đó, bà được nghe nhiều bài pháp của Đức Phật thuyết tại Kỳ Viên Tịnh Xá (Jetàvanà Vihàra).
Vì lúc ấy Đức Phật chưa cho phép thành lập hệ thống ni giới, nên bà phải tạm ẩn cư trong một tu viện của các nữ đạo sĩ không thuộc Phật giáo. Tu viện nầy cách không xa Kỳ Viên Tịnh Xá lắm. Ðạo sĩ Mỹ Hạnh ở đó đến năm năm, cho tới khi Giáo hội Tỳ-khưu-ni Phật giáo ra đời, bà mới được thụ giới Tỳ-khưu-ni. Rồi chẳng bao lâu sau đó, bà lại đắc quả A-la-hán.
Một hôm, nhân để ca ngợi hạnh kiểm của đại Sa-môn Kassapa (Ca Diếp), và đồng thời tiết lộ sự đắc quả giải thoát của mình. Thánh Tỳ-khưu-ni A-la-hán Bhaddà (Mỹ Hạnh) đã ngâm mấy câu kệ rằng:
“Ðệ tử Phật ông là người thừa tự,
Ca Diếp ngày nay tâm tịnh, ý trong.
Thấy rõ tiền thân sinh tử xoay vòng,
Nhân với quả từ muôn đời quá khứ.
**
Chấm dứt tái sinh, Thánh tâm đắc thủ.
Hiểu biết siêu phàm vạn pháp tinh thông.
“Ba tuệ lực ” là “phạm hạnh tam ân”.
Không với có, có không cùng một thư ù!
**
Mỹ Hạnh nhất tâm không ngoài liễu sự,
Giác, Huệ đồng sinh dứt khổ: Niết Bàn.
Thắng Ma Vương chấm dứt cả thời gian,
Ðây kiếp chót, hết trời, người, cầm thú…
**
Tam giới khổ, vui, nhân duyên thấy đủ…
Phiền não tách rời, tâm tính thuần chân!
Thanh tịnh là đây, ơn ích cõi trần…
Trong thanh tịnh đầy tự do Pháp Tụ!
(Nguyễn Ðiều phỏng dịch theo
Tôn Túc Nữ Kệ Ngôn số 63-66: Therìgàthà n.63-66)
Là một Thánh Bất Lai (A-la-hán), Tỳ-khưu-ni Bhaddà (Mỹ Hạnh) hằng ngày đã dồn nỗ lực vào việc dạy dỗ và hướng dẫn những nữ tu sĩ mới nhập môn trong kỷ luật phạm hạnh. Theo những bài phân tích về “Luật Phần Tỳ-khưu-ni” (Bhikkhùni Vibhanga) thì có nhiều trường hợp đã được ghi lại trong kinh điển, liên quan đến các nữ đệ tử của bà, đưa tới việc chế ra một số giới luật. (Theo Bhikkhùni Vibhanga: Luật Phần Tỳ-khưu-ni. Pàcitiya 10-12 – 13: Ưng Ðối Trị 10 -12 – 13 và Sangha-disesa 1: Tăng Tàn giới số 1).
Mặt khác, có hai câu chuyện được thuật lại về việc Thánh ni Bhaddà Kàpilànì (Mỹ Hạnh) đã là nạn nhân của sự ganh tị, bởi một Tỳ-khưu-ni khác, vốn là người có nhiều ác tâm với Sa-môn Ðại Ca Diếp. Ðó là Tỳ-khưu-ni Thullanandà, một giảng sư có trình độ học thức và có tài thuyết pháp. Nhưng đáng tiếc thay, là nhân tâm của nữ giảng sư nầy đã không được nổi bật như trí thông minh và sức học vấn, nên bà đã bị tính ích kỷ chận đứng sự phát triển phạm hạnh. (Nguyên tích chế ra giới cấm trong tạng Luật cũng có nhắc đến tên Tỳ-khưu-ni Thullanandà ấy nhiều lần).
Số là khi Thánh ni Bhaddà (Mỹ Hạnh) trở thành một giảng sư được nhiều người ưa thích, trong đó có cả những đệ tử của Tỳ-khưu-ni Thullanandà. Nữ tu sĩ nầy, vì ganh tị, mà trở thành tức giận. Bà phá rối “đối thủ” bằng cách dẫn một nhóm đệ tử trung tín, đi tới đi lui, tụng kinh lớn tiếng, gây kinh động trước tịnh thất của Thánh ni Bhaddà. Kết quả, Tỳ-khưu-ni ác tâm kia đã bị Đức Phật quở trách và chế điều luật có liên quan đến sự làm ồn! (Theo Bhikkhùni Vibhanga, Pàcitiya 33: Tỳ-khưu-ni Luật Phần, Ưng Ðối Trị số 33).
Một lần khác, dù có lời yêu cầu của đồng đạo, Tỳ-khưu-ni Thullanandà đã không xếp đặt chỗ ngụ ổn định cho Thánh ni Bhaddà (Mỹ Hạnh). Kết quả, vị nữ Thánh nhân khả kính ấy đã lâm vào tình trạng chẳng có chỗ ở. (Theo Bhikkhùni Vibhanga n. 35)
Tuy nhiên, Thánh ni Bhaddà, vì đã đắc quả A-la-hán, nên những sự ngược đãi của bất kỳ ai cũng không làm cho bà buồn giận. Trái lại, Thánh ni còn biểu lộ một lòng từ bi, và tử tế vô bờ bến đối với nữ giảng sư Thullanandà. Thánh ni luôn luôn khen ngợi trình độ học vấn của vị Tỳ-khưu-ni thích giảng đạo nầy, một cách đầy khuyến khích và thành thật!
Chính Đức Phật cũng đã nhiều lần xác nhận Thánh ni là bậc đã đạt được Túc Mạng Thông (nhớ được tất cả các kiếp trước). – Theo Anguttara Nikàya: Tăng Chi A Hàm! – Các bài chú giải chữ Phạn (Pàlì) về Túc Sinh Truyện (Jàtakas) cũng ghi lại cho đời sau nhiều thuật sự về tiền kiếp của Thánh ni Mỹ Hạnh (Bhaddà). Hầu hết trong các kiếp quá khứ ấy, bà đều có cộng nghiệp phu thê với tiền thân Thánh Ðại Ca Diếp.
-ooOoo-
————————————
Xem thêm:
– Cuộc đời Đức Xá Lợi Phất
– Cuộc đời Đức Mục Kiền Liên
– Cuộc đời Đức A Nan Đà