KINH PHÁP CÚ
6. PHẨM HIỀN TRÍ
Pháp Cú 79
79. Ai thấm nhuần Chánh Pháp,
Người ấy tâm an bình,
Bậc trí vui Chánh Pháp,
Do Thánh nhơn thuyết minh.
Thế Tôn đã dạy câu trên tại Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Ðại Kappina.
Chuyện quá khứ
4A. Thợ Dệt Và Gai Chủ
Xưa kia, Tôn giả Ðại Kappina đã phát nguyện dưới chân Phật Padumuttara. Trải qua nhiều kiếp luân hồi, sau cùng Ngài xin làm thợ dệt chánh tại một làng dệt gần Ba-la-nại. Lúc đó có một ngàn vị Phật Ðộc Giác đã ở tám tháng trong Hy-mã-lạp-sơn, xuống núi đến vùng lân cận Ba-la-nại để trú qua bốn tháng mưa, và tám vị được phái đến yết kiến vua để xin chỗ ở. Vua đang bận rộn chuẩn bị lễ Hạ Ðiền, nên trả lời thẳng thừng là không rảnh để lo, hẹn các vị trở lại vào ngày mốt, xong quay lưng về cung, không mời ngay cả một bữa ăn. Các vị bèn quyết định qua làng khác.
Tình cờ vợ người thợ dệt chánh đi đến Ba-la-nại, gặp các vị, đảnh lễ và hỏi thăm:
– Chư Tôn giả! Có việc gì mà các vị đến phi thời như thế?
Khi biết rõ mọi việc, và vốn thông minh, thành tín, bà liền mời các vị thọ trai vào ngày mai. Dù sau đó biết các vị Phật lên đến một ngàn, bà vẫn đoán chắc với các vị là làng này có một ngàn thợ dệt, và mỗi người sẽ lo cho một vị, thực phẩm lẫn chỗ ở. Ðược các vị hứa khả, bà tức tốc về làng báo tin, rồi cho dựng rạp, sắp chỗ ngồi, chuẩn bị các món ăn thượng vị chờ đón. Cuối bữa ăn, bà cùng tất cả phụ nữ làng đảnh lễ các vị và thưa thỉnh họ ở lại ba tháng. Ðược nhận lời, bà động viên dân làng, mỗi nhà một người xách búa, rìu, vào rừng đốn cây để dựng lều cỏ và lá. Mỗi nhà dựng một lều, có chỗ ở ban ngày và chỗ nghỉ ban đêm, tất cả một ngàn cái. Và dân làng đã cung ứng đầy đủ mọi nhu cầu của các vị trong ba tháng mưa. Ðến ngày cuối, bà thuyết phục mỗi nhà cúng cho vị Phật đã nhập hạ trong lều của mình một bộ y đáng giá một ngàn đồng. Hết mùa an cư, các vị Phật cảm tạ, ra đi.
Do công đức này, dân làng dệt tái sanh làm một nhóm chư thiên ở cõi trời ba mươi ba. Hưởng hết phước báo cõi Trời, họ tái sanh làm những gia chủ ở Ba-la- nại dưới thời Phật Ca-diếp. Thợ dệt chánh là con trai một tộc trưởng, vợ anh ta cũng là con gái một tộc trưởng. Các cô lập gia đình với các ông trước kia là chồng mình.
Ngày nọ, nghe tin Thế Tôn thuyết pháp, các gia chủ đưa vợ cùng đến tinh xá. Vừa vào cổng thì mưa trút xuống. Những người có họ hàng với Sa-di hay Tỳ- kheo trong tinh xá thì vào thất các vị ấy trú. Còn đám gia chủ này chịu trận vì không có thân nhân.
Gia chủ trưởng cằn nhằn với người của mình:
– Thật là kỳ cục! Những người đàng hoàng đứng đắn như chúng ta đây lâm vào hoàn cảnh như thế này, thật đáng xấu hổ!.
Và ông khuyên mọi người hùn tiền lại xây một tinh xá cho Phật. Gia chủ trưởng cúng một ngàn đồng, gia chủ khác mỗi người năm trăm, các bà vợ mỗi người hai trăm năm chục. Vì công trình quá qui mô, với một ngàn ngọn tháp bao quanh, nên nửa chừng hụt tiền họ phải đóng thêm một nửa số tiền nữa. Tinh xá hoàn tất, họ làm lễ khánh thành, cúng dường Phật và Tăng chúng suốt bảy ngày và tất cả hai mươi ngàn Tỳ-kheo mỗi vị một bộ y.
Riêng vợ của gia chủ trưởng cũng đóng góp như mọi người và với khôn ngoan bà phát tâm cúng dường thêm cho Phật một bộ y màu hoa Anoja trị giá một ngàn đồng với một bó hoa Anoja, bà xin được đẹp và có tên như hoa Anoja ở kiếp sau. Phật hứa khả. Sau khi mạng chung, mọi người đều sanh thiên.
Chuyện hiện tại
4B. Vua Kappina Và Hoàng Hậu Anoja
Từ cõi trời, gia chủ trưởng tái sinh vào hoàng tộc xứ Kukkutavatì, tức vua Kappina. Những người khác đều làm quan trong triều. Vợ của ông thì tái sanh vào hoàng cung xứ Maddà trong thành Sàgala. Nước da bà y như màu hoa Anoja nên có tên là Anoja. Khi đến tuổi thành hôn, bà trở thành vợ vua Kappina, hoàng hậu Anoja. Các phụ nữ khác cũng sanh vào nhà các quan, mọi người đều hưởng vinh hoa phú quý, y như vua, cũng cưỡi voi hoặc ngồi xe ngựa, cũng trang phục lộng lẫy, vì đời trước họ và vua đều cùng làm phước y như nhau.
Nhà vua có năm con ngựa: Vàla, Puppha, Vàlavàhana, Pupphavàhana và Supatta. Con Supatta dành cho vua và bốn con kia cho những người đưa tin. Một sáng, vua hạ lệnh cho họ phóng ra bốn cửa thành tìm khắp trong hai, ba dặm xem có Phật, Pháp, Tăng không. Họ trở về không tin tức gì.
Ngày kia, vua cùng các cận thần cưỡi ngựa dạo hoa viên, thấy năm trăm thương nhân dáng mệt mỏi đang tiến vào thành. Vua cho vời họ lại hỏi thăm, biết đâu nghe được tin lành. Họ từ thành Xá-vệ đến, cách đây một trăm hai mươi dặm đường, và điều làm cho vua run lên với năm cảm xúc vui mừng là họ báo tin đấng Giác Ngộ, đức Phật đã ra đời. Ngập ngừng một lát, vì không tự chế ngự nổi, vua lắp bắp hỏi lại cho chắc:
– Ðạo hữu, quý vị nói gì?
– Ðức Phật đã ra đời.
Lần thứ hai, rồi lần thứ ba vua nghe như thế, và tặng cho họ một trăm ngàn đồng, xong hỏi tiếp còn tin gì nữa không?
– Thưa Ðại vương, Giáo pháp đã ra đời.
Cũng như lần trước, vua ngập ngừng vì không chế ngự được cảm xúc của mình, hỏi lại lần thứ hai, lần thứ ba, rồi cho một trăm ngàn đồng nữa. Và khi được nghe Tăng đoàn đã ra đời, họ lại được vua ban thêm một trăm ngàn đồng nữa.
Vua nhìn lại một nghìn cận thần của mình, hỏi:
– Ðạo hữu, hạnh phúc của quý vị là gì?
Họ hỏi lại vua:
– Còn hạnh phúc của đại vương là gì?
– Phật đã ra đời, Pháp đã ra đời, Tăng đã ra đời. Ta không trở về cung điện nữa, vì Ðạo sư, ta sẽ đi tu theo Ngài.
Họ đồng thanh thưa:
– Tâu đại vương, chúng tôi cũng xuất gia như Ngài.
Vua viết thông điệp trên một dĩa vàng, trao cho đám thương nhân và bảo họ:
– Hoàng hậu Anoja sẽ cho các ngươi ba trăm ngàn đồng ngay khi nhận thông điệp này “Vương quyền nay giao trọn cho hoàng hậu, hãy an hưởng phú quý vinh hoa”. Và nếu hoàng hậu hỏi ta ở đâu thì cho biết ta đã lên đường xuất gia theo Ðạo sư.
Các cận thần cũng gởi thư về cho vợ tương tự như thế. Và vua tôi hơn một ngàn người ra đi.
Sáng sớm hôm ấy, Phật quán sát thế gian biết rõ sự việc như trên, và còn thấy trước là họ sẽ chứng A-la-hán với các thần thông, nên Ngài đến gặp họ. Giống như một Chuyển Luân thánh vương đến gặp thôn trưởng nhỏ, đức Phật đắp y ôm bát, lên đường đi suốt hai trăm dặm, đến ngồi bên bờ sông Candabhàgà, dưới một gốc đa và phóng hào quang sáu màu. Trên đường đi, nhà vua và các quan gặp một con sông tên Aravacchà sâu một dặm, rộng hai dặm, không có thuyền bè gì. Nếu cứ đi tìm thuyền bè thì già chết theo sau. Và với quyết tâm từ bỏ thế gian vì Tam Bảo, vua nguyện thần lực của Tam Bảo sẽ cho nước sông không còn là nước nữa. Rồi vua hướng về đức Phật, chú tâm:
– Ngài là đấng Giác Ngộ, Thế Tôn, bậc Chánh Biến Tri.
Trong khi chú tâm như vậy, vua và các quan trên lưng ngàn ngựa phi trên mặt sông như trên đá phẳng, không bị ướt dù chỉ đầu móng chân.
Qua sông rồi, vua tiếp tục gặp con sông khác tên là Nĩlavàhanà, sâu nửa dặm, rộng nửa dặm. Mọi việc diễn ra y như trước, chỉ khác là lần này vua chú tâm vào Pháp Bảo:
– Giáo pháp do Thế Tôn thuyết vi diệu thay!
Ðến con sông thứ ba là Candabhàgà sâu một dặm, rộng một dặm. Lần này vua chú tâm vào Tăng Bảo:
– Tăng đoàn của Thế Tôn tối chơn chánh thay!
Qua sông rồi vua tiếp tục hành trình thì trông thấy hào quang sáu màu từ thân Phật phóng ra. Cành, thân, lá cây đa đều như bằng vàng. Vua nghĩ rằng ánh sáng này không phải của mặt trời, mặt trăng, rồng, thần Garuda (Kim xí điểu), mà vì vua quyết đi xuất gia theo Thế Tôn nên đã được đức Phật thấy biết. Vua lập tức xuống ngựa, nghiêng mình về phía hào quang, đến chỗ Thế Tôn. Vua bước vào Phật quang như bị ngập trong biển son, đảnh lễ Thế Tôn rồi cùng một ngàn cận thần cung kính ngồi một bên.
Thế Tôn theo thứ lớp thuyết pháp. Cuối thời pháp, vua và các quan chứng quả Dự lưu, cùng đứng lên xin gia nhập Tăng đoàn. Phật quán sát, biết rằng những vị này trước đây cúng một ngàn y cho một ngàn vị Phật Ðộc Giác, và trong thời Phật Ca-diếp cũng cúng hai mươi ngàn bộ y cho hai mươi ngàn Tỳ-kheo. Như vậy họ sẽ được y bát do thần lực. Phật liền duỗi tay phải ra và nói:
– Hãy đến, chư Tỳ-kheo! Hãy sống đời phạm hạnh, đoạn tận phiền não.
Ngay đó họ đều được tám món cần dùng, thành các Trưởng lão trăm tuổi. Họ bay lên không, đáp xuống đất đảnh lễ Ðạo sư và ngồi xuống.
Về phần các thương nhân đến hoàng cung, gặp hoàng hậu đưa dĩa vàng. Họ thuật chuyện lại. Và khi họ lặp lại tin Phật, rồi Pháp, rồi Tăng ra đời, cũng y như vua, hoàng hậu chấn động cả thân tâm; mỗi tin như thế bà thưởng cho họ ba trăn ngàn đồng. Sau cùng nghe vua và các quan đều xuất gia thành Tỳ-kheo, hoàng hậu triệu tập phu nhân các quan, kể lại chuyện, và mọi người đồng hỏi hoàng hậu:
– Họ có nhắn gì không, thưa hoàng hậu?
– Họ giao toàn bộ tài sản, địa vị cho các bạn tự do an hưởng.
– Nhưng hoàng hậu định như thế nào?
– Nhà vua biết phú quý vinh hoa sẽ dẫn đến đau khổ, thì ta cũng vậy. Ai lại quỳ xuống liếm nước bọt của vua nhổ ra. Ta không cần vinh hoa phú quý, ta cũng sẽ lên đường theo đấng Ðạo sư.
– Vậy chúng tôi cũng theo lệnh bà và xuất gia.
Và hoàng hậu ra lệnh chuẩn bị một ngàn xe ngựa rồi cùng các phu nhân lên đường. Cũng như vua trước đây, bà đến con sông đầu tiên, thắc mắc không biết làm sao, chỉ thị tìm dấu chân ngựa của vua, nhưng không thấy gì hết. Nghĩ rằng chắc vua tuyên bố “Vì Tam Bảo mà từ bỏ thế gian” và nhờ đó qua sông, hoàng hậu cũng nguyện y như vậy, và chú tâm về Tam Bảo lực, bà hạ lệnh cho một ngàn xe ngựa tiến lên qua sông như phi trên tảng đá phẳng. Cả đoàn và luôn cả vành xe đều không ướt. Cũng thế, bà qua hai con sông còn lại.
Biết bà sắp đến, Thế Tôn biến hóa khiến các Tỳ-kheo vô hình, không ai thấy các Ngài ngồi quanh Phật, hoàng hậu đến gần trông thấy hào quang chiếu sáng, bà cũng nghĩ như vua trước đó. Gặp Thế Tôn bà đảnh lễ, cung kính đứng một bên thưa hỏi:
– Bạch Thế Tôn! Con nghĩ Ðại Kappina đã đến đây và thưa với Thế Tôn từ bỏ thế gian vì đấng Ðạo sư. Hiện nay vua ở đâu xin chỉ cho chúng con.
Phật bảo:
– Hãy ngồi xuống! Các con sẽ gặp ông ta ngay đây.
Các bà rất vui mừng, vì nghĩ rằng ngồi đó sẽ thấy được chồng mình. Và họ ngồi xuống.
Thế Tôn thuyết pháp theo thứ lớp. Cuối bài pháp, hoàng hậu và đoàn tùy tùng đều chứng quả Dự lưu. Trưởng lão Ðại Kappina và tùy tùng nghe Phật thuyết pháp cho các bà liền chứng A-la-hán cùng các thần thông. Lúc đó Thế Tôn chỉ các Tỳ-kheo cho các bà. Sở dĩ Thế Tôn không chỉ các Tỳ-kheo ngay vì e rằng các bà thấy chồng mình đắp y vào, đầu trọc, sanh tâm phiền muộn không thể chứng được đạo quả. Khi niềm tin các bà đã vững chắc, Phật mới chỉ cho thấy các Tỳ-kheo lúc đó là bact A-la-hán. Và các bà đã sụp lạy trước các vị tân A-la- hán, thưa:
– Chư Tôn giả! Các Ngài bây giờ đã đạt đến cứu cánh của đời tu.
Rồi họ đảnh lễ Thế Tôn, cung kính đứng một bên và xin được gia nhập Tăng đoàn. Vài Tỳ-kheo nghĩ rằng Thế Tôn sẽ giao cho Tỳ-kheo Ni Liên Hoa Sắc (Uppalavannà) nhưng Thế Tôn lại bảo họ đến Xá-vệ, vào tinh xá của Tỳ- kheo ni. Họ đi bộ suốt một trăm hai mươi dặm, nơi nào cũng được dân chúng đối xử tử tế và tôn kính. Họ được nhận vào Ni chúng và chứng A-la-hán. Thế Tôn dẫn một ngàn Tỳ-kheo bay lên không về Kỳ Viên.
Tại Kỳ Viên, Tôn giả Ðại Kappina đến chỗ ở ban ngày và chỗ ngủ ban đêm thốt lên:
– Ôi hạnh phúc thay! Ôi hạnh phúc thay!
Các Tỳ-kheo nghe được báo cho Thế Tôn, nghĩ rằng chắc ông nói vì hạnh phúc quyền thế khi còn làm vua. Thế Tôn gọi Ngài đến hỏi tại sao lại nói về hạnh phúc của tình yêu và quyền thế. Ngài thản nhiên trả lời rằng chắc Thế Tôn thừa biết Ngài có thốt những lời như thế hay không. Thế Tôn liền bảo các Tỳ-kheo:
– Này các Tỳ-kheo! Ðệ tử Ta nói như thế không phải liên quan đến quyền lực. Ông ấy đang uống nước pháp và hạnh phúc trong chánh pháp. Niềm hoan hỷ của ông ấy liên quan đến Niết-bàn bất tử.
Và Phật đọc Pháp Cú:
Ai thấm nhuần Chánh Pháp,
Người ấy tâm an bình,
Bậc trí vui Chánh Pháp,
Do Thánh nhơn thuyết minh.
(bài kết hợp từ Tích Truyện Pháp Cú (Thiền viện Viên Chiếu)
và Thi Kệ Pháp Cú Kinh (Tịnh Minh))