KINH BỒ ĐỀ ĐẠT MA QUÁN TÂM PHÁP
TỔ BỒ ĐỀ ĐẠT MA KHAI THỊ VỀ NIỆM PHẬT
“HỎI: Kinh nói chỉ chí tâm niệm Phật tất được vãng sanh về cõi Cực Lạc, chỉ một môn này là được thành Phật, đâu cần phải quán tâm để cầu giải thoát?
ĐÁP: Niệm Phật nghĩa là phải niệm Chánh. Nghĩa rốt ráo mới là nghĩa Chánh, chẳng rốt ráo là Tà. Nếu niệm Chánh tất được vãng sanh, niệm Tà làm sao đến được.
– Phật nghĩa là giác, nghĩa là giác sát thân tâm đừng để khởi ác. Niệm nghĩa là nhớ, nghĩa là giữ giới hạnh, tinh tấn đừng vọng. Cần rõ nghĩa như thế mới gọi là niệm. NÊN BIẾT NIỆM Ở NƠI TÂM, CHỚ CHẲNG PHẢI Ở MIỆNG; MƯỢN NGÔN NGỮ ĐỂ CẦU Ý, ĐƯỢC Ý PHẢI QUÊN LỜI. Đã nói niệm danh hiệu Phật cũng phải biết cái đạo niệm Phật. Nếu tâm không thật, miệng niệm danh hiệu suông, 3 độc lẫy lừng, chấp mình chấp người cả bụng; dùng cái tâm vô minh vọng cầu thấy Phật luống uổng tốn công.
– Đến như tụng với niệm cũng khác nhau. Ở miệng gọi là tụng, ở tâm gọi là niệm. NÊN BIẾT NIỆM TỪ TÂM KHỞI, GỌI LÀ MÔN GIÁC HẠNH. Còn tụng ở miệng là tướng âm thanh, chấp tướng cầu lý thật là không phải.
– Phải biết các Thánh xưa tu hành đều không phải nói bên ngoài, mà luôn luôn phải lấy tâm làm chủ, vì tâm là nguồn cội vạn pháp, tâm là chủ của muôn đức, vắng lặng thường vui đều bởi ngừng vọng. Ba cõi luân hồi cũng từ tâm khởi, tâm là cửa của cuộc đời, tâm là bờ giải thoát. Biết được cửa tâm rồi lo gì khó thành! Thấy được tâm rồi lo gì chẳng đạt!
– Người nay thấy biết nông nổi, chỉ biết sự tướng làm công, hao phí của cải, tổn thương vạn loại. Luống công xây đắp, gom nhóm vật liệu, vẽ vời rằn ri đem hết tâm lực, tổn mình mê người, chưa biết tỉnh ngộ có đâu sợ khó. Hễ thấy việc hữu vi thì nôn nao mê đắm, còn nói đến vô tướng thì trơ trơ như mê. Chỉ tham kế quả nhỏ nhen hiện tại ; chớ biết đâu cái khổ biển cả sau này. Tu học như thế luống thêm nhọc sức, trái Chánh theo Tà, vọng nói được phước.
– Nếu chỉ có thể nhiếp tâm soi trở vào trong, giác quán ở ngoài cho tỏ, dứt trừ 3 độc, đóng hết 6 cửa giặc đừng cho nhiễu loạn; tự nhiên vô lượng công đức, bao thứ trang nghiêm, vô số pháp môn đều được thành tựu, siêu phàm chứng thánh, tận mặt sát một bên, ngộ trong giây lát, đâu đến nỗi khó khăn. Môn chơn thật nhiệm mầu đâu thể nào trình bày hết. Nơi đây chỉ thuật sơ về quán tâm, nói rõ ra chút ít vậy thôi.
Kệ rằng:
Ta vốn cầu tâm tâm tự gìn
Cầu tâm chẳng được để tâm minh
Tánh Phật chẳng từ ngoài tâm được
Tâm sanh chính là lúc tội sanh
Ta vốn cầu tâm chẳng cầu Phật
Rõ biết ba cõi rỗng – không, suốt
Nếu muốn cầu Phật chỉ cầu tâm,
Chỉ tâm này, tâm này là Phật….”
(trích Luận Phá Tướng
Bồ Đề Đạt Ma Quán Tâm Pháp)
————————————————
LỜI BÀN
Tâm tức Phật. Niệm Phật tức niệm Tự Tâm. Lìa tự tâm mà niệm Phật, cầu Phật quyết chẳng thể được.
Để công phu được tinh tiến – chuyên nhất, hành giả cần đốn bỏ tham sân si (3 độc), khi duyên với cảnh trần cần giữ lấy Chánh niệm là câu niệm Phật thường khởi trong tâm đừng cho gián đoạn (khó nhưng không phải không thể). Lưu ý là “tâm niệm Phật” chứ chẳng phải “miệng niệm/tụng”.
Để rõ hơn về cách dụng công, xem bài viết: Chia sẻ kinh nghiệm về công phu niệm Phật.
Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!
Diệu Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
Cổ Thiên
———————————–
Tham khảo: