chap

KINH PHÁP BẢO ĐÀN

CHẤP

“… Hành Xương nói: … Ðệ tử xem Kinh Niết Bàn, chưa hiểu cái nghĩa thường và vô thường, xin Hoà Thượng từ bi giải thích sơ lược.

– Sư (Đức Lục Tổ Huệ Năng) nói: Vô thường tức Phật tánh, có thường tức cái tâm phân biệt tất cả pháp thiện ác vậy.

– Hành Xương nói: Lời của Hoà Thượng rất nghịch lời văn trong Kinh.

– Sư nói: Ta được truyền tâm ấn Phật, đâu dám nghịch ý Kinh!

– Hành Xương nói: Kinh nói Phật Tánh là thường, Hoà Thượng lại nói là vô thường. Các pháp thiện ác cho đến Bồ đề tâm đều là vô thường, Hoà Thượng lại nói là thường. Ấy là trái nghịch nhau, khiến đệ tử lại thêm nghi ngờ.

– Sư nói: Xưa kia ta nghe Ni Vô Tận Tạng tụng qua một lần Kinh Niết Bàn, bèn vì Ni giải  thuyết, chẳng có một chữ một nghĩa không đúng với lời văn trong Kinh, cho đến nay vì ngươi mà thuyết, trước sau chẳng khác.

– Hành Xương nói: Ðệ tử căn tánh ngu muội, xin Hoà Thượng khai thị tỉ mỉ.

– Sư nói: Ngươi biết chăng, Phật Tánh nếu “thường” còn nói gì về các pháp thiện ác; cho đến tận kiếp cũng chẳng một người phát Bồ-đề tâm, nên Ta nói “vô thường”, ấy chính là cái đạo chơn thường do Phật thuyết vậy. Hơn nữa, tất cả các pháp nếu “vô thường” thì mỗi mỗi đều có Tự Tánh riêng biệt để lãnh thọ sanh tử, vậy thì Tánh chơn thường khắp nơi lại có chỗ thiếu sót, nên ta nói “thường”, ấy chính là nghĩa chơn vô thường của Phật. Phật vì kẻ phàm phu tà đạo chấp nơi tà thường, những người nhị thừa từ nơi thường suy ra vô thường, cộng thành tám thứ điên đảo nên trong Kinh Niết Bàn liễu nghĩa phá những thiên kiến của họ để tỏ bày Tứ đức của Niết Bàn: chơn thường, chơn lạc, chơn ngã, chơn tịnh. Ngươi nay theo lời trái nghĩa, lấy đoạn diệt vô thường và chấp thường là cố định mà hiểu lầm lời nói sau cùng viên tròn vi diệu của Phật, dẫu cho xem Kinh ngàn lần, có ích gì đâu?

– Hành Xương hoát nhiên đại ngộ, nói kệ rằng:

Nhân thủ vô thường tâm,
Phật thuyết hữu thường tánh.
Bất tri phương tiện giả,
Du xuân trì thập lịch.
Ngã kim bất thi công,
Phật tánh nhi hiện tiền.
Phi Sư tương thọ dữ,
Ngã diệc vô sở đắc.

Dịch nghĩa:

Vì giữ tâm vô thường,
Phật nói tánh có thường.
Kẻ chẳng biết phương tiện,
Như mò sỏi tưởng vàng,
Nay ta chẳng tác ý,
Phật Tánh tự hiện tiền,
Chẳng phải do thầy cho.
Ta cũng vô sở đắc.

– Sư nói: Ngươi nay đã triệt ngộ, nên đổi tên Trí Triệt.

– Trí Triệt lễ tạ lui ra.

– Sư thấy môn đồ các tông tụ tập dưới Pháp toà, đều khởi ác ý vấn nạn. Sư thương xót cho họ nên bảo rằng: Người học đạo cần phải dứt trừ cho sạch tất cả thiện niệm ác niệm, cho đến chẳng còn chỗ để gắn tên, rồi lại gắn tên nơi Tự Tánh; Tự Tánh vốn bất nhị, gọi là Thật Tánh. Từ nơi Thật Tánh mới kiến lập tất cả giáo môn. (Như vậy, Pháp môn của các tông dù có khác, nhưng đều cùng xuất phát từ một nguồn, vốn chẳng cao thấp, người học đạo chớ nên tranh giành hơn thua mà trái nghịch với đạo). Còn Pháp đốn giáo này thì cần phải ngay đó (chẳng tác ý) tự ngộ tự thấy mới được.

Ðại chúng nghe xong thảy đều đảnh lễ, thờ Sư làm Thầy”.

(trích Kinh Pháp Bảo Đàn
Lục Tổ Huệ Năng)

 

 ——————————————–

LỜI BÀN

 

CHẤP là tâm bệnh có nguồn gốc từ vô minh, gây ra bao phiền não trói buộc trong luân hồi sanh tử. Chấp vào những gì mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, miệng nêm nếm, thân xúc cảm, ý thức suy nghĩ của mình là đúng, là sự thật trên thế gian. Chấp rằng chết là hết, chẳng còn gì nên sống phải hưởng thụ hết mình, ăn ngon – mặc đẹp – ngủ giường cao nệm ấm – ở nhà cao cửa rộng – tâm buông lung phóng dật theo sắc dục tiền tình, danh lợi thế gian mà vô tâm trước những mảnh đời cơ bần bất hạnh. Chấp có mình, có người; của mình, của người mà không ngừng thủ giữ, tranh giành, thị phi, thậm chí đạp đổ cả tình thân, nghĩa tình, đạo lý sống ở đời, chẳng màng tạo nghiệp. Chấp vào tri thức, văn minh, khoa học thực nghiệm (kiến chấp) mà với giáo lý giải thoát Phật đà, với luân hồi sanh tử, nhân quả – nghiệp báo xem như chuyện viễn vông, vô thực. Chấp vào sở học, bằng cấp Phật học thế gian mà tự ngã trong tâm, xem phương tiện cho là cứu cánh. Chấp vào Pháp môn mình tu tập, xem là tối thượng mà khinh chê bài xích những Pháp môn khác. Chấp vào biên kiến (đối đãi) như được – mất, khen – chê, buồn – vui, sướng – khổ, Phật – chúng sanh… Chấp vào trung đạo (ở giữa). Chấp vào vô trụ, Niết bàn.   

– Chư Phật, chư Tổ vì bệnh chấp của chúng sanh mà khai thị, chớ phàm là lời nói đều là tướng sanh diệt (âm thanh) nên chẳng có nghĩa thật, cũng chẳng thể nào diễn giải nổi sự vi diệu của Phật Pháp, của Chơn Tâm. Chỉ có sự hành trì miên mật không ngơi nghĩ mới đến ngày “tự liễu, tự ngộ” mà chẳng hề tác ý, giác tri. Cho nên, xưa Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni tay cầm đóa sen đã dĩ tâm ấn tâm, trao truyền Diệu Pháp Như Lai cho Tổ Ma Ha Ca Diếp để lưu truyền mạng mạch Phật Pháp khắp thế gian mà chẳng nói một lời (niêm hoa vi tiếu).

– Nói “thường” là để phá chấp “vô thường”, và ngược lại. Kể cả cái tâm trụ nơi “phi thường, phi vô thường”, trụ nơi “vô trụ” vô cùng vi tế cũng đốn siêu. Đây là cảnh giới của tâm chứng (tâm vô niệm), do công phu tu hành sâu dày của hành giả mà tự liễu ngộ. Kẻ “phàm phu” chẳng thể dụng lời, dụng trí thức Ta-bà thiển cận, non cạn của mình mà hý luận ba hoa thì có khác gì bệnh lại thêm bệnh, vọng lại sanh vọng. Đây là thông bệnh của đa phần người “học Phật”!

– Để ý sẽ thấy rằng “học Phật” càng nhiều thì bệnh chấp Ngã – chấp Pháp càng nặng, nhà Phật gọi là “sở tri chướng”, “kiến chấp”. Để đốn bỏ cái chướng này thường rất khó khăn bởi trong tâm họ tin chấp vào những gì mình hiểu biết về Phật Pháp là luôn đúng; họ học hay nghiên cứu đạo Phật như một môn học thuật thế gian, thậm chí còn thấy tự hào nếu ai đó xem mình là học giả; họ chạy vạy theo bằng cấp (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ Phật học) để có một chỗ đứng, khẳng định mình trong Tăng đoàn… Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽ thường, ai cũng muốn tự khẳng định mình, có ai muốn thua kém ai bao giờ. Với hàng tu sĩ phàm Tăng cũng thế bởi nghiệp lực, tánh trí mỗi người chẳng đồng.

– Nên biết, Diệu Pháp Như Lai chỉ có hành trì mới liễu ngộ, mới trực chỉ Chơn Tâm kiến ngộ Giác Tánh; dẫu có học nhiều đời nhiều kiếp cũng mê mờ trong sanh tử. Học Phật càng nhiều, nghiên cứu càng nhiều dễ bị loạn, gây trở ngại cho công phu, rất khó nhiếp tâm. Chỉ nên nắm ngay cốt tủy Phật lý rồi tinh tấn dụng công tham thiền – niệm Phật – trì chú, hộ trì Giới luật cho tinh nghiêm. Tham – sân – si, vô minh, (chấp) ngã tướng chỉ có thể được đốn siêu nếu trực tâm hành trì tu Phật không mệt mỏi. Một đứa trẻ có thể làu làu Kinh điển không thua kém, nhưng kẻ sống đến bạc đầu chưa chắc thực hành đốn bỏ nổi tham, sân, si…

Không say sưa dục lạc,
Không phóng dật buông lung,
Người chuyên tu Thiền Định,
Được an lạc vô cùng.

Ai chuyên tập Thiền Định,
Quyết tâm tu vững vàng,
Giải thoát mọi trói buộc,
Chứng vô thượng Niết bàn.

(Kinh Pháp Cú)

Hãy TU PHẬT chứ đừng chỉ HỌC PHẬT!

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

———————————–

Tham khảo: