nhung-dieu-tam-niem-dieu-phuc-tam
Ảnh: sưu tầm

Đức Phật dạy: Người thường bị mắt dối gạt, bị tai dối gạt, bị mũi dối gạt, bị miệng dối gạt, và bị thân dối gạt.

Kinh A Hàm Chánh Hạnh

Nếu chuyên niệm phân biệt kỹ sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; cùng sáu cảnh trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp thì quyết chẳng đọa vào ác đạo.

Mắt xem sắc hoặc tốt hay xấu, thấy tốt thì ưa, xấu thì ghét. Tai nghe tiếng hoặc hay hay dở, nghe hay là ưa, dở là ghét. Mũi, lưỡi, thân, ý cũng giống như thế.

Ví như sáu loại thú tánh tình chẳng giống nhau; nếu có người bắt các con: chó, chồn, khỉ, lươn, rắn và chim, lấy dây trói chùm lại để một chỗ rồi thả nó ra. Bấy giờ trong ý mỗi con muốn chạy mỗi nơi: chó muốn chạy rong trong làng xóm; khỉ muốn chạy lên núi chuyền cây trên rừng, chồn muốn chạy vào hang trong những ngôi mả xưa; lươn muốn bò xuống nước; rắn muốn bò vào hang; và chim muốn bay giữa trời cao. Vì sáu con tánh hạnh khác nhau nên ý muốn chẳng đồng.

Lại có người cũng bắt sáu con này trói chùm để nằm chung một chỗ, chẳng cho bay chạy đi đâu cả, khi ấy mặc cho chúng cựa quậy dãy dụa nhưng chẳng xa lìa chỗ nằm.

Sáu tình thức của người cũng giống như thế; nó đều có chỗ sở thủ riêng nên công dụng chẳng đồng, chỗ nhận thấy có khác, có tốt có xấu. Khi ấy, các Tỳ kheo (hãy) trói buộc sáu tình thức để chung một nơi, phải tinh tấn tu niệm chẳng cho tâm ý rối loạn. Bấy giờ, tệ ma ba tuần có muốn quấy rối thì cũng chẳng làm gì được. Do đó các công đức lành thảy đều trọn nên.

Kinh Tăng Nhất A Hàm

Ngày xưa, khi đức Phật còn tại thế, có một người Đạo nhơn ở gốc cây bên sông học đạo trong khoảng 12 năm ròng mà chẳng trừ được lòng tham dục, tâm ý thường chạy tán loạn, cứ nhớ năm món dục liền suy nghĩ muốn được mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, miệng nếm vị, thân cọ xát và ý duyên pháp. Hễ thân động là ý chạy, không có chút yên nghỉ.

Khi ấy, Đức Phật quán biết kẻ Đạo nhơn kia đã đến lúc độ được nên Ngài liền đi đến nơi gốc cây nọ cùng với ông ta ngủ lại một đêm. Trong giây lát có con rùa từ dưới sông bò lên đi đến gần cây, lát sau lại có con chó nước đói đang đi kiếm ăn, may gặp rùa liền muốn ăn thịt. Rùa liền thụt đầu, đuôi và bốn chân giấu kín trong mai, chó nước không thể hại được. Chó bỏ đi xa xa, rùa ta ló đầu, chân thong thả bò đi. Thế là chó nước chẳng làm gì được, rùa được thoát nạn.

Khi ấy Đạo nhơn thấy vậy mới hỏi Phật rằng: có phải con rùa nó nhờ có mai hộ mạng nên chó nước chẳng ăn được không?

Phật đáp: Phải.

Ngài tiếp: Ta nghĩ người đời chẳng bằng rùa nầy. Họ chẳng biết vô thường, buông lung sáu tình nên bị ngoại ma làm hại. Khi mà thân hình này hư hoại, thần thức xa lìa, sanh tử không ngằn, trôi lăn sáu đạo, khổ não trăm ngàn; ấy đâu chẳng phải đều bởi tâm ý gây nên. Cho nên tự phải cố gắng siêng năng tu hành giải thoát.

Nhân đó, Phật liền nói kệ tóm tắt:

Giấu căn như rùa,
Phòng ý như thành,
Chiến với ma dữ,
Không lo bại trận.

Kinh Pháp Cú

Năm căn, tâm làm chủ nên các người phải khéo ngăn ngừa. Tâm là đáng sợ hơn hết, sợ hơn rắn độc, ác thú, giặc cướp và lửa dữ.

Đức Phật dạy: Này các Tỳ kheo! Đã được an trụ giới pháp phải ngăn ngừa năm căn, chớ cho buông lung vào nơi ngũ dục. Ví như người chăn trâu cầm gậy chăn giữ chẳng cho buông lung ăn hại mạ người. Nếu thả năm căn thì năm dục không bờ mé khôn ngăn. Cũng như ngựa dữ nếu chẳng dùng dây cương, nó sẽ lôi người sa vào hầm hố; lại như bị cướp hại khổ chỉ một đời, giặc hại năm căn khổ lụy nhiều kiếp, bị hại rất nặng, lẽ nào chẳng cẩn thận lắm thay. Vậy nên người trí ngăn mà chẳng theo, giữ như giữ giặc chẳng cho chạy rong. Nếu sẩy chạy rong trong chừng giây lát liền thấy tai hại.

Trong năm căn này, tâm làm chủ. Vậy nên các người phải khéo chế phục!

Kinh Di Giáo

Đức Phật bảo các Sa môn rằng: cẩn thận chớ vội tin ý người, ý thức quyết chẳng khá tin.

Kinh Tứ Thập Nhị Chương

Động tác của thân đều do tâm mà khởi, cho nên trước phải điều khiển tâm, chớ khổ lo nơi thân vì thân không tri giác như cây đá, tại sao cứ theo tâm mà làm khổ thân?

Kinh Phật Bổn Hạnh

Người nào tâm buông lung, sau không khỏi ăn năn, tội lỗi tâm buông lung, nặng hơn núi Tu Di.

Kinh Nhẫn Nhục

Cất trăm ngôi chùa Phật, chẳng bằng cứu sống một người. Cứu sống người khắp mười phương thiên hạ, chẳng bằng một ngày tu tâm.

Kinh Ma Ý

Thà tự mổ bụng chẻ xương, quyết chẳng theo tâm làm ác.

Kinh Niết Bàn

Phật dạy: Các Tỳ kheo, tâm quanh co trái nghịch với Đạo, vậy nên phải dùng tâm ngay thẳng. Phải biết tâm quanh co chỉ để dối gạt, người vào Đạo thời không làm vậy. Vậy nên các người hãy dùng tâm đoan chánh ngay thẳng làm gốc.

Kinh Di Giáo

Ví như quân ra trận đông hàng trăm vạn, nhờ các vị danh tướng mà thắng địch. Kẻ Đạo nhơn uốn dẹp tâm ý, phụng Đạo tu pháp, thuận tu giới cấm, thân ý trong sạch, thi ân bố đức, trừ bỏ giận dữ / kiêu mạn / tranh cãi, chuyên tinh tu Đạo thì giống như những vị danh tướng điều khiển binh cơ.

Kinh Tứ Tự Xâm

Ngồi giữa đám đông, chẳng hổ với người, được nhiều người trọng kính là nhờ tâm mình trong sạch ngay thẳng vậy.

Kinh Chánh Hạnh

Người rèn sắt bỏ sét làm thành món đồ, đồ ấy được tinh xảo. Người ưa học Đạo bỏ tâm nhơ bẩn, hạnh liền trong sạch.

Kinh Tứ Thập Nhị Chương

Như người chầm chậm thong thả tinh tiến, rửa trừ tâm dơ như thợ luyện vàng; ác do tâm sanh lại hại tự thân, như sắt sanh sét trở lại ăn sắt.

Kinh Pháp Cú

Nước Ba Tư Nại có một cư sĩ tên là Cúc Đề, sanh hạ một trai tên là Ưu Bà Cúc Đề. Khi đã trưởng thành, vì nhà nghèo nên làm nghề nấu nướng. Người cha cho của cải khiến mở tiệm buôn bán. Bấy giờ có ngài La Hán tên Đa Thế Bệ đến nhà thuyết pháp giáo hóa, dạy tu phép kể niệm: lấy một mớ đá đen, trắng làm cái bàn toán. Hễ nghĩ một niệm lành thì hạ xuống một hòn đá trắng, mà khởi một niệm ác thì hạ xuống một hòn đá đen.

Ưu Bà Cúc Đề vâng theo lời dạy. Tùy niệm thiện ác chính lúc khởi lên liền hạ xuống một hòn đá trắng hoặc đen. Ban đầu đen nhiều hơn, trắng rất ít; dần dần tụ tập, đen trắng ngang nhau. Rồi chăm tu chẳng gián đoạn thì hẳn không có hòn đen nào cả, mà chỉ toàn hòn trắng. Khi ấy niệm thiện đã thắng hẳn liền chứng được Sơ quả.

Kinh Hiền Ngu

Người hàng phục ý mình không nổi, sao có thể hàng phục được ý người. Phải hàng phục ý mình trước đã mới có thể hàng phục được ý người.

Kinh Tam Huệ

Người trí lấy Huệ luyện tâm tìm xét các lỗi, như kim khí còn quặng luyện vài trăm lần mới thành vàng ròng, cũng như biển cả ngày đêm sôi động mới có ngọc báu.

Lại cũng như thế, tu tâm đêm ngày chẳng dứt mới chứng được Đạo quả.

Kinh Xuất Diệu

—————————————

Tham khảo: