Luận về khoa học, các món rau đậu có rất nhiều sinh tố bổ dưỡng thân thể, lại ít chất độc hơn thịt, nhưng cần phải nấu cho có vệ sinh.
Luận về đạo đức, ăn chay tránh sự sát sanh, giải được nạn oan cừu báo oán, khỏi được các trược khí huyết nhục, trợ duyên cho công phu tham thiền, niệm Phật, tụng kinh, trì chú được linh nghiệm.
Theo phép trì trai, trong bữa cơm trước khi ăn, Phật tử phải dùng ba miếng cơm lạt, vừa ăn vừa đọc:
“Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng. Nguyện đoạn nhứt thiết ác, nguyện tu nhứt thiết thiện, nguyện độ nhứt thiết chúng sanh“.
Âu cũng là một bài học nhắc nhở cho Phật tử đừng quên bổn phận Từ Bi. Ăn chay cốt yếu phải giữ trai tâm.
Phép trì trai có:
A. Đoản trai: đại khái như:
1. Sóc vọng trai: mỗi tháng ăn chay trong hai ngày tức là ngày mùng 1 và ngày rằm.
2. Lục trai: mỗi tháng ăn chay trong 6 ngày: 8, 14, 15, 23, 29, 30 (tháng thiếu thì tính ngày 28, 29 thế cho 29, 30).
3. Thập trai: mỗi tháng ăn chay trong 10 ngày: 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 (tháng thiếu tính ngày 27, 28, 29 thế cho 28, 29, 30).
4. Bán nguyệt trai: mỗi tháng ăn chay trong 15 ngày, như ngày mùng 1 ăn chay, ngày mùng 2 ăn mặn… Cứ một ngày ăn chay, một ngày ăn mặn.
5. Tam nguyệt trai: mỗi năm ăn chay trong 3 tháng: tháng Giêng, tháng Năm, tháng Chín (hoặc tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Mười).
B. Trường trai: ngày nào cũng ăn chay (hai hoặc ba bữa cơm). Còn như mỗi ngày chỉ ăn một bữa cơm chay đúng giờ Ngọ (12 giờ trưa) gọi là Ngọ trung trai.
Phần đông cư sĩ vì gia duyên ràng buộc nên không trường trai được. Vậy trong lúc ăn mặn, không nên dùng năm món gọi là ngũ vị tân: hành, hẹ, tỏi, nén, hưng cừ (hừng cừ là một giống cây có củ ở bên Tàu, giống như củ kiệu ở Việt Nam) vì năm món gia vị đó có tính chất sanh dục và tổn thần, lại là những món có mùi thích hạp với ma quỷ.
Bất đắc dĩ, nếu vị cư sĩ nào còn ăn mặn, muốn tránh sự cố sát thì có thể dùng năm thứ thịt gọi là Ngũ tịnh nhục như sau:
1. Tự tử nhục: thịt của thú vật tự chết.
2. Điểu tàn nhục: thịt của thú vật chết và bị chim ăn còn dư.
3. Bất kiến sát nhục: thịt của thú vật mà mình không thấy ai giết.
4. Bất văn sát nhục: thịt của thú vật mà mình không nghe ai giết.
5. Bất nghi vị kỷ sát nhục: thịt của thú vật mà mình không nghi vì mình mới bị giết.
Tuy nói năm thứ thịt nhưng chỉ có ba, vì hai thứ Tự tử nhục và Điểu tàn nhục chắc không ai dùng.
Riêng các vị chơn xuất gia, chuyên tu giải thoát, theo phái Đại thừa Phật giáo thì phải hoàn toàn ăn chay trường, không được viện lý do chi mà tự chế ăn mặn.
Thiền sư Thích Từ Quang)
Diệu A Di Đà Phật _()_