* CÂU HỎI
Kính bạch Thầy!
Đệ tử là người tu tại gia, đã đọc các bài viết của Thầy và đang tinh tấn tu tập theo Chánh Pháp Phật. Nay đệ tử xin Thầy giúp giải đáp thắc mắc, đệ tử muốn sám hối lỗi lầm ở tiền kiếp và kiếp này thì đọc bài kinh hay bài chú sám hối nào? Đệ tử trước nay chỉ cần niệm câu Nam Mô A Di Đà Phật là sám hối đúng không Thầy, đệ tử muốn biết cách sám hối như thế nào là đúng với Chánh Pháp. Đệ tử đã từng phá người tu, cản trở; đây là một tội rất lớn nên nay đệ tử muốn thiết tha sám hối lỗi lầm mình gây ra.
Xin Thầy giải đáp và chân thành cảm tạ công đức của Thầy.
Diệu Nam Mô A Di Đà Phật ()
* PHÚC ĐÁP
Thế nào là Sám? Sám là sám trừ tội trước, tất cả tội lỗi ác nghiệp tham, sân, si, kiêu căng, dối trá, ganh tỵ, sát hại…, thảy đều Sám hết, chẳng bao giờ khởi nữa gọi là Sám.
Thế nào là Hối? Hối là hối cải lỗi sau, tất cả tội lỗi ác nghiệp tham, sân, si, kiêu căng, dối trá, ganh tỵ, sát hại…, nay đã giác ngộ, nguyện đều đoạn dứt, chẳng bao giờ tạo nữa gọi là Hối.
Như vậy, sám hối có nghĩa là vô cùng hổ thẹn ăn năn các tội lỗi ác nghiệp về trước và nguyện đoạn dứt các tội lỗi ác nghiệp về sau, quyết không bao giờ khởi tạo nữa tận từ trong tâm ý.
Nếu chỉ biết sám trừ tội trước, chẳng biết hối cải lỗi sau thì không gọi là sám hối. Do không thành tâm sám hối nên tội trước chẳng diệt, tội sau lại sanh, tội lỗi ác nghiệp quá – hiện – vị lai cứ thế luân phiên chất chồng tất phải gánh lấy khổ đọa trầm luân không bao giờ thoát đặng.
Muốn sám hối tội lỗi ác nghiệp, người tu Phật cần phải:
- Tin sâu luật Nhân quả – Nghiệp báo phân minh: nhân bao biển quả, quả suốt nguồn nhân, nhân nào quả nấy, tuần hoàn không sót.
- Tâm chí thành thống thiết: biết rõ khởi tạo tội lỗi ác nghiệp sẽ phải đọa lạc thống khổ triền miên, thân Người khó được nên chí thành sám hối ăn năn, luôn giác tỉnh một lòng chơn tu Phật, tịnh hóa tam nghiệp ý – thân – khẩu, nguyện không tác phạm.
THỰC HÀNH: nhẫn lực tinh tấn trụ tâm thiền trong khi lạy sám hối.
- Trước hết, cần tắm rửa sạch sẽ, thay y phục.
- Kế đến, thắp 1 hoặc 3 cây hương, lạy Phật 3 lạy, gõ 3 tiếng chuông (nếu có) rồi quỳ thẳng gối trước bàn thờ Phật, tịnh tâm vái nguyện:
-
- Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
- Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)
- Nam mô Thập Phương Thường Trụ Tam Thế Tam Bảo tác đại chứng minh: Đệ tử con tên …, Pháp danh… (nếu có). Đối trước Phật đài, đệ tử xin nguyện chí thành sám hối tất cả các tội lỗi ác nghiệp đã có từ trước do tam độc tham – sân – si từ ý – thân – khẩu tạo tác, hoặc tự mình làm, hoặc dạy người làm, hoặc thấy người làm mà sanh lòng vui mừng, trọn chẳng khởi tạo nữa. Ngưỡng nhờ oai đức Tam Bảo từ bi vô lượng cứu độ đệ tử: viễn ly phiền não, kiên cố Đạo tâm, tinh tấn tu hành, viên thành Chánh Giác.
- Sau khi vái nguyện xong, bắt đầu lạy sám hối. Trong suốt quá trình lạy sám hối, Phật tử phải nhẫn lực tinh tấn trụ tâm thiền:
-
- Phật tử quỳ thẳng gối, hai tay hiệp chưởng (5 ngón tay và lòng bàn tay của 2 tay áp sát vào nhau) ngay trước ngực, hai mắt khép kín, tâm khởi niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” sao cho miên mật không gián đoạn, không kẽ hở đan xen (như đã giảng trong bài “Chia sẻ kinh nghiệm về công phu niệm Phật”).
- Tiếp theo, Phật tử đưa hai tay đang hiệp chưởng hướng thẳng cao hơn đầu, thu về ngay trước ngực rồi gập người xuống dập đầu lạy sám hối sao cho đầu chạm đất, hai bàn tay mở rộng sang 2 bên, lòng bàn tay úp xuống, mông chạm gót hai bàn chân. Lúc này, tâm vẫn miên mật “Nam Mô A Di Đà Phật” không ngừng.
- Sau đó, Phật tử thẳng người lên trong tư thế quỳ thẳng gối như trước rồi tiếp tục các bước tương tự như trên.
Nhờ miên mật trụ tâm thiền trong khi lạy sám hối, Phật tử không bị ngoại cảnh hay cảm thọ nơi thân chi phối, không tính đếm lạy được bao nhiêu lạy, niệm Phật được bao nhiêu lần, chỉ chí thành lạy sám hối đến khi chẳng thể lạy nổi nữa mới thôi. Đây chính là Chơn sám hối (Vô tướng sám hối).
Nhờ chơn sám hối, mọi tội lỗi ác nghiệp mới dần được tiêu trừ, tâm trí dần được tịnh hóa, từ đó tự thủ hộ mình thúc liễm an trú trong Giới Pháp trước sự thôi thúc của bản năng – bản ngã mê lầm dưới sự sai sử của tham – sân – si đối với mọi cám dỗ của thế tục. Nhờ chơn sám hối, bản ngã mới được tiêu trừ, Đại sự tu hành mới có ngày thành tựu.
Ngoài ra, theo pháp Tứ Chánh Cần, Phật tử phải soi lại chính mình tinh tấn hành trì bốn điều sau trong đời sống thường nhật:
-
- Điều ác chưa sanh, dù nhỏ nhiệm đến đâu, tinh tấn ngăn ngừa không cho sanh khởi.
- Điều ác đã sanh, dù nhỏ nhiệm đến đâu, tinh tấn đoạn trừ cho dứt tuyệt.
- Điều lành chưa sanh, dù nhỏ nhiệm đến đâu, tinh tấn vun trồng khiến cho sanh khởi.
- Điều lành đã sanh, dù nhỏ nhiệm đến đâu, tinh tấn trưởng dưỡng mãi không ngừng.
Lưu ý: việc thiện lành dù nhỏ nhiệm đến đâu mà không khởi tâm làm thì chẳng khác gì trưởng dưỡng ác tâm.
* TÓM LẠI
Sám hối cốt yếu ở Tâm chí thành thống thiết, vì tội do Tâm mê sanh, dĩ nhiên phải do Tâm giác tỉnh sám hối tu hành diệt.
Chúng sanh nói chung, con người nói riêng, trải qua lịch kiếp tạo tác biết bao vọng nghiệp ác phiền não chất chồng, nặng nề khôn xiết nên một khi phát nguyện tu hành giải thoát khỏi thống khổ trầm luân thì bất luận phút giây nào cũng cần phải chánh tâm sám hối chí thành thống thiết.
Chơn sám hối không dễ hành trì. Người thật tâm sám hối luôn tỉnh giác cẩn mật tự soi xét mình dưới Ánh sáng Phật Pháp, từ đó nhẫn lực tinh tấn tu hành trang nghiêm nhằm gột rửa, tịnh hóa và gìn giữ thân tâm trong sạch. Chỉ có như thế, tam chướng phiền não, nhân nghiệp và quả báo mới có ngày diệt vong.
Mong Phật tử nhẫn lực tinh tấn!
Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
Cổ Thiên
——————————–
Xem thêm: