KINH PHÁP CÚ

10. PHẨM HÌNH PHẠT

Pháp Cú 145

Phap-Cu-145
Ảnh: sưu tầm

Người đem nước dẫn nước,
Tay làm tên vót tên,
Thợ mộc uốn gỗ bền.
Bậc trí tự điều phục.

Thế Tôn đã dạy như thế tại Kỳ Viên, liên quan đến Sa-di Sukha.

Chuyện quá khứ

11A. Trưởng Khố Gandha, Người Lao Ðộng Bhattabhatika Và Phật Ðộc Giác

Gandha là con của vị chánh chưởng khố thành Ba-la-nại. Cha chết, vua gọi anh đến an ủi, và cho kế vị cha làm chưởng khố. Từ đó người ta gọi anh là chưởng khố Gandha.

Viên quản gia, một hôm mở cửa kho, chỉ cho anh tất cả tài sản tiền từ cha, ông nội và những người trước. Anh thắc mắc sao họ không đem theo sau khi chết, và được giải thích mọi người chỉ đem theo mình việc làm dù thiện hay ác. Từ đó anh suy luận rằng sẽ ăn xài cho hết, trước khi ra đi. Anh bỏ ra một trăm ngàn đồng xây một nhà tắm bằng pha lê, một trăm ngàn làm một ghế ngồi bằng pha lê để ngồi sau khi tắm, một trăm ngàn làm một cái bát đựng thức ăn của anh, một trăm ngàn làm một mái che trên phòng ăn, một trăm ngàn làm một cái đĩa lót bát mạ đồng, một trăm ngàn xây một cửa sổ lộng lẫy trong nhà. Bữa ăn sáng một ngàn, bữa ăn chiều một ngàn, bữa ăn trưa ngày trăng tròn một trăm ngàn. Vào những ngày ăn tiệc như thế, anh chi một trăm ngàn cho việc trang hoàng trong thành, sai người đánh trống hô to:

–   Mọi người hãy đi xem cách ăn của chưởng khố Gandha.

Dân chúng tụ tập đến, mang cả giường chõng. Và Gandha sử dụng hết mọi thứ mới tạo: tắm trong bồn với mười sáu bình nước hoa, mở chiếc cửa sổ lộng lẫy rồi ngồi trên sập trình diện cho mọi người ngắm. Người hầu dọn thức ăn trong chiếc bát quý giá, để trên chiếc đĩa lót mạ đồng và đặt trước mặt anh. Rồi anh ăn, uống với nguyên một đoàn vũ công bao quanh.

Một anh nhà quê chở củi lên thành. Ðể tiết kiệm anh đến nhà người bạn ở nhờ, nhân dịp đó anh được bạn dẫn đi xem cách ăn của trưởng khố Gandha. Ngửi mùi thức ăn thơm phức, anh nhà quê thèm quá nhờ bạn mình xin giùm. Chưởng khố không cho, anh bạn xin nữa, và cho biết không ăn được thèm quá sẽ chết. Mặc, chưởng khố từ chối. Nhiều lần xin quá, chưởng khố bắt buộc phải lên tiếng:

–   Này ông, mỗi miếng cơm đáng giá một trăm tới hai trăm đồng đó. Ai đòi cũng cho thì ta lấy gì ăn?

Anh bạn vẫn cù nhây:

–   Ông chủ! Người nhà quê không được miếng cơm của ông sẽ chết, xin ông cứu mạng hắn.

–   Không được! À, nhưng mà, để ta xem! Nếu thật thế, hãy bảo hắn làm cho ta ba năm ta sẽ cho hắn bát cơm.

Anh nhà quê đồng ý, và làm mọi công việc rất trung thành, dù ở nhà ở rừng, dù ngày dù đêm. Dân trong thành gọi anh là: “Người kiếm thức ăn, Bhattabhatika“. Mãn hạn, viên quản gia đến báo cho ông chủ biết, không quên khen ngợi anh nhà quê. Chưởng khố ra lệnh cho anh hai ngàn đồng cho bữa ăn tối, một ngàn đồng cho bữa ăn sáng, tất cả là ba ngàn đồng, và bảo mọi người trong nhà, trừ cô vợ yêu là Cintàmanì, ngày hôm ấy hầu hạ ông ta, xem như là ông chủ. Anh được tắm trong phòng tắm pha lê, ngồi ghế pha lê sau khi tắm, mặc y phục chưởng khố… rồi Gandha sai người đánh trống rao rằng Bhattabhatika làm thuê cho chưởng khố Gandha để nhận một bát cơm, hãy đến xem sự lộng lẫy huy hoàng trong bữa ăn bát cơm ấy của anh ta. Chỗ nào anh nhìn đến đều rúng động, xung quanh anh vũ nữ đứng phục vụ và gia nhân bưng cơm đặt trước mặt.

Khi anh rửa tay thì một vị Phật Ðộc Giác đắp y, ôm bát, bay trên không, và đặt chân xuống giữa hội chúng, đứng trước mặt anh. Trước đó trên núi Gandhamàdana, xuất định sau bảy ngày, Ngài đã thấy là anh có niềm tin, chịu ban ơn và sẽ được nhiều phước báo. Bhattabhattika hiểu rằng vì trước kia không bố thí nên phải làm thuê suốt ba năm để nhận bát cơm, bát cơm này đủ cho một ngày và một đêm, nhưng nếu dâng cho bậc tôn quý này anh sẽ được nuôi vô số kiếp. Và anh nén sự thèm khát không ăn một miếng cơm nào, mà cầm bát đến chỗ Phật, đảnh lễ Ngài và trút vào bình bát của Ngài. Ðược phân nửa, Ngài lấy tay che bát, nhưng anh khẩn khoản xin Ngài nhận hết để anh được phước, không những đời này mà còn đời sau, và được dự phần vào đạo pháp mà Ngài đã thấy.

Phật hứa khả:

–   Mọi ước muốn của ông sẽ được toại nguyện như được ngọc như ý, lời cầu xin sẽ thành tựu như được trăng tròn.

Và Ngài hồi hướng công đức cho anh. Ðể cho dân chúng chiêm ngưỡng, Ngài bay lên trời đến núi Gandhamàdana, và chia thức ăn cho năm trăm vị Phật Ðộc Giác, mỗi vị nhận đủ phần mình.

Chưởng khố Gandha nghe tin, lòng tràn ngập niềm tin, tán thán anh nhà quê đã làm một việc khó khăn biết bao là bố thí; trong khi Gandha hưởng thụ quá đỗi mà chẳng cho ai bất cứ món gì. Chưởng khố mời anh ta đến, cho một ngàn đồng và xin anh ta chia phần phước đức sau khi bố thí số tiền ấy. Anh nhà quê bằng lòng, và chưởng khố lại chia gia tài của mình ra làm hai, cho anh ta phân nửa.

(Có bốn loại sở đắc:

–   Về của cải: Như một bậc A-la-hán hay vị chứng Tam quả sau khi xuất định đáng nhận được của cải.

–   Về tứ vật dụng: Do sống liêm chánh và công bằng.

–   Về trí tuệ: Trí tuệ có được từ tri thức kết hợp với hỷ thọ, do bố thí cúng dường trong ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai.

–   Về thần thông: Sau thời gian thiền định, như vị Phật Ðộc Giác đã thi triển).

Nghe chuyện Bhattabhatika, vua vời anh đến, ban cho một ngàn đồng để đổi bình bát của anh, cho anh nhiều của cải và phong làm chưởng khố. Hai chưởng khố Bhattabhatika Ganda kết bạn với nhau, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường. Mạng chung, Bhattabhatika sanh thiên, hưởng phước suốt thời gian giữa hai đức Phật, thời Phật hiện tại tái sanh vào nhà một thí chủ của Trưởng lão Xá-lợi-phất ở Xá-vệ.

Chuyện hiện tại

11B- Sa-Di Sukha

Bà mẹ được săn sóc kỹ lưỡng khi đứa bé còn ở trong bụng. Ðúng theo ý nguyện, bà cúng dường thức ăn đầy gia vị cho Trưởng lão Xá-lợi-phất và năm trăm Tỳ- kheo của Ngài, được khoác y vàng, ôm bát vàng, và ngồi vòng ngoài hội chúng, và được chia phần thức ăn còn lại của chúng Tăng. Bà sinh một bé trai. Ngày đặt tên con bà thưa với Trưởng lão chọn tên và truyền giới cho chú. Trong nhà không ai đau ốm từ khi chú còn trong bụng mẹ, nên bà mẹ yêu cầu Ngài đặt tên chú là Sukha Kumàra, tức hạnh phúc, và Ngài truyền giới cho chú. Vào ngày đãi tiệc nhân dịp xỏ lỗ tai cậu bé và những dịp lễ khác, bà thường dâng phẩm vật lên chư tăng. Lên bảy tuổi chú muốn đi tu, bà bằng lòng. Bà thưa với Trưởng lão trước, và sau đó mặc y phục đẹp đẽ cho chú, và dẫn đến tinh xá giao phó cho Trưởng lão. Ngài cho biết đời tu sĩ lắm gian nan cực khổ, chú khứng chịu, lãnh một đề tài thiền quán và được gia nhập Tăng đoàn. Cha mẹ chú ở lại tinh xá, suốt bảy ngày cúng dường thức ăn trăm vị lên Tăng chúng, chiều tối thì trở về nhà. Ngày thứ tám Tăng chúng lên đường khất thực, Trưởng lão còn quá nhiều việc phải làm khắp tinh xá nên đi sau với chú.

Dọc đường, chú thấy những đường nước v.v… giống như Sa-di Pandita, và được Trưởng lão giải thích giống như Sa-di Pandita. Rồi Sukha đưa y bát cho thầy xin trở về tinh xá. Ðược thầy giao cho chìa khóa, chú vào phòng thầy tọa thiền và thấu triệt bản tính của thân

Công hạnh của chú làm ngai Ðế Thích nóng lên. Ông quan sát, thấy sự việc như thế nên muốn giúp chú. Ông mời Tứ thiên vương đến vườn tinh xá đuổi bầy chim ồn ào rồi gác lối vào bốn phía. Ông cũng ra lệnh cho mặt trời và mặt trăng đứng yên và chính ông đứng gác nơi cổng chính. Tinh xá hoàn toàn yên lặng. Sukha tập trung mãnh liệt, chú khai mở Minh-sát-tuệ và chứng Tam quả. Còn Trưởng lão khất thực xong rồi vội vã trở về tinh xá. Thế Tôn trong hương thất thấy biết hết, và cũng biết trước Sa-di Sukha sẽ chứng A-la-hán, nên Ngài rời hương thất đến trước cổng đón Trưởng lão đặt bốn câu hỏi để kéo dài thời gian cho Sa-di kịp chứng quả. Trưởng lão trả lời xong câu cuối thì Sa-di cũng vừa chứng quả. Lúc đó Phật mới cho phép Trưởng lão mang thức ăn cho đệ tử. Và Tứ thiên vương cùng Ðế Thích rời chỗ gác, mặt trời mặt trăng di chuyển bình thường. Các Tỳ-kheo bảo nhau sao hôm nay buổi sáng quá lâu, buổi chiều giờ mới đến, và Sa-di mới thọ thực xong. Phật liền giải thích và kết luận:

–   Sa-di Sukha thấy người đang dẫn thủy nhập điền, thợ làm tên đang uốn tên, thợ mộc đẽo bánh xe v.v… tự điều phục được thân tâm và đắc quả A-la-hán.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

Người đem nước dẫn nước,
Tay làm tên vót tên,
Thợ mộc uốn gỗ bền.
Bậc trí tự điều phục.

(bài kết hợp từ Tích Truyện Pháp Cú (Thiền viện Viên Chiếu)
và Thi Kệ Pháp Cú Kinh (Tịnh Minh))