hieu-biet-lap-hanh

CẨM NANG TU ĐẠO CỦA HÒA THƯỢNG QUẢNG KHÂM

HIỂU BIẾT, LẬP HẠNH

– Người xuất gia nếu không dựa vào Phật lý mà hành trì, mười người tu có đến chín kẻ sai.

– Kẻ tu học Phật Pháp, không phải rằng: “Thứ gì tôi cũng chẳng cần”! Như thế là đi lệch lạc rồi vậy.

– Hãy đọc Kinh Kim-Cang cho nhiều, bạn sẽ không còn quá chấp trước.

– Nên đọc cho nhiều sách, truyện nói về Phật, Bồ-Tát, lịch đại Tổ-Sư, chư Cao-tăng, Ðại-đức. Mình phải học hỏi gương các Ngài, tìm hiểu kinh nghiệm quá trình tu hành đã khiến các Ngài thành Phật.

Con người là kẻ ở vị trí tu hành tốt nhất, bởi vì thành Phật hay đọa địa ngục đều từ nơi lúc làm người này định đoạt.

– Sau khi thọ Giới, học Phật Pháp, các bạn có gương tu hành của chư Tổ, lại có kinh điển để tham khảo, hãy xem thử bạn có tìm được cho mình một con đường tu chăng.

Sách vở thế tục ở đời, các bạn đã đọc cả rồi (lúc chưa tu, còn ở ngoài xã hội). Do đó chớ nên vì nó mà trở lại luân hồi trong cõi Ta-Bà này!

– Khi có thời giờ rảnh rỗi, bạn hãy coi Kinh điển. Xem Kinh là để thấu hiểu, rồi dựa vào Kinh điển mà tu trì, thực hành; chứ không phải xem xong rồi đi tán dóc.

Có kẻ xuất gia rồi còn đi học trường ngoài đời; thật chẳng khác gì kẻ thế tục cả! Khi y không có trụ cột tu hành để nương tựa thì y càng học chỉ càng thêm loạn.

Các bạn cần phải nắm lấy thời gian, đừng để ngày giờ trôi qua uổng phí. Hãy dành thời giờ để xem Kinh, trì Kinh, lạy Phật, niệm Phật, ngồi Thiền!

– Kinh-điển là con đường. Khi phiền não đến, hãy theo “con đường” này mà thông thoát. Nếu bạn biết dùng Kinh điển thì khi phiền não tới, phiền não tức là Bồ-đề. Nếu bạn không biết vận dụng, thì phiền não tức là vô minh.

Nếu phiền não tới mà bạn không biết giải thoát, thì bạn sẽ mắc cứng vào phiền não; như thế thì cũng như uống lầm thuốc, hay uống phải thuốc độc vậy. Thuốc là tùy ý mình uống hay không uống. Bạn phải uống cho đúng thuốc; chớ uống lầm độc dược! Nghĩa là sao? Nghĩa là bạn phải biết “hồi quang phản chiếu”, xoay tâm lại để tự soi cõi lòng (nhìn phiền não theo cái nhìn của chư Phật và Bồ-Tát trong Kinh điển).

– Toàn bộ Tam Tạng Kinh là ở trong Tâm ta. Giới – Ðịnh – Huệ cũng chỉ ở trong Tâm này.

Giới – Ðịnh – Huệ chẳng phải là thứ để đem đi nói đi giảng, đó là thứ dùng để thực hành, để tu (phá) Ngũ Ấm. Tụng Kinh không phải đọc oang oang là xong đâu. Bạn phải thể hội cho được ý nghĩa của Kinh; nếu không thì uổng cho bạn đã xuất gia đấy!

– Thuyết Pháp chỉ là nói miệng. Bạn cần phải tu sao cho mình nhìn tới đó. Mình phải liễu ngộ mọi sự; nếu không, bạn sẽ chấp trước nặng nề vào Kinh điển!

– Kinh giấu ở đâu? Kinh giấu ngay trong tâm chúng ta, song cần mở khai trí huệ thì mới biết được chúng. Nếu bạn không khai trí huệ thì xem Kinh, bạn sẽ mơ mơ hồ hồ. Khi trí huệ khai mở, lúc xem Kinh bạn sẽ cảm thấy rất thành thục, rành rẽ; đồng thời bạn sẽ lĩnh ngộ được những chân lý khác nữa.

– Khi một Lý thông suốt, mọi Lý đều thấu triệt!

(trích Cẩm Nang Tu Đạo
Hòa Thượng Quảng Khâm) 

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật! 

Diệu Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên