KINH BỒ ĐỀ ĐẠT MA QUÁN TÂM PHÁP
Ý NGHĨA ĂN CHAY (TRÌ TRAI) VÀ LỄ LẠY
1. ĂN CHAY (TRÌ TRAI)
Nói ĂN CHAY phải để ý, nếu chẳng rõ lý này thì càng nhọc công vô ích:
– Chữ CHAY ở chữ Hán là chữ Trai, mà chữ Trai lại từ chữ Tề mà biến, nhưng chữ Tề cũng như nghĩa chữ Bình. CHAY nghĩa là TỀ BÌNH THÂN TÂM, CHẲNG ĐỂ TÁN LOẠN.
– Chữ ĂN nơi đây cũng như nghĩa chữ GIỮ.
– ĂN CHAY nghĩa là giữ các giới hạnh, đúng phép tu hành. Ở ngoài phải ngăn ngừa 6 tình, ở trong phải chế ngự 3 độc, siêng giác sát, tịnh thân tâm, biết rõ nghĩa này mới gọi là ĂN CHAY.
Lại nữa, chữ ĂN ở đây có 5 nghĩa:
– Một, ăn bằng vui với Pháp, nghĩa là giữ y Chánh Pháp, hoan hỷ vâng làm.
– Hai, ăn là vui với Thiền-định, nghĩa là trong ngoài lặng suốt, thân tâm vui đẹp.
– Ba là ăn bằng Suy nghĩ, nghĩa là thường nghĩ chư Phật, lòng miệng như nhau.
– Bốn là ăn bằng Nguyện, nghĩa là đi đứng nằm ngồi, thường cầu nguyện lành.
– Năm là ăn bằng Giải thoát, nghĩa là tâm thường thanh tịnh, chẳng nhiễm tục trần.
Năm nghĩa ăn này gọi là ăn chay. Nếu ai chẳng nhận 5 nghĩa chay tịnh này mà tự hào là ăn chay đều là làm việc vô lý.
Cần nhứt phải dứt cho được cái ăn mê muội. Nếu va chạm phải, gọi là phá trai. Ăn mê muội nghĩa là thí dụ nghe nói ăn sáng là chư Thiên ăn, trưa là Phật ăn, chiều là Súc sanh ăn, tối là Ma quỷ ăn; nghe thế rồi bữa trưa ráng ăn thật no để chiều khỏi đói, ăn rồi nằm thở. Như vậy mới thật là súc sanh ăn!
Nếu đã phá trai sao gọi là được phước?
Đời có người mê chẳng rõ lý này, thân tâm phóng túng theo các nghiệp ác, tham dục, buông tình, chẳng biết xấu hổ. Chỉ ăn được ba thứ rau cải rồi tự hào là ăn chay thì thật là phi lý.
2. LỄ LẠY
Còn nói LỄ LẠY đúng theo phép thì ở trong phải tỏ thông lý thể, ở ngoài thì sự tùy quyền thông. Lý có khi phải hiện, có khi phải ẩn. Biết được nghĩa như thế mới gọi là y theo Pháp.
Vả chăng LỄ nghĩa là KỈNH, LẠY nghĩa là PHỤC. LỄ LẠY nghĩa là cung kỉnh Chơn tánh, hàng phục Vô minh. Đó là lễ bái.
Nếu có thể dứt trừ lòng ác, thiện niệm hằng giữ; tuy chẳng hiện tướng, nhưng đó mới thật là LỄ LẠY.
Tướng là pháp tướng. Thế Tôn muốn làm cho người đời tỏ lòng khiêm tốn, cũng là lễ lạy nên phải ở trong khuất phục, ngoài hiện khiêm cung; nêu cái bên ngoài để rõ bên trong, tánh tướng như nhau. Nếu không căn cứ trên Pháp (Sự tướng) – Lý, chỉ chấp tướng bên ngoài mà cầu, trong thì mở cửa 3 độc, thường làm nghiệp ác, ngoài làm ra tướng ghê gớm, trá hiện oai nghi, chẳng khỏi luân hồi, há thành công đức (?)!
(trích Luận Phá Tướng
Bồ Đề Đạt Ma Quán Tâm Pháp)
Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!
Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
Cổ Thiên