KINH BỒ ĐỀ ĐẠT MA QUÁN TÂM PHÁP
QUÁN TÂM NHIẾP PHÁP CẦU ĐẠO
– Hỏi: Nếu muốn cầu Đạo phải tu cách nào cho đưọc chóng tắt nhất ?
Đáp: Chỉ có Pháp QUÁN TÂM NHIẾP HẾT CÁC PHÁP là chóng tắt nhất.
– Hỏi: Vì sao mà một pháp nhiếp được hết các pháp?
Đáp: Vì Tâm là nguồn cội của vạn Pháp, hết thảy Pháp đều từ Tâm sanh. Nếu tỏ được tâm thì vạn Pháp đều đủ. Cũng như cây to, cành lá hoa quả sum xuê đều từ gốc cả. Khi trồng cây phải chú ý săn sóc ở gốc cây thì cây mới được sanh sôi. Đốn cây cũng cứ đốn ở gốc thì toàn thân cây đều chết. Nếu tỏ Tâm mà tu thì dụng lực ít mà thành công dễ; chẳng tỏ Tâm mà tu phí công vô ích.
Nên biết tất cả thiện ác đều từ Tâm, lìa Tâm mà tìm Đạo là việc luống công.
– Hỏi : Vì sao quán Tâm gọi là cứu cánh?
Đáp : Bực Đại Bồ-Tát khi thâm nhập vào pháp Đại-trí-huệ biết được tứ đại vỗn rỗng không vô ngã. Thấy được tự tâm khởi dụng có hai mặt khác nhau: một là tâm nhiễm, hai là tâm tịnh. Hai mặt tâm pháp này tự nhiên vốn đầy đủ.
Tuy nhờ duyên hợp, nhưng hai tướng vẫn làm nhân đối đãi lẫn nhau. Tâm tịnh thích làm nhân lành, tâm nhiễm thường ưa nghiệp ác. Nếu chẳng thọ nhiễm thì gọi là Thánh, thoát ly các khổ, chứng cái thật vui. Nếu đọa vào tâm nhiễm thì tạo nghiệp, chịu trói buộc; gọi là Phàm, trôi lăn trong ba cõi, chịu muôn điều thống khổ.
Vì sao thế ? Vì tâm nhiễm trái chướng với thể Chơn như.
Nên Kinh Thập-Địa nói : Trong thân chúng sanh có Tánh Phật Kim-Cang tròn sáng như mặt trời, rộng lớn không bờ mé. Vì bị mây 5 ấm che khuất như đèn bị chậu úp, sáng không hiện được.
Lại trong Kinh Niết-Bàn có nói: hết thảy chúng sanh đều có Tánh Phật, vì bị vô minh che khuất nên chẳng được giải thoát. Tánh Phật tức là Tánh Giác đó, chỉ tự giác và độ cho kẻ khác giác ngộ (giác tha). Giác ngộ rõ suốt thì gọi là Giải thoát.
Nên biết tất-cả việc thiện đều lấy Giác làm gốc. Nhờ Giác mới có thể hiển hiện các cội công đức, quả Niết-Bàn cũng nhân đây mà thành tựu.
Quán Tâm như thế có thể gọi là “liễu”.
(trích Luận Phá Tướng
Bồ Đề Đạt Ma Quán Tâm Pháp)
————————————————
LỜI BÀN
TÂM là nguồn cội của vạn pháp, hết thảy pháp đều từ tâm sanh. QUÁN TÂM NHIẾP HẾT CÁC PHÁP tức là NHIẾP TÂM.
Như đã giảng trong các bài trước, niệm Phật hay tham thiền chính là nương nơi câu Phật hiệu DIỆU A DI ĐÀ PHẬT hay chiếu cố thoại đầu KHI CHƯA CÓ TRỜI ĐẤT, TA LÀ GÌ? để NHIẾP TÂM, tịnh hóa mọi vọng niệm, đốn bỏ sạch tận gốc rễ cái biết – tri thức phàm phu thế gian cũng như kiến – lậu – hoặc huân tập nhiều đời. Đây chính là pháp TRỰC CHỈ CHƠN TÂM “chóng tắt nhất” như lời Tổ khai thị.
Tất cả việc Thiện đều lấy Giác làm gốc, tất cả việc Ác đều do Mê làm gốc. Giác thì giải thoát, Mê thì khổ đọa. Tất cả Thiện – Ác, Giác – Mê đều từ Tâm, nên nói: Công đức (giải thoát) do tâm sanh, Nghiệp tội (khổ đọa) do tâm diệt. Làm sao chúng sanh đoạn Mê hiển Giác nếu không trưởng dưỡng tâm Từ – Bi – Hỷ – Xả, Giới Đức trang nghiêm, miên mật chuyên tu dụng công Tham Thiền, Niệm Phật trực chỉ chơn tâm, theo Bát Chánh Đạo và Lục Độ mà sống và tu hành?
Thời gian thoi đưa, mọi sự ở đời có gì “thật còn” mãi. Sanh tử vô thường trong chớp mắt, mong đừng để uổng phí thân Người khó được.
Giác hay Mê, giải thoát tử sanh hay khổ đọa trầm luân, tất cả đều do lòng (tâm).
“Đừng làm các điều ác,
Tu tập mọi hạnh lành,
Giữ tâm ý trong sạch,
Đó là lời Phật dạy!”
(Kinh Pháp Cú)
TU PHẬT chứ đừng chỉ HỌC PHẬT!
Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!
Diệu Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
Cổ Thiên